Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học kì 2 lớp 10 môn Văn năm 2022 - Đề 3

Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 10 - Đề 3 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 10 trong quá trình ôn thi học kì 2 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi học kì 2 lớp 10 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi học kì môn Ngữ văn lớp 10.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 10.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 10

I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Kẻ thù lớn nhất của tất cả chúng ta là sự lười biếng. Nếu chúng ta không lười biếng thì mọi cái mà chúng ta trông thấy đều là cơ hội, bởi vì càng khó khăn cơ hội càng lớn. Tôi nghĩ rằng không lười biếng và phải dũng cảm, hai cái đấy tạo ra cơ hội. Các bạn đừng sợ. Khó khăn là thuốc kích thích để mỗi con người dũng cảm, sáng suốt và sống có lý tưởng. Mọi khó khăn là điềm báo tạo cơ hội.

Câu 1 (0,5 điểm): Theo tác giả, kẻ thù lớn nhất của chúng ta là gì? Các yếu tố tạo nên cơ hội là gì?

Câu 2 (1,0 điểm): Nêu nội dung chính của đoạn văn trên.

Câu 3 (1,5 điểm): Từ nội dung của đoạn văn, hãy nêu bài học mà anh/chị rút ra được để hoàn thiện mình.

II. Làm văn (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm): Nêu suy nghĩ của anh/chị về sự sẻ chia trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích hình tượng của chủ tướng Lê Lợi trong Đại cáo Bình Ngô.

Đáp án Đề thi học kì 2 lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022

Đáp án Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5 điểm):

Kẻ thù lớn nhất của chúng ta là sự lười biếng. Các yếu tố tạo nên cơ hội là không lười biếng và phải dũng cảm.

Câu 2 (1,0 điểm):

Nội dung chính của đoạn văn: nêu ra những tác hại của việc lười biếng, thuyết phục con người nên dũng cảm, không lười biếng để tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Câu 3 (1,5 điểm):

Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau:

- Nêu ra tác hại của sự lười biếng đối với bản thân.

- Tại sao chúng ta không nên lười biếng và phải dũng cảm.

- Bản thân em đã, đang và sẽ làm gì để có thể nắm bắt được mọi cơ hội.

II. Làm văn (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm):

Dàn ý Nghị luận xã hội về sự sẻ chia trong cuộc sống

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sự sẻ chia trong cuộc sống.

2. Thân bài

a. Giải thích

Sẻ chia: là yêu thương, đồng cảm, thấu hiểu trước nỗi khó khăn, thống khổ của người khác, từ đó có những hành động thiết thực để giúp đỡ những người đó để họ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại.

Sẻ chia là hành động, đức tính tốt đẹp của con người mà chúng ta cần phải rèn luyện cho bản thân mình.

b. Phân tích

Cuộc sống chúng ta ai cũng sẽ phải trải qua những khó khăn, vất vả, có những lúc tưởng chừng như gục gã. Những hoàn cảnh này, sự lắng nghe, sẻ chia, giúp đỡ của người khác vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với bản thân mình và khiến mình tốt hơn.

Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.

Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, sự việc yêu thương, chia sẻ làm minh chứng cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, xác thực được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: sự sẻ chia trong cuộc sống và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Câu 2 (5,0 điểm):

Dàn ý phân tích hình tượng của chủ tướng Lê Lợi

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi, tác phẩm Bình Ngô đại cáo và hình tượng của chủ tướng Lê Lợi.

2. Thân bài

a. Sơ lược về thân thế Lê Lợi

Lê Lợi (1385-1433), quê gốc tại Lam Sơn (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa), vốn sinh ra trong một gia đình giàu có, nối nghiệp cha làm chúa trại tại Lam Sơn.

Đầu năm 1416, ông cùng với 18 người bạn thân thiết, chung chí hướng đã lập hội thề Lũng Nhai, quyết chí lập nên nghĩa quân Lam Sơn, chống giặc Minh xâm lược, cứu nước.

b. Vẻ đẹp từ đức độ, tấm lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc

Cách xưng hô thân tình "ta" thể hiện sự khiêm nhường, gần gũi, nhưng cũng thể hiện ý thức của nhân vật về vị trí và tầm vóc của mình trong nghĩa quân, thể hiện dáng vẻ của một vị lãnh tụ có đủ đức, đủ tài.

Chọn "núi Lam Sơn dấy nghĩa": là một lựa chọn chính xác, bởi Lê Lợi hiểu rất rõ địa hình quê hương, có thể dễ dàng tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm.

Có tấm lòng vì nghĩa lớn sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang, an nhàn của một chúa trại, từ chối lời dụ dỗ quan tước của nhà Minh để vào "chốn hoang dã nương mình".

→ Tất cả những hành động, ý chí cao đẹp ấy xuất phát từ một lý do duy nhất là lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc.

c. Tâm huyết và nỗi lòng của Lê Lợi trong những ngày nghĩa quân mới được thành lập

Vẻ đẹp của một con người mưu cao chí rộng, đức độ vô cùng với những tâm trạng "đau lòng, nhức óc, nếm mật nằm gai, quên ăn vì giận, những trằn trọc trong cơn mộng mị...".

Thấu hiểu đạo lý, phàm là làm việc lớn ắt không thể nóng vội, thế nên ông một lòng nuôi quân, trăn trở "đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời". Có lòng kiên nhẫn "Nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối".

d. Những khó khăn của nghĩa quân và vẻ đẹp ý chí, sự thông thái của chủ soái Lê Lợi

Lực lượng còn non yếu, "nhân tài như lá mùa thu/tuấn kiệt như sao buổi sớm".

Thiếu thốn cả quân đội, thiếu cả lương thực, Lê Lợi vẫn không hề nao núng "Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối".

Khả năng hiệu triệu sức mạnh toàn dân của Lê Lợi, thu phục được nhân tâm, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bộc lộ vẻ đẹp của sự tài trí, thao lược trong lĩnh vực quân sự, vận dụng rất tốt điểm mạnh của nghĩa quân vào chiến đấu, thực hiện chiến tranh du kích vừa hay hiệu quả lại khắc phục được nhược điểm quân lực mỏng manh của ta.

3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ về nhân vật, khái quát lại nội dung, ý nghĩa của tác phẩm.

----------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 2 năm 2022 môn Văn 10 - Đề 3. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Địa lý lớp 10, Trắc nghiệm Tiếng Anh 10, Chuyên đề Toán 10, Giải bài tập Vật lý 10 nâng cao mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em học tập thật tốt.

Đánh giá bài viết
1 724
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 10

    Xem thêm