Khoa học tự nhiên 6 Bài 20: Sự lớn lên và sinh sản của tế bào
Bài 20 Sự lớn lên và sinh sản của tế bào
Khoa học tự nhiên 6 Bài 20 Sự lớn lên và sinh sản của tế bào hướng dẫn giải bài tập trong SGK KHTN 6 trang 67, 68, 69 sách Kết nối tri thức, giúp các em ôn tập, củng cố kiến thức, luyện tập Giải KHTN 6 Kết nối tri thức. Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết.
A. Mở đầu KHTN 6 trang 70 Kết nối tri thức
Em bé khi mới sinh có chiều dài trung bình là 50cm. Theo thời gian, em bé lớn dần thành người trưởng thành với chiều cao trung bình (của người Việt Nam) là 164,4cm (ở nam) và 154cm (ở nữ). Quá trình nào đã giúp con người cũng như các sinh vật khác lớn lên như vậy?
Gợi ý trả lời
Nhờ có sự lớn lên và phân chia của tế bào mà con người cũng như các sinh vật khác có thể lớn lên.
I. Sự lớn lên của tế bào
Câu hỏi 1 trang 70 Bài 20 Khoa học tự nhiên lớp 6
Quan sát hình 20.1 và trả lời các câu hỏi:
1. Kích thước tế bào chất và nhân thay đổi tế nào sau khi tế bào lớn lên?
2. Tế bào có lớn lên mãi được không? Tại sao?
Hướng dẫn trả lời câu hỏi
1. Kích thước tế bào chất và nhân tăng dần lên sau khi tế bào lớn lên.
2. Tế bào không thể lớn lên mãi vì:
- Khi kích thước tế bào gia tăng thì tỉ lệ S/V giảm khiến cho quá trình trao đổi chất với môi trường giảm.
- Ngoài ra khi tế bào có kích thước lớn thì khả năng kiểm soát của nhân đối với hoạt động của tế bào giảm. (khi kích thước lớn thì sẽ tốn nhiều thời gian trong việc truyền thông tin từ phần này đến phần kia của tế bào)
→ Những điều này khiến cho tế bào gặp khó khăn trong việc sinh trưởng, phản ứng với những biến đổi của môi trường
II. Sự sinh sản (phân chia) của tế bào
Câu hỏi 2 trang 70 Bài 20 Khoa học tự nhiên lớp 6
Quan sát hình 20.1 và 20.2 để trả lời các câu hỏi sau:
1. Khi nào thì tế bào phân chia?
2. Cơ thể chúng ta gồm hàng tỉ tế bảo được hình thành từ quá trình nào?
Hướng dẫn trả lời câu hỏi
1. Khi tế bào lớn lên đạt kích thước giới hạn thì sẽ phân chia.
2. Hàng tỉ tế bào trong cơ thể chúng ta được hình thành nhờ quá trình phân chia của tế bào.
III. Ý nghĩa của sự lớn lên và sinh sản tế bào
Câu hỏi 3 trang 71 Bài 20 Khoa học tự nhiên lớp 6
Quan sát hình 20.3 và cho biết cây ngô (là cơ thể đa bào) lớn lên nhờ quá trình nào?
Hướng dẫn trả lời câu hỏi
Cây ngô lớn lên nhờ sự lớn lên và phân chia tế bào.
Câu hỏi 4 trang 71 Bài 20 Khoa học tự nhiên lớp 6
Quan sát hình 20.3 – 20.4, thảo luận và trả lời câu hỏi:
1. Sự sinh sản tế bào có ý nghĩa gì?
2. Nhờ quá trình nào cơ thể có được những tế bào mới để thay thế cho những tế bào già, các tế bào chết, các tế bào bị tổn thương?
Hướng dẫn trả lời câu hỏi
1. Ý nghĩa của sự sinh sản của tế bào:
- Giúp cơ thể lớn lên
- Thay thế các tế bào già, tế bào chết, tế bào bị tổn thương
2. Nhờ có quá trình sinh sản tế bào mà các tế bào già, tế bào chết, tế bào bị tổn thương được thay thế.
Em có thể 1 trang 72 Bài 20 KHTN lớp 6:
Vận dụng được những hiểu biết về ý nghĩa của sự sinh sản tế bào đối với cơ thể để có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lí giúp cơ thể đạt được chiều cao tối ưu.
Hướng dẫn trả lời câu hỏi
Để cơ thể đạt được chiều cao tối đa, các tế bào xương phải gia tăng về mặt kích thước và số lượng tế bào nhờ quá trình lớn lên và sinh sản của tế bào. Quá trình lớn lên và sinh sản của tế bào được thúc đẩy bởi chế độ dinh dưỡng và tập luyện:
- Dinh dưỡng quyết định đến 32% trong quá trình phát triển chiều cao tự nhiên. Đây cũng là yếu tố chiếm tỉ lệ lớn nhất, cung cấp vật chất cho tế bào lớn lên và sinh sản. Nếu chúng ta áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học, cơ thể sẽ được cung cấp đủ dưỡng chất, quá trình tạo xương mới diễn ra thuận lợi, chiều cao tăng trưởng nhanh chóng.
- Các bài tập tăng chiều cao hợp lí sẽ làm cho xương, cơ bắp càng thêm mạnh mẽ; khớp, dây chằng mềm dẻo hơn, từ đó giúp tăng chiều cao con người. Vận động có tác dụng thúc đẩy rất lớn đối với chiều cao của trẻ. Tùy từng độ tuổi khác nhau mà có các môn vận động thích hợp để tăng chiều cao. Trẻ còn nhỏ tuổi nên mát xa hoặc luyện tập môn bơi lội. Trẻ lớn hơn một chút nên ra ngoài đi nhiều, hoạt động vươn thẳng tay chân là cách lựa chọn tốt nhất, ví dụ: tập các động tác vươn tay, cùng chơi bóng với các bạn nhỏ,… Sau khi trẻ 3 tuổi, bố mẹ có thể cho trẻ tham gia một số môn thể thao đơn giản như leo cầu thang, với cao, nhảy hai chân, đá cầu,…