Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cảm nhận về Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Ngữ văn 12: Cảm nhận về Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu Cảm nhận về Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, hy vọng qua bộ tài liệu các bạn học sinh sẽ nắm chắc nội dung bài học tốt cách đơn giản hơn. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

Học tốt Ngữ văn 12: Cảm nhận về Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Dàn ý Cảm nhận về Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

1. Những điểm cơ bản về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

- Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông sinh trưởng trong một gia đình trí thức cách mạng.

- Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ những năm chống Mĩ. Thơ giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân.

- Nguyễn Khoa Điềm được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2000.

- Tác phẩm chính: Đất ngoại ô (1972); Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974); Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986)…

2. Hoàn cảnh và mục đích sáng tác bản trường ca “Mặt đường khát vọng”

- Hoàn cảnh sáng tác: Trường ca “Mặt đường khát vọng” viết năm 1971, tại chiến khu Trị - Thiên, giữa không khí sục sôi chống Mĩ của cả dân tộc.

- Mục đích: Bản trường ca ra đời nhằm thức tỉnh tuổi trẻ thành thị ở các vùng tạm chiếm ở miền Nam nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mĩ, hướng về nhân dân, đất nước. Từ đó, kêu gọi, khích lệ mọi người đứng lên, xuống đường đấu tranh hoà nhịp với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc.

3. Vị trí và nội dung đoạn trích “Đất nước”

- Đoạn trích “Đất nước” được trích ở phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”..

- Đoạn thơ là những cảm nhận mới mẻ của nhà thơ về đất nước trên nhiều bình diện (chiều dài của lịch sử, chiều rộng của địa lý, bề dày của văn hoá, phong tục…). Qua đó, nhà thơ khẳng định tư tưởng lớn: Đất nước là của Nhân dân, và Nhân dân chính là người đã làm ra Đất nước.

4. Mạch vận động của tư tưởng và cảm xúc của đoạn thơ “Đất Nước”:

- Đoạn trích gồm hai phần:

+ 42 câu đầu - Cảm nhận về đất nước trong tính toàn vẹn ở các phương diện nhiều mặt: địa lý, lịch sử, văn hoá, tâm hồn và lối sống.Từ đó nhà thơ khơi gợi ý thức trách nhiệm của mỗi người với đất nước.

+ 46 dòng cuối - Suy tư và nhận thức về đất nước: Đất Nước của nhân dân.

- Giữa hai phần của đoạn trích không có sự tách biệt rành mạch về nội dung: Phần nào cũng vào cũng thể hiện sự cảm nhận về đất nước qua các phương diện Địa lý, lịch sử, tâm hồn và lối sống của Người Việt.

- Tuy nhiên, nếu chú ý, ta sẽ thấy mỗi phần có những trọng tâm khác nhau trong nội dung tư tưởng và cảm xúc:

+ Ở phần 1 của đoạn trích, Đất Nước được cảm từ những gì gần gũi, bình dị trong cuộc sống hằng ngày, rồi mở rộng ra với “Thời gian đằng đẵng - Không gian mênh mông” trong những truyết thuyết về thời gian xây dựng và bảo vệ đất nước. Sau đó, nhà thơ khơi gợi ý thức trách nhiệm đối với Đất Nước với mỗi người.

+ Ở phần 2, cảm nhận về Đất Nước cũng mở ra theo các bình diện không gian địa lý, thời gian lịch sử, chiều sâu văn hoá và tâm hồn dân tộc. Nhưng tất cả các bình diện ấy đều được nhìn nhận và phát hiện từ một tư tưởng nhất quán, bao trùm: Đất Nước của nhân dân, chính nhân dân đã làm nên đất nước. Sự cảm nhận ấy được gợi ra từ bao thắng cảnh thiên nhiên, bao địa danh gắn với tên người bình dị (“Ông Đốc….. bà Điểm..). Sau đó, nhà thơ hướng đến lịch sử bốn nghìn năm với những lớp người “không ai nhớ mặt đặt tên”, “giản dị và bình tâm” - chính họ đã làm nên đất nước...

5. Nội dung và nghệ thuật trong từng phần bố cục của đoạn thơ

Phần 1: Những cảm nhận về Đất Nước từ các phương diện - khơi gợi ý thức trách nhiệm đối với Đất Nước:

a. Những cảm nhận về đất nước qua các phương diện

Phương diện hình thành và phát triển

- Đất nước đã có từ lâu đời.

- Đất nước phát triển gắn liền với:

+ Những câu chuyện cổ tích, ca dao

+ Truyền thống văn hoá, quá trình hình thành phong tục tập quán (ăn trầu, bới tóc).

+ Cuộc sống lao động vất vả để chinh phục thiên nhiên và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (hạt gạo, cái cột, cái kèo; cây tre,…).

+ Những con người sống ân nghĩa, thuỷ chung.

=> Giọng thơ trầm lắng, trang nghiêm vừa tâm tình tha thiết qua những chất liệu văn hoá dân gian quen thuộc, hình ảnh thơ gần gũi, gợi được chiều sâu của không gian, thời gian lịch sử với những thăng trầm của dân tộc, cấu trúc thơ tăng tiến (đã có và bắt đầu và lớn lên…)… từ đó khẳng định Đất nước không xa xôi, trừu tượng mà luôn hiện hữu trong những gì gần gũi, thiêng liêng nhất của cuộc sống, tâm hồn mỗi người.

Văn mẫu 12: Cảm nhận về Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Những năm 1970, 1971,... ông sống và hoạt động tại chiến trường Trị - Thiên; trường ca "Mặt đường khát vọng" được ông sáng tác vào thời gian ấy. Chương V "Đất Nước" trích trong trường ca "Mặt đường khát vọng".

Phần đầu 42 câu tác giả nhận diện Đất Nước có nguồn gốc lâu đời, Tục ăn trầu, cổ tích Trầu - Cau, truyền thuyết Thánh Gióng dùng gốc tre đánh đuổi giặc Ân mà "mẹ thường hay kể":

"Đất Nước bắt dầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc".

Nhà thơ cảm nhận Đất Nước trong dòng chảy thời gian "đằng đẵng" trên không gian địa lí "mênh mông", qua sự tích "Trăm trứng" và giỗ Tổ Hùng Vương. Nhà thơ bằng giọng tâm tình đã dẫn hồn ta ngược thời gian bốn nghìn nãm trở về cội nguồn Đất Nước:

"Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

(...) Hằng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Tổ".

Tục "bới tóc xăm mình" của người Lạc Việt, câu ca dao "gừng cay muối mặn" nói về đạo vợ chồng, ngôn ngữ dân tộc hình thành, phát triển, nên "cái kèo, cái cột thành tên", công việc cấy cày làm ăn "xay giã, giần, sàng" được chỉ rõ. Cội nguồn "Đất Nước có từ ngày đó".

Đất Nước trong quá khứ mang vẻ đẹp kì diệu, huyền thoại:

"Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"

Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi".

Đất Nước hiện tại gắn bó yêu thương với mọi người, "trong anh và em hôm nay - Đều có một phần Đất Nước". Mai này Đất Nước nhiều "mơ mộng". Yêu nước là nghĩa vụ thiêng liêng:

"Em ơi Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời".

Phần thứ hai có 68 câu (Văn 12 chỉ trích học 47 câu) nói về tư tưởng "Đất Nước của Nhân Dân". Nhân Dân sáng tạo ra Đất Nước. Các danh lam thắng cảnh đều biểu tượng cho phẩm chất cao đẹp, "lối sống" của ông cha như tình nghĩa vợ chồng thủy chung, tình yêu lứa đôi thắm thiết, sức mạnh quật khởi, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, truyển thống hiếu học của Nhân Dân ta:

"Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm dể lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương".

Núi Bút non Nghiên, vịnh Hạ Long, ông Đốc ông Trang... đều do Nhân Dân ta "góp cho", "cùng góp cho","góp tên"- mà Đất Nước đẹp tươi, hùng vĩ.

"Bốn nghìn lớp người" đã đem mồ hôi, xương máu ra xây dựng và bảo vệ Đất Nước: "Khi có giặc người con trai ra trận - Người con gái trở về nuôi cái cùng con - Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh". Nhân Dân đã sáng tạo ra Đất Nước và làm chủ Đất Nước. Họ là những con người vô danh mà vĩ đại:

"Họ đã sổng và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước".

Nhân Dân là người sản xuất "giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng". Nhân Dân đã sáng tạo ra ngôn ngữ "truyền giọng điệu của mình cho con tập nói". Nhân Dân đã diệt thù trong giặc ngoài để giữ gìn Đất Nước, làm cho Đất Nước ngày thêm giàu đẹp:

"Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại".

Tóm lại, Nguyễn Khoa Điềm đã vận dụng sáng tạo tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện cổ, phong tục, ngôn ngữ để cảm nhận về nguồn gốc lâu đời của Đất Nước, khẳng định Nhân Dân vĩ đại đã sáng tạo ra Đất Nước và làm chủ Đất Nước. Chương "Đất Nước" chứa chan tình yêu và niềm tự hào dân tộc.

---------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Cảm nhận về Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Toán, Thi thpt Quốc gia môn Văn, đề thi học kì 2 lớp 12, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, đề thi học kì 1 lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm