Làng - Kim Lân
Truyện ngắn Làng - Kim Lân lớp 9
Lý thuyết Ngữ văn 9: Làng tổng hợp các nội dung chính về Truyện ngắn Làng, giúp các em nắm được khái quát về tác giả cũng như cảm nhận được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của truyện ngắn Làng. Nhân vật, sự việc, cốt truyện trong một tác phẩm truyện hiện đại và tình yêu làng, yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Dưới đây là nội dung chi tiết các em tham khảo nhé.
1. Khái quát về nhà văn Kim Lân
a. Tiểu sử nhà văn Kim Lân
Kim Lân (1920 - 2007) tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Do hoàn cảnh khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học, rồi vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong vừa viết văn.
Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng (viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim).
Bút danh Kim Lân của ông được lấy từ tên của nhân vật Đổng Kim Lân trong Tuồng Sơn Hậu, một vai ông đã từng diễn.
Nǎm 2001, Kim Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
b. Sự nghiệp văn học của nhà văn Kim Lân
Trong cả hai giai đoạn sáng tác (trước và sau năm 1945), tuy viết không nhiều nhưng giai đoạn nào Kim Lân cũng có những tác phẩm hay.
Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Ông có những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê - những thú chơi và sinh hoạt văn hóa cổ truyền của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, được gọi là “những thú đồng quê”, “phong lưu đồng ruộng như: chơi núi non bộ, thả chim, đánh vật, chọi gà,…
Ông viết chân thật, xúc động về cuộc sống và người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Dù viết về phong tục hay con người, trong tác phẩm của Kim Lân ta vẫn thấy thấp thoáng cuộc sống và con người của làng quê Việt Nam nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời; thật hà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa.
Khác với tư tưởng của các cây viết cùng đề tài, làng quê trong văn Kim Lân dẫu với các nhân vật nghèo vẫn không bao giờ bị lam lũ, thô mộc, tuềnh toàng vây bủa. Hình ảnh làng quê và người nông dân trong các tác phẩm của Kim Lân không u tối, bần hàn mà vẫn toát lên những nét yêu đời và sáng ngời lên những phẩm chất đáng trân trọng và ngợi ca
Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn năm 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn năm 1962).
2. Truyện ngắn Làng
- Truyện ngắn Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.
- Văn bản truyện khi đưa vào sách giáo khoa có được lượt bỏ phần đầu.
Tóm tắt văn bản Làng
Ông Hai là người làng Chợ Dầu. Ông yêu cái làng Chợ Dầu ấy như máu thịt của mình. Ông luôn tự hào khoe rằng làng của ông đẹp, bề thế; làng của ông tinh thần kháng chiến dữ lắm. Thực hiện lệnh tản cư của Ủy ban kháng chiến, ông Hai miễn cưỡng đưa gia đình đi tản cư. Ở nơi tản cư, lúc nào ông cũng nhớ làng và luôn dõi theo tin tức cách mạng. Khi nghe tin đồn làng Chợ Dầu theo giặc, ông vô cùng đau khổ, cảm thấy xấu hổ, nhục nhã vô cùng. Ông không đi đâu, không gặp ai, chỉ sợ nghe đồn về làng ông theo giặc. Nỗi lòng buồn khổ đó càng tăng lên khi có tin người ta không cho những người làng ông ở nhờ vì là làng Việt gian. Ông không biết bày tỏ với ai,không dám đi ra ngoài. Thế là ông đành nói chuyện với thằng con út cho vơi nỗi buồn, cho nhẹ bớt những đau khổ tinh thần. Đấu tranh trong tư tưởng khiến ông Hai đi đến suy nghĩ đứng về phía cách mạng, ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cụ Hồ, làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù. Những chuyển biến trong tư tưởng của ông Hai cũng là những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính, ông hai mừng lắm. Vẻ mặt ông tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Ông chia quà cho các con, và tất bật báo tin cho mọi người rằng nhà ông bị Tây đốt, làng ông không phải là làng Việt gian. Ông thêm yêu và tự hào về cái làng của mình. Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến.Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất,hòa quyện như tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
Các bạn có thể tham khảo thêm bài Tóm tắt truyện ngắn Làng
Bố cục truyện Làng
Bài thơ được chia làm 3 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến không nhúc nhích: Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu làm Việt gian.
- Phần 2: Tiếp theo đến đôi phần: Tâm trạng xấu hổ, đau buồn của ông Hai những ngày sau đó.
- Phần 3: Còn lại: Tâm trạng của ông Hai sau khi hay tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính.
3. Đọc - hiểu văn bản Làng
a. Tâm trạng của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc
- Khi nghe tin xấu ông Hai sững sờ, xấu hổ, uất ức: “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại,da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi tưởng như không thở được” → Sững sờ, bàng hoàng.
- Ông cúi gằm mặt xuống mà đi. Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, tủi thân, nước mắt trào ra.→ Đau buồn, tủi nhục.
- Nhìn đàn con nghĩ đến sự hắt hủi khinh bỉ của mọi người → ông căm giận dân làng.
- Dáng vẻ, cử chỉ, điệu bộ: cúi gằm mặt, chột dạ, nơm nớp, trống ngực ông lão đập thình thịch…)
- Nỗi băn khoăn khi ông kiểm điểm từng người trụ lại làng, ông trằn trọc không ngủ được, ông trò chuyện với đứa con út,…
⇒ Thực chất là tâm trạng và suy nghĩ về danh dự, lòng tự trọng của người dân làng Chợ Dầu, của người dân Việt Nam.
- Làng yêu thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù. → Tình yêu nước bao trùm lên tình yêu làng.
- Ông bị đẩy vào thế tuyệt vọng khi mụ chủ nhà muốn đuổi ông đi.
- Ông trò chuyện với con để bày tỏ lòng mình.
⇒ Thể hiện tình yêu làng sâu nặng, tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với cách mạng. Một nông dân có tâm hồn ngay thẳng, trọng danh dự, yêu ghét rạch ròi.
b. Tâm trạng ông Hai khi hay tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính
- Ông Hai vui tươi, rạng rỡ hẳn lên, chia quà cho con.
- Ông Hai đi khoe nhà ông bị giặc đốt cháy.
- Thể hiện tình yêu làng tha thiết của ông Hai, đồng thời là biểu hiện của tình yêu đối với đất nước, với kháng chiến, với cụ Hồ.
* Tổng kết
Nội dung: Đoạn trích thể hiện tình cảm yêu làng, tinh thần yêu nước của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nghệ thuật
- Tạo tình huống truyện gay cấn: tin thất thiệt được chính những người đang đi tản cư từ phía làng Chợ Dầu lên nói ra
- Miêu tả tâm lí nhân vật chân thực và sinh động qua suy nghĩ, hành động, lời nói.
4. Bài tập minh họa bài Làng
Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai trong truyện ngắn Làng
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Kim Lân và truyện ngắn Làng:
+ Nhà văn Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, ông vốn am hiểu và gắn bó sâu rộng với cuộc sống nông thôn, Làng là truyện ngắn xuất sắc của ông.
+ Dẫn dắt nội dung nghị luận: diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.
2. Thân bài
a. Khái quát về nhân vật và tình huống nảy sinh sự chuyển biến tâm trạng của ông Hai
- Nhân vật ông Hai là người nông dân yêu và tự hào về làng, mọi niềm vui, nỗi buồn của ông đều xoanh quay chuyện làng chợ Dầu.
+ Ở nơi tản cư ông luôn nhớ về làng, khoe làng của mình với mọi người.
- Nhân vật được đặt trong tình huống ngặt nghèo có tính thử thách để nhân vật bộc lộ tâm trạng, tình yêu làng của mình: ở nơi tản cư, ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc làm Việt gian.
b. Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai
- Khi đang vui mừng tin thắng trận ở khắp nơi thì ông Hai nghe tin dữ: làng chợ Dầu theo giặc làm Việt gian, ông bất ngờ, choáng váng (Cổ ông nghẹn ắng lại như không thở được).
- Ông cố trấn tĩnh bản thân, ông hỏi lại như thể không tin vào những điều vừa nghe thấy nhưng người phụ nữ tản cư khẳng định chắc chắn khiến ông Hai sững sờ, ngượng ngùng, xấu hổ (ông cố làm ra vẻ bình thản, đánh trống lảng ra về).
+ Cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân ông lão lặng đi tưởng như không thở được.
- Về tới nhà ông tủi hổ, lo lắng khi thấy đàn con (nước mắt lão cứ dàn ra, chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?)
+ Niềm tin, sự ngờ vực giằng xé mạnh trong tâm trạng ông Hai
- Nghe thấy tiếng chửi bọn Việt gian “ông cúi gằm mặt xuống mà đi”, nỗi tủi hổ khiến ông không dám ló mặt ra ngoài
+ Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, thấy đám đông tụ tập nhắc tới hai chữ Cam nhông, Việt gian ông lại chột dạ.
→ Tác giả diễn đạt cụ thể nỗi lo lắng, sợ hãi tới mức ám ảnh thường xuyên của ông Hai, trong tâm trạng ông lúc nào cũng thường trực nỗi đau xót, tủi hổ trước tin làng mình theo giặc.
- Tình yêu làng quê và tình yêu làng trong ông có cuộc xung đột lớn, gay gắt. Ông Hai dứt khoát chọn theo cách mạng “Làng yêu thì yêu thật, nhưng làng theo giặc thì phải thù”.
+ Tình yêu nước rộng lớn bao trùm lên tình yêu làng, dù xác định như thế nhưng trong lòng ông vẫn chan chứa nỗi xót xa, tủi hổ.
+ Ông Hai tiếp tục rơi vào bế tắc, tuyệt vọng khi mụ chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông đi nơi khác
- Đoạn văn diễn tả cảm động, chân thật nỗi đau sâu xa trong lòng và sự chân thành của nhân vật ông Hai
- Ông Hai chỉ biết tâm sự nỗi lòng mình với đứa con chưa hiểu sự đời. Lời nói của ông với con thực chất là lời nói để ông tỏ lòng mình: nỗi nhớ, tình yêu làng, sự thủy chung với kháng chiến, cách mạng
- Khi nghe tin cải chính, ông Hai như sống lại, mọi nỗi xót xa, tủi hờn, đau đớn tan biến, thay vào đó là niềm hân hoan, hạnh phúc hiện lên trên khuôn mặt, cử chỉ, điệu cười của ông (dẫn chứng trong văn bản)
c. Thành công nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật
- Đặt tâm trạng nhân vật vào tình huống thử thách để khai thác chiều sâu tâm trạng
- Thể hiện tâm trạng nhân vật tài tình, cụ thể qua ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, và độc thoại nội tâm qua ý nghĩ, hành vi, cử chỉ.
+ Ngôn ngữ đậm chất khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói của người nông dân, và thế giới tinh thần của người nông dân.
3. Kết bài
- Tâm trạng nhân vật ông Hai được thể hiện qua nhiều cung bậc tinh tế, chân thật, đa dạng: diễn tả đúng, gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật.
- Ông Hai người yêu làng mạnh mẽ, say sưa, hãnh diện thành thói quen khoe làng, qua tình huống thử thách tình cảm đó càng trở nên sâu sắc hơn.
- Chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc về người nông dân và thế giới tinh thần của họ
Đóng vai ông hai kể lại truyện ngắn Làng
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Kim Lân, truyện ngắn Làng và nhân vật ông Hai.
2. Thân bài
a. Khái quát về hoàn cảnh của nhân vật ông Hai
Nghe theo chính sách của Đảng, gia đình tôi phải đi tản cư.
Ở nơi ở mới, ông tích cực tăng gia sản xuất nhưng luôn nhớ về ngôi làng của mình, không biết làng đã thay đổi ra sao.
Luôn nhớ về những kỉ niệm lúc còn ở làng.
Chán ngán nơi ở hiện tại và luôn mong được quay trở về làng.
Trước khi nghe tin làng theo giặc: Náo nức nghe ngóng thông tin của cuộc kháng chiến.
b. Khi nghe tin làng theo giặc
Khi có người nhắc đến làng mình thì giật bắn người.
Khi nghe tin làng mình theo giặc: cổ nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân, lặng người đi, tưởng như không thể thở được, không tin vào những gì đã nghe.
Cố gắng lảng tránh tin đồn đó: đau đớn đến uất nghẹn, trả tiền nước, đứng dậy chèm chẹp miệng, cố cười nói to và đi về.
Nghe tiếng người khác chửi làng Việt gian theo giặc mà tưởng chửi mình, chỉ biết cúi gằm mặt xuống mà đi, về đến nhà nằm vật ra giường, nhìn lũ con tủi thân nước mắt ông cứ giàn ra.
Cảm thấy tủi nhục, không dám đối mặt với người khác. Sợ bị đuổi phải quay lại làng nhưng lại kiên quyết không về cái làng theo giặc ấy.
Suốt mấy ngày chỉ ở nhà, khi nghe ai nhắc đến Việt gian hoặc chuyện đó thì giật mình, tủi nhục.
Sau khi biết làng mình không theo giặc thì vui vẻ trở lại, đi khoe khắp nơi về quá trình đánh giặc của làng mình như thể mình vừa trực tiếp tham gia chiến đấu với giọng đầy tự hào.
3. Kết bài
Khái quát lại nhân vật ông Hai và nội dung, nghệ thuật của câu chuyện.
Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.
1/ Mở bài
- Người nông dân vốn gắn bó với làng quê, họ yêu quý và tự hào về cái làng của mình.
- Nhân vật ông Hai trong truyện “Làng” của Kim Lân thể hiện tình cảm đó của người nông dân.
2/ Thân bài
- Ông Hai yêu quý và tự hào về làng chợ Dầu của mình:
+ Yêu say mê làng mình đến nỗi đi đâu gặp ai cũng khoe làng mình. Làng mình hơn hẳn làng khác, có những cái mà làng khác không có.
+ Niềm tự hào về làng mình có thay đổi trước và sau cách mạng: trước đây thì tự hào về cái “sinh phần” của viên tổng đốc. Sau cách mạng lại khác. Ông tự hào về không khí sôi nổi trong những ngày khởi nghĩa và chuẩn bị kháng chiến.
- Rất yêu làng nhưng ông phải tản cư, xa làng:
+ Trong tình cảm sâu xa ông muốn ở lại với anh em để kháng chiến, không đành lòng bỏ làng mà đi nhưng vì hoàn cảnh gia đình gieo neo, thương vợ con, bà vợ khẩn khoản nhiều lần nên ông đã tản cư cùng vợ con.
+ Những ngày tản cư, ông rất nhớ làng đâm ra cáu gắt, bực bội, buồn phiền. Mỗi lần nghĩ đến làng ông lại muốn về với anh em để tham gia kháng chiến.
- Tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo Tây
+ Ông rất đau xót và tủi nhục: không dám ra khỏi nhà, không dám nhìn mặt ai.
+ Ông căm thù bọn Việt gian đã theo Tây.
+ Bị bà chủ nhà khinh bỉ đuổi đi ông càng tủi nhục, bế tắc, tuyệt đường sinh sống, có lúc muốn quay về làng nhưng lại gạt đi vì làng đã theo Tây, về làng là bỏ kháng chiến. Từ đó ông thù cái làng của ông vì làng đã theo Tây.
+ Niềm an ủi còn lại: bố con ông vẫn một lòng một dạ theo kháng chiến, ủng hộ Cụ Hồ.
- Niềm vui sướng hả hê khi biết đích xác làng mình vẫn theo kháng chiến.
+ Nét mặt vui vẻ rạng rỡ hẳn lên.
+ Đối với con cái ông tỏ thái độ vui vẻ, thân mật.
+ Đi khoe hết với mọi người: làng mình vẫn theo kháng chiến.
+ Mặc dù biết tin nhà mình bị đốt, đốt nhẵn, nhưng vẫn không tiếc nuối gì mà tỏ vẻ hả hê vui sướng về cái làng của mình theo kháng chiến không theo Tây.
3/ Kết bài
- Về nghệ thuật, nhà văn thấu hiểu tâm hồn, cuộc sống người nông dân kháng chiến nên đã xây dựng được nhân vật có tính cách sinh động.
- Yêu quý nhân vật ông Hai, người nông dân kháng chiến và ta càng cảm phục những người nông dân qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
---------------------------------------
Ngoài Lý thuyết Ngữ văn 9: Làng, mời các bạn tham khảo thêm Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 9, Giải VBT Ngữ văn 9, Soạn văn 9....