Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Hãy cảm nhận bài ca dao sau: “Rủ nhau đi cấy đi cày..... Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa"

Văn mẫu lớp 7: Hãy cảm nhận bài ca dao sau: “Rủ nhau đi cấy đi cày..... Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa" gồm nhiều bài văn mẫu, dàn bài hay giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Cảm nhận bài ca dao sau: “Rủ nhau đi cấy đi cày..... Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa" mẫu 1

Sự hăng say trong lao động của người dân Việt Nam ta là một nét đẹp truyền thống của nhân dân ta. Rất nhiều câu ca dao đã ca ngợi sự lao động vất vả của người nông dân nhưng họ lại rất hăng say miệt mài không than phiền không oán trách. Ta chỉ thất ở họ vẻ đẹp khi lao động một vẻ đẹp của sự hăng say phấn khởi trong công việc khiến chúng ta thật ngưỡng mộ. Trong đó nổi bật lên là bài ca dao:

“Rủ nhau đi cấy đi cày

Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu

Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”

Bài thơ nói về sự hăng say lao động hăng say cày cấy của người nông dân

Câu thơ đầu tiên “Rủ nhau đi cấy đi cày”. Nhân dân ta rất yêu lao động. Truyền thống hăng say trong lao động đã được nhân dân ta tiếp nối từ bao đời nay. Bác Hồ đã dạy “lao động là vinh quang”. Thật vậy câu thơ đầu tiên với hai từ “rủ nhau”giúp cho chúng ta thấy được sự mời gọi hăng say trong lao động của người dân Việt Nam. Ngay sau đó là điệp từ đi với hai từ kết hợp với nó là đi cấy và đi cày. Trong nghề nông thì cấy cày là hai việc được coi là nặng nhọc nhất để làm ra hạt gạo. Đó là hai công việc đòi hỏi sự khéo léo nhịp nhàng của người lao động. Thế nhưng người nông dân dường như không hề ngại ngần sự vất vả đó mà còn đón nhận nó một cách rất vui vẻ bình thường. Nhịp thơ khiến cho chúng ta thấy sự hăng hái sự phấn chấn của người lao động. Dân gian đã cố ý lấy hai hình ảnh nặng nhọc đó đem vào câu thơ khiến cho người đọc thêm một lần nữa cảm nhận được sự yêu công việc yêu lao động yêu sản xuất của người nông dân. Câu thơ thứ hai cho ta hiểu thêm về tính chất công việc

“Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu”

Quả đúng như thế công việc lao động đồng áng là một công việc khó nhọc tốn nhiều mồ hôi công sức. Nhưng người nông dân cũng hiểu được công việc khó khăn nhưng thành quả mà nó đem lại sẽ rất to lớn. Câu thơ có sự đối lập khiến cho chúng ta thấy được một phần nào đó sự lạc quan của người nông dân. Chúng ta cũng biết rằng những người nông dân một nắng hai sương họ rất vất vả thế nhưng cuộc sống của họ lại rất bấp bênh.

Cảm nhận bài ca dao sau: “Rủ nhau đi cấy đi cày..... Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa" mẫu 2

Trong hệ thống các bài ca dao Việt Nam, ông cha ta đã dành một số lượng lớn các bài ca dao cho hoạt động sản xuất, canh tác. Trong đó, những người nông dân không chỉ rất coi trọng hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình mà họ cũng rất có ý thức trong việc bảo ban, giúp đỡ hỗ trợ nhau trong công việc làm ăn đấy. Trong số các bài ca dao viết về sản xuất, có bài ca dao viết về sự đồng lòng trong sản xuất cũng như niềm tin vào tương lai mùa vụ sẽ bội thu năng suất: Rủ nhau đi cấy đi cày/ Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu/ Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp vốn rất vất vả bởi nó đòi hỏi cần có nhiều sự chăm sóc, coi trông của con người đối với cây trồng của mình, thêm vào đó mùa vụ lại rất khắt khe, làm cho người nông dân quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối với công việc sản xuất, lúc nào cũng ở ngoài đồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vất vả là như vậy nhưng những người nông dân chưa bao giờ bi quan về cuộc sống, họ luôn động viên, hướng nhau đến những điều tốt đẹp hơn trong tương lai. Đây cũng là một nét đẹp rất đặc trưng trong đạo đức của những người nông dân Việt Nam:

“Rủ nhau đi cấy đi cày

Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu”

Việt Nam là đất nước có truyền thống sản xuất nông nghiệp, vì vậy mà hơn chín mươi phần trăm dân số là làm nghề nông. Ở các làng, các thôn việc sản xuất nông nghiệp đã trở thành hoạt động thường xuyên, phổ biến mà bất cứ người nào, bất cứ gia đình nào cũng làm. Vì vậy mà để cho công việc bớt đi tính chất cực nhọc, để có thêm tinh thần và sức mạnh cho sản xuất thì những người nông dân không chỉ lặng lẽ một mình đi sớm về khuya mà học còn hô hào, động viên nhau cùng tham gia sản xuất “Rủ nhau đi cấy đi cày”, cấy cày đều là những công việc tất yếu, quan trọng mà người nông dân nào cũng phải làm, vì chỉ có cấy cày thì mùa màng mới được bội thu, lúa mới có thể đầy bồ.

“Rủ nhau” là lời hẹn hò, tụ tập của những người nông dân, vì cùng làm chung một nghề nên họ đã rủ nhau cùng tham gia sản xuất, cùng nhau làm việc có rất nhiều lợi thế, bởi như thế họ sẽ hỗ trợ, giúp đỡ được cho nhau mỗi khi cần thiết, cùng nhau làm sẽ làm cho tính chất công việc trở nên nhẹ nhàng hơn, không còn quá cực nhọc nữa. Trên hết, nếu cùng nhau lao động thì những người nông dân này sẽ có sức mạnh về tinh thần, sức mạnh này sẽ vượt qua tất cả, những khó khăn, cực nhọc bởi sự khắt khe của công việc cũng sẽ không còn nữa. Không chỉ cùng nhau tham gia lao động sản xuất, những người nông dân còn cùng luôn lạc quan,tin tưởng vào cuộc sống, vào tương lai phía trước.

Điều đặc biệt là họ không giữ cái yêu đời, tính cách lạc quan cho riêng bản thân mình mà họ luôn có xu hướng bộ lộ nó ra bên ngoài, cụ thể là dùng sự lạc quan ấy để động viên những con người xung quanh, nhắc nhở họ rằng hãy luôn tin tưởng vào cuộc sống, bởi những khó nhọc hôm nay sẽ được đền đáp xứng đáng bởi những “trái ngọt” sau này: “Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu”. Câu ca dao này cũng xuất phát từ thực tế của công việc, công việc đồng áng tuy vất vả nhưng vẫn có thời gian nông nhàn, đó là sau khi thu hoạch lúa. Lúc bấy giờ thì người nông dân có thời gian rảnh, họ có thể hưởng thụ những ngày tháng “phong lưu”. Nhưng hiểu theo nghĩa rộng hơn thì câu nói này lại dụng ý chỉ về kết quả tốt đẹp sẽ đạt được sau khi bỏ công, tốn sức vào công việc.

Câu ca dao thể hiện được niềm tin mạnh mẽ của những người nông dân vào cuộc sống. Và niềm tin ấy sẽ giúp cho họ vượt qua bao khó khăn, dù công việc có gian khó đến đâu thì họ tin chắc chỉ cần có sự đồng lòng, tin tưởng thì sẽ đều vượt qua được tất cả:

“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”

“Đồng cạn”, “đồng sâu” ở đây là dùng để chỉ tính chất, đặc điểm của các khu ruộng. Bởi trong nông nghiệp, vấn chịu tác động nhiều bởi yếu tố địa hình, đất đai. Chính sự phân hóa của địa hình khiến một khu cánh đồng sẽ bị phân ra thành những khu đồng thấp, và những khu đồng cao, trong đó đồng thấp thì khó khăn đó chính là ngập úng, nhất là vào mùa mưa bão. Đồng cao thì dễ sa vào tình trạng thiếu nước, hạn hán. Vì vậy mà người nông dân luôn phải lo lắng, quan tâm đến từng yếu tố. Tuy nhiên, họ cũng tin rằng sự hợp sức, đồng tâm sẽ vượt qua tất cả, đó chính là tình cảm gắn bó của vợ chồng, sự cần mẫn của con trâu: “Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”.

Bài ca dao này như một bài ca lao động thực sự vì nó tiếp cho con người thêm những niềm tin vào cuộc sống, dù công việc có vất vả đến đâu đi nữa thì chỉ cần sự quyết tâm, chung sức, lạc quan của con người thì mọi việc khó nhọc sẽ không còn là thử thách, kết quả tốt đẹp sẽ luôn ở trước mắt.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Hãy cảm nhận bài ca dao sau: “Rủ nhau đi cấy đi cày..... Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa" cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm