Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề ôn luyện Tiếng Việt cuối học kì 2 lớp 2

Đề ôn luyện Tiếng Việt cuối học kì 2 lớp 2 bao gồm 06 đề thi thử cuối học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 2, giúp các em học sinh ôn tập và biết cách vận dụng kiến thức đã học vào bài kiểm tra. Chúc các em ôn tập tốt học kì 2 môn Tiếng Việt.

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 2, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 2 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 2. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Lưu ý: Nếu không tìm thấy nút Tải về bài viết này, bạn vui lòng kéo xuống cuối bài viết để tải về.

1. Đề ôn luyện Tiếng Việt cuối học kì 2 lớp 2 - Đề 1

I. Đọc thầm:

Cây nhút nhát

Bỗng dưng gió ào ào nổi lên. Có tiếng động gì lạ lắm. Những chiếc lá khô xào xạc. Cây xấu hổ co rúm lại.

Nó bỗng thấy xôn xao. He hé mắt nhìn: không có gì lạ cả. Lúc bấy giờ nó mới mở bừng những con mắt lá và quả nhiên không có gì lạ thật.

Nhưng cây cỏ xung quanh vẫn xôn xao. Thì ra vừa mới có một con chim xanh biếc, toàn thân óng ánh, không biết từ đâu bay tới. Nó đậu một lát trên cây thanh mai rồi bay đi. Cây cỏ xuýt xoa: Chưa có con chim nào đẹp đến thế! Càng nghe bạn bè trầm trồ, cây xấu hổ càng tiếc. Không biết bao giờ con chim xanh huyền diệu ấy quay trở lại.

Theo Trần Hoài Dương

Khoanh tròn chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:

1) Cây cỏ xung quanh xôn xao vì:

A) Cây xấu hổ co rúm người lại

B) Gió ào ào nổi lên, lá khô xào xạt

C) Có con chim tuyệt đẹp vừa bay đến rồi bay đi.

2) Những câu văn tả cảnh cây cỏ xôn xao bàn tán là:

A) Gió ào ào. Lá khô xào xạt.

B) Cây cỏ xôn xao. Cây cỏ xuýt xoa, trầm trồ

C) Có tiếng động gì lạ lắm. Cây xấu hổ bỗng thấy xôn xao.

3) Cây xấu hổ cảm thấy nuối tiếc vì:

A) Tiếng động lạ không còn

B) Nó nghe bạn bè trầm trồ, bàn tán.

C) Nó không được thấy con chim xanh huyền diệu

4) Dòng gồm những từ chỉ các bộ phận của cây:

A) Chồi, ngọn, lá, cành

B) Hoa, quả, thân, rễ, củ

C) Cả hai ý đều đúng

5) Câu “Con chim xanh biếc, toàn thân óng ánh” được viết theo mẫu:

A) Ai (con gì, cái gì) làm gì?

B) Ai (con gì, cái gì) là gì?

C) Ai (con gì, cái gì) thế nào?

6) Từ ngữ gạch dưới trong câu “Bông hóa có những cái cánh mềm mại và vàng óng như nắng mùa thu” trả lời cho câu hỏi:

A) Như thế nào?

B) Thế nào?

C) Vì sao?

II. Chính tả:

Vườn cây của ba

Thân xù xì cứ đứng trơ trơ

Cành gai góc đâm ngang tua tủa

Bưởi, sầu riêng, dừa, điều nhiều nhiều nữa

Cho em bốn mùa vị ngọt hương thơm

Vườn của ba cây trồng thì dễ sợ

Mà trái nào cũng thật dễ thương.

Nguyễn Duy

III. Tập làm văn:

1) Lời đáp của các bạn (được in đậm) trong những tình huống sau chưa lịch sự. Em hãy chữa giúp các bạn:

a) Thắng rủ Hùng sang nhà cùng chơi rô-bốt. Hùng nói:

- Ừ, cậu chịu khó chờ một chút, mình xin phép mẹ và sang ngay.

- Nhưng cậu không được làm hỏng rô – bốt của tớ nhé!
......................................................................................................................................................

b) Trang nhờ bà đan cho một cái túi bằng len để đựng bút. Bà nói:

- Ừ, bà sẽ đan ngay cho cháu một cái túi thật xinh.

- Phải đẹp hơn cái túi của chị Hồng, bà nhé!

.....................................................................................................................................................

2) Hãy viết một đoạn văn ngắn nói về một loài hoa mà em thích.

2. Đề ôn luyện Tiếng Việt cuối học kì 2 lớp 2 - Đề 2

I- Đọc thầm:

Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười

Cậu bé ấy bị mù. Một hôm, cậu được đưa đến phòng khám của bố tôi. Cậu bị một vết thương nguy hiểm đến đôi chân và cả tính mạng.

Một tuần ba lần, bố tôi cắt bỏ những chỗ bị hoại tử, rồi bôi thuốc, băng bó mà không lấy tiền. Bố rất mong cứu được đôi chân của cậu bé.

Nhưng rồi bố thất bại. Ngày phẫu thuật đến, bố đứng lặng nhìn cơ thể bé nhỏ ấy chìm dần vào giấc ngủ. Rồi bố giở miếng vải phủ chân cậu bé. Trên ống chân gầy gò của cậu, bố nhìn thấy một bức vẽ mà cậu đã mò mẫm vé trong bóng tối của mình để tặng bố. Đó là một gương mặt đang mỉm cười, bên cạnh là dòng chữ nguệch ngoạc: “Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười!”

Khoanh tròn chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:

1) Cậu bé mù được đưa đến phòng khám trong tình trạng:

A) Không nhìn thấy gì cả

B) Bị một vết thương rất nặng

C) Vết thương nguy hiểm đến đôi chân và tính mạng

2) Vị bác sĩ mong muốn điều:

A) Cứu đôi chân của cậu

B) Cứu cậu bé và không lấy tiền

C) Chữa cho cậu bé nhanh khỏi bệnh

3) Cậu bé đã tặng vị bác sĩ:

A) Bức vẽ gương mặt cậu đang cười

B) Bức vẽ gương mặt đang tươi cười

C) Tờ giấy có dòng chữ “Bác sĩ ơi, hãy mỉm cười”

4) Những từ trong đoạn 1 của bài văn trên là từ chỉ đặc điểm là:

A) Mù, nguy hiểm

B) Mù, tính mạng

C) Mũ, thương, nguy hiểm

5) Câu được viết theo mẫu “Ai thế nào?” là:

A) Đó là một gương mặt đang mỉm cười.

B) Rồi bố giở miếng vải phủ chân cậu lên.

C) Bố rất mong cứu được đôi chân của cậu bé.

6) Dòng có hình ảnh so sánh là:

A) Đứa bé gan dạ hơn.

B) Mặt xanh như tàu lá.

C) Gương mặt gầy gò, xanh xao.

II- Chính tả:

Kính lão

Hai mắt to tháo láo

Tay víu vào tai ba

Mấy tuổi mà lên lão?

Mà vênh vang vậy hà?

Lão khoe: mắt lão sáng

Để chỉ đường giúp ba

Em nhìn vào mắt lão

Em ơi! Xoay như là…

Thì ra lão mù tịt

Khi rời khỏi mắt ba.

Bùi Quang Thanh

III- Tập làm văn:

1) Nói lời đáp của em trong những trường hợp sau:

– Khi bạn xin lỗi vì lỡ làm dây mực vào áo em.

................................................................................................................................................

– Khi em bé nhà hàng xóm xin lỗi vì quên trả truyện tranh cho em.

................................................................................................................................................

– Khi bạn cảm ơn em vì em đã cho bạn mượn một cuốn sách rất hay.

.................................................................................................................................................

2) Hãy viết đoạn văn ngắn khoảng 3 – 4 câu tả một con vật mà em biết theo các gợi ý sau:

– Đó là con vật gì?

– Nó sống ở đâu?

– Hình dáng, màu lông, hoạt động của nó như thế nào?

3. Đề ôn luyện Tiếng Việt cuối học kì 2 lớp 2 - Đề 3

I) Đọc thầm:

Món quà hạnh phúc

Trong khu vườn kia có những chú thỏ con với cặp mắt hồng lóng lánh như hai viên ngọc, đôi tai dài và cái đuoi cộc quây quầy bên Thỏ Mẹ.

Thỏ Mẹ làm lụng quần quật suốt ngày để nuôi đàn con. Bầy thỏ con ngoan ngoãn, chăm chỉ, biết vâng lời mẹ. Tết sắp đến, chúng bàn nhau chuẩn bị quà tặng mẹ. Sau khi bàn bạc, chúng thống nhất: món quà tặng mẹ mà chúng sẽ cùng làm là một chiếc khăn trải bàn trắng tinh được tô diểm bằng những bông hoa đủ màu sắc mà lộng lẫy. Góc khăn là dòng chữ “Kính chúc mẹ vui, khỏe” được thêu nắn nót bằng những sợi chỉ vàng.

Tết đến, nhận được món quà của đàn con hiếu thảo, Thỏ Mẹ rất cảm động. Nó cảm thấy mình thật hạnh phúc, những mệt nhọc như bay biến đâu mất.

Theo Chuyện của mùa hạ

Khoanh tròn chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:

1) Đàn thỏ con sống với:

A) Ông bà ngoại

B) Ông bà nội

C) Thỏ Mẹ

2) Nhân dịp Tết đến, đàn thỏ con bàn với nhau điều:

A) Đi mua quần áo mới tặng mẹ

B) Tự tay làm khăn trải bàn thật đẹp để tặng mẹ

C) Đi mua khăn trải bàn có thêu hoa lộng lẫy để tặng mẹ

3) Trước món quà của đàn con yêu, Thỏ Mẹ cảm thấy:

A) Rất vui sướng

B) Rất vui, thích món quà

C) Rất hạnh phúc, mệt nhọc bay biến

4) Dòng có hình ảnh so sánh là:

A) Những bông hoa đủ màu sắc lộng lẫy.

B) Cặp mắt hồng lóng lánh như hai viên ngọc.

C) Dòng chữ được thêu nắn nót bằng những sợi chỉ vàng.

5) Những từ ngữ trong câu “Những chú thỏ con với cặp mắt hồng lóng lánh như hai viên ngọc, đôi tai dài và cái đuôi cộc đã quây quầy bên Thỏ Mẹ” là từ chỉ đặc điểm:

A) Hồng, lóng lánh, ngọc, dài

B) Hồng, dài, cộc, quây quầy

C) Hồng, lóng lánh, dài cộc

6) Câu được viết theo mẫu “Ai thế nào?” là:

A) Nó cảm thấy mình thật hạnh phúc.

B) Chúng bàn nhau chuẩn bị quà tặng mẹ.

C) Góc khăn là dòng chữ “Kính chúc mẹ vui, khỏe”

II) Chính tả:

Cây bàng

Cây bàng là chiếc nhà con

Bàng thương lũ trẻ, bóng tròn che chung

Cây là cột, cành là khung

Lá xòe bên lá lợp cùng trời xanh

Không tường gió thổi xung quanh

Có bàng, bãi cỏ biến thành sân chơi

Bàng vui mỗi buổi em vui

Hoa vàng quả, quả cũng vàng ơi là vàng.

Hữu Thỉnh

III) Tập làm văn:

1) Em sẽ nói gì khi:

– Bạn bị ốm phải nghỉ học, em chép bài giúp. Bố mẹ bạn cảm ơn em.

................................................................................................................................................

– Em nhường quà và đồ chơi cho em bé, bố mẹ khen em.

................................................................................................................................................

2) Hãy viết một đoạn văn ngắn tả cây hoa mà em thích.

4. Đề ôn luyện Tiếng Việt cuối học kì 2 lớp 2 - Đề 4

Con hãy đọc 10 lần bài Vè chim trang 28 và trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1.Các loài chim nào được kể trong bài?

a, Gà con, sáo, liếu điếu, chìa vôi, chèo bẻo

b, Khách, chim sẻ, chim sâu, tu hú, cú mèo

c, Cả hai câu trên đều đúng

Câu 2. Các loài chim trong bài được gọi tên như thế nào?

a, Gọi theo tên gọi các loài chim.

b, Gọi như con người, bằng các từ xưng danh

c, Không được gọi tên

Câu 3. Trong các loài vật sau,loài nào được gọi tên theo hình dáng?

a, Chim cánh cụt

b, Tu hú

c, Bói cá

Câu 4. Trong các câu sau, câu nào trả lời cho câu hỏi Ai thế nào?

a, Chim khách hay mách lẻo.

b, Chim khách là một giống chim rất khôn.

c, Chim khách đang kiếm mồi trên cây.

Câu 5. Từ chỉ đặc điểm trong câu: “Vừa đi vừa nhảy/Là em sáo xinh”

a, đi, nhảy, xinh

b, sáo, em

c, xinh

Câu 6. Bộ phận câu trả lời câu hỏi ở đâu? trong câu: “Thím khách hay mách lẻo trước nhà.”

b, Thím khách

b, Hay mách lẻo

c, Trước nhà

Câu 7. Câu: “Mẹ chim sâu có tình có nghĩa.” Được cấu tạo theo mẫu câu:

a, Con gì là gì?

b, Con gì làm gì?

c, Con gì thế nào?

Con hãy đọc 10 lần bài Chim sơn ca và bông cúc trắng (Từ Bên bờ rào, giữa đám cỏ dại đến bay về bầu trời xanh thẳm.) trang 23 và chép thật sạch đẹp vào vở.

5. Đề ôn luyện Tiếng Việt cuối học kì 2 lớp 2 - Đề 5

Đề bài

A/ Kiểm tra đọc (10 điểm)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Kho báu (Trang 83- TV2/ Tập 2)

2. Những quả đào (Trang 91 - TV2/ Tập 2)

3. Cây đa quê hương (Trang 93 - TV2/ Tập 2)

4. Ai ngoan sẽ được thưởng (Trang 100 - TV2/ Tập 2)

5. Chuyện quả bầu (Trang 107 - TV2/ Tập 2)

6. Bóp nát quả (Trang 124 - TV2/ Tập 2)

7. Người làm đồ chơi (Trang 133 - TV2/ Tập 2)

8. Đàn Bê của anh Hồ Giáo (Trang 136 - TV2/ Tập 2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm) (35 phút)

Đọc thầm bài sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:

Kiến và Ve Sầu

Ngày hè nắng rực rỡ, những loài vật nhỏ bé trong rừng đang cùng nhau ca hát rong chơi. Chú Kiến vẫn cặm cụi đi kiếm thức ăn tha về tổ. Thấy Kiến đi qua, Ve Sầu giễu cợt:

- Này nhà chú ăn hết bao nhiêu đâu mà kiếm nhiều thế cho nặng tổ. Chú cứ vui chơi như chúng tôi đi!

Kiễn vẫn tiếp tục làm việc, chú đáp lại Ve Sầu:

- Chị cứ vui chơi đi, nhà chúng em sức yếu, phải tích trữ cái ăn cho mùa đông giá rét chị ạ.

Mùa đông đến, Ve Sầu không chịu làm tổ, cũng không có cái ăn nên nó bám vào cây, khô héo dần đi vì đói và rét. Kiến đã kiếm đủ thức ăn và cỏ cho mùa đông nên không phải ra ngoài trời lạnh mà vẫn có cái ăn. Lo xa quả là không thừa.

(Theo Truyện ngụ ngôn)

1. Ai cũng muốn được hưởng thụ và tận hưởng vui chơi, tại sao Kiến chỉ miệt mài làm việc? (0.5 điểm)

A. Vì Kiến đã chơi suốt ba mùa thu, đông, xuân rồi nên đến mùa hè buộc phải làm việc miệt mài.

B. Vì Kiến không muốn chơi chung với mọi người.

C. Vì Kiến lo xa, muốn tích trữ thức ăn cho mùa đông giá rét.

D. Vì Kiến phải kiếm tiền để trả nợ.

2. Sự miệt mài làm việc của Kiến đã đem lại điều gì? (0.5 điểm)

A. Giúp Kiến có đủ thức ăn và cỏ cho mùa đông giá rét, không cần phải ra ngoài trời lạnh mà vẫn có cái ăn.

B. Giúp Kiến trả hết nợ nần, mùa đông năm ấy Kiến được ung dung trong tổ hưởng thụ sự ấm áp.

C. Giúp Kiến nhanh chóng trở thành một người giàu có trong khu rừng.

D. Giúp Kiến có thêm vàng bạc châu báu chất đầy nhà.

3. Còn Ve Sầu thích vui chơi thì đã gặp phải điều gì? (0.5 điểm)

A. Mùa đông đến, Ve Sầu phải tới nhà Kiến xin ăn và xin ở nhờ cho qua ngày.

B. Mùa đông đến, Ve Sầu phải ra ngoài kiếm ăn giữa trời lạnh giá.

C. Mùa đông đến, Ve Sầu không có cái ăn, lại không có tổ nên cứ bám vào cây, khô héo dần đi vì đói và rét.

D. Tết năm đó, Ve Sầu không có đủ tiền để về quê thăm mẹ.

4. Theo em, nhờ đâu mà Kiến có đủ thức ăn sống qua mùa đông giá rét? (0.5 điểm)

A. Nhờ của cải của mẹ để lại và sự tiết kiệm của chính mình.

B. Nhờ sự kiên nhẫn và chăm chỉ lại biết lo xa.

C. Nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè.

D. Nhờ lời khuyên của Ve Sầu

5. Qua câu chuyện về Kiến và Ve Sầu em rút ra cho mình bài học gì? (1 điểm)

6. Gạch dưới bộ phận trả lời câu hỏi Để làm gì? trong mỗi câu sau: (1 điểm)

a. Kiến chăm chỉ kiếm thức ăn để tích trữa cho mùa đông giá rét.

b. Để ủng hộ cho các bạn ở vùng cao, lớp em tổ chức quyên góp quần áo ấm.

7. Viết câu trả lời vào dòng phía dưới: (1 điểm)

a. Người công nhân hái chè ở đâu?

b. Các bác sĩ làm việc ở đâu?

8. Viết lời đáp của em cho mỗi trường hợp sau: (1 điểm)

a. Em mượn bạn cuốn sách hay, bạn đồng ý. Em sẽ nói:

b. Em xin phép mẹ đi chơi. Mẹ đồng ý, trước khi em sẽ nói với mẹ:

B/ Kiểm tra viết (10 điểm)

1/ Chính tả: Nghe - viết (4 điểm - 15phút)

Một trí khôn hơn trăm trí khôn

Một buổi sáng, đôi bạn dạo chơi trên cánh đồng. Chợt thấy một người thợ săn, chúng cuống quýt nấp vào một cái hang. Nhưng người thợ săn đã thấy dấu chân của chúng. Ông reo lên: “Có mà trốn đằng trời!” Nói rồi, ông lấy gậy thọc vào hang.

2/ Tập làm văn (6 điểm - 25 phút)

Viết một đoạn văn ngắn (3 – 5 câu) kể về nghề nghiệp của một người hàng xóm của gia đình em.

Gợi ý:

- Người đó làm nghề gì?

- Người đó làm ở đâu?

- Hằng ngày người đó làm việc gì?

- Công việc của người đó có ý nghĩa như thế nào đối với mọi người?

Lời giải chi tiết

A/Kiểm tra đọc (10 điểm)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

2/Đọc hiểu: (6 điểm)

1. (0.5 điểm) C. Vì Kiến lo xa, muốn tích trữ thức ăn cho mùa đông giá rét.

2. (0.5 điểm) A. Giúp Kiến có đủ thức ăn và cỏ cho mùa đông giá rét, không cần phải ra ngoài trời lạnh mà vẫn có cái ăn.

3. (0.5 điểm) C. Mùa đông đến, Ve Sầu không có cái ăn, lại không có tổ nên cứ bám vào cây, khô héo dần đi vì đói và rét.

4. (0.5 điểm) B. Nhờ sự kiên nhẫn và chăm chỉ lại biết lo xa.

5. (1 điểm)

Qua câu chuyện về Kiến và Ve Sầu, em rút ra được bài học là nên biết cách tính toán và có kế hoạch trong cuộc sống.

6. (1 điểm)

a. Kiến chăm chỉ kiếm thức ăn để tích trữa cho mùa đông giá rét.

b. Để ủng hộ cho các bạn ở vùng cao, lớp em tổ chức quyên góp quần áo ấm.

7. (1 điểm)

a. Người công nhân hái chè ở đồi chè.

b. Các bác sĩ làm việc ở bệnh viện.

8. (1 điểm)

a. Em mượn của bạn cuốn sách hay, bạn đồng ý. Em sẽ nói :

- Mình cảm ơn bạn nhé. Mình sẽ trả lại bạn sớm.

b. Em xin phép mẹ đi chơi. Mẹ đồng ý, trước khi đi em sẽ nói với mẹ :

- Con cảm ơn mẹ. Con sẽ về nhà sớm ạ.

B/ Kiểm tra viết (10 điểm)

1/Chính tả: (nghe viết) (4 điểm )

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng,viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi ): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch , đẹp: 1 điểm

2/ Tập làm văn: (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau: (4 điểm)

- Người đó làm nghề gì?

- Người đó làm ở đâu?

- Hằng ngày người đó làm việc gì?

- Công việc của người đó có ý nghĩa như thế nào đối với mọi người?

- Hình thức: (2đ)

+ Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5đ

+ Dùng từ, đặt câu tốt: 1 đ

+ Bài viết có sáng tạo: 0.5 đ

Bài làm tham khảo :

Người hàng xóm thân thiết với gia đình em là chú Tiến. Chú làm nghề lái máy cẩu cho nông trường xã. Hằng ngày, chú đi làm từ sáng sớm và trở về nhà khi mặt trời đã lặn. Chú điều khiển chiếc máy cẩu, san bằng đất đá để xây dựng xưởng sản xuất chè. Công việc của chú mang lại nhiều ý nghĩa vì đã giúp người dân quê hương em vững tin thu hoạch chè, ổn định cuộc sống.

6. Đề ôn luyện Tiếng Việt cuối học kì 2 lớp 2 - Đề 6

A/ Kiểm tra đọc (10 điểm)

I/ Đọc thành tiếng (4 điểm)

GV cho HS bốc thăm đọc một trong các đoạn của bài văn sau và trả lời câu hỏi về nội dung của bài đọc.

1. Kho báu (Trang 83- TV2/ Tập 2)

2. Những quả đào (Trang 91 - TV2/ Tập 2)

3. Cây đa quê hương (Trang 93 - TV2/ Tập 2)

4. Ai ngoan sẽ được thưởng (Trang 100 - TV2/ Tập 2)

5. Chuyện quả bầu (Trang 107 - TV2/ Tập 2)

6. Bóp nát quả (Trang 124 - TV2/ Tập 2)

7. Người làm đồ chơi (Trang 133 - TV2/ Tập 2)

8. Đàn Bê của anh Hồ Giáo (Trang 136 - TV2/ Tập 2)

II/ Đọc hiểu (6 điểm) (35 phút)

Đọc thầm bài sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:

Quyển sổ liên lạc

Ai cũng bảo bố Trung lắm hoa tay. Bố làm gì cũng khéo, viết chữ thì đẹp. Chẳng hiểu sao, Trung không có được hoa tay như thế. Tháng nào, trong sổ liên lạc, cô giáo cũng nhắc Trung phải tập viết thêm ở nhà.

Một hôm, bố lấy trong tủ ra một quyển sổ mỏng đã ngả màu, đưa cho Trung. Trung ngạc nhiên: đó là quyển sổ liên lạc của bố ngày bố còn là một cậu học trò lớp hai. Trang sổ nào cũng ghi lời thầy khen bố Trung chăm ngoan, học giỏi. Nhưng cuối lời phê, thầy thường nhận xét chữ bố Trung nguệch ngoạc, cần luyện viết nhiều hơn. Trung băn khoăn:

- Sao chữ bố đẹp thế mà thầy còn chê?

Bố bảo:

- Đấy là do sau này bố tập viết rất nhiều, chữ mới được như vậy.

- Thế bố có được thầy khen không?

Giọng bố buồn hẳn:

- Không. Năm bố học lớp ba, thầy đi bộ đội rồi hy sinh.

NGUYỄN MINH

1. Trong sổ liên lạc, cô giáo nhắc Trung điều gì? (0.5 đ)

A. Trung phải ngoan ngoãn hơn.

B. Trung phải tập viết thêm ở nhà.

C. Trung không được bắt nạt các bạn nữa.

D. Trung phải chăm học hơn nữa

2. Bố đưa quyển sổ liên lạc cũ của bố cho Trung xem để làm gì? (0.5 đ)

A. Để bố cho Trung biết, ngày nhỏ cũng như Trung, chữ của bố rất xấu. Nhờ nghe lời thầy luyện viết nhiều, chữ bố mới đẹp.

B. Để Trung nghe lời cô giáo, tập viết nhiều, chữ của Trung cũng sẽ đẹp.

C. Để Trung biết thời đi học bố được giáo viên khen viết chữ đẹp, bố muốn Trung cũng chăm chỉ luyện chữ như mình.

D. Cả A và B

3. Vì sao bố buồn khi nhắc tới thầy giáo cũ của bố? (0.5 đ)

A. Vì thầy đã hi sinh. Bố tiếc là thầy không thấy học sinh của thầy ngày nào nhờ nghe lời thầy mà rèn luyện, đã viết chữ đẹp hơn.

B. Vì trước đây bố Trung viết chữ xấu, thầy hay mắng.

C. Vì bố thấy Trung viết chữ xấu hơn mình.

D. Vì thầy giáo cũ dạy không hay

4. Em phải giữ gìn quyển sổ liên lạc của mình như thế nào? (0.5 đ)

A. Không cần giữ cẩn thận vì đó không phải là quyển vở quan trọng.

B. Cần giữ sổ cẩn thận như giữ một kỉ niệm giống như người bố trong câu chuyện.

C. Chỉ cần giữ gìn trong năm học, hết năm học thì không còn giá trị nữa.

D. Cả hai ý B và C.

5. Bộ phận được in đậm trong câuBố đưa cho Trung xem sổ liên lạc của bố để nhắc nhở Trung cố gắng luyện viết thì chữ cũng sẽ đẹp như chữ của bố.trả lời cho câu hỏi gì? (0.5 đ)

A. Để làm gì?

B. Khi nào?

C. Vì sao?

D. Như thế nào?

6. Tìm từ trái nghĩa với mỗi từ sau: (1.5đ)

nóng - .......

thấp - .......

khen - ..........

7. Em hãy điền dấu phẩy hoặc dấu chấm vào chỗ thích hợp trong đoạn văn sau : (1đ)

Hằng năm cứ đến mùa xuân đồng bào Ê-đê Mơ-nông lại tưng bừng mở hội đua voi Hàng trăm con voi nục nịch kéo đến

8. Đặt một câu nói về Bác Hồ. (1đ)

B/ Kiểm tra viết (10 điểm)

1/ Chính tả: Nghe - viết (4 điểm - 15phút)

Những quả đào

Thấy Việt chỉ chăm chú nhìn vào tấm khăn trải bàn, ông ngạc nhiên hỏi :

- Còn Việt, sao cháu chẳng nói gì thế?

- Cháu ấy ạ? Cháu mang đào cho Sơn. Bạn ấy bị ốm. Nhưng bạn ấy không muốn nhận. Cháu đặt quả đào trên giường rồi trốn về.

- Cháu là người có tấm lòng nhân hậu ! Ông lão thốt lên và xoa đầu đứa cháu nhỏ.

2/ Tập làm văn ( 6 điểm - 25 phút)

– Hãy viết một đoạn văn ngắn từ 4 – 5 câu để nói về ảnh của Bác Hồ mà em được nhìn thấy theo gợi ý sau :

– Em nhìn thấy ảnh Bác ở đâu ?

– Trông Bác như thế nào (râu, tóc, vầng trán, đôi mắt, nụ cười…..) ?

– Em muốn hứa với Bác điều gì ?

Lời giải chi tiết

A/Kiểm tra đọc (10 điểm)

1/Đọc thành tiếng: (4 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm.

- Đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm.

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1 điểm.

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm.

2/Đọc hiểu: (6 điểm)

- Đáp án các câu trắc nghiệm, mỗi câu đúng 0.5 điểm

+ Câu 1 : B. Trung phải tập viết thêm ở nhà.

+ Câu 2 : D. Cả A và B

+ Câu 3 : A. Vì thầy đã hi sinh. Bố tiếc là thầy không thấy học sinh của thầy ngày nào nhờ nghe lời thầy mà rèn luyện, đã viết chữ đẹp hơn.

+ Câu 4 : B. Cần giữ sổ cẩn thận như giữ một kỉ niệm giống như người bố trong câu chuyện.

+ Câu 5 : A. Để làm gì?

- Các câu tự luận ngắn:

+ Câu 6: Mỗi câu trả lời đúng học sinh có 0.5 điểm, tối đa là 1.5 đ

Các từ trái nghĩa cần tìm là:

nóng - lạnh

thấp - cao

khen - chê

+ Câu 7:Tối đa là 1d.

Các dấu phẩy và dấu chấm được điền như sau:

Hằng năm , cứ đến mùa xuân, đồng bào Ê-đê, Mơ-nông lại tưng bừng mở hội đua voi. Hàng trăm con voi nục nịch kéo đến.

+ Câu 8 : Học sinh đặt câu về Bác Hồ phù hợp nội dung và đúng ngữ pháp. GV cho điểm tối đa là 1đ

B/ Kiểm tra viết (10 điểm)

1/Chính tả: (nghe viết) (4 điểm )

- Tốc độ đạt yêu cầu: 1 điểm

- Chữ viết rõ ràng,viết đúng chữ, cỡ chữ: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi ): 1 điểm

- Trình bày đúng quy định, viết sạch , đẹp: 1 điểm

2/ Tập làm văn: (6 điểm)

Bài viết của học sinh phải đạt những yêu cầu về nội dung và hình thức như sau:

- Về nội dung: Đảm bảo đủ các ý sau: (4 điểm)

+ Em nhìn thấy ảnh Bác ở đâu ?

+ Trông Bác như thế nào (râu, tóc, vầng trán, đôi mắt, nụ cười…..) ?

+ Em muốn hứa với Bác điều gì ?

- Hình thức: (2 điểm)

+ Chữ viết sạch, đẹp, đúng chính tả: 0.5đ

+ Dùng từ, đặt câu tốt: 1 đ

+ Bài viết có sáng tạo: 0.5 đ

Bài làm tham khảo :

Trong phòng học lớp em có treo ảnh Bác Hồ. Ảnh Bác được treo trang trọng trên tường, ngày chính giữa lớp, phía trên chiếc bảng đen xinh xắn. Trông Bác hiền từ như một ông Bụt bước ra từ câu chuyện cổ tích mà bà em hay kể. Râu tóc Bác bạc trắng. Đôi mắt hiền hậu dõi theo chúng em học bài. Vầng trán rộng thể hiện sự thông minh và trí tuệ uyên thâm. Mỗi khi nhìn vào ảnh Bác, em luôn tự nhủ mình sẽ cố gắng chăm ngoan, học tập thật giỏi để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

....................

Đây đều là những bài tập cơ bản mà chúng tôi đã chọn lọc kỹ lưỡng. Bộ tài liệu về chính tả, luyện câu và từ, tập làm văn này đã bám sát vào chương trình sách giáo khoa, là tài liệu ôn tập hữu ích dành cho các em học sinh trung bình, khá giỏi trên toàn quốc.

Ngoài Đề ôn luyện Tiếng Việt cuối học kì 2 lớp 2 trên, các em học sinh có thể tham khảo môn Toán lớp 2 nâng caobài tập môn Toán lớp 2 đầy đủ khác, để học tốt môn Toán hơn và chuẩn bị cho các bài thi đạt kết quả cao.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
173
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 2 lớp 2 môn Tiếng Việt Kết nối

    Xem thêm