Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn - Đề 5

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 5 là đề thi thử mới, sát với chương trình học Ngữ văn lớp 9 do VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh củng cố kiến thức trong quá trình ôn thi. Mời các bạn tham khảo!

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 5

Phần I: (6 điểm)

Cho đoạn trích sau:

“Mãi khuya, bà Hai mới chống gối đứng dậy. Bà lẳng lặng xuống bếp châm lửa ngồi tính tiền hàng. Vẫn những tiền cua, tiền bún, tiền đỗ, tiền kẹo … Vẫn cái giọng rì rầm, rì rầm thường ngày.

- Này, thầy nó ạ.

Ông Hai nằm rũ ra ở trên giường không nói gì.

- Thầy nó ngủ rồi à?

- Gì?

Ông lão khẽ nhúc nhích.

- Tôi thấy người ta đồn …

Ông lão gắt lên:

- Biết rồi!

Bà Hai nín bặt. Gian nhà lặng đi hiu hắt.”

(Trích Làng – Kim Lân )

Câu 1: Dấu chấm lửng trong câu “ Tôi thấy người ta đồn …” có tác dụng gì? Sự việc mà bà Hai nghe “ người ta đồn ” là sự việc nào?

Câu 2 : Theo trình tự cốt truyện thì đoạn trích nằm ở tình huống nào? Ý nghĩa của tình huống này là gì?

Câu 3 : Trong cuộc đối thoại trên, có những phương châm hội thoại nào đã bị vi phạm? Theo em, việc tác giả để cho nhân vật vi phạm các phương châm hội thoại này nhằm mục đích gì?

Câu 4 : Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng – phân – hợp phân tích tâm trạng ông Hai kể từ khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Trong đoạn văn có sử dụng một câu bị động và một phép nối liên kết. (Gạch chân và chú thích rõ)

Phần II : (4 điểm) Trong bài “ Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận có câu thơ sau: “ Thuyền ta lái gió với buồm trăng.

Câu 1: Chép chính xác ba câu thơ tiếp theo? Dựa vào trình tự ra khơi của đoàn thuyền thì đoạn trích em vừa chép mang nội dung gì ? (Diễn đạt ngắn gọn bằng một câu văn)

Câu 2: Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật mà tác giả sử dụng trong câu thơ “ Thuyền ta lái gió với buồm trăng ”? Các biện pháp nghệ thuật đó đã góp phần khắc họa vẻ đẹp nào của những người ngư dân?

Câu 3: Từ đoạn thơ vừa chép, với những hiểu biết xã hội của mình, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy thi) về hình ảnh những người ngư dân vẫn đang ngày đêm vươn khơi bám biển trong thời điểm hiện nay.

Đáp án Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 5

Phần I: (6 điểm)

Câu 1:

- Dấu chấm lửng trong câu “ Tôi thấy người ta đồn …” có tác dụng thể hiện sự ngập ngừng, ngắt quãng.

- Việc mà bà Hai nghe “ người ta đồn ” là việc làng Chợ Dầu theo Tây.

Câu 2:

- Đoạn trích nằm ở phần hai của truyện: Sau khi ông Hai nghe tin làng theo giặc. Đây là cuộc đối thoại giữa bà Hai và ông Hai đêm hôm đó.

- Đoạn trích thể hiện nỗi buồn, sự âu lo nặng trĩu trong lòng ông Hai từ khi biết tin làng phản lại kháng chiến. Tác giả đặt nhân vật vào tình huống éo le để thử thách. Không khí nặng nề ấy bao trùm lên cả gia đình ông. Sự cau có, gắt gỏng bề ngoài của ông Hai chính là vỏ bọc của nỗi lo lắng, sợ hãi, tủi nhục. Từ đó, đoạn trích cho thấy tình cảm sâu nặng với làng, quê hương đất nước và những giằng xé trong nội tâm nhân vật.

Câu 3:

- Trong cuộc đối thoại trên, những phương châm hội thoại đã bị vi phạm là phương châm về chất và phương châm lịch sự

- Tác giả để cho nhân vật vi phạm các phương châm hội thoại này nhằm mục đích bộc lộ cụ thể những dòng tâm trạng đan xen trong nhân vật ông Hai. Ông Hai vừa đau khổ, buồn bã lại vừa thất vọng, chán nản, sợ sệt. Qua những nét tâm trạng ấy, ta thấy được tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của nhân vật.

Câu 4:

Tâm trạng của ông Hai từ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc diễn ra rất phức tạp nhưng đã làm bộc lộ tấm lòng yêu làng, yêu làng, thủy chung với cách mạng của ông. Kim Lân đã diễn tả rất cụ thể diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trước cái tin dữ đó. Thoạt đầu, nghe được tin đột ngột từ người đàn bà tản cư nói ra, ông Hai bàng hoàng đến sững sờ. "Cổ họng ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như không thở được". "Ông sinh ra nghi ngờ, cố chưa tin vào cái tin ấy. Nhưng những người tản cư đã kể rành rọt quá làm ông không thể không tin". Từ lúc ấy, tâm trạng ông Hai bị ám ảnh, day dứt với mặc cảm vì bị coi là kẻ phản bội. Nghe tiếng người ta chửi bọn Việt gian, ông cúi gằm mặt xuống mà đi. Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, tủi thân khi nhìn đàn con nên "Nước mắt ông lão cứ giàn ra". "Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?" Ông giận lây và trách cứ những người trong làng phản bội. Tủi thân, ông Hai thương con, thương dân làng chợ Dầu, thương thân mình phải mang tiếng là dân lang Việt gian. Suốt mấy ngày hôm sau, ông Hai không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở xó nhà, nghe ngóng binh tình bên ngoài. Ông sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, xấu hổ và nhục nhã. Cứ thoáng nghe thấy Tây, Việt gian, cam-nhông là ông lại "lủi ra một góc nhà nín thít". Như vậy, tâm trạng của ông Hai từ khi nghe tin làng theo giặc diễn biến rất phức tạp, từ đó ta thấy được tình yêu quê hương đất nước, thủy chung cách mạng của người nông dân này.

- Câu bị động:“Từ lúc ấy, tâm trạng ông Hai bị ám ảnh, day dứt với mặc cảm vì bị coi là kẻ phản bội.”

- Phép nối: “Nhưng”

Phần II: (4 điểm)

Câu 1:

Chép chính xác ba câu thơ tiếp để thành khổ:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Giàn đan thế trận lưới vây giăng”.

- Đoạn thơ đã khắc họa hình ảnh đoàn thuyền đánh cá giữa biển đêm hùng tráng và thơ mộng.

Câu 2:

- Biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, nói quá qua từ “lái”.

- Các biện pháp nghệ thuật đó đã góp phần khắc họa vẻ đẹp của những người ngư dân với tư thế lớn lao, kì vĩ ngang tầm thiên nhiên, vũ trụ và một tâm hồn phóng khoáng, kiên cường, tràn đầy hứng khởi.

Câu 3:

Biển đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, muôn vàn trái tim Việt Nam ngày đêm hướng về biển đảo. Những người ngư dân vẫn đang ngày đêm vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền độc lập thiêng liêng của tổ quốc. Đã từ bao đời nay chuyện những người ngư dân Việt Nam kiên trì bám biển, bám ngư trường truyền thống đã trở thành một hình ảnh, biểu tượng đẹp trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Đại dương là một nơi đầy bí ẩn và đẹp đẽ, nhưng cũng là nơi đầy khó khăn và nguy hiểm. Những người ngư dân phải làm việc một cách vất vả và kiên trì, để đánh bắt hải sản và đem về nguồn sống cho gia đình. Được biết, đại dịch COVID-19 vừa qua đã gây ra nhiều khó khăn cho ngành nghề xuất khẩu, trong đó có ngành nghề đánh bắt hải sản. Trong bối cảnh đó, những người ngư dân vẫn đang không ngừng vất vả để bám biển và đem về những tài nguyên quý báu cho đất nước. Tuy nhiên, công việc của người ngư dân không chỉ đơn giản là đánh bắt hải sản mà còn đầy khó khăn và nguy hiểm. Họ phải đối mặt với những thử thách của biển cả, như sóng lớn, gió mạnh, và thời tiết xấu. Họ phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, với những trang thiết bị không đầy đủ và hiện đại. Đó là những người hùng vô danh, không chỉ đảm bảo nguồn thực phẩm cho người dân mà còn đóng góp vào nền kinh tế của đất nước. Họ là những người không ngừng vươn lên, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chúng ta nên biết trân trọng và ghi nhận công lao của những người ngư dân cần cù, chịu thương chịu khó ấy. Đây là nguồn cảm hứng và động lực cho chúng ta trong cuộc sống, là một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

---------------------------------------------------------

Ngoài bài viết trên, mời các bạn truy cập vào chuyên mục Thi vào lớp 10 trên VnDoc để tham khảo thêm Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 6. Chúc các bạn học tập thật tốt và gặt hái được nhiều thành công!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi vào 10 môn Văn

    Xem thêm