Hoàn cảnh lịch sử và các khuynh hướng cứu nước của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX

Hoàn cảnh lịch sử và các khuynh hướng cứu nước của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Ngày 1-9-1858 thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Đến năm 1884 với việc ký hiệp ước Patơnốt, triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng và câu kết với thực dân Pháp thống trị nhân dân Việt Nam. Xã hội Việt Nam trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn giai cấp giữa nhân dân lao động chủ yếu là nông dân với chế độ phong kiến ngày càng phát triển gay gắt.

Về chính trị: thực dân Pháp tiến hành chính sách chia để trị, chia nước ta thành ba kỳ với các chế độ chính trị khác nhau. Nam Kỳ là chế độ thuộc địa và Bắc Kỳ, Trung Kỳ là chế độ bảo hộ, xóa bỏ tên nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, người Việt Nam mất hết mọi quyền tự do dân chủ, nước Việt Nam mất độc lập.

Về kinh tế: Sau khi đánh chiếm được nước ta, thực dân Pháp thiết lập bộ máy thống trị và bắt đầu thực hiện hai cuộc khai thác thuộc địa tại Việt Nam (1897 – 1914 và 1919 1929). Tiến hành khai thác thuộc địa, một mặt thực dân Pháp khuyến khích, tạo cơ hội cho bọn quan lại địa chủ cướp đoạt ruộng đất của nông dân, mặt khác chúng cũng ra sức chiếm đoạt ruộng đất của nông dân để lập đồn điền trồng lúa, trồng cây công nghiệp. Tuy vậy, phương thức bóc lột phong kiến vẫn là phổ biến đã kìm hãm nông nghiệp Việt Nam trong vòng lạc hậu. Phát triển một cách hạn chế, chúng chỉ chú trọng những ngành công nghiệp phục vụ cho quá trình khai thác và vơ vét tài nguyên khoáng sản của Việt Nam, phục vụ lợi ích của tư bản và Nhà nước Pháp

Về quân sự: thực dân Pháp thẳng tay đàn áp các phong trào và hành động yêu nước của nhân dân Việt Nam, triệt để thực hiện chính sách “dùng người Việt trị người Việt”, ra đạo luật về tổ chức quân đội thuộc địa bao gồm vừa binh lính Pháp, vừa binh lính người bản xứ. Xây dựng nhà tù nhiều hơn trường học.

Về văn hóa, giáo dục: thực hiện chính sách ngu dân về mặt giáo dục, đầu độc về mặt văn hóa là một trong những biện pháp cai trị của bộ máy thống trị thực dân. Thực dân Pháp hạn chế đến mức tối đa việc phát triển giáo dục, kìm hãm nhân dân Việt Nam trong vòng ngu dốt. Đồng thời chúng đẩy mạnh tuyên truyền ca ngợi chính sách “khai hóa” của nhà nước “bảo hộ”, du nhập văn hóa đồi trụy, khuyến khích những tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện hút… Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho cái công cuộc ngu dân của chính phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại”[1].

Quá trình khai thác, bóc lột thuộc địa của thực dân Pháp đã làm biến đổi tình hình kinh tế- xã hội Việt Nam.

Sự xâm nhập của kinh tế tư bản chủ nghĩa làm tan rã dần nền kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp; đồng thời kinh tế hàng hóa cũng có điều kiện phát triển. Nhưng Pháp vẫn duy trì quan hệ sản xuất phong kiến lạc hậu và phản động ở vùng nông thôn. Vì vậy, Việt Nam không thể phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa bình thường mà phát triển một cách thiếu cân đối, què quặt. Đó là phương thức tư bản chủ nghĩa dưới hình hài thực dân, được đánh dấu bằng sự kết hợp giữa phương thức bóc lột tư bản với phương thức bóc lột phong kiến.

Cơ cấu giai cấp xã hội thay đổi: Giai cấp cũ bị phân hóa, giai cấp mới ra đời

Giai cấp địa chủ: một bộ phận được sự dung dưỡng của thực dân ngày càng có thế lực, là chỗ dựa đắc lực cho thực dân Pháp; một bộ phận tham gia cùng nhân dân chống thực dân Pháp và bọn phong kiến đầu hàng.

Giai cấp nông dân: chiếm 90% dân số cả nước, do thuế và nạn cướp ruộng đất của thực dân, phong kiến dẫn đến bần cùng hóa trên quy mô rộng hơn, dẫn tới tình trạng phá sản không lối thoát ngày càng trầm trọng. Là một lực lượng yêu nước đông đảo nhưng lại đại diện cho nền sản xuất nhỏ, phân tán nên nông dân không thể tự vạch ra đường lối đúng đắn để tự giải phóng và không thể đóng vai trò lãnh đạo cách mạng. Tuy nhiên, họ là một trong những động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam.

Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời là sản phẩm trực tiếp của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Tuy số lượng còn ít (sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai số lượng khoảng 22 vạn người, chiếm 1,2% dân số cả nước) nhưng ngoài những phẩm chất của giai cấp công nhân quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam còn có những đặc điểm do quá trình hình thành tạo nên: chịu ba tầng áp bức bóc lột là đế quốc, phong kiến, tư sản; phần lớn xuất thân từ nông dân, nên có mối quan hệ gần gũi với nông dân; ra đời trước giai cấp tư sản Việt Nam nên nội bộ thuần nhất, không bị phân tán; lớn lên trong một đất nước có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm

Do vậy, mặc dù mới ra đời nhưng giai cấp công nhân Việt Nam đã nhanh chóng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Sự trưởng thành của giai cấp công nhân là cơ sở vững chắc cho phong trào dân tộc Việt Nam chuyển theo khuynh hướng cách mạng vô sản, nhanh chóng bước lên vũ đài chính trị, trở thành lực lượng lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam.

Giai cấp tư sản Việt Nam ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, bị tư bản Pháp chèn ép. Giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam tuy có tinh thần yêu nước chống phong kiến, đế quốc nhưng do hình thành muộn, thế lực kinh tế yếu nên không có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Mặt khác, do lập trường tư tưởng không kiên định nên họ chỉ tham gia đấu tranh trong điều kiện nhất định.

Tầng lớp tiểu tư sản: ra đời và phát triển nhanh trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (trí thức, tiểu thương, thợ thủ công). Họ bị tư bản Pháp chèn ép, bạc đãi, đời sống bấp bênh, dễ bị xô đẩy vào con đường thất nghiệp, phá sản. Trong khi đó. bộ phận trí thức, sinh viên lại có điều kiện tiếp xúc với trào lưu tư tưởng văn hóa tiến bộ bên ngoài. Vì vậy. đây là bộ phận nhạy cảm với thời cuộc, có tinh thần hăng hái theo cách mạng.

Những biến đổi bên trong đã tạo cơ sở xã hội cho việc tiếp thu những tư tưởng mới ở bên ngoài: tư tưởng cách mạng tư sản Pháp 1789, phong trào Duy Tân Nhật Bản 1868, cuộc vận động Duy Tân 1898 và cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc 1911, cách mạng Tháng Mười Nga 1917. Bối cảnh đó đã làm bùng nổ các khuynh hướng cứu nước đầu thế kỷ XX.

Các khuynh hướng cứu nước, giải phóng dân tộc của Việt Nam đầu thế kỷ XX

Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, mặc dù triều đình phong kiến nhà Nguyễn từng bước đầu hàng thực dân Pháp, nhưng nhân dân ta đã liên tiếp nổi dậy cầm vũ khí chống bọn cướp nước. Phong trào Cần Vương (1885-1896) với những cuộc đấu tranh vũ trang tiêu biểu do các sĩ phu phong kiến yêu nước lãnh đạo, cũng như phong trào nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (1884-1913), thể hiện tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân ta những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhưng cuối cùng các cuộc khởi nghĩa đều bị thực dân Pháp đàn áp.

Thất bại của phong trào Cần Vương chứng tỏ sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trong việc giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc do lịch sử đặt ra. Vua Thành Thái nêu cao tinh thần chống Pháp bị thực dân Pháp bắt đi đầy (1907), vua Duy Tân tiến hành khởi nghĩa năm 1916 cũng bị đàn áp. Đó là những cố gắng cuối cùng của phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến.

Vào đầu thế kỷ XX, trước sự ảnh hưởng của các khuynh hướng cứu nước ở các nước châu Á, ở Việt Nam xuất hiện hai xu hướng cứu nước theo phong trào dân chủ tư sản:

Xu hướng bạo động của Phan Bội Châu: chủ trương xây dựng chế độ quân chủ lập hiến như ở Nhật (1904), sau khi thất bại năm 1912 với tổ chức Việt Nam Quang phục hội, chủ trương xây dựng chế độ cộng hòa tư sản như Trung Quốc, nhưng cuối cùng “một trăm thất bại mà không một thành công”.

Xu hướng cải cách của Phan Chu Trinh: ảnh hưởng tư tưởng dân chủ tư sản Pháp, lên án gay gắt tội ác của thực dân Pháp, quan lại phong kiến sâu mọt, chủ trương cải cách đất nước. Sai lầm của Phan Chu Trinh là phản đối bạo động, dựa vào Pháp để đánh đổ chế độ phong kiến, chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”.

Do hạn chế về lịch sử, về giai cấp, nên các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX không thể tìm được một phương hướng giải quyết đúng đắn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nên cuối cùng cũng bị thực dân Pháp dập tắt.

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản phát triển mạnh, nhiều tổ chức, đảng phái yêu nước xuất hiện như Tâm tâm xã (1923 – 1925), Hội Phục Việt (1925), Hưng Nam, Thanh niên cao vọng (1926)…

Tổ chức chính trị tiêu biểu nhất cho khuynh hướng tư sản ở Việt Nam là Việt Nam Quốc dân Đảng. Tổ chức này chủ trương đánh đuổi đế quốc, xoá bỏ chế độ phong kiến, mô phỏng theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn, nhưng chưa đưa ra được một đường lối chính trị cụ thể, rõ ràng, chưa xây dựng được một hệ thống tổ chức thống nhất. Do vậy, khi tiến hành khởi nghĩa cũng bị thực dân Pháp dìm trong máu lửa.

Các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đã diễn ra liên tục, sôi nổi, với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, thể hiện ý thức dân tộc, tinh thần chống đế quốc, nhưng cuối cùng đều thất bại. Sự thất bại của khởi nghĩa Yên Bái biểu hiện sự bất lực của giai cấp tư sản Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện sự khủng hoảng, bế tắc của con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX.

Sự thất bại của các khuynh hướng yêu nước đầu thế kỷ XX vì không có cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn nhằm giải quyết triệt để các mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam; không tập hợp được lực lượng của toàn dân tộc; không có phương pháp tranh thích hợp và thiếu sự lãnh đạo của một đảng chính trị đủ mạnh.

Một yêu cầu cấp thiết đặt ra trước dân tộc Việt Nam là cần phải lựa chọn một con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo xu thế của thời đại và nhu cầu của nhân dân Việt Nam.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Hoàn cảnh lịch sử và các khuynh hướng cứu nước của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX về cơ cấu giai cấp xã hội thay đổi: Giai cấp cũ bị phân hóa, giai cấp mới ra đời và các khuynh hướng cứu nước, giải phóng dân tộc của Việt Nam đầu thế kỷ XX...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Hoàn cảnh lịch sử và các khuynh hướng cứu nước của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 329
Sắp xếp theo

Cao đẳng - Đại học

Xem thêm