Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt lớp 2: Tuần 27

Đề kiểm tra cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 2: Tuần 27 bao gồm chi tiết các bài tập đọc hiểu và trả lời câu hỏi để các em học sinh ôn tập tốt phần chính tả, luyện từ và câu, tập làm văn, hệ thống lại toàn bộ kiến thức đã học môn Tiếng Việt lớp 2.

Đề kiểm tra cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 2: Tuần 27

A- Kiểm tra đọc

I- Đọc thành tiếng (6 điểm)

Đọc một đoạn trích dưới đây trong bài Tập đọc đã đọc (SGK Tiếng Việt 2, tập hai) và trả lời câu hỏi (TLCH); sau đó tự đánh giá, cho điểm theo hướng dẫn ở Phần hai (Giải đáp – Gợi ý)

(1) Ông Mạnh thắng Thần Gió (từ Mấy tháng sau đến các loài hoa – Đoạn 5)

TLCH: Ông Mạnh đã làm gì để Thần Gió trở thành bạn của mình?

(2) Mùa xuân đến (từ Hoa mận vừa tàn đến Hoa cau thoảng qua)

TLCH: Dấu hiệu nào báo mùa xuân đến?

(3) Chim sơn ca và bông cúc trắng (từ Tội nghiệp con chim đến tắm nắng mặt trời – Đoạn 4)

TLCH: Hành động của các cậu bé gây ra chuyện gì đau lòng?

(4) Cò và Cuốc (từ Cò trả lời đến dập dờn như múa)

TLCH: Câu trả lời của Cò chứa một lời khuyên. Lời khuyên ấy là gì?

(5) Voi nhà (từ Nhưng kìa đến gặp được voi nhà)

TLCH: Con voi đã giúp những người trên xe như thế nào?

II- Đọc thầm và làm bài tập (4 điểm)

Trăng mọc trên biển

Biển về đêm đẹp quá! Bầu trời cao vời vợi, xanh biếc, một màu xanh trong suốt. Nhưng ngôi sao vốn đã lóng lánh, nhìn trên biển lại càng lóng lánh thêm. Bỗng một vầng sáng màu lòng đỏ trứng gà to như chiếc nong đang nhô lên ở phía chân trời.

Trăng trên sông, trên đồng, trên làng quê, tôi đã thấy nhiều. Duy trăng trên biển lúc mới mọc thì đây là lần đầu tiên tôi được thấy. Đẹp quá sức tưởng tượng! Màu lòng đỏ trứng mỗi lúc một sáng hồng lên, rất trong. Bầu trời cũng sáng xanh lên. Mặt nước lóa sáng. Cả một vùng nước sóng sánh, vàng chói lọi. Càng lên cao, trăng càng trong và nhẹ bỗng. Biển sáng lên lấp lóa như đặc sánh, còn trời thì trong như nước. Có trăng, những tiếng động như nhòa đi, nghe không gọn tiếng, không rõ ràng như trước.

(Trần Hoài Dương)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

1. Dòng nào dưới đây nêu đúng ý chính của đoạn 1 (“Biển về đêm…. Phía chân trời.”)?

a- Cảnh biển đêm với bầu trời cao xanh

b- Cảnh biển đêm lấp lánh những vì sao

c- Cảnh biển đêm khi trăng bắt đầu lên

2. Càng lên cao, trăng càng thay đổi thế nào?

a- Càng trong và nhẹ bỗng

b- Càng vàng chói, lấp lóa

c- Càng nhẹ bỗng, đặc sánh

3. Trăng mọc trên biển làm đẹp cho cảnh vật nào?

a- Những ngôi sao trên biển

b- Bầu trời và mặt nước biển

c- Bầu trời và sao trên biển

4. Bộ phận in đậm trong câu “Cả một vùng nước sóng sánh, vàng chói lọi.” trả lời cho câu hỏi nào?

a- Khi nào?

b- Vì sao?

c- Như thế nào?

B- Kiểm tra viết

I – Chính tả nghe – viết (5 điểm)

Con chim chiền chiền

Con chim chiền chiện

Bay vút, vút cao

Lòng đầy yêu mến

Khúc hát ngọt ngào.

Chim bay chim sà

Lúa tròn bụng sữa

Đông quê chan chứa

Những lời chim ca.

Bay cao, cao vút

Chim biến mất rồi

Chỉ còn tiếng hát

Làm xanh da trời.

(Huy Cận)

Chú ý: HS nhờ người khác đọc từng câu để chép lại bài thơ trên giấy kẻ ô li cho đúng chính tả.

II- Tập làm văn (5 điểm)

1. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 câu) kể về một con vật mà em biết, theo gợi ý dưới đây:

a) Đó là con gì (nuôi trong nhà hay ở vườn thú)? Em thấy nó ở đâu?

b) Hình dáng con vật đó thế nào (có điểm gì nổi bật)?

c) Hoạt động của con vật đó ra sao?

d) Em nghĩ gì khi nhìn thấy con vật đó?

……………………………………………………………….

……………………………………………………………….

……………………………………………………………….

……………………………………………………………….

……………………………………………………………….

……………………………………………………………….

Đáp án Đề kiểm tra cuối tuần môn Tiếng Việt lớp 2: Tuần 27

A- Đọc (10 điểm)

I – Đọc thành tiếng (6 điểm)

Đọc từng đoạn trích (khoảng 50 chữ) và TLCH, sau đó đánh giá theo biểu điểm dưới đây:

- Đọc đúng tiếng, đúng từ: 3 điểm

(đọc sai dưới 3 tiếng: 2,5 điểm; đọc sai từ 3 đến 4 tiếng: 2 điểm; đọc sai từ 5 đến 6 tiếng: 1,5 điểm; đọc sai từ 7 đến 8 tiếng: 1 điểm; đọc sai từ 9 đến 10 tiếng: 0,5 điểm; đọc sai trên 10 tiếng: 0 điểm)

- Ngắt, nghỉ hơi đúng ở các dấu câu (có thể mắc lỗi về ngắt, nghỉ hơi ở 1 hoặc 2 dấu câu): 1 điểm

(Không ngắt, nghỉ hơi đúng ở 3 đến 4 dấu câu: 0,5 điểm; không ngắt, nghỉ hơi đúng ở 5 dấu câu trở lên: 0 điểm)

- Tốc độ đọc đoạn trích đạt yêu cầu (khoảng 50 tiếng/phút): 1 điểm

(Đọc quá 1 phút đến 2 phút: 0,5 điểm; đọc quá 2 phút, phải đánh vần nhẩm: 0 điểm)

- Trả lời đúng ý câu hỏi: 1 điểm

VD:

Ông Mạnh đã làm gì dể Thần Gió trở thành bạn của mình?

(Khi Thần Gió biết lỗi, ông Mạnh đã an ủi Thần và mời Thần thỉnh thoảng đến chơi vui vẻ)

(2) Dấu hiệu nào báo mùa xuân đến? (Hoa mận tàn báo mùa xuân đến)

(3) Hành động của các cậu bé gây ra chuyện gì đau lòng?

(Hành động của các cậu bé làm cho sơn ca bị chết, bông cúc héo tàn.)

(4) Câu trả lời của Cò chứa một lời khuyên. Lời khuyên ấy là gì?

(VD: Không nên ngại lao động vất vả, khó khăn vì lao động là đáng quý..)

(5) Con voi đã giúp những người trên xe như thế nào? (Voi quặp chặt vòi vào đầu xe, co mình, lôi mạnh chiếc xe qua khỏi vũng lầy)

(Trả lời chưa đủ ý hoặc hiểu câu hỏi nhưng diễn đạt còn lúng túng, chưa rõ ràng: 0,5 điểm; không trả lời được hoặc trả lời sai ý: 0 điểm )

II – Đọc thầm và làm bài tập (4 điểm)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi:

1.c 2.a 3.b 4.c

(đúng mỗi câu, được 1 điểm)

B- Viết (10 điểm)

I – Chính tả nghe – viết (5 điểm)

HS nhờ người khác đọc để nghe – viết bài chính tả trong khoảng 17 phút, sau đó tự đánh giá theo biểu điểm dưới đây:

Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn thơ: 5 điểm. Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai, lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh ; không viết hoa đúng quy định): trừ 0,5 điểm

Lưu ý: Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn… bị trừ 1 điểm toàn bài.

II- Tập làm văn (5 điểm)

Viết được đoạn văn ngắn (khoảng 5 câu) kể về một con vật mà em biết (theo gọi ý cho trước) trong khoảng 25 phút; nội dung đúng yêu cầu đề bài, trình bày sạch sẽ, diễn đạt rõ ý: 5 điểm

VD: (1) Nhà em nuôi một con chó cảnh. Nó có bộ lông trắng muốt, bốn chân ngắn ngủn. Đôi mắt nó đen láy, cái lưỡi thì đỏ hồng. Mỗi khi em đi học về, cún con lại chạy ra vẫy đuôi rối rít trông thật đáng yêu. Em rất quý cún con và coi nó như một người bạn thân.

(2) Nhà em có chú mèo mướp Mi-nu. Mi-nu ở nhà em đã được mấy tháng rồi. Mi-nu rất ngoan và bắt chuột rất giỏi. Em yêu quý Mi-nu như em nhỏ trong nhà. Em thường chơi với mi-nu những lúc rảnh rỗi. Mi-nu cũng rất quý em. Lúc em ngồi học, Mi-nu thường ngồi bên cạnh và dụi dụi cái mũi nhỏ vào chân em hoặc cuộn tròn trong lòng em như một quả bông ấm áp.

Ngoài Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt lớp 2: Tuần 27 trên, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 2 lớp 2 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh theo chuẩn Thông tư 22 của Bộ Giáo Dục và các dạng bài ôn tập môn Tiếng Việt 2, và môn Toán 2.

Đánh giá bài viết
20 21.581
Sắp xếp theo

    Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt 2

    Xem thêm