Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bộ đề Đọc hiểu văn bản học kì 1 lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2020 - 2021

Bộ đề Đọc hiểu văn bản học kì 1 lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2020 - 2021 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 10 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.

Bộ đề Đọc hiểu văn bản học kì 1 lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2020 - 2021 bao gồm 08 đề đọc hiểu văn bản chọn lọc có đáp án với các câu hỏi: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng thấp - Vận dụng cao giúp các em ôn luyện phần ngữ pháp Tiếng Việt của mình được hiệu quả.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 10.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 1

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

"Hài hước cũng phải học, học để thưởng thức được cái hài, học để diễn được cái hài. Chính khách nhiều nước phải thuê thầy riêng đến nhà dạy cách pha trò hài hước. Hài để làm cho việc tuyên truyền được vui vẻ tự nhiên đậm đà ý nhị. Hài để tấn công đối thủ cũng đang đi vận động tuyên truyền lấy phiếu cử tri. Hài để đá bóng về sân đối phương. Hài để gỡ bí trong tình huống trớ trêu khó xử. Lúc ấy mà mặt khó đăm đăm thì chắc chắn sẽ liệt, sẽ mất điểm.

Chính khách khi nói một câu hóm hỉnh chưa chắc đã thực lòng nói, diễn đấy. Nghệ sĩ nhân dân đấy nghệ sĩ ưu tú đấy. Nhưng cái hóm hỉnh hài hước ấy thuyết phục được cử tri và công chúng, vậy là đạt được mục đích.

Cao hơn cả diễn nữa, là mình có khả năng hiểu được cái hài, thích cái hài, thấm được cái hài, mình cười một cách tự nhiên, pha trò một cách tự nhiên. Đấy là của trời cho. Đấy là người được thiên phú. Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ".

(Trích Không biết cười – Hồ Anh Thái, Lang thang trong chữ, Nxb Trẻ, 2015, tr. 56)

Câu 1: Chủ đề của đoạn văn là gì?

Câu 2: Tác giả đã nói về những tác dụng gì của cái hài và nói với giọng điệu ra sao? Hãy liệt kê các yếu tố hình thức cho phép anh (chị) nhận ra giọng điệu ấy.

Câu 3: Trong đoạn văn, từ "diễn" được tác giả dùng đến ba lần. Anh (chị) hiểu như thế nào về hàm nghĩa của từ này?

Câu 4: Từ điều tác giả Hồ Anh Thái gợi mở, hãy viết một đoạn văn khoảng 5 - 7 câu nói về ý nghĩa của cái hài trong cuộc sống.

Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 2

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong cuộc xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân. Chúng ta đã trở nên kỳ quặc mà không hề biết. Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ô tô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại (…)

Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp. Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt, và ghen tị với cuộc sống của người khác như một người đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi. Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái news feed để hòng tìm một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.

(Trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần hay vật chất?

Câu 2 (0,5đ): Theo tác giả, chiếc smartphone đem đến cho con người những lợi ích và tồn tại gì?

Câu 3 (1đ): Tại sao tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn”?

Câu 4 (1đ): Qua những cảnh báo trong đoạn trích, anh/chị rút ra bài học gì?

Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 3

Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:

Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưa
Gần gũi nhất vẫn là cây lúa
Trưa nắng khát ước về vườn quả
Lúc xa nhà nhớ một dáng mây
Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây
Một làn khói, một mùi hương trong gió...

Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ
Mọc vô tình trên lối ta đi
Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi
Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có.

(trích Cỏ dại - Vĩnh Linh)

Câu 1: Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Tác giả đã kể ra những sự vật gần gũi, thân quen nào?

Câu 3: Trong những sự vật ở quê nhà gần gũi mà tác giả kể trên, theo anh/chị tác giả gửi gắm tình cảm vào sự vật nào nhiều nhất? Vì sao?

Câu 4: Qua đoạn thơ trên, anh/chị hãy nêu cảm nghĩ về quê hương của mình.

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 3

Câu 1:

Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2:

Những sự vật được tác giả nhắc đến: cây lúa, vườn quả, dáng mây, dòng sông, ngọn núi, rừng cây, làn khói, mùi hương trong gió, ngọn cỏ.

Câu 3:

Tác giả gửi gắm tình cảm nhiều nhất vào ngọn cỏ dại vì nó từ lâu đã âm thầm trở thành biểu tượng của quê nhà nhờ sức sống dẻo dai, mãnh liệt.

Câu 4:

Nêu cảm nghĩ về quê hương:

Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là chốn dang tay đón chúng ta trở về yên bình sau bao bão táp phong ba ngoài cuộc sống…

Mỗi chúng ta cần yêu quý, trân trọng quê hương của mình đồng thời cố gắng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 4

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim cỏ những nhịp đập yêu thương.

(Trích “Lời khuyên cuộc sống…”)

Câu 1 (0,5đ): Nêu câu chủ đề của văn bản?

Câu 2 (1đ): Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 3 (1,5đ): Đoạn trích giúp anh/chị nhận ra bài học gì?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 4

Câu 1 (0,5đ):

Câu chủ đề của văn bản: “Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Câu 2 (1đ):

Nội dung chính của đoạn trích: bàn về ý nghĩa của việc cho và nhận trong cuộc sống đối với mỗi con người.

Câu 3 (1,5đ):

Bài học rút ra:

Cần sống có tình người, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia với người khác.

Chúng ta vỡ lẽ ra nhiều điều từ đoạn trích trên từ đó mỗi người tự biết cách điều chỉnh, hoàn thiện bản thân.

Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 5

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn.”

Câu 1 (0,5đ): Nêu câu chủ đề của văn bản.

Câu 2 (1đ): Từ đoạn văn trên, anh/chị hãy kể ra những “giá trị có sẵn tốt đẹp” của bản thân mình.

Câu 3 (1,5đ): Đoạn văn giúp anh/chị nhận ra điều gì?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 5

Câu 1 (0,5đ):

Câu chủ đề của đoạn văn: Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn.

Câu 2 (1đ):

Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau:

Giá trị có sẵn tốt đẹp của anh/chị là gì?

Anh/chị đã thể hiện giá trị đó như thế nào?

Anh/chị cầm làm gì để hoàn thiện bản thân mình hơn?

Câu 3 (1,5đ):

Bài học rút ra sau đoạn văn:

Mỗi con người đều có những giá trị tốt đẹp riêng, hãy biết trân trọng giá trị đó.

Sớm nhận ra những yếu điểm của mình và có biện pháp khắc phục chúng để hoàn thiện bản thân hơn.

Có ý thức rèn luyện lối sống lành mạnh, tốt đẹp.

Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 6

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưa
Gần gũi nhất vẫn là cây lúa
Trưa nắng khát ước về vườn quả
Lúc xa nhà nhớ một dáng mây
Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây
Một làn khói, một mùi hương trong gió...

Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ
Mọc vô tình trên lối ta đi
Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi
Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có.

(trích Cỏ dại - Vĩnh Linh)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5đ): Tác giả đã kể ra những sự vật gần gũi, thân quen nào?

Câu 3 (1đ): Trong những sự vật ở quê nhà gần gũi mà tác giả kể trên, theo anh/chị tác giả gửi gắm tình cảm vào sự vật nào nhiều nhất? Vì sao?

Câu 4 (1đ): Qua đoạn thơ trên, anh/chị hãy nêu cảm nghĩ về quê hương của mình.

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 6

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2 (0,5đ):

Những sự vật được tác giả nhắc đến: cây lúa, vườn quả, dáng mây, dòng sông, ngọn núi, rừng cây, làn khói, mùi hương trong gió, ngọn cỏ.

Câu 3 (1đ):

Tác giả gửi gắm tình cảm nhiều nhất vào ngọn cỏ dại vì nó từ lâu đã âm thầm trở thành biểu tượng của quê nhà nhờ sức sống dẻo dai, mãnh liệt.

Câu 4 (1đ):

Nêu cảm nghĩ về quê hương:

Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là chốn dang tay đón chúng ta trở về yên bình sau bao bão táp phong ba ngoài cuộc sống…

Mỗi chúng ta cần yêu quý, trân trọng quê hương của mình đồng thời cố gắng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 7

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến bóng cây ta hãy uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Câu 1 (0,5đ): Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Tác giả là ai?

Câu 2 (0,5đ): Nêu những chi tiết miêu tả cuộc sống của tác giả?

Câu 3 (1đ): Nêu nét đặc sắc nghệ thuật của hai câu thơ:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao

Câu 4 (1đ): Qua bài thơ, anh/chị hiểu thế nào về cách sống của tác giả? Từ đó rút ra bài học gì cho bản thân?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 11 số 7

Câu 1 (0,5đ): Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Câu 2 (0,5đ):

Những chi tiết miêu tả cuộc sống của tác giả: một mai, một cuốc, một cần câu, thơ thẩn, sống ở nơi vắng vẻ, ăn uống đạm bạc (thu ăn măng trúc, đông ăn giá), xuân tắm hồ sen hạ tắm ao, uống rượu dưới bóng cây và coi thường vinh hoa phú quý.

Câu 3 (1đ):

Nét nghệ thuật đặc sắc: đối lập: (ta - người, dại - khôn, vắng vẻ - lao xao).

Tác dụng: nhấn mạnh sự an nhàn, mặc kệ sự đời, mặc kệ người đời cho là dại để tác giả sống một cuộc sống của mình.

Câu 4 (1đ):

Cách sống của tác giả: an nhàn, đạm bạc nhưng bình yên không bon chen, vướng bận sự đời.

Điều học tập được: không nên tranh giành, đấu đá nhau, bon chen trong xã hội mà cố gắng sống một cuộc sống bình yên, thanh thản, tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của cuộc sống.

Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 8

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không. Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi:

- Em à, anh thích bánh mì cháy mà.

Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:

- Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.

Rồi ông nói tiếp:

- Con biết đó, cuộc đời đầy dẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.

Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2 (0,5đ): Đặt nhan đề cho câu chuyện.

Câu 3 (0,75đ): Những lời nói của người cha thể hiện điều gì?

Câu 4 (1,25đ): Nêu ý nghĩa của câu chuyện?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 8

Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự

Câu 2 (0,5đ): Nhan đề của văn bản: Miếng bánh mì cháy

Lưu ý: Học sinh có thể tự đặt nhan đề theo cách riêng của mình nhưng phải phù hợp với nội dung câu chuyện giáo viên vẫn cho điểm.

Câu 3 (0,75đ):

Những lời người cha nói với mẹ: thể hiện sự yêu thương, trân trọng người vợ; biết ơn, cảm thông cho những việc vợ làm cho mình dù nó không hoàn hảo.

Những lời người cha nói với con: đó là những lời dạy bảo con nhẹ nhàng mà sâu sắc, nhắc nhở con trai hãy trân trọng những việc không hoàn hảo mà người khác dành cho mình. Hãy sống thật bao dung để cuộc đời được thanh thản.

→ Có thể thấy đây là người cha dịu dàng, ấm áp, biết yêu thương, trân trọng những điều bình dị, chưa hoàn hảo trong cuộc sống mà người khác dành cho mình.

Câu 4 (1,25đ):

Câu chuyện không chỉ nói về tình yêu thương, trân trọng mà người chồng dành cho vợ, người cha dành cho con mà còn thể hiện một triết lí giá trị của cuộc sống: hãy biết yêu thương, trân trọng những điều người khác dành cho mình dù nó chưa hoàn hảo; biết chấp nhận sai sót của người khác vì cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu; hãy yêu quý những người cư xử tốt với mình và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.

Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 9

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Chiếm hết chỗ

Một người ăn mày hom hem, rách rưới, đến cửa nhà giàu xin ăn. Người nhà giàu không cho lại còn mắng:

- Bước ngay! Rõ trông như người ở dưới địa ngục mới lên ấy!

Người ăn mày nghe nói, vội trả lời:

- Phải, tôi ở dưới địa ngục mới lên đấy.

Người nhà giàu nói:

- Đã xuống địa ngục sao không ở hẳn dưới ấy, còn lên đây làm gì cho bẩn mắt?

Người ăn mày đáp:

- Thế không ở được nên mới phải lên. Ở dưới ấy các nhà giàu chiếm hết cả chỗ rồi!

(Theo Trương Chính - Phong Châu, Tiếng cười dân gian Việt Nam)

Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của câu chuyện.

Câu 2 (1đ): Người nhà giàu có thái độ gì với người ăn xin?

Câu 3 (1,5đ): Bài học được rút qua câu chuyện là gì?

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 9

Câu 1 (0,5đ):

Phương thức biểu đạt chính: tự sự.

Câu 2 (1đ):

Thái độ của người nhà giàu: khinh bỉ, coi thường, xua đuổi người ăn xin và cho rằng họ chỉ thuộc về nơi địa ngục.

Câu 3 (1,5đ):

Bài học được rút ra từ câu chuyện: không được coi thường người khác, sống có tấm lòng, biết chia sẻ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình

Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 10

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“… Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không sợ đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm…”

(Trích "Tre Việt Nam", Nguyễn Duy)

Câu 1 (0,5đ): Cây tre ở đoạn thơ trên mang những phẩm chất gì?

Câu 2 (1đ): Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.

Câu 3 (1,5đ): Viết đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của anh/chị về những đức tính quý báu được rút ra từ hình ảnh cây tre.

Đáp án Đề đọc hiểu Ngữ văn lớp 10 số 10

Câu 1 (0,5đ):

Cây tre mang những phẩm chất: khiêm tốn, chịu thương chịu khó, lạc quan, đoàn kết.

Câu 2 (1đ):

Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ: nhân hóa (cây tre mang những phẩm chất tốt đẹp của con người).

Tác dụng: tô điểm, nhấn mạnh vẻ đẹp của cây tre.

Câu 3 (1,5đ):

- Cảm nhận về những đức tính quý báu được rút ra từ hình ảnh cây tre:

Là hình ảnh đại diện cho những đức tính quý báu của con người Việt Nam.

Là tấm gương để con người học tập noi theo.

Thêm tự hào về bản chất mộc mạc mà cao đẹp đó.

-----------------------

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Bộ đề Đọc hiểu văn bản học kì 1 lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2020 - 2021. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Địa lý lớp 10, Trắc nghiệm Tiếng Anh 10, Chuyên đề Toán 10, Giải bài tập Vật lý 10 nâng cao mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em học tập thật tốt.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn lớp 10

    Xem thêm