Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tiếng nói của văn nghệ

Lý thuyết Ngữ văn 9: Tiếng nói của văn nghệ được chúng tôi tổng hợp, giúp các bạn nắm vững kiến thức cơ bản được học trong bài, từ đó học tập tốt Ngữ văn lớp 9. Mời các bạn cùng tham khảo tài liệu dưới đây.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết

1/ Tìm hiểu chung bài Tiếng nói của văn nghệ

a/ Tác giả

- Tên khai sinh là Nguyễn Đình Thi (1924-2003)

- Quê quán: ở Hà Nội

- Cuộc đời:

+ Ông là một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, soạn kịch,sáng tác nhạc, viết tiểu luận phê bình,..

+ Ở lĩnh vực nào, ông cũng có đóng góp đáng kể.

+ Là một nghệ sĩ tiên phong trong việc tìm tòi, đổi mới nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca.

+ Ông là một nghệ sĩ gắn bó với Hải Phòng, có nhiều sáng tác nổi tiếng về Thành phố Cảng như: Nhớ Hải Phòng (thơ), Vỡ bờ (tiểu thuyết)…

+ Năm 1996, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật.

b/ Tác phẩm

- Văn bản được viết ở chiến khu Việt Bắc (1948) – giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp – thời kì đang nỗ lực xây dựng một nền văn nghệ với phương châm: dân tộc – khoa học – đại chúng.

- Văn bản trích trong bài tiểu luận cùng tên.

- Tác phẩm in trong tập "Mấy vấn đề văn học", xuất bản năm 1956.

c/ Bố cục

Bố cục của bài nghị luận này có thể chia làm hai phần:

- Phần 1: Từ đầu đến "một cách sống của tâm hồn": Trình bày nội dung của văn nghệ.

- Phần 2: Còn lại: Sức mạnh kì diệu của văn nghệ đối với đời sống của con người.

2/ Đọc - hiểu văn bản Tiếng nói của văn nghệ

a/ Nội dung phản ánh hiện thực của văn nghệ

- Là thực tại khách quan và nhận thức mới mẻ.

- Văn nghệ phản ánh hiện thực cuộc sống nhưng văn nghệ không chỉ phản ánh khách quan cái hiện thực ấy mà còn biểu hiện cái chủ quan của người sáng tác – qua lăng kính của tác giả.

+ "Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần mình góp vào đời sống chung quanh".

- Để làm nổi bật luận điểm này, tác giả đã đưa ra 2 dẫn chứng:

+ Hai câu thơ tả cảnh mùa xuân tươi đẹp trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du – đây không chỉ là tả cảnh mùa xuân mà còn là sự rung động của Nguyễn Du trước cảnh mùa xuân đem đến cho người đọc sự sống, tuổi trẻ…

+ Cái chết của nhân vật An-na Ca-rê-nhi-na khiến người đọc bâng khuâng, thương cảm.

→ Người đọc đã nhận ra được tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ gửi vào cái hiện thực cuộc sống ấy. Chính lời nhắn gửi toát lên từ hiện thực khách quan được biểu hiện trong tác phẩm đã đem đến cho người đọc một nhận thức mới mẻ.

⇒ Phép lập luận phân tích cùng với những dẫn chứng tiêu biểu cụ thể, Nguyễn Đình Thi cho thấy: nội dung văn nghệ là phản ánh hiện thực. Hiện thực ấy mang tính hình tượng cụ thể, sinh động, là đời sống, tư tưởng, tình cảm của con người thông qua cái nhìn và tình cảm của người nghệ sĩ.

b/ Tiếng nói của văn nghệ rất cần thiết đối với đời sống con người

- Văn nghệ giúp cho con người có cuộc sống đầy đủ hơn, cảm thấy cuộc đời đẹp hơn và có ý nghĩa hơn:

+ Văn nghệ giúp con người tự nhận thức chính bản thân mình, giúp ta sống đầy đủ, phong phú hơn cuộc sống của chính mình.

+ Trong những trường hợp con người bị ngăn cách giữa cuộc sống, tiếng nói của văn nghệ là sợi dây buộc chặt họ với cuộc đời thường bên ngoài với tất cả những sự sống, hành động vui buồn, gần gũi.

+ Văn nghệ góp phần làm tươi mát sinh hoạt khắc khổ hằng ngày, giữ cho đời vẫn tươi. Tác phẩm văn nghệ giúp cho con người vui lên, biết rung động và ước mơ trong cuộc đời còn vất vả, cực nhọc.

+ Đem tới cả thời đại cách sống tâm hồn.

⇒ Văn nghệ rất cần thiết đối với cuộc sống của mỗi người chúng ta.

c/ Con đường đến với người đọc của văn nghệ

- Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm.

- Chỗ đứng của văn nghệ chính là chỗ giao nhau giữa tâm hồn con người với cuộc sống sản xuất, chiến đấu; là ở tình yêu ghét, nỗi buồn vui trong đời sống tự nhiên với đời sống xã hội.

- Nghệ thuật là tư tưởng nhưng là tư tưởng đã được nghệ thuật hóa – tư tưởng cụ thể sinh động, lắng sâu, kín đáo chứ không lộ liễu, khô khan, áp đặt.

⇒ Tác phẩm văn nghệ lay động cảm xúc, đi vào nhận thức, tâm hồn người đọc bằng con đường tình cảm. Qua tác phẩm văn nghệ, chúng ta sống cùng cuộc sống được miêu tả trong đó, được yêu ghét, buồn vui đợi chờ, cùng với các nhân vật và người nghệ sĩ.

* Tổng kết

Nội dung: Văn nghệ nối sợi dây đồng cảm kì diệu giữa nghệ sĩ với bạn đọc thông qua những rung động mãnh liệt, sâu xa của trái tim. Văn nghệ giúp cho con người được sống phong phú hơn và tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình. Nguyễn Đình Thi đã phân tích, khẳng định ấy qua bài tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ.

Nghệ thuật

- Bố cục chặt chẽ, hợp lí, cách dẫn dắt tự nhiên.

- Cách viết giàu hình ảnh, có nhiều dẫn chứng về thơ văn, về đời sống thực tế để khẳng định, thuyết phục các ý kiến, nhận định, để tăng thêm sức hấp dẫn cho tác phẩm.

- Giọng điệu chân thành, say sưa, đầy nhiệt huyết.

3/ Bài tập minh họa bài Tiếng nói của văn nghệ

Đề bài: Phân tích tác phẩm Tiếng nói của văn nghệ.

1/ Mở bài

- Giới thiệu tác giả và tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ.

- Nội dung chính là tầm quan trọng của văn nghệ.

2/ Thân bài

a/ Nội dung phản ánh của văn nghệ

- Tác phẩm văn nghệ lấy chất liệu từ thực tại đời sống nhưng không sao chép thực tại. Khi sáng tạo tác phẩm, người nghệ sĩ gửi vào đó một cách nhìn, một lời nhắn nhủ của mình nên nội dung tác phẩm không chỉ là hiện thực khách quan mà còn là tư tưởng tấm lòng của nhà nghệ sĩ.

- Tác phẩm văn nghệ không phải là những lời thuyết lí khô khan mà là tiếng nói sinh động bởi nó chứa đựng những say sưa, vui buồn, yêu ghét, mơ mộng, phẫn khích của nhà nghệ sĩ. Nó mang đến cho chúng ta bao rung động, bao ngỡ ngàng trước những điều tưởng chừng rất quen thuộc, đặc biệt, nó giúp ta tự phát hiện ra mình có thể làm chúng ta thay đổi cách nghĩ, cách sống.

⇒ Khác với khoa học khám phá các quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội, văn nghệ tập trung khám phá tính cách, số phận, thế giới bên trong của tâm hồn con người. Hiện thực trong tác phẩm văn nghệ là hiện thực mang tính cụ thể sinh động qua cái nhìn và tình cảm của nhà nghệ sĩ. Đó là nội dung chủ yếu của văn nghệ.

b/ Sự cần thiết của văn nghệ đối với con người

- Khi con người bị ngăn cách với cuộc sống, văn nghệ là sợi dây buộc chặt họ với cuộc đời bên ngoài, với những sự sống, những hoạt động, những vui buồn gần gũi.

- Văn nghệ góp phần làm tươi mát cuộc sống khắc khổ hằng ngày, giúp cho con người biết rung cảm và ước mơ khi cuộc đời còn lắm vất vả, cực nhọc.

⇒ Văn nghệ rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

c/ Sức mạnh cảm hóa kì diệu của văn nghệ đối với con người.

- Sức mạnh riêng của văn nghệ bắt nguồn từ nội dung của nó và con đường mà nó đến với người đọc, người nghe.

- Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm. Tác phẩm văn nghệ chứa đựng thái độ, tình cảm của con người. Tư tưởng của nghệ thuật là tư tưởng thấm đẫm cảm xúc. Thông qua con đường cảm xúc, tình cảm, tác phẩm văn nghệ lay động tâm hồn, tác động vào nhận thức của người đọc.

- Đến với một tác phẩm văn nghệ, chúng ta càng được sống cùng cuộc sống miêu tả trong đó, được yêu ghét, vui buồn, chờ đợi cùng các nhân vật. Nghệ thuật đốt lửa trong lòng người thôi thúc con người hành động.

- Văn nghệ góp phần giúp mọi người tự nhận thức mình, tự xây dựng mình và góp phần xây dựng đời sống tâm hồn cho xã hội.

⇒ Tác phẩm văn nghệ lay động cảm xúc, đi vào nhận thức, tâm hồn người đọc bằng con đường tình cảm.

3/ Kết bài

- Khẳng định vai trò, ý nghĩa của tiếng nói văn nghệ.

- Liên hệ bản thân.

4/ Tổng hợp các cách mở bài và kết bài cho tác phẩm Tiếng nói của văn nghệ

Mở bài Tiếng nói của văn nghệ mẫu 1

Chúng ta nhắc đến Nguyễn Đình Thi không chỉ với tư cách là một nhà thơ mà còn nhắc đến ông với tư cách là một nhà văn, nhà soạn kịch, sáng tác nhạc, một nhà lí luận phê bình văn học. Ông đã có rất nhiều đóng góp cho kho tàng văn chương Việt Nam. Về lĩnh vực lí luận phê bình nói riêng, Nguyễn Đình Thi đã ghi dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc bởi lối viết giản dị, giàu hình ảnh, tiêu biểu phải kể đến bài tiểu luận “Tiếng nói của văn nghệ”. Bài tiểu luận này được ông viết năm 1948 và in trong tập “Mấy vấn đề văn học” xuất bản năm 1956.

Mở bài Tiếng nói của văn nghệ mẫu 2

Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) quê ở Hà Nội. Ông là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức Văn hóa cứu quốc do mặt trận Việt Minh thành lập từ năm 1943. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được bầu làm Tổng thư kí Hội Văn hóa cứu quốc, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Từ năm 1958 đến 1989, Nguyễn Đình Thi là Tổng Thư kí Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1995, ông là Chủ tịch ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật.

Mở bài Tiếng nói của văn nghệ mẫu 3

Trong cuộc sống của con người, cùng với sự hưởng thụ vật chất như ăn, uống, mặc, ở,... không thể thiếu sự hưởng thụ tinh thần: nghe ca nhạc, xem tranh tượng, đọc vãn thơ,... Một khúc nhạc du dương, trầm bổng chúng ta được nghe, một bức tranh, một pho tượng đẹp chúng ta được nhìn ngắm, một câu chuyện, một bài thơ đặc sắc chúng ta được đọc - hiểu - suy ngẫm,... tất cả gọi là văn nghệ.

Kết bài Tiếng nói của văn nghệ mẫu 1

Cách lập luận chặt chẽ, sử dụng nhiều hình ảnh cùng với các dẫn chứng xác thực, bài tiểu luận “Tiếng nói của văn nghệ” đã góp phần tạo nên một phong cách phê bình, lí luận riêng của Nguyễn Đình Thi. Bài tiểu luận đã làm rõ vai trò, giá trị của văn nghệ đối với cuộc sống con người. Nhờ có văn nghệ mà tâm hồn con người được mở rộng, nó giúp con người có cái nhìn đa dạng, phong phú hơn về thế giới bên ngoài.

Kết bài Tiếng nói của văn nghệ mẫu 2

Bài tiểu luận của Nguyễn Đình Thi thành công trước tiên do bố cục hết sức chặt chẽ, hợp lí và cách dẫn dắt vấn đề rất tự nhiên. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, có nhiều dẫn chứng bằng thơ văn, bằng câu chuyện thực tế để khẳng định và tăng sức thuyết phục, sức hấp dẫn cho bài viết. Giọng văn toát lên thái độ chân thành, say sưa, giàu nhiệt huyết của tác giả. Qua bài viết này, chúng ta hiểu được nội dung Tiếng nói của văn nghệ và sức mạnh kì diệu của nó đối với đời sống con người; đồng thời hiểu thêm cách viết một bài văn nghị luận văn học ngắn gọn, chặt chẽ và giàu hình ảnh.

Kết bài Tiếng nói của văn nghệ mẫu 3

Tiếng nói của văn nghệ trải qua hơn nửa thế kỷ đầy biến động, thế giới văn chương có phần đổi khác những những quan điểm cuả Nguyễn Đình Thi chưa bao giờ là cũ, mà nó luôn trường tồn với thời gian. Điều đó cho thấy, thời nào cũng vậy văn nghệ luôn có những đặc điểm chung nhất, mà người nghệ sĩ phải nắm rõ để sáng tác ra những tác phẩm nghệ nghệ thuật chân chính, có giá trị, thế mới là người nghệ sĩ có tâm và có tầm.

---------------------------------------

Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài Lý thuyết Ngữ văn 9: Tiếng nói của văn nghệ. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 9,  Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 9, Giải VBT Ngữ văn 9

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lý thuyết Ngữ Văn 9

    Xem thêm