Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn - Đề 4

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn - Đề 4 là đề thi thử mới, sát với chương trình học Ngữ văn lớp 9 do VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh củng cố kiến thức trong quá trình ôn thi. Mời các bạn tham khảo!

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn - Đề 4

Phần I: (4 điểm)

Cho đoạn trích sau:

“Ông Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Ông hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài. Chợt ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhủn ra, tưởng chừng như không cất lên được… Có tiếng nói léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ… Mụ nói cái gì vậy? Mụ nói cái gì mà lào xào thế? Trống ngực ông lão đập thình thịch. Ông lão nín thở, lắng tai nghe bên ngoài…”

Câu 1 : Đoạn trích trên trích trong tác phẩm nào? Do ai sáng tác?

Câu 2 : Chỉ ra những từ láy tượng thanh có trong đoạn trích. Những từ láy đó đã giúp bộc lộ tâm trạng của nhân vật ông Hai như thế nào? Tại sao ông Hai lại có tâm trạng đó?

Câu 3 : Truyện ngắn “Làng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Lân, đã tạo một dấu ấn riêng trong lòng người đọc. Em hãy viết đoạn văn khoảng nửa trang giấy thi giới thiệu về tác phẩm này.

Phần II : (6 điểm)

Nguyễn Du đã có những câu thơ khắc họa bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp như sau:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

(Trích Truyện Kiều )

Câu 1 : Từ “thiều quang” trong đoan trích trên có nghĩa là gì?

Câu 2 : Em hãy chỉ ra phép đảo ngữ được Nguyễn Du sử dụng trong đoạn thơ trên. Cách sử dụng nghệ thuật đảo ngữ trong đoạn thơ đã góp phần khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân như thế nào?

Câu 3: Trong chương trình Ngữ văn 9 cũng có một bài thơ sử dụng phép đảo ngữ để khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân. Em hãy chép lại những câu thơ tương tự và cho biết đó là bài thơ nào? Do ai sáng tác? So sánh cách sử dụng phép đảo ngữ của các tác giả trong cả hai bài thơ.

Câu 4: Viết một đoạn văn diễn dịch khoảng 10 – 12 câu, nêu cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong đoạn thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng một câu ghép và một thành phần biệt lập phụ chú. (Gạch chân và chú thích rõ)

Đáp án Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn - Đề 4

Phần I (4 điểm)

Câu 1: Đoạn trích trên được trích trong tác phẩm “Làng” do nhà văn Kim Lân sáng tác.

Câu 2:

- Những từ láy tượng thanh có trong đoạn trích là “léo xéo”, “lào xào”, “thình thịch”.

- Những từ láy trên giúp nhà văn diễn tả chân thực, sinh động tâm trạng rối bời, lo âu, sợ sệt, xấu hổ đến mức ám ảnh của nhân vật ông Hai.

- Ông Hai có tâm trạng đó mới khi ấy, ông biết tin làng Chợ Dầu theo Tây. Ông lo lắng mụ chủ nhà biết được tin ấy sẽ đuổi gia đình ông đi nên chỉ cần nghe thấy tiếng mụ “léo xéo” ở gian trên là ông lão lại chột dạ sợ hãi.

Câu 3:

Kim Lân (1920 -2007) là có sở trường viết về nông thôn Việt Nam. "Làng" là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn ông, được viết vào năm 1948 - giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhân vật chính của truyện là ông Hai. Ông Hai yêu làng và hay khoe về làng. Từ khi có cách mạng, được giác ngộ lý tưởng, ông luôn tự hào về phong trào kháng chiến sôi nổi của làng. Sau đó, chiến tranh khiến gia đình ông buộc phải rời làng đi tản cư. Thế rồi bỗng một ngày, ông nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Ông Hai đã vô cùng đau khổ, dằn vặt, tủi nhục. Trong lòng ông diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt. Cuối cùng, ông quyết tâm: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù”. Đến khi nghe tin làng được cải chính, ông Hai rất vui sướng đi khoe khắp nơi. Qua câu chuyện về ông Hai, Kim Lân đã khắc họa chân thực tình yêu làng, yêu nước, sự thủy chung với cách mạng, tình đoàn kết dân tộc của người nông dân trong kháng chiến. Tất cả những giá trị nội dung sâu sắc ấy được thể hiện qua nghệ thuật xây dựng nhân vật chân thực và phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, tình huống truyện đặc sắc, nghệ thuật kể chuyện sinh động.

Phần II (6 điểm)

Câu 1:Từ “thiều quang” trong đoạn trích có nghĩa là ánh sáng đẹp ngày xuân.

Câu 2:

- Biện pháp đảo ngữ được Nguyễn Du sử dụng trong đoạn thơ trên: "Cành lê trắng điểm một vài bông hoa."

- Nghệ thuật đảo ngữ đã góp phần khắc họa sinh động, ấn tượng vẻ đẹp trong trẻo, tinh khôi, tràn đầy sức sống của thiên nhiên mùa xuân. Trên cành cây, những bông hoa lê trắng bung nở tạo nên nét chấm phá đặc sắc cho bức tranh xuân.

Câu 3:

- Bài thơ sử dụng phép đảo ngữ tương tự là “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải. Biện pháp đảo ngữ được thể hiện trong câu thơ:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc”

- Nguyễn Du và Thanh Hải đều sử dụng biện pháp đảo ngữ miêu tả thiên nhiên mùa xuân, diễn tả sức sống và sự đâm chồi nảy lộc của cảnh vật. Điểm khác nhau nằm ở chỗ Nguyễn Du lại tập trung vào màu sắc, nhấn mạnh sắc trắng của hoa lê để làm nổi bật vẻ mới mẻ, trong trẻo của khung cảnh. Thanh Hải lại mô tả động thái “mọc”, nhấn mạnh trạng thái hoạt động và sự chuyển mình của “bông hoa tím biếc”.

Câu 4:

Khung cảnh mùa xuân trong đoạn trích " Cảnh ngày xuân" được coi là một trong số những bức tranh thiên nhiên sống động, tươi đẹp nhất trong “Truyện Kiều”. Nguyễn Du đã đầu khái quát phong cảnh thiên nhiên với những nét chấm phá ấn tượng:

“Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”

Hai câu thơ đầu ra vừa gợi không gian và thời gian. Con người nhìn ngắm cánh én chao lượnn trên bầu trời mà chợt nhận ra tiết trời đã sang tháng ba. Cánh én sắp đưa mùa xuân đi xa hay tháng ba khiến cánh én trở nên vội vã? Tháng ba - tháng cuối cùng của mùa xuân, lúc nào cũng gợi lên trong lòng người những cảm xúc mơn man. Chín chục ngày xuân, nay đã qua sáu mươi ngày nhưng thiên nhiên mùa xuân vẫn căng tràn sức sống. Trên nền cỏ xanh non kéo dài bát ngát là một vài bông hoa lê trắng. Cụm từ “xanh tận chân trời” gợi lên cái xanh mơn mởn, tươi tắn của cỏ. Ta dường như nghe thấy tiếng nói ngỡ ngàng của thi nhân khi chợt nhận ra những cánh hoa trắng nổi lên trên màu xanh mướt mát. Nguyễn Du đã có một nét chấm phá thật ấn tuowjg. Biện pháp đảo ngữ với chữ “trắng” được đưa lên trước động từ và danh từ, tạo ấn tượng mạnh mẽ về sự trong sáng và tinh khôi vô ngần. Cảnh xuân như không vương một chút bụi nào, dịu dàng mà ấm áp. Chỉ với bốn câu thơ, người đọc đã cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước những biến chuyển của tự nhiên của Nguyễn Du. Bốn câu thơ chính là cái nền tuyệt đẹp để từ đó tác giả khắc họa hành động và tâm trạng con người.

---------------------------------------------------------

Ngoài bài viết trên, mời các bạn truy cập vào chuyên mục Thi vào lớp 10 trên VnDoc để tham khảo thêm Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 5 để cùng luyện thêm nhiều đề thi bổ ích. Chúc các bạn học tập thật tốt!

Đánh giá bài viết
1 304
Sắp xếp theo

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn

    Xem thêm