Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THCS Diễn Kim, Nghệ An năm học 2023 - 2024

VnDoc.com xin gửi tới các bạn Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THCS Diễn Kim, Nghệ An năm học 2023 - 2024 để bạn đọc cùng tham khảo. Đây là tài liệu hay cho các bạn ôn luyện, chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây.

Đề thi thử Văn vào lớp 10

Phần I: ĐỌC – HIỂU ( 2,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi :

Âm thanh đó, đã bao lâu rồi tôi không còn nghe? Những khi nhớ nhà, tôi thường gắn chiếc headphone lên tai và lặng nghe những giọt âm vô cùng trong trẻo của ban nhạc Secret Garden.Thứ âm nhạc thần kì có thể mang đến cho tôi những hồi tưởng thanh bình êm ả. Nhưng nhiều lúc, âm nhạc dù du dương đến mấy vẫn không đủ cho tôi. Bởi tôi thèm một âm thanh khác. Âm thanh của tiếng nói con người, âm thanh của tiếng ai đó đang gọi tên tôi.(...)

Có phải chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn? Chúng ta gặp nhau qua tin nhắn, chúng ta đọc blog hay những câu status trên Facebook của nhau mỗi ngày, chúng ta những tưởng đã biết hết, hiểu hết về nhau mà không cần thốt nên lời. Có phải vậy chăng? Có phải ta cũng như loài cá heo có thể giao tiếp với nhau bằng sóng siêu âm? Tiếng nói con người dùng để làm gì nếu không phải để thổ lộ, để giãi bày, để xoa dịu? Nếu muốn hiểu được thì phải được lắng nghe. Nếu muốn được lắng nghe thì phải nói trước đã. Vậy còn ngần ngừ chi nữa, hãy nói với nhau đi. Nói với ba, với mẹ, với anh chị, với em, với bạn bè... Đừng chat, đừng email, đừng post lên Facebook, hãy chạy đến gặp nhau, hay ít nhất, hãy nhấc điện thoại lên, thậm chí để gọi nhau một tiếng “...ơi” dịu dàng!

(Trích Tiếng người hay chỉ là tiếng chiêm bao?,Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội nhà văn, 2018, tr.102-103)

Câu 1 : Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích

Câu 2 : Dựa vào đoạn trích, hãy cho biết âm thanh nào mà tác giả khao khát được lắng nghe hơn cả thứ âm nhạc thần kì của ban nhạc Secret Garden?

Câu 3 : Xác định điệp ngữ và tác dụng của điệp ngữ được sử dụng trong câu văn: “Đừng chat, đừng email, đừng post lên Facebook, hãy chạy đến gặp nhau, hay ít nhất, hãy nhấc điện thoại lên, thậm chí để gọi nhau một tiếng “...ơi” dịu dàng!”

Câu 4 : Thông điệp nào em nhận được từ đoạn trích trên?

Phần 2: LÀM VĂN

Câu 1(3 điểm):

Từ phần Đọc hiểu, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của việc giao tiếp bằng tiếng nói.

Câu 3 (5,0 điểm):

Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau :

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi ! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

(Viếng lăng Bác – Viễn Phương – Ngữ văn 9, tập 2)

Đáp án đề thi thử vào lớp 10

Câu

Nội dung

Điểm

Đọc -Hiểu

2 điểm

Câu 1

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 0,5 điểm.

- Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm.

0,5đ

Câu 2

Âm thanh mà tác giả khao khát được lắng nghe hơn cả thứ âm nhạc thần kì của ban nhạc Secret Garden là âm thanh của tiếng nói con người, âm thanh của tiếng ai đó đang gọi tên mình.

- Trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

- Học sinh trả lời có ý chung chung, chưa rõ: 0,25 điểm.

- Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm.

0,5đ

Câu 3

- Điệp từ: đừng, hãy

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh sự mong mỏi của tác giả và tính cấp thiết của việc chấm dứt những hình thức giao tiếp “ảo” để nói với nhau bằng “âm thanh của tiếng nói con người”.

+ Tạo âm hưởng, tăng tính sinh động hấp dẫn cho đoạn văn.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời được 2 ý: 0,5 điểm.

- Học sinh trả lời được 1 ý: 0,25 điểm.

- Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm.

0,25đ

0,25đ

Câu 4

- Học sinh có thể trình bày theo quan điểm của mình miễn là phù hợp

- Gợi ý:

Hãy hạn chế tình trạng giao tiếp “ảo” để giao tiếp với nhau bằng tiếng nói…

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trình bày thuyết phục: 0,5 điểm.

- Học sinh trình bày chưa thuyết phục: 0,25 điểm.

- Học sinh trả lời sai hoặc không có câu trả lời: không cho điểm

0,5 đ

Phần II: LÀM VĂN

Câu 1

Viết bài văn nghị luận xã hội

3,0 điểm

a. Đảm bảo hình thức một bài văn nghị luận;đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Ý nghĩa của việc giao tiếp bằng tiếng nói

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của việc giao tiếp bằng tiếng nói. Có thể theo hướng sau:

- Giao tiếp bằng tiếng nói là hình thức trao đổi trực tiếp giữa người với người trong xã hội được thực hiện bằng giọng nói

- Khi giao tiếp bằng tiếng nói, con người không chỉ tiếp nhận thông tin một cách đơn thuần mà còn cảm nhận được cả trạng thái cảm xúc, tình cảm,...của người nói thông qua ngữ điệu nói, giọng nói,...Từ đó mà hiểu rõ, hiểu đúng về nhau hơn.

- Giao tiếp bằng tiếng nói giúp con người dễ gần gũi nhau hơn, do đó cũng giải tỏa được những áp lực trong cuộc sống nhiều hơn..

- Cần có cách nói phù hợp, biết lựa lời, ... để việc giao tiếp đạt hiệu quả.

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữ lí lẽ và dẫn chứng (1,75 điểm).

- Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (1,5 điểm).

- Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (1,25 điểm).

Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

2,5

0,5

0, 75

0,5

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

- Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận vấn đề;có cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.

- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5

Câu 3

Viết bài văn nghị luận văn học

5 điểm

a.Đảm bảo hình thức một bài văn nghị luận;đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Cảm nhận của em về hai khổ thơ đầu trong Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

0,25

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận

Thí sinh có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề:

4,5

I. Mở bài:

- Giới thiệu nhà thơ Viễn Phương, bài thơ “ Viếng lăng Bác”.

- Giới thiệu hai khổ thơ đầu của bài thơ

0,5

II. Thân bài:

1. Khái quát tác phẩm, vị trí nội dung đoạn trích.

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ viết vào tháng 4/1976, một năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, công trình lăng chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được khánh thành. Viễn Phương là một trong số ít những đồng bào miền Nam sớm được ra lăng viếng Bác.

- Khái quát nội dung chính của bài thơ: Bài thơ thể hiện lòng thành kính, niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người khi vào lăng viếng Bác.

- Vị trí, nội dung đoạn trích: hai khổ thơ đầu là niềm xúc động, bồi hồi, lòng thành kính và biết ơn vô hạn của Viễn Phương khi đứng trước khung cảnh ngoài lăng và khi hòa vào dòng người vào lăng viếng Bác.

0,25

2. Cảm nhận đoạn trích

a. Cảm xúc bồi hồi, xúc động của tác giả trước không gian cảnh vật ngoài lăng. ( Khổ 1)

- Câu thơ mở đầu giản dị như một lời thông báo ngắn gọn song lại gói ghém biết bao tình cảm.

+ Cách xưng hô con- Bác giản dị, đậm chất Nam Bộ mà gần gũi yêu thương, ấm áp tình ruột thịt. Câu thơ giống như lời của người con đi xa lâu ngày nay mới đc trở về thăm cha

+ Cụm từ ở Miền Nam gợi biết bao mong nhớ, biết bao tình cảm của nhân dân dành cho Bác và tình cảm của Bác dành cho đồng bào Miền Nam.

+ Cách nói giảm nói tránh thăm đã làm giảm nhẹ nỗi đau thương mất mát đồng thời cách nói góp phần bất tử hóa hình tượng Bác Hồ trong lòng nhân dân, đất nước.

- Trước lăng Người, tác giả có ấn tượng đầu tiên, mạnh mẽ về hình ảnh hàng tre xanh mát.

+ Hình ảnh hàng tre bát ngát là hình ảnh thực về quang cảnh quanh lăng, gợi sự gần gũi, thân thuộc, bình dị của làng quê Việt Nam.

+ Hình ảnh hàng tre xanh xanh, bão táp mưa sa đứng thẳng hàng tượng trưng cho phẩm chất, vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam kiên cường, bất khuất .

- Ôi! -> là từ cảm thán trực tiếp bộc lộ niềm xúc động, tự hào của tác giả khi bắt gặp hình ảnh thương mến ấy.

=> Hàng tre thân thuộc mang vẻ đẹp yên bình của làng quê VN đang tô điểm cho vẻ đẹp ngoài lăng Bác hay đó chính là hình ảnh cả dân tộc đang quây quần bên Bác, canh giấc ngủ cho Người.

b. Cảm xúc thành kính, biết ơn tự hào khi hòa trong dòng người vào lăng viếng Bác ( Khổ 2)

- Nghệ thuật sóng đôi: mặt trời thực và mặt trời ẩn dụ

+ “Mặt trời đi qua trên lăng” là mặt trời thực, mặt trời của tự nhiên rực rỡ, vĩnh hằng đem lại ánh sáng, sự sống cho muôn vật, muôn loài.

+ “mặt trời trong lăng”: là hình ảnh ẩn dụ chỉ Bác Hồ. Bác chính là mặt trời chân lí, chiếu sáng niềm tin đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

=> Ví Bác với mặt trời, tác giả vừa ca ngợi công lao to lớn vừa khẳng định sự bất tử của Bác đồng thời thể hiện niềm tự hào, biết ơn sâu sắc của nhà thơ, của nhân dân với Bác.

- Biết ơn và kính yêu Bác, những người con đất Việt từ mọi miền đất nước đều tụ họp về đây để vào lăng viếng Bác.

+ Từ ngày ngày đi liền với từ dòng người đã diễn tả nhịp tuần hoàn lặp đi lặp lại ngày nào cũng vậy những dòng người vẫn nối nhau vào lăng viếng Bác với tấm lòng nhớ Bác khôn nguôi.

- tràng hoa một hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo: muôn người như kết thành tràng hoa thơm ngát dâng lên Bác tất cả những gì tinh túy nhất.

+ Hoán dụ bảy mươi chín mùa xuân tượng trưng cho 79 năm Bác đã cống hiến cuộc đời cho đất nước. Mỗi tuổi đời, Bác đem đến một mùa xuân tươi đẹp cho đất nước.

- Như vậy đoạn thơ đã khẳng định tình cảm của nhân dân dành cho Bác là bất tận. Mặc dù Bác đã ra đi nhưng Bác vẫn sáng mãi như vầng thái dương, hình ảnh Người vẫn luôn in đậm trong lòng mỗi người dân Việt. Bác mãi trường tồn với non sông đất nước.

1,25

1,25

3. Đánh giá:

- Giọng thơ trang nghiêm, trầm lắng thiết tha cùng với thể thơ chủ yếu tám chữ linh hoạt;

- Hình ảnh thơ vừa thực, vừa mang tính biểu tượng kết hợp với các phép tu từ: Điệp ngữ, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa ...

- Cảm xúc chân thật diễn tả nỗi xúc động lớn lao của nhà thơ cũng như của cả dân tộc với Bác kính yêu.

0,5

III. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ.

- Hiểu được sự cống hiến lớn lao của Bác, mỗi chúng ta bằng tất cả bằng khả năng, sức lực, trí tuệ của mình, hãy cống hiến cho đất nước những gì tốt đẹp nhất để cảm ơn Người.

0,5

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

0,25

..............................

Để chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, các em học sinh cần ôn tập theo đề cương, bên cạnh đó cần thực hành luyện đề để làm quen với nhiều dạng đề khác nhau cũng như nắm được cấu trúc đề thi. Chuyên mục Thi vào lớp 10 trên VnDoc tổng hợp đề thi của tất cả các môn, là tài liệu phong phú và hữu ích cho các em ôn tập và luyện đề.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi vào 10 môn Văn

    Xem thêm