Cảm nhận về nhân vật Cám

Cảm nhận nhân vật Cám

Cảm nhận về nhân vật Cám vừa được VnDoc.com tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thêm tài liệu để học tập và xây dựng được những ý tưởng để có thể viết thành bài văn cho riêng mình nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây.

Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THPT miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 10. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất.

Cảm nhận về nhân vật Cám trong truyện Tấm Cám

Nhắc đến “Tấm Cám” chắc hẳn người ta sẽ nghĩ đến ngay câu chuyện cổ tích quen thuộc đã gắn bó với tuổi thơ của biết bao nhiêu người dân Việt Nam với hình ảnh cô Tấm nết na, thảo hiền nhưng cuộc đời phải chịu nhiều sóng gió. Và một trong những tuyến nhân vật phản diện của câu chuyện cổ tích này mà đã để lại ấn tượng không kém trong lòng người đọc là nhân vật Cám – người em gái cùng cha khác mẹ của Tấm.

Trước hết, “Tấm Cám” là một câu chuyện cổ tích Việt Nam nổi tiếng thuộc thể loại truyện cổ tích thần kì, trong đó phản ánh những mâu thuẫn trong gia đình và cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cùng ước mơ cái thiện thắng cái ác của người Việt xưa. Như mọi câu chuyện đều có hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện, trong “Tấm Cám”, nếu cô Tấm nết na, thảo hiền là nhân vật đại diện cho chính nghĩa, đại diện cho tầng lớp nhân dân lao động chân chất, lương thiện thì Cám và bà mẹ độc ác của mình là hiện thân cho cái xấu, cái ác hay cũng chính là tầng lớp cầm quyền luôn chèn ép, đày đoạ tầng lớp dân thường thấp hơn. Qua đó, nếu khi còn nhỏ “Tấm Cám” đối với chúng ta chỉ đơn thuần là một câu chuyện cổ tích qua lời kể của bà, của mẹ để đưa chúng ta vào giấc ngủ thì khi đã trưởng thành hơn, chúng ta sẽ nhận ra được biết bao thông điệp, ý nghĩa ẩn giấu trong đó mà cha ông ta muốn nhắn nhủ đến con cháu đời sau và phân tích nhân vật Cám chính là phân tích những bất công, khổ cực từ xã hội mà cha ông xưa đã phải chịu đựng.

Cám may mắn hơn Tấm rất nhiều bởi cùng chảy chung một dòng máu, cùng gọi chung một tiếng cha nhưng Tấm không may mồ côi cả cha lẫn mẹ còn Cám vẫn an nhiên mà lớn lên trong vòng tay yêu thương và dung túng của mẹ mình. Người ta vẫn nói “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, vì lẽ thế mà trong khi ngày ngày Tấm phải làm hết tất cả mọi công việc nhà và bị mụ dì ghẻ đối xử như người ở thì Cám lại như viên ngọc quý được bà mẹ độc ác của mình nâng niu trên tay. Được chiều chuộng như thế nên không có gì ngạc nhiên khi trong khi người chị cùng cha khác mẹ Tấm của mình lớn lên trở thành một người con gái thảo hiền, nết na thì Cám chẳng hay biết làm gì cả, rõ ràng là chẳng thể đạt được những chuẩn mực cơ bản của một người con gái trong xã hội phong kiến. Hay nói cách khác, Tấm xinh đẹp, nết na, đẹp cả người cả nết còn Cám hoàn toàn ngược lại, xấu người lại xấu cả nết.

Có thể nói rằng, ở Tấm hội tụ đầy đủ mọi ưu điểm còn vây quanh Cám chỉ toàn là khuyết điểm và những hành động khiến con người ta chán ghét, căm hận. Đầu tiên là sự việc mụ dì ghẻ sai hai chị em Tấm Cám ra đồng mò cua bắt cá và hứa sẽ thưởng cho người bắt được nhiều cua cá hơn một chiếc yếm đào. Trong khi Tấm chăm chỉ, mò từng con cua, bắt từng con cá với hi vọng về chiếm yếm đào là phần thưởng cho sự vất vả, nỗ lực của bản thân thì Cám với bản tính lười biếng của mình chẳng chịu làm lụng mà chỉ mải đuổi bướm, hái hoa. Việc Cám lười biếng ấy cũng chỉ khiến độc giả ngao ngán nhưng hành động Cám lừa Tấm mà trộm hết tất cả tôm cá mà Tấm phải bỏ nhiều công sức mới bắt được thì thực sự đã khiến người đọc phẫn nộ. Có lao động mới biết trân trọng những thành quả mà mình đã phải bỏ bao công sức trong khi hành động đó của Cám là ăn cắp trắng trợn công sức của người khác, liệu ai có không phẫn nộ trước hành động ấy cho được?

Câu chuyện càng đi về sau thì những việc làm của Cám và bà mẹ của mình càng ngày càng độc ác. Từ lừa giết chú cá bống là người bạn duy nhất của Tấm đến cố tình làm Tấm không đi dự hội được rồi năm lần bảy lượt ra tay sát hại Tấm để đoạt lấy hạnh phúc mà đáng lẽ thuộc về Tấm, tất cả những hành động ấy đều thật độc ác, tỉ lệ thuận với mức độ độc ác của những hành động ấy là sự phẫn nộ, căm hận sâu sắc của độc giả dành cho Cám và bà mẹ độc ác của mình.

Nhưng rồi Cám đã phải trả giá cho những hành động độc ác của mình khi bị Tấm dội nước sôi mà chết. Đó là cái kết thích đáng nhất cho kẻ xấu bởi nếu cứ mãi nương tay, tha thứ cho cái xấu thì cái xấu sẽ mãi còn đó, tựa như cỏ dại chỉ còn một chút rễ cũng có thể mọc trở lại mà lan thành một đồng cỏ rộng, ngoài ra bản chất của cái xấu sẽ chẳng bao giờ có thể thay đổi được nên cách duy nhất chỉ có diệt trừ tận gốc nó mà thôi.

Cám là hiện thân cho cái ác, là những bất công, chèn ép từ xã hội lên những người dân thấp cổ bé họng trong xã hội cũ, kết cục bi thảm của Cám chính là khát khao ngàn đời của nhân dân ta về việc vùng lên đấu tranh diệt trừ tận gốc cái ác.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Cảm nhận về nhân vật Cám. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thêm tài liệu để học tập môn Ngữ văn lớp 10 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán lớp 10, Tiếng Anh lớp 10, đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10...

Đánh giá bài viết
1 528
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 10

    Xem thêm