Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh năm học 2016 - 2017 có đáp án kèm theo là tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn hay, giúp các bạn học sinh lớp 10 tự ôn tập kiến thức, làm quen với dạng đề thi học sinh giỏi. Mời các bạn tham khảo và làm đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 10 này trước khi tham gia vào kỳ thi quan trọng sắp tới.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Trần Đại Nghĩa năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh năm học 2015 - 2016

SỞ GDĐT BẮC NINH
TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ 1

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 10
Môn: Ngữ Văn
Thời gian làm bài 120 phút

Câu 1:

''Người bi quan luôn thấy khó khăn trong mọi cơ hội. Người lạc quan luôn nhìn được những cơ hội trong từng khó khăn''.

Anh (chị) suy nghĩ gì về ý kiến trên

Câu 2:

Nhà văn Antone France nói: ''Đọc một câu thơ nghĩa là ta gặp gỡ tâm hồn con người''

Câu nói trên của nhà văn Pháp giúp anh/chị cảm nhận được gì qua những tác phẩm đã được học của Nguyễn Trãi?

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10

A. YÊU CẦU CHUNG

  • Học sinh cần nắm được kĩ năng làm bài nghị luận xã hội và bình luận một ý kiến văn học.
  • Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
  • Điểm bài thi có thể cho lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn.

B. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (3,0 điểm)

a. Về kĩ năng:

  • Biết cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
  • Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  • Học sinh có thể trình bày bài viết dưới nhiều hình thức.

b. Về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Giới thiệu câu nói và vấn đề cần nghị luận. (0,25đ)

2. Giải thích câu nói (0,5đ)

  • "Người bi quan" là những người luôn nhìn sự việc theo hướng tiêu cực, hay có thái độ chán nản, buông xuôi trước khó khăn.
  • "Người lạc quan" là người luôn có suy nghĩ tích cực, tinh thần vươn lên và có ý chí làm chủ cuộc đời, vươn lên khỏi nghịch cảnh.

-----> Trong cuộc sống khó khăn và cơ hội được hiểu như hai mặt trái ngược nhau của sự việc.Ý kiến trên là bài học lớn về thái độ và suy nghĩ: mỗi con người phải luôn lạc quan, sống chủ động, tích cực, có niềm tin để có thể tìm thấy cơ hội trong mọi hoàn cảnh, từ đó đi đến thành công.

3. Phân tích, chứng minh (1,0đ)

  • Ý kiến trên là hoàn toàn đúng đắn với mọi con người trong xã hội. Vì đã là con người ai cũng có ưu, khuyết. Giống như mọi sự việc đều có hai mặt: thách thức và cơ hội.
  • "Người lạc quan" ý thức được thế mạnh của bản thân, có niềm tin vào năng lực và tràn đầy ý chí vươn lên. Họ hoàn toàn chủ động trong mọi hoàn cảnh, tìm thấy "cơ hội" trong mọi "khó khăn", thậm chí biến khó khăn thành cơ hội. (dẫn chứng minh họa)
  • "Người bi quan" do không có niềm tin vào bản thân, thiếu ý chí phấn đấu và luôn có xu hướng chán nản, buông xuôi thì không bao giờ nắm bắt được cơ hội, luôn nhìn thấy trong đó những khó khăn và để cơ hội trôi khỏi tầm tay. (dẫn chứng minh họa)

---> Thái độ sống tích cực và lạc quan sẽ giúp con người yêu đời, ham sống, có niềm tin và động lực để vượt qua khó khăn. Chính thái độ và cách nhìn nhận cuộc sống đầy tích cực này sẽ dẫn đến thành công.

4. Bàn luận, mở rộng vấn đề (1,0đ)

  • Đây là một quan niệm sống tích cực, một thái độ sống khỏe khoắn, một cách sống đúng đắn đem lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc.
  • Phê phán những người bi quan, yếu đuối, thiếu bản lĩnh, luôn nhìn đời bằng màu xám, không dám đối diện mà chọn cách buông xuôi trước mọi khó khăn.
  • Tuy nhiên lạc quan không đồng nghĩa với sự hão huyền, viển vông, hoàn hảo hóa thực tại và năng lực bản thân. Lạc quan phải dựa trên cơ sở thực tiễn. Lạc quan không phải là coi thường khó khăn mà là ý thức được khó khăn, đối diện với khó khăn một cách chủ động và phấn đấu tìm ra hướng giải quyết, khắc phục trở ngại..

5. Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động. (0,25đ)

  • Hiểu được điều này, mỗi con người hãy bình tĩnh và lạc quan khi đối diện với khó khăn. Cuộc sống luôn cho ta cơ hội trong những thách thức. Cho nên mỗi người hãy nhìn đời lạc quan, không bi lụy, thông minh trong đánh giá vấn đề để chủ động giải quyết mọi việc.
  • Là học sinh cần có thái độ lạc quan, tích cực, rèn luyện không ngừng để hoàn thiện mình trở thành người bản lĩnh và thành công trong cuộc sống.

Câu 2 (7,0 điểm)

a. Về kĩ năng:

  • Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
  • Biết cách chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
  • Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

b. Về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Giới thiệu được vấn đề nghị luận (0,5đ)

2. Giải thích ý kiến (1,5đ)

  • Tâm hồn con người: có thể là nhân vật trữ tình trong tác phẩm, có thể là tư tưởng, tình cảm, tâm hồn người nghệ sỹ. Nhận định chủ yếu thiên về cách hiểu thứ hai.
  • Thơ khởi sự từ tâm hồn, vượt lên bằng tầm nhìn và đọng lại nhờ tấm lòng người viết. (Hoàng Minh Châu). Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn. (Tố Hữu)...

----> Câu nói của A.Frace khẳng định: thơ ca là một sản phẩm của tâm hồn người nghệ sỹ. Bởi vậy thơ có khả năng phản ánh chân thực chân dung tâm hồn.

  • Một trong những thành công của việc đọc thơ là cảm nhận được tâm hồn người nghệ sỹ qua những tác phẩm thơ. (dẫn chứng)

3. Chứng minh (3,0đ)

a. Tác phẩm của Nguyễn Trãi thể hiện cốt cách một nhà nho truyền thống nhưng rất dân chủ, tiến bộ.

  • Đề cao chữ nhân nhưng luôn gắn liền với chữ nghĩa. Tư tưởng nhân nghĩa không chỉ thể hiện trong thời chiến (Bình Ngô đại cáo) mà còn trong cả thời bình:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.

  • Tư tưởng nhân nghĩa được cải tiến, nâng cao trở thành trung với nước, hiếu với dân:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn...
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược...

-----> Một nhà nho trọn đời trung hiếu, nghĩa nhân. Nhưng lại luôn lấy dân làm gốc, là lý tưởng khi làm quan. Nguyễn Trãi là một vị quan yêu nước, thương dân, cuộc đời gắn liền với đền nợ nước, trả thù nhà.

  • Yêu thiên nhiên với một tấm lòng thiết tha của một thi nhân (Bảo kính cảnh giới số 43; cây chuối...)
  • Thương dân: luôn ví mình như cây tùng, cây bách dày dạn tuyết sương để có thể trợ giúp cho dân. Thấu hiểu nỗi đau khổ, vất vả của nhân dân. Đồng cảm và sẻ chia với họ. (Bình Ngô đại cáo; Tùng...)

b. Một con người bi kịch.

  • Ý thức rõ một quy luật đau đớn, cái đẹp trong đời thường bị chà đạp:

Phượng những tiếc cao diều hãy lượn
Hoa thường hay héo cỏ thường tươi.

---> Con người bi kịch trong lý tưởng, trong quan lộ đã biểu hiện ra thơ.

  • Dẫu lui về ở ẩn, thân nhàn mà tâm không nhàn, lòng không yên, đau đời mà bế tắc (Côn sơn ca). Tự nhận mình là con ngựa già còn ham rong ruổi.

---> Thơ cao khiết nhưng u uất.

3. Bình luận (1,5đ)

  • Mối quan hệ tương tác giữa tác phẩm và chủ thể sáng tạo: Tác phẩm xuất phát từ tâm hồn, đồng thời góp phần khẳng định, thể hiện chính tâm hồn người nghệ sỹ. "Thơ phát khởi tự tâm hồn người ta vậy"
  • Làm người thì không nên có cái tôi... nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi" (Viên Mai). Nhà thơ chỉ có phong cách khi sáng tác bằng chính tâm hồn --> Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn với tác phẩm.
  • Vấn đề tiếp nhận: Người đọc cần cảm nhận được tâm hồn con người, cụ thể là người nghệ sỹ mới có thể hoàn tất quá trình tiếp nhận một tác phẩm. Muốn vậy cần tìm hiểu thêm về cuộc đời, tiểu sử... của người nghệ sỹ. Đồng thời cần tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác cũng như những yếu tố về nghệ thuật để hiểu được tư tưởng, tình cảm, tâm hồn tác giả gửi gắm trong thơ.

4. Đánh giá, mở rộng (0,5đ)

  • Nhận định của Antone France là lời đúc kết quy luật muôn thủa của thơ ca: thơ là tiếng lòng, thơ gắn với tâm hồn người nghệ sỹ. Nó nêu lên sự gắn bó mật thiết của tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ thể sáng tạo.
  • Độc giả cần đi sâu khám phá những vẻ đẹp của tác phẩm. Đồng thời phải cảm nhận sâu sắc tư tưởng, tình cảm mà người nghệ sỹ đã gửi gắm trong đó.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi học sinh giỏi lớp 10

    Xem thêm