Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn - Đề 6

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 6 là đề thi thử mới, sát với chương trình học Ngữ văn lớp 9 do VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh củng cố kiến thức trong quá trình ôn thi. Mời các bạn tham khảo!

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 6

Phần I: (4 điểm)

Mở đầu bài thơ”Ánh trăng”, Nguyễn Duy viết:

“Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ”

Câu 1: Trong bài thơ, các hình ảnh “đồng, sông, bể, rừng” được nhắc lại ở một khổ thơ khác. Chép chính xác khổ thơ đó. Các hình ảnh “đồng, sông, bể, rừng” ở hai khổ thơ khác nhau như thế nào?

Câu 2: Bài thơ gợi nhắc và củng cố thái độ nào ở người đọc?

Câu 3: Từ cảm nhận về truyền thống đạo lí của dân tộc, hãy viết đoạn văn (khoảng nửa trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về tình cảm mà nhân dân dành cho đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông từ trần (tháng 10 – 2013).

Phần II: (6 điểm) Sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người đã làm nên bức tranh đẹp về cuộc sống mới ở miền Bắc thời kì xây dựng CNXH.”

Câu 1: Nhận xét trên nói về bài thơ nào? Ai là tác giả?

Câu 2: Trong bài thơ em vừa nêu có nhiều từ “hát” khiến cả bài thơ như một khúc tráng ca. Đó là khúc ca gì và tác giả thay lời ai? Chép chính xác câu thơ có từ “hát” được dùng nghệ thuật ẩn dụ trong bài thơ và nêu tác dụng?

Câu 3: Viết đoạn văn khoảng 15 câu làm sáng tỏ nhận xét trên. Trong đoạn có sử dụng câu bị động và một câu cảm thán. (Gạch chân và chú thích rõ). Cho biết đoạn văn em vừa viết diễn đạt theo cách nào?

Đáp án Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 6

Phần I:

Câu 1:

- Chép chính xác khổ thơ các hình ảnh “đồng, sông, bể, rừng” được nhắc lại:

"Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng là bể

Như là sông là rừng."

- Các hình ảnh “đồng, sông, bể, rừng” ở hai khổ thơ khác nhau ở chỗ đồng, sông rừng trong khổ 1 gắn liền với quá khứ tươi đẹp, là hình ảnh thực hiện lên trong tâm trí của tác giả trong những năm tháng thiết tha, nồng ấm đẹp tươi khi xưa. Nhưng đồng, sông, bể rừng của hiện tại là hình của tâm tưởng mang ý nghĩa biểu tượng cho quá khứ đã qua.

Câu 2:

Bài thơ "Ánh trăng" gợi nhắc tới thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, thủy chung ân nghĩa với quá khứ. Đây cũng chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bài thơ nhắc nhở con người cần biết ơn, trân trọng nguồn cội.

Câu 3:

Từ xưa đến nay, uống nước nhớ nguồn vẫn luôn là một đạo lý, một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Mà chắc có lẽ toàn dân Việt Nam, không ai không biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một nhà chỉ huy quân sự, chính trị gia Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, tổng tư lệnh tối cao của quân đội nhân dân Việt Nam, một con người luôn sống hết mình vì đất nước. Ông đã về với đất mẹ Quảng Bình, về với người thầy đã dạy giỗ ông – Chủ tịch Hồ Chí Minh, về với những vị anh hùng của dân tộc, về với những người đã hi sinh để bảo vệ tổ quốc. Cả cuộc đời của ông đã luôn cống hiến hết mình, dành trọn cả tuổi thanh xuân để lãnh đạo các binh sĩ, cống hiến cho sự nghiệp chiến đấu của non sông. Ông là một trong những con người, đáng được tôn kính và khâm phục biết bao. Khi nghe tin ông mất,cả nước Việt Nam làm lễ quốc tang, để bày tỏ nổi niềm đau xót, sự tiếc thương cho vị tướng lĩnh tài ba, vị anh hùng dân tộc đã ghi danh và lịch sử, đã góp phần to lớn cho chiến thắng của toàn quân,toàn dân Việt Nam. Nhà văn Xukhomlinski đã nói: “con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”. Hay có câu nói: “khi bạn sinh ra đời, bạn khóc còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người khóc còn bạn, bạn cười”. Tôi thấy câu nói này rất có ý nghĩa cũng giống như việc Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, tuy ông không còn sống cùng với chúng ta nhưng ông mãi in dấu trong trái tim mọi người. Ông ra đi với nụ cười trên môi khi Đất nước đã hòa bình ổn định, còn mọi người thì khóc, tiếc thương khi mất đi một vị Đại Tướng vĩ đại của dân tộc.

Phần II:

Câu 1: Nhận xét trên nói về bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của tác giả Huy Cận

Câu 2:

- Trong bài thơ em vừa nêu có nhiều từ “hát” khiến cả bài thơ như một khúc tráng ca. Đó là khúc ca lao động hăng say, tràn ngập hi vọng, niềm tin. Và tác giả thay lời người ngư dân.

- Đó là câu thơ: “Câu hát căng buồm với gió khơi” với biện pháp tu từ ẩn dụ, nhấn mạnh đoàn thuyền đánh thức biển đêm, và đây không phải là lần đầu tiên mà là những hoạt động thường xuyên của người đánh cá trên biển, hình ảnh thơ mộng , khỏe khoắn và đầy lãng mạng của người dân lao động làm chủ thiên nhiên, đất nước, sự giàu có của biển cả và cả sự hi vọng về một chuyến ra khơi nhiều hải sản

Câu 3:

Miền Bắc Việt Nam trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội là một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống mới qua sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Tất cả đã được Huy Cận khắc họa thành công trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Thời gian ra khơi buổi hoàng hôn khiến bức tranh con người hiện lên rực rỡ, lung linh và lớn lao hơn bao giờ hết. Huy Cận đã rất tinh tế khi sử dụng rất nhiều hình ảnh so sánh, nhân hóa "sóng cài then, đêm sập cửa" toát lên sự lớn lao kì vĩ của thiên nhiên. Và con người hòa hợp với thiên nhiên ấy khi đoàn thuyền đánh cá “lại” ra khơi. Những hoạt động ấy có vẻ rất gần gũi, quen thuộc giữa con người và công việc lao động. Con người lao động trong khí thế hăng say, vui tươi cùng câu hát. Đặc biệt, câu hát ở đây "căng buồm cùng gió khơi". Thiên nhiên, con người gắn kết với nhau trong niềm vui háo hức vô bờ. Thế giới biển đêm ấy hiện lên với ánh trăng, với câu hát, với gió, với muôn ngàn loài cá lấp lánh. Ngòi bút của thi nhân đã rất tinh tế khi vẽ lên sự hòa hợp của con người, thiên nhiên. Thiên nhiên ấy đã trở thành người bạn của người lao động, tiếp thêm cho bạn đọc muôn vàn niềm tin yêu về cuộc sống. Sự rực rỡ của biển đêm với muôn ngàn loài cá, với muôn vàn điều tuyệt diệu được thể hiện qua những hình ảnh liệt kê, so sánh tạo nên được khung cảnh hòa hợp giữa con người, thiên nhiên. Trong buổi lao động miệt mài, con người yêu thiên nhiên, trân trọng thiên nhiên, biết ơn biển cả - người mẹ đem đến cho con người niềm hạnh phúc, vui vẻ. Vì thế mà sự lao động, sự cố gắng, nỗ lực của con người đã tạo nên vẻ đẹp hài hòa của con người, thiên nhiên. Buổi ra về trong bình minh tạo nên ánh sáng của niềm tin, họ nhận được từ thiên nhiên niềm yêu thương với ánh bình minh. Hình ảnh "con người chạy đua" đã tạo nên cái kì vĩ, lớn lao. Bức tranh lao động thời kì chủ nghĩa xã hội đã mang lại cho con người niềm say mê, hứng thú và hơn hết là sự cố gắng, lao động hăng say. Ôi thật đẹp và kỳ vĩ biết bao, sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên đã cùng tạo nên bức tranh lao động sáng tạo, say mê và đáng quý biết bao!

- Câu bị động: Sự rực rỡ của biển đêm với muôn ngàn loài cá, với muôn vàn điều tuyệt diệu được thể hiện qua những hình ảnh liệt kê, so sánh tạo nên được khung cảnh hòa hợp giữa con người, thiên nhiên.

- Câu cảm thán: Ôi thật đẹp và kỳ vĩ biết bao, sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên đã cùng tạo nên bức tranh lao động.

- Đoạn văn diễn đạt theo lối diễn dịch.

---------------------------------------------------------

Ngoài bài viết trên, mời các bạn truy cập vào chuyên mục Thi vào lớp 10 trên VnDoc để tham khảo thêm Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2023 - Đề 7 Chúc các bạn học tập thật tốt và gặt hái được nhiều thành công!

Đánh giá bài viết
1 173
Sắp xếp theo

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn

    Xem thêm