Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn - Đề 2

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 2 là đề thi thử mới, sát với chương trình học Ngữ văn lớp 9 do VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh củng cố kiến thức trong quá trình ôn thi. Mời các bạn tham khảo!

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 2

Phần I ( 7 điểm )

Mở đầu bài thơ của mình, có một nhà thơ viết:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

và ở cuối bài, nhà thơ bày tỏ nguyện ước: “Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

Câu 1 . Em hãy cho biết những câu trơ trên trích trong bài thơ nào? Tác giả là ai? Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

Câu 2 . Trong những câu thơ trên, hình ảnh hàng tre trong câu thơ nào là hình ảnh tả thực, hình ảnh hàng tre trong câu thơ nào là hình ảnh ẩn dụ?

Ý nghĩa của hình ảnh hàng tre trong khổ đầu và trong câu kết bài thơ em vừa nêu có giống nhau không? Vì sao? Việc lặp lại hình ảnh hàng tre ở câu kết bài thơ có ý nghĩa gì?

Câu 3 . Viết đoạn văn theo phép lập luận diễn dịch (khoảng 8 -10 câu) phân tích khổ cuối của bài thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng phép thế và một thành phần biệt lập (chú thích rõ).

Câu 4 . Cây tre đã trở thành hình ảnh trung tâm của nhiều tác phẩm văn học Việt Nam. Trong chương trình Ngữ văn THCS, có tác phẩm văn học hiện đại nào em đã học cũng xuất hiện hình ảnh cây tre? Tác giả của tác phẩm đó là ai?

Phần II ( 3 điểm )

Hình ảnh mùa xuân đất nước hiện lên thật đẹp trong những vần thơ của Thanh Hải:

Mùa xuân người cầm súng,

Lộc giắt đầy trên lưng.

Mùa xuân người ra đồng,

Lộc trải dài nương mạ.

Tất cả như hối hả,

Tất cả như xôn xao…

(Mùa xuân nho nhỏ)

Câu 1. Hãy trình bày mạch cảm xúc của bài thơ.

Câu 2. Trong khổ thơ trên, từ “lao xao” có thể thay thế cho từ “xôn xao” được không? Vì sao?

Câu 3. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” cho ta thấy niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa toả hương sắc cho đời của Thanh Hải. Trong bài “Một khúc ca xuân”, Tố Hữu cũng có những suy ngẫm tương tự: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Bằng một đoạn văn quy nạp khoảng 12- 15 câu, trình bày ý kiến của em về quan niệm sống nói trên trong câu thơ của Tố Hữu.

Đáp án Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 2

Phần I ( 7 điểm ):

Câu 1:

- Những câu thơ trên trích trong bài “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương.

- Bài thơ được viết vào tháng 4 năm 1976 - khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước nước thống nhất. Nhà thơ Viễn phương ra Bắc thăm lăng Bác, nhà thơ đã viết bài thơ này và được in trong tập “Như mây mùa xuân” năm 1978.

Câu 2:

- Hình ảnh tả thực: “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”

- Hình ảnh ẩn dụ: “Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam/Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

- Hình ảnh hàng tre trong khổ đầu là hình ảnh hàng tre trong thực tế - hàng tre được trồng ở lăng Bác, gợi ra khung cảnh nơi làng quê thanh bình, biểu tượng cho tính cách của dân tộc Việt Nam. Hàng tre ấy cũng là sự ẩn dụ về con người giản dị, thanh cao của Bác. Hình ảnh hàng tre cuối bài lại tượng trưng cho tấm lòng trung hiếu của nhà thơ đối Bác và Tổ quốc.

- Tác dụng: Việc lặp lại hình ảnh hàng tre tạo kết cấu đầu cuối tương ứng cho bài thơ và nhấn mạnh, khắc sâu tấm lòng yêu thương, kính trọng mà nhà thơ dành cho Bác. Không chỉ vậy, hình ảnh tre còn khẳng định cho những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Câu 3: 

Khổ thơ cuối của bài “Viếng lăng Bác” đã thể hiện cảm xúc lưu luyến và ước mong sống cống hiến của nhà thơ trước khi ra về. Câu thơ “Mai về miền Nam thương trào nước mắt” là lời tạm biệt nghẹn ngào, sâu lắng. Động từ “trào” diễn tả dòng cảm xúc mãnh liệt, sự tiếc nuối, thương nhớ, bịn rịn không muốn rời xa. Đó không chỉ là tâm trạng của nhà thơ mà còn là cảm xúc chung của rất nhiều người dân Việt Nam khi tới thăm Bác. Chắc chắn những giây phút được gặp Bác dù ngắn ngủi nhưng vô cùng thiêng liêng. Nhà thơ Viễn Phương - một người con của miền Nam, bày tỏ ước nguyện thành kính: “Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác/Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây/Muốn làm cây tre trung hiếu trốn này”. Điệp từ “Muốn” lặp lại ba lần thể hiện ước mong chân thành, mạnh mẽ. Tác giả mong muốn hóa thân thành chú chim để cất cao tiếng hót thánh thót ở nơi Bác yên nghỉ. Rồi nhà thơ lại muốn làm một đóa hoa dâng cho lăng Bác hương thơm ngào ngạt. Cuối cùng, tất cả những ước nguyện ấy khép lại, gửi gắm trọn vào hình ảnh “cây tre trung hiếu”, gợi nhớ đến vẻ đẹp phẩm chất kiên trung, vững vàng, cần cù của con người Việt Nam. Khổ thơ cuối bài đã cho thấy khao khát cống hiến, sống một cuộc đời đẹp đẽ của nhà thơ để xứng đáng với công lao của Bác.

- Thành phần biệt lập: một người con của miền Nam.

- Phép thế: “Tác giả”, “nhà thơ”.

Câu 4:

Các tác phẩm xuất hiện hình ảnh cây tre: “Thánh Gióng” (Truyện truyền thuyết dân gian), “Cây tre Việt Nam” (Thép Mới).

Phần II ( 3 điểm )

Câu 1:

Mạch cảm xúc của bài thơ được thể hiện rõ qua bố cục. Nhà thơ đi từ cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đến cảm xúc về mùa xuân của đất nước rồi bày tỏ ước nguyên sống và cuối cùng là ngợi ca quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.

Câu 2:

Trong khổ thơ trên, từ “lao xao” không thể thay thế cho từ “xôn xao". Cả hai từ đều mô phỏng âm thanh nhưng từ “xôn xao” gợi tả được cả trạng thái tâm lí, tâm thế vui tươi náo nức của con người, đem đến cảm giác niềm hân hoan dâng lên từ cõi lòng. “xôn xao” không chỉ tả cảnh mà còn tả được tình trong cảnh.

Câu 3:

Câu “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” được trích từ tác phẩm “Một khúc ca xuân” của nhà thơ Tố Hữu không chỉ là một lời thơ mà còn trở thành một quan niệm sống. “cho” ở đây chính là biết cống hiến, hòa nhập cái “tôi” với cái “ta”, hi sinh vì người khác. Ngược lại, "nhận” có ý nghĩa chỉ sự hưởng thụ, lấy về cho chính mình. Câu thơ đã đề cập đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, trách nhiệm và quyền lợi. Con người sống phải biết hi sinh, cống hiến, quan tâm đến cộng đồng, đừng chỉ lo thu nhận lợi ích riêng cho bản thân. Lối sống này thể hiện ở việc yêu thương mọi người xung quanh, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng tham gia những công việc tập thể,… Sống phải biết cho đi hơn là nhận lại bởi con người là một phần của xã hội, đất nước, dân tộc. Cộng đồng đã mang lại cho ta nhiều giá trị, cha ông đã hi sinh để ta có được nền hòa bình hôm nay nên cống hiến cho Tổ quốc chính là trách nhiệm công dân của mỗi con người. Không chỉ vậy, nó còn giúp ta bồi đắp nhiều đức tính tốt đẹp như chăm chỉ, dũng cảm, tự trọng. Nhờ biết cho đi mà cuộc sống trở nên ý nghĩa, con người có mục tiêu để phấn đấu. Những phong trào “Nhường cơm sẻ áo”, “Hũ gạo cứu đói” của nhân dân ta trong những năm khó khăn chính là ví dụ cho lối sống này. Ngược lại, những người sống ích kỉ, vô cảm, chỉ biết nhận chứ không biết cho rất đáng lên án. Như vậy, quan niệm sống “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” của Tố Hữu là quan niệm sống đúng đắn, ý nghĩa ở mọi thời đại.

---------------------------------------------------------

Ngoài bài viết trên, mời các bạn truy cập vào Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 3 trên VnDoc để tham khảo thêm đề thi hay, mới mẻ. Chúc các bạn học tập thật tốt và gặt hái được nhiều thành công!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi vào 10 môn Văn

    Xem thêm