Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 9
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 9
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 9 là đề thi thử mới, sát với chương trình học Ngữ văn lớp 9 do VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh củng cố kiến thức trong quá trình ôn thi. Mời các bạn tham khảo!
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 9
I. Phần Đọc - hiểu
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Có thể chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề “riêng tư” và “cá nhân". Nhưng không phải vậy. Nếu bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, cha mẹ, bạn bè đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn. Còn nếu bạn vui tươi hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.
Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác. Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa. Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương. Mỗi con người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc đó, có vai trò như nhau và ảnh hưởng lẫn nhau trong một mối liên kết chặt chẽ. Một nguyên tử bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Chúng ta cũng có thể vô tình tác động đến cuộc đời một người hoàn toàn xa lạ theo kiểu như vậy. Thế thì bạn có tin rằng sống hạnh phúc chính là đóng góp cho xã hội một cách căn cơ nhất? Bạn có cho rằng, sự phát triển và bền vững của quốc gia phải được xây dựng từ mỗi cuộc đời riêng lẻ của từng người dân?
(Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Hội Nhà văn, 2019)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên.
Câu 2: Vì sao tác giả bài viết cho rằng hạnh phúc không phải là vấn đề “riêng tư” và “cá nhân”?
Câu 3: Bạn có đồng tình với ý kiến của tác giả: “sống hạnh phúc chính là đóng góp cho xã hội một cách căn bản nhất” không? Tại sao?
Câu 4: Nêu tác dụng của cách so sánh “mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng tinh thể kim cương”.
Câu 5: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 12 dòng) bàn về giá trị của việc biết yêu bản thân.
II. Phần Làm văn
Phân tích vẻ đẹp của mùa thu trong bài thơ sau
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
(Sang thu, Hữu Thỉnh, Từ chiến hào đến thành phố, NXB Văn học, 1991)
Đáp án Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 9
I. Phần Đọc - hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt của văn bản trên: nghị luận
Câu 2:
Theo tác giả hạnh phúc không phải là vấn đề “riêng tư” và “cá nhân” vì nếu bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, cha mẹ, bạn bè đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn. Nếu bạn muốn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.
Câu 3:
Đồng tình với ý kiến “sống hạnh phúc chính là đóng góp cho xã hội một cách căn bản nhất” vì:
+ Hạnh phúc không chỉ là cảm xúc thõa mãn của bản thân mà nó phải gắn với niềm vui, hạnh phúc của người khác.
+ Giá trị cao cả nhất của hạnh phúc là mang lại hạnh phúc cho người khác.
+ Mỗi người đều biết quan tâm, chia sẻ với nhau thì cũng sẽ khiến cả một tập thể cũng hạnh phúc theo .
Câu 4:
- Biện pháp so sánh: mối quan hệ giữa con người với mạng tinh thể kim cương.
- Tác dụng: Nhấn mạnh và diễn tả chân thực hơn về vai trò của mỗi cá nhân với những người khác trong xã hội và sự tác động qua lại lẫn nhau cũng như sự tác động qua lại của bốn nguyên tử cacbon.
Câu 5:
- Dẫn dắt và giới thiệu về vấn đề nghị luận: giá trị của việc yêu bản thân.
- Nêu định nghĩa: Yêu bản thân là thái độ yêu thương chính mình xuất phát từ những hành động hỗ trợ giữa phát triển về thể chất tâm lý và tinh thần của bản thân.
- Biểu hiện của người yêu bản thân:
+ Biết chăm sóc sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần
+ Không ngừng học hỏi, nỗ lực để hoàn thiện bản thân
+ Dừng việc so sánh và ghen tị với người khác
- Giá trị của việc yêu bản thân:
+ Cuộc sống trở nên hạnh phúc, có ý nghĩa
+ Con người trở nên khỏe mạnh và phát triển
+ Tạo ra hiệu ứng lan tỏa những tác động tích cực đến với cuộc sống người khác
- Phê phán những người bỏ bê bản thân, chỉ biết chạy theo những cám dỗ cuộc đời
- Khẳng định lại vấn đề nghị luận và rút ra bài học cho bản thân
II. Phần Làm văn
Vẻ đẹp của bức tranh mùa thu trong bài thơ được thể hiện qua:
a. Cảm nhận tinh tế của nhà thơ về tín hiệu sang thu
- Tín hiệu đầu tiên là “ hương ổi”:
+ Từ “bỗng” diễn tả sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhà thơ trước những phát hiện thú vị báo thu về.
+ Động từ “phả” diễn tả một làn hương ngào ngạt, sánh đậm gợi lên mùi hương ổi lan tỏa khắp không gian
- Tác giả lưa chọn làn “gió se” làm tín hiệu thứ 2 cho khoảnh khắc giao mùa:
+ “Gió se” là ngọn gió heo may đặc trưng của mùa thu đất Bắc. Đó là một thứ gió khô và thoáng chút se lạnh
+ Làn “gió se” ấy đã làm dịu đi cái nắng oi ả, gay gắt của mùa hạ và khiến cho làn “hương ổi” như sánh lại và trở nên ngọt ngào hơn
- Tín hiệu thứ ba là những màn sương:
+ Cảm nhận của tác giả có sự thay đổi từ khứu giác, xúc giác sang cảm nhận bằng thị giác.
+ Sương đầu thu giăng mắc nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm nơi đường thôn ngõ xóm
+ Chùng chình – nghệ thuật nhân hóa: sương như có ý chậm lại, quấn quýt, điều đó cũng gợi hình ảnh về bước đi của thời gian, nhẹ nhàng
b. Cảm nhận những chuyển biến tinh tế của đất trời lúc thu sang
- Không gian đất trời vào thu bằng những dấu hiệu và hình ảnh: “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”: Sông cạn nước đã chảy chậm hơn, đàn chim đã bắt đầu bay đi tránh rét
- “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”, “mây vắt nửa mình”: Phép nhân hóa => từ những dấu hiệu vô hình giờ đây hữu hình, không gian đất trời mở ra nhiều tầng bậc khác nhau
- Khoảnh khắc giao mùa được diễn tả thú vị qua đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” – nghệ thuật nhân hóa diễn tả sự nuối tiếc, sự lưỡng lự trước khi chuyển mùa, những đám mây xanh mỏng lững lở bảng lảng như một dải lụa nửa nghiêng về mùa hạ nửa ngả về mùa thu
=> Con người vừa muốn níu kéo cái rực rỡ của mùa hè vừa muốn vội vã làm việc gì chưa xong khi mùa thu chưa ngả chiều
=> Cảm xúc say sưa, hòa nhịp của tác giả trong khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời
c. Phân tích những tâm tư, suy ngẫm của tác giả
- Các tín hiệu mùa hạ đang dần phai nhạt:
+ Các tính từ chỉ mức độ “vẫn còn”, “vơi dần” bớt từ chỉ mức độ rằng hạ nhạt dần, thu đậm nét hơn
- Quan sát tinh tế, nhạy cảm của tác giả: Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi
+ Hình ảnh thực của tự nhiên sang thu sấm thưa thớt, không còn dữ dội làm lay động hàng cây nữa
+ Nghĩa ẩn dụ: con người khi cứng cáp, trưởng thành sẽ không còn sợ, hay cảm thấy bất ngờ trước những thử thách, sóng gió của cuộc đời. Con người từng trải sẽ vững vàng, kiên định hơn trước những tác động bất thường từ ngoại cảnh.
d. Giá trị nội dung và nghệ thuật:
- Nội dung: Tác phẩm viết về những chuyển biến nhẹ nhàng, tinh tế của thiên nhiên, đất trời trong phút giao mùa từ hạ sang thu. Qua đó, nhà thơ gửi gắm quy luật của cuộc sống nhân sinh, của đời người khi bước sang mùa thu của cuộc đời.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ năm chữ, nhịp thơ chậm, âm điệu nhẹ nhàng, phù hợp với dòng cảm xúc của nhà thơ.
+ Từ ngữ có giá trị gợi tả, gợi cảm sâu sắc
+ Hình ảnh thơ chọn lọc, mang những nét đặc trưng về phút giao mùa từ hạ sang thu.
----------------------------------------------------
Ngoài bài viết trên, mời các bạn truy cập vào chuyên mục Thi vào lớp 10 trên VnDoc để tham khảo thêm nhiều đề thi khác. Chúc các bạn học tập thật tốt và gặt hái được nhiều thành công!