Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cuộc cách mạng công nghiệp

Điều kiện ra đời của văn minh công nghiệp được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Bước khởi đầu của cách mạng công nghiệp (giữa thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX)

Việc hoàn thiện và sử dụng máy hơi nước của Giêm Oát được coi là sự mở đầu của quá trình cơ giới hóa, mang ý nghĩa một cuộc cách mạng công nghiệp.

Điều quan trọng nhất là máy hơi nước đã tạo ra nguồn động lực mới làm giảm nhẹ sức lao động cơ bắp của con người. Nó tạo điều kiện cho sự chuyển cách thức lao động bằng tay được thực hiện từ khi loài người xuất hiện sang sử dụng máy. Đó là yếu tố cơ bản của công nghiệp hóa, đánh dấu bước nhảy vọt cách mạng trong lịch sử sản xuất của nhân loại, bước chuyển cơ bản từ nền văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp. Trong quá trình tiến hành cách mạng công nghiệp, cơ cấu sản xuất công nghiệp dần dần được hoàn chỉnh. Để giải quyết nguồn nhiên liệu và nguyên liệu, ngành khai mỏ phát triển nhanh chóng. Nhờ vậy, người ta có thể khai thác than và các khoáng sản kim loại. Phát minh về phương pháp luyện than cốc năm 1735 là một đóng góp quan trọng cho việc luyện gang thép. Lò luyện gang đầu tiên được xây dựng năm 1784 làm tăng lên gấp nhiều lần khả năng sản xuất đồ kim loại khiến cho các cầu ở nước Anh dần dần được thay bằng cầu sắt, các nhà máy dần dần được trang bị các loại máy công cụ và máy công tác cụ thể. Nhờ vậy hình thành cơ cấu công nghiệp nặng sản xuất máy cái và công nghiệp nhẹ cung cấp các loại hàng tiêu dùng.

Đến đầu thế kỉ XIX, ở nước Anh, việc sử dụng máy hơi nước trở thành phổ biến trong các nhà máy. Ở Pháp số lượng máy hơi nước tăng lên nhanh chóng: năm 1820: 65 máy, 1830: 616 máy, 1848: 4.853 máy. sản lượng sắt thép 1832: 148 ngàn tấn, 1846: 373 ngàn tấn. Ở Mĩ, trong khoảng 1830 - 1837, lượng gang tăng 51%, than tăng 266%.

Do nguồn động lực mới là sức hơi nước, tổ chức sản xuất công trường thủ công hay công xưởng nhỏ không còn phù hợp nữa. Nó được thay thế bằng các nhà máy, câu trúc của nó bao gồm nguồn phát lực là máy hơi nước, hệ thống truyền lực và các máy công tác làm ra sản phẩm. Do vậy, việc sản xuất các vật phẩm đơn chiếc dần dần được thay thế bằng việc sản xuất hàng loạt theo tiêu chuẩn chung về chất lượng và về mẫu mã. Quy mô sản xuất lớn được hình thành trên cơ sở kĩ thuật mà điều chủ yếu là do khả năng ngày càng lớn của nguồn động lực.

Trên cơ sở sử dụng rộng rãi máy hơi nước, ngành giao thông vận tải có những bước chuyển biến lớn. Phương tiện vận chuyển trước đây chủ yếu dựa vào sức kéo của súc vật (xe ngựa, xe bò) hoặc là thuyền bè nhờ sức gió và sức đẩy của nước. Trong nửa đầu thế kỉ X, tàu thủy và xe lửa xuất hiện với đầu máy bằng hơi nước. Hệ thống đường sắt lan nhanh, mở rộng khả năng vận chuyển, nối liền các thành thị, các trung tâm công thương nghiệp. Nhờ đó, kinh tế phát triển rất nhanh, các thành phố trở nên sầm uất, thị trường thế giới nhộn nhịp.

Năm 1825, đoạn đường sắt đầu tiên được khánh thành ở Anh nối liền Mantretxtơ với Livecpun, đến năm 1850, trong cả nước đã có 10.000 km đường sắt. Ở Pháp, chiều dài đường sắt năm 1831 mới có 38 km, đến 1847 lên đến 1.832 km. Ở Mĩ, cũng khoảng thời gian trên, đường sắt dài từ 38 km lên 13.500 km.

Cuộc cách mạng công nghiệp, không chỉ làm thay đổi sức sản xuất mà còn tạo nên sự chuyển biến quan trọng về quan hệ sản xuất. Giai cấp tư sản công thương nghiệp giàu lên nhanh chóng, đông đảo về số lượng và có tiềm lực mạnh về kinh tế. Họ đòi hỏi được tự do kinh doanh, không chấp nhận những quy chế khắt khe của nhà nước phong kiến. Do vậy, họ sẽ là lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến để xác lập quyền thống trị của giai cấp tư sản. Đồng thời, quá trình cơ giới hóa cũng tạo ra sự chuyển biến trong lực lượng lao động. Những người công nhân công nghiệp xuất hiện, hình thành giai cấp công nhân hiện đại, khác với những người thợ của công trường thủ công về tay nghề, về phương thức lao động và ý thức giai cấp. Họ bị giai cấp tư sản bóc lột nặng nề nên mối mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản trở thành mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa.

Điều kiện lao động và sinh hoạt của công nhân vô cùng khổ cực. Họ phải làm việc mỗi ngày 14-16 giờ, trẻ em 5-6 tuổi cũng phải làm tới 12 giờ. Tiền công rất thấp, lương phụ nữ chỉ bằng một nửa lương nam giới trong cùng một công việc, tiền công của trẻ em càng rẻ mạt. Lại thêm các khoản cúp phạt nên số tiền kiếm được không đủ nuôi sống gia đình. Nhà máy thì bụi bặm, chật chội, người thợ luôn phải làm một động tác hết sức khẩn trương cho kịp với độ quay của máy nên cường độ lao động rất cao, rất mệt mỏi. Nơi ở thì ẩm thấp, chật chội, dột nát. Đói rét, bệnh tật, thất nghiệp luôn luôn là mối đe dọa đời sống thợ thuyền. Đó chính là mặt trái của văn minh công nghiệp ngay từ khi mới ra đời khiến cho giai cấp công nhân phải tiến hành đấu tranh bền bỉ để cải thiện đời sống cho mình.

2. Những quy tắc cơ bản của nền sản xuất công nghiệp

Cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi hẳn về mặt tổ chức và quản lí lao động, đề ra những quy tắc mới khác với thời kì sản xuất nông nghiệp khi trước.

Hệ thống máy móc của mỗi nhà máy sản xuất ra rất nhiều sản phẩm công nghiệp giống nhau để cung cấp cho thị trường những mặt hàng có cùng chất lượng và mẫu mã như nhau. Thay vì những thợ thủ công làm ra từng sản phẩm đơn chiếc khác nhau tùy theo đòi hỏi của khách hàng và hứng thú của người thợ, các sản phẩm công nghiệp ra đời theo một dây chuyền công nghệ mà mỗi công nhân chỉ làm một vài động tác nhất định theo một trình tự bắt buộc. Nghĩa là mỗi công nhân không phải là tác giả của toàn bộ sản phẩm từ A đến Z mà chỉ góp công sức và tài nghệ vào một phần sản phẩm đó. Như vậy, mỗi người không thể tự làm theo ý thích của riêng mình mà phải tuân theo những đòi hỏi nghiêm ngặt, phải đạt được những tiêu chuẩn quy định.

Chính trong quá trình tổ chức nền sản xuất công nghiệp, W.Taylo đã xác định rằng "chỉ có một con đường tốt nhất để thực hiện từng công việc đó và một thời gian thích đáng để hoàn thành công việc đó". Nghĩa là phương pháp, công cụ và thời gian sản xuất phải được quy theo tiêu chuẩn đối với từng loại việc và sản phẩm làm ra cũng phải đạt được những tiêu chuẩn đối với từng loại mặt hàng.

Do vậy, tiêu chuẩn hóa được coi là quy tắc thứ nhất đối với tất cả các khâu của nền sản xuất công nghiệp: từ trình độ và năng lực của người thợ đến thiết bị máy móc của quy trình sản xuất cho tới những sản phẩm của nó. Sự không đáp ứng đúng tiêu chuẩn sẽ dẫn đến hậu quả là người thợ bị loại trừ, máy móc bị ngưng trệ, sản phẩm bị phế thải và cuối cùng, nhà doanh nghiệp bị thất bại.

Để đạt được những tiêu chuẩn quy định cho từng loại công việc và từng mặt hàng, người công nhân không thể làm đủ mọi việc như người nông dân trên đồng ruộng, như người thợ thủ công trong phường hội mà chỉ đảm nhận một nhiệm vụ nhất định với một vài thao tác nhất định. Nghĩa là khi lao động, họ phải đứng ở một vị trí xác định, phải được chuyên môn hóa ở trình độ cao, thành thạo trong những thao tác của họ. Có như vậy, họ mới thích ứng được với nền sản xuất công nghiệp có sự phân công lao động ngày càng tinh vi. Và nhờ tay nghề điêu luyện của những người thợ chuyên môn, sản phẩm của nhà máy ngày càng tăng số lượng và nâng cao chất lượng.

Do vậy, chuyên môn hóa là quy tắc thứ hai, là đòi hỏi bắt buộc của nền sản xuất công nghiệp. Chính yếu tố này sẽ dẫn đến sự phân công lao động rõ ràng trong các xương và giữa những người thợ; đồng thời gây ra sự phân hóa trong hàng ngũ công nhân: những người lao động có trình độ kĩ thuật cao thích ứng với nền công nghệ hiện đại và những người lao động giản đơn, kĩ thuật thấp rất dễ rơi vào nguy cơ bị loại khỏi nhà máy.

Những công nhân đã được tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa khi tham gia vào quy trình sản xuất phải vận động theo nhịp độ của máy móc và phối hợp chặt chẽ với những người thợ khác trên cùng dây chuyển của họ. Nghĩa là hoạt động của họ phải đồng bộ hóa, trước tiên là về mặt thời gian. Nội quy của nhà máy quản lí chặt chẽ giờ làm và giờ nghỉ trong một ca sản xuất chính là để bảo đảm sự đồng bộ trong tất cả các khâu của quy trình. Mỗi động tác của họ phải ăn khớp với nhịp độ chung, phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt về kĩ thuật mà không thể tự ý sửa đổi hay rời bỏ vị trí. Chỉ một người thợ lơi lỏng công việc thì sẽ gây nên trở ngại cho toàn bộ dây chuyền.

Do vậy, đồng bộ hóa là nguyên tắc thứ ba của nền sản xuất công nghiệp mà mỗi người tham gia đều phải thi hành đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, tạo nên sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, các phân xưởng để làm ra sản phẩm đúng quy cách.

Nền sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp chủ yếu dựa trên sức lao động cơ bắp, người sản xuất tự tạo ra nguồn năng lượng bằng chính sức lực của mình. Do vậy, họ có thể lao động ở bất cứ nơi nào thuận tiện: canh tác trên đồng mộng, khai hoang trên đồi núi, mở lò gốm trông làng, dệt vải ngay tại ngôi nhà của họ.

Nhưng bước sang giai đoạn sản xuất công nghiệp, nguồn năng lượng, hệ thống máy móc và tổ chức lao động được tập trung trong các nhà máy thu hút hàng trăm, hàng ngàn công nhân. Điều kiện sản xuất mới không cho phép làm việc một cách phân tán như người nông dân trên cánh đồng mà phải tổ chức tập trung: tập trung máy, tập trung nguyên liệu, tập trung thợ trong một cơ sở sản xuất. Điều đó làm cho việc quản lí lao động tốt hơn, công suất được tận dụng nhiều hơn và chi phí vận chuyển giảm, lợi nhuận tăng lên. Hơn thế nữa, sự phát triển của các hoạt động kinh doanh đòi hỏi phải đầu tư nguồn vốn lớn, dẫn đến sự tập trung tư bản.

Do vậy, tập trung hóa trở thành quy tắc thứ tư của nền sản xuất công nghiệp, dần dần hình thành các công ti lớn và các trung tâm công nghiệp có quy mô lớn.

Những quy tắc trên, cũng có thể coi là những đặc điểm của nền sản xuất công nghiệp, đánh dấu sự khác biệt rất cơ bản so với nền sản xuất nông nghiệp. Người công nhân phải khắc phục những thói quen của phương cách lao động nông nghiệp để tạo nên những tác phong mới thích hợp với sự phát triển của công nghiệp. Sự biến đổi trong sản xuất sẽ tác động mạnh mẽ vào toàn bộ nền kinh tế - xã hội và do đó tạo nên sự biến đổi sâu sắc trong các mặt của đời sống.

3. Hệ quả xã hội của sự ra đời văn minh công nghiệp

Ngoài sự xuất hiện hai giai cấp tư sản và vô sản có quyền lợi đối kháng nhưng cùng tồn tại trong một cấu trúc kinh tế tư bản chủ nghĩa, nền sản xuất công nghiệp còn gây nên nhiều biến đổi quan trọng về mặt xã hội.

Trước hết là khả năng lao động và sáng tạo của con người được phát huy cao độ, đã làm ra một khối lượng vật phẩm vô cùng phong phú về số lượng và chất lượng mà trước đó, người ta không thể hình dung nổi. Những thành tựu đó không chỉ đạt được trong lĩnh vực công nghiệp, máy móc và kĩ thuật mới cũng được áp dụng vào nông thôn, nâng cao năng suất nông nghiệp. Trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" xuất bản lần đầu tiên năm 1848, Mác và Ănghen đánh giá thành tựu của nền sản xuất công nghiệp là trong vòng chưa đầy 100 năm, giai cấp tư sản đã phát triển lực lượng sản xuất nhiều hơn, mạnh mẽ hơn tất cả các thế hệ trước cộng lại.

Chính nguồn hàng hóa dồi dào cùng với sự chuyên môn hóa sâu sắc trong lao động làm cho không ai cần phải và có thể sản xuất để hoàn toàn tự cung cấp cho mình mà mỗi con người vừa là người sản xuất, vừa là người tiêu dùng hay nói đúng hơn, sản xuất và tiêu dùng bị tách thành hai nửa trong một con người. Trong nền kinh tế tự nhiên, người sản xuất tiêu thụ ngay chính sản phẩm do họ làm ra, chỉ có một phần rất nhỏ được đem bán, còn đến thời kì này, người ta sản xuất nhằm mục đích bán ra thị trường là chính và lại tiêu thụ nhiều mặt hàng do người khác làm ra. Do vậy, kinh tế ngày càng thị trường hóa, mọi hoạt động sản xuất ngày càng xã hội hóa, nó thúc đẩy thương nghiệp mở rộng trên quy mô lớn và nhờ thế, các ngành công nghiệp phát triển. Mối quan hệ tác động qua lại giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa thương nghiệp với công nghiệp tạo nên nguồn động lực kích thích sản xuất.

Hai là, những quy tắc của sản xuất công nghiệp chi phối tất cả các mặt hoạt động của kinh tế và xã hội, tất cả đều phải được tiêu chuẩn hóa. Nền giáo dục phải được tổ chức thành hệ thống theo chương trình thống nhất để tạo nên nguồn nhân lực đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi của xã hội công nghiệp. Các phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, bưu điện... phải được xây dựng theo những tiêu chuẩn chung để tạo nên mạng lưới nối liền các thành thị, các trung tâm kinh tế trên quy mô quốc gia và quốc tế. Sự tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa không chỉ áp dụng cho công nhân trong nhà máy mà được thực hiện rộng rãi đối với mọi nhân viên trong công sở, mọi thành viên của guồng máy kinh tế dù họ là người bán hàng, người giữ kho hay nhà giao dịch... Nhịp điệu của cuộc sống được tính toán theo giờ, theo phút, thời gian của mọi hoạt động được xác định chặt chẽ: giò vào lớp và tan trường của học sinh, giờ khám bệnh và điều trị trong bệnh viện, giờ khởi hành của những phương tiện giao thông và cả giờ giải trí, nghỉ ngơi... Hầu như công việc nào cũng có những giờ hay những mùa cao điểm của nó nên sự phân bố thời gian trong nhà máy, trường học, công sở... là điều bắt buộc. Lâu dần phong cách làm việc khẩn trương, đúng hẹn, chính xác trở thành thói quen trong nếp sống của cư dân xã hội công nghiệp. Nó trái ngược với cách lao động và sinh hoạt lể mề, sai hẹn và đại khái được tạo nên bởi tốc độ chậm chạp và điều kiện phân tán của nền sản xuất nông nghiệp lâu đời.

Ba là, sự thay đổi về dân số. Có thể lấy những số liệu sau đây để minh chứng cho tốc độ tăng dân số quá nhanh ở những xứ sở khi mới bước vào thời đại công nghiệp hóa.

  • Riêng nước Anh, tỉ lệ tăng dân số năm 1720 là 1%, năm 1750 là 4% và đến năm 1800 là 10%.
  • Dân số toàn châu Âu năm 1650 là 100 triệu, một thế kỉ sau là 170 triệu và đến năm 1800 đã vượt qua 200 triệu.
  • Cũng theo tốc độ ấy, các thành phố được mở rộng, số dân thành thị tăng lên.
  • Luân Đến năm 1750 có 515 ngàn dân, năm 1801 tăng lên 900 ngàn.
  • Paris trước cách mạng cũng lên tới 600 — 700 ngàn người.
  • Bộ mặt phố xá, bến cảng, nhà ga, cửa hàng... đều đổi thay, nhộn nhịp và sầm uất.

Trước sự bùng nổ dân số như vậy, nhà xã hội học người Anh Rôbơc Mantuyt (Robert Malthus) đã tỏ ra lo ngại khi tính toán ràng cứ 25 năm, dân số nước Anh, Pháp, Mĩ lại tăng gấp đôi trong khi sản phẩm nông nghiệp không tăng tương ứng thì sẽ có một khoảng cách lớn chưa từng thấy giữa nhu cầu lương thực của con người và khả năng của đất đai đáp ứng nhu cầu đó. Theo ông, đó chính là nguồn gốc của nạn đói mà loài người không thể tránh khỏi.

Thực ra, khi đưa ra luận thuyết về nạn nhân mãn, Mantuyt không tính đến 3 yếu tố khi nước Anh (và cả loài người) bước vào thời đại mới. Đó là:

  • Làn sóng di cư, nhiều người rời bỏ quê hương để đi khai phá những vùng đất mới còn hoang vu, đem lại cuộc sống dễ chịu hơn.
  • Sự vận dụng những cải tiến quan trọng trong nông nghiệp, đưa kết quả của cách mạng công nghiệp vào đồng ruộng như dùng các loại máy nông cụ, phân bón, thuốc trừ sâu... làm năng suất lương thực tăng nhanh và hạn chế hậu quả của thiên tai đối với nông nghiệp.
  • Việc xuất hiện của máy hơi nước cùng cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nói chung, giúp loài người vượt qua những thử thách do sự bùng nổ dân số gây ra. Trong suốt thế kỉ XIX, dân số Anh tăng gấp 4 lần trong khi sản xuất quốc gia tăng gấp 14 lần.

Tuy nhiên, quan điểm Mantuyt cũng là lời cảnh báo về sự tăng trưởng dân số không kiềm chế, nhất là đối với những xứ sở lạc hậu, chưa vượt qua thời kì văn minh nông nghiệp.

Bốn là, trong nền kinh tế nông nghiệp, do năng lực lao động có hạn nên hầu hết thành viên gia đình phải cùng nhau canh tác trên đồng ruộng. Điều kiện khách quan đó tạo nên những gia đình lớn nhiều thế hệ (ông bà, cha mẹ, cô chú, dâu rể, cháu chắt... sống chung dưới một mái nhà, cùng làm việc như một đơn vị kinh tế, cùng sinh hoạt quây quần quanh bữa ăn... Từ đó hình thành những xóm làng của một hoặc vài dòng họ lớn.

Nhưng khi nền sản xuất công nghiệp xuất hiện, nhất là khi nó xâm nhập vào nông thôn thì nền tảng gia đình lớn bị tan rã dần. Những người trong gia đình làm những công việc khác nhau tại những cơ sở sản xuất riêng rẽ nhiều khi rất xa nhau, được chuyên môn hóa về nghề nghiệp thì gia đình nhiều thế hệ dần dần không tồn tại nữa. Nhiều cuộc di dân đưa người đến các trung tâm công nghiệp, nhiều người thoát li gia đình để đến làm việc trong các thành phố. Các chức năng then chốt của gia đình bị chia nhỏ thành những thể chế mới, do nhiều tổ chức xã hội đảm nhiệm. Việc giáo dục trẻ em thuộc về trường học, việc chữa bệnh thuộc về bệnh viện, việc chăm sóc người già được chuyển sang các nhà an dưỡng...

Đế thích nghi với điều kiện lao động mới, các "gia đình hạt nhân" theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng xuất hiện. Dưới một mái nhà chỉ có bố mẹ cùng một vài người con, thay thế cho các gia đình lớn đang dần dần tan vỡ. Các "gia đình hạt nhân" đó trở thành cấu trúc hiện đại của xã hội mới, tạo nên mối quan hệ mối giữa những người cùng dòng họ, cùng xóm làng và trong toàn xã hội.

Năm là, yếu tố thị trường chi phối không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà tác động đến toàn xã hội. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực như đã trình bày ở trên, nó cũng gây ra nhiều mặt tiêu cực khác.

Hố ngăn cách giàu nghèo giữa các tầng lớp cư dân trở nên sâu sắc, sự túng bấn của người này là do sự thừa thãi của kẻ khác. Nguyên tắc tự do, bình đẳng trên thực tế không được bảo đảm. Quan hệ xã hội cùng nền tảng đạo lí truyền thống bị vi phạm, cuộc chạy đua vì đồng tiền nhiều khi vượt qua giới hạn cho phép, làm băng hoại đạo đức xã hội, làm rối loạn trật tự công cộng và làm tổn hại nhân phẩm trong cộng đồng. Quy luật khắc nghiệt của cuộc cạnh tranh lạnh lùng, không tình nghĩa đã làm phá sản biết bao doanh nghiệp, loại ra khỏi vòng đua những đối thủ yếu kém và làm tan vỡ biết bao gia đình. Những hậu quả đó làm nên mặt trái của xã hội thị trường mà việc hạn chế và khắc phục nó là điều mà nhân loại quan tâm.

Nhưng dẫu sao, những thành tựu của quá trình công nghiệp hóa ở châu Âu và Bắc Mĩ từ cuối thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX đã tạo nên cơ sở vật chất và kĩ thuật mới, tạo nên ưu thế của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đối với nền sản xuất phong kiến và nhờ vậy đã hoàn thành về cơ bản trào lưu cách mạng tư sản ở các nước phương Tây. Thắng lợi của giai cấp tư sản trong cuộc chiến tranh chống chế độ chủ nô ở Mĩ (1861 - 1865), công cuộc thống nhất nước Đức và thống nhất nước Ý (1871) cùng sự thành công của cuộc vận động duy tân Minh Trị ở Nhật Bản (1868) đánh dấu bước ngoặt cơ bản của phong trào tư sản, xác lập sự thắng thế của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi thế giới.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Cuộc cách mạng công nghiệp về đặc điểm của bước khởi đầu của cách mạng công nghiệp (giữa thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX), những quy tắc cơ bản của nền sản xuất công nghiệp và hệ quả xã hội của sự ra đời văn minh công nghiệp...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Cuộc cách mạng công nghiệp. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm