Lý thuyết Sinh học 7 bài 1: Thế giới động vật đa dạng và phong phú
Thế giới động vật đa dạng và phong phú
Lý thuyết Sinh học 7 bài 1 tổng hợp lý thuyết được học trong chương trình Sinh học 7 kèm các câu hỏi trắc nghiệm có đáp án về Thế giới động vật đa dạng và phong phú. Hi vọng đây là tài liệu hữu ích giúp các em nắm được kiến thức trọng tâm trong bài, đồng thời biết cách vận dụng làm các bài tập liên quan hiệu quả.
A. Lý thuyết Sinh học bài 1
1. Đa dạng về loài và phong phú về số lượng cá thể
- Qua vài tỉ năm tiến hóa, giới Động vật vô cùng đa dạng, phong phú với khoảng 1,5 triệu loài đã được phát hiện
- Độ đa dạng của động vật không chỉ thể hiện ở số lượng loài mà còn thể hiện ở số lượng cá thể của từng loài.
- Một số động vật được thuần hóa thành vật nuôi, nhưng chúng đã khác nhiều so với tổ tiên hoang dại và biến đổi thành nhiều loài, đáp ứng nhu cầu khác nhau của con người.
Ví dụ: Gà nuôi có tổ tiên là loài gà rừng nhỏ nhắn đang sống ở vùng nhiệt đới. Gà nuôi được biến đổi rất nhiều về màu lông, kích thước, chiều cao ... khác xa so với tổ tiên của chúng
2. Đa dạng về môi trường sống
- Động vật được phân bố ở nhiều môi trường sống khác nhau: môi trường nước (nước mặn, nước ngọt, nước lợ…), trên cạn, trên không và ở ngay vùng cực băng giá quanh năm, từ đỉnh Everest cao hơn 8000m đến vực sâu 11000m dưới đáy đại dương...
- Động vật có các đặc điểm thích nghi cao với môi trường sống của chính nó.
Nam cực toàn băng tuyết nhưng chim cánh cụt vẫn sống và có tới 17 loài khác nhau.
- Đặc điểm thích nghi với môi trường giá lạnh:
+ Mỗi con nặng 30 – 40kg, lông rậm, mỡ dày → giữ nhiệt cho cơ thể
+ Con cái đẻ 1 – 2 trứng, ấp 65 ngày. Sau mỗi lần ấp, con cái giảm 40% khối lượng → khả năng chăm sóc con từ khi còn trong trứng tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho trứng nở.
+ Con mẹ tiếp tục ủ ấm cho con non → giúp con thích nghi dần với điều kiện khí hậu lạnh giá ở Nam cực.
+ Chúng thường sống thành bầy đàn, đông tới hàng nghìn con → tăng khả năng kiếm mồi và chống lại kẻ thù cũng như cái lạnh của Nam cực.
B. Trắc nghiệm Sinh học bài 1
Câu 1: Sự đa dạng và phong phú của của động vật thể hiện ở
a. Đa dạng về số loài và phong phú về số lượng cá thể
b. Đa dạng về phương thức sống và môi trường sống
c. Đa dạng về cấu trúc cơ thể
d. Cả a, b và c
Động vật đa dạng và phong phú về cấu trúc cơ thể, về số loài và phong phú về số lượng cá thể, và còn về phương thức và môi trường sống.
→ Đáp án d
Câu 2: Môi trường sống cơ bản của động vật bao gồm:
a. Dưới nước và trên cạn
b. Dưới nước và trên không
c. Trên cạn và trên không
d. Dưới nước, trên cạn và trên không
Động vật có 3 môi trường sống cơ bản là dưới nước, trên cạn và trên không.
→ Đáp án d
Câu 3: Phát biểu nào sau đây là ĐÚNG khi nói về đa dạng động vật?
a. Động vật đa dạng về loài và phong phú về số lượng
b. Động vật chỉ đa dạng về loài
c. Động vật chỉ phong phú về số lượng
d. Động vật có số lượng cá thể phong phú nhưng số loài ít
Động vật đa dạng về loài và phong phú về số lượng cá thể.
→ Đáp án a
Câu 4: Động vật đa dạng, phong phú nhất ở
a. Vùng ôn đới
b. Vùng nhiệt đới
c. Vùng nam cực
d. Vùng bắc cực
Vùng nhiệt đới do có khí hậu thích hợp nên thuận lợi cho sự phát triển đa dạng và phong phú của động vật.
→ Đáp án b
Câu 5: Nhóm động vật nào sau đây chỉ sống trong môi trường nước?
a. Ong, cá, chồn, hổ, lươn
b. Cá, thằn lằn, hổ, tôm, cua
c. Cá, tôm, ốc, cua, mực
d. Chim, ốc, mực, cua, bạch tuộc
Môi trường nước là môi trường sống của rất nhiều loài động vật, ví dụ như: cá, tôm, ốc, mực, bạch tuộc, sao biển…
→ Đáp án c
Câu 6: Động vật có ở khắp mọi nơi là do
a. Chúng có khả năng thích nghi cao
b. Sự phân bố từ xa xưa
c. Do con người tác động
d. Cả a, b, c đúng
Động vật có ở khắp mọi nơi là do chúng có khả năng thích nghi cao với nhiều điều kiện sống khác nhau.
→ Đáp án a
Câu 7: Động vật ở vùng nhiệt đới đa dạng hơn vùng ôn đới, là vì
a. Do khí hậu nóng, ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các loài động vật
b. Lượng thức ăn dồi dào, sinh sản nhanh làm số lượng cá thể tăng nhanh.
c. Cấu tạo cơ thể chuyên hóa thích nghi cao với điều kiện sống.
d. Cả a, b và c đúng
Động vật ở vùng nhiệt đới đa dạng hơn ở vùng ôn đới là do có khí hậu nóng, ẩm, lượng thức ăn dồi dào tạo điều kiện thích hợp cho sự phát triển các loài động vật.
→ Đáp án d
Câu 8: Ta cần phải làm gì để thế giới động vật mãi đa dạng, phong phú?
a. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên rừng
b. Phát triển chăn nuôi
c. Thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên
d. Cấm săn bắt bừa bãi, bảo vệ động vật quý hiếm
e. Cả a, b, c và d đúng
Chúng ta cần chung tay bảo vệ thế giới động vật mãi đa dạng, phong phú. Các biện pháp là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên rừng là nơi sinh sống của động vật, phát triển chăn nuôi, thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, cấm săn bắt bừa bãi, bảo vệ động vật quý hiếm…
→ Đáp án e
Câu 9: Chim cánh cụt có đặc điểm lớp lông và lớp mỡ dày để thích nghi với điều kiện sống ở
a. Vùng nhiệt đới
b. Vùng ôn đới
c. Vùng băng giá
d. Vùng sa mạc
Chim cánh cụt có lớp lông và lớp mỡ dày để thích nghi với điều kiện sống ở vùng băng giá.
→ Đáp án c
Câu 10: Động vật nào sau đây đã được con người thuần hóa trở thành vật nuôi?
a. Hổ b. Chồn c.Cá voi d. Gà
Gà là một động vật có nguồn gốc từ gà rừng, được con người thuần hóa trở thành vật nuôi.
→ Đáp án d
Với nội dung bài Thế giới động vật đa dạng và phong phú các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về đa dạng loài và phong phú về số lượng cá thể, đa dạng về môi trường sống....
...........................
Để có thể học tốt môn Sinh học 7, các em học sinh cần nắm vững lý thuyết trong SGK đồng thời luyện tập các bài tập liên quan. Chuyên mục Lý thuyết Sinh học 7 được giới thiệu trên VnDoc sẽ giúp các em khái quát lý thuyết được học trong từng đơn vị bài học, giúp các em nắm được kiến thức trọng tâm trong mỗi bài.
Ngoài Lý thuyết Sinh học lớp 7 bài 1, mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Sinh học lớp 7, Giải Vở BT Sinh Học 7, Trắc nghiệm Sinh học 7, Giải bài tập Sinh học 7 và các đề học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 được cập nhật liên tục trên VnDoc.