Những khó khăn và thuận lợi khi bạn trở thành giáo viên
Những khó khăn và thuận lợi khi bạn trở thành giáo viên sẽ được VnDoc tổng hợp và nêu ra trong bài viết, mời các bạn cùng đọc để hiểu hơn về nghề giáo.
Những phẩm chất cần có để trở thành giáo viên
1. Một số ưu điểm của nghề giáo viên
So với các ngành nghề khác, giáo viên có nhiều đặc quyền đáng kể về mặt xã hội, mức lương và thời gian công tác.
Chính vì thế, hàng năm, số lượng học sinh đăng ký thi sư phạm vẫn vô cùng đông đảo.
- Nhà giáo có địa vị xã hội cao: Giáo dục luôn được xã hội tôn vinh trong bất kỳ thời điểm nào. Con người khi sinh ra không thể thiếu vắng nền giáo dục. Chính vì thế nhà giáo luôn được xã hội trọng vọng.
Trong xã hội hiện đại, người giáo viên vẫn có địa vị xã hội cao, có tiếng nói và được người khác tôn trọng.
- Dạy học và hoàn thiện kiến thức cho bản thân: Mỗi nhà giáo là một người truyền tải kiến thức cho học sinh.
Trong quá trình giảng dạy, nhà giáo đồng thời cũng tiếp thu được nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích cho cuộc sống của mình.
Không chỉ thế, hàng năm, các cuộc thi Giáo viên giỏi luôn được tổ chức. Mục đích nhằm đề cao các nhà giáo luôn không ngừng học tập và củng cố kiến thức chuyên môn.
- Lịch trình nhẹ nhàng: Hiện nay, giáo viên được xem là nghề có khả năng chủ động trong thời gian nhất trong số các ngành nghề. Hàng năm, người nhà giá chỉ phải giảng dạy trực tiếp từ 8 tới 9 tháng.
Thời gian còn lại, giáo viên được quyền nghỉ ngơi khi học sinh bước vào thời điểm nghỉ hè.
Không có nhiều ngành nghề mà nhân lực được phép nghỉ ngơi dài đến như vậy.
Đó là chưa kể đến việc các giáo viên hàng tuần chỉ phải lên lớp vào các ngày nhất định. Điều đó giúp người giáo viên chủ động hơn trong cuộc sống hàng ngày.
- Sự ổn định trong công việc: Một khi bạn đã trở thành giáo viên trong biên chế, bạn sẽ không cần lo lắng về độ ổn định của công việc nữa.
Hàng năm, bạn được quyền nhận các ưu đãi trong ngành như lương bổ sung, trợ cấp, phụ cấp và chế độ nâng lương theo bậc ngành.
Càng công tác trong ngành lâu năm, quyền lợi của bạn sẽ càng cao và mức lương khi nghỉ hưu càng lớn.
2. Những yêu cầu với nghề giáo
Nghề giáo là một trong số những nghề cao quý trong xã hội. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có quan điểm giống nhau về nghề dạy học. Hiểu về nghề giáo để có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn là một yêu cầu không chỉ với những người trong ngành mà còn với toàn xã hội. Đặc biệt với những người đang và sẽ có ý định lựa chọn con đường làm “kỹ sư tâm hồn” cho thế hệ trẻ thì công việc này càng trở nên quan trọng. Đây sẽ là những thông tin cần thiết và rất bổ ích cho những ai đang có ý định theo nghề giáo. Giảng dạy là một nghề đặc biệt, không phải ai cũng phù hợp với công việc này. Trong thực tế, có khá nhiều giáo viên đã bỏ việc chỉ sau 3 đến 5 năm công tác. Tuy nhiên, cùng với nghề này lại có rất nhiều phần thưởng “đền đáp”…
1. Yêu cầu:
Phẩm chất và kỹ năng cần có
- Khả năng truyền đạt tốt trên cả hai phương diện nói và viết
- Giàu tình yêu thương, đặc biệt là yêu lớp người trẻ tuổi.
- Có lòng bao dung, độ lượng và trái tim nhân hậu
- Nhạy cảm, có khả năng nắm bắt tâm lý con người
- Kiên trì, nhẫn nại
- Ham học hỏi và luôn mong muốn truyền đạt lại cho người khác
Đạo đức những người làm nghề giáo
Người giáo viên cần có phẩm chất nhân cách đạo đức tốt, là tấm gương sáng cho học sinh của mình noi theo
Về kiến thức truyền đạt
Hoạt động chủ đạo của người giáo viên là giảng dạy, truyền đạt kiến thức của mình tới học sinh, vì vậy người thày cô phải có vốn kiến thức chuyên môn, chuyên ngành vững vàng. Người giáo viên phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất như trên mới có thể làm công việc của mình tốt. Điều đó đòi hỏi phải có cả một quá trình tu dưỡng rèn luyện không ngừng.
2. Cơ sở đào tạo
Sau khi học Phổ thông, những ai yêu thích và có nguyện vọng lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai là giáo viên sẽ nộp hồ sơ và dự thi tại các trường Đại học và cao đẳng Sư phạm trên toàn quốc. Nếu trúng tuyển thí sinh sẽ được đào tạo kiến thức nghề nghiệp tại các trường Đại học và cao Đẳng Sư phạm mà mình đã lựa chọn dự thi. Thời gian học tại trường Đại học là 4 năm, tại các trường cao đẳng là 3 năm.
3. Điều kiện làm việc và cơ hội làm việc
Trong ngành sư phạm, bạn có thể làm việc tại:
- Hệ thống các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, cao đẳng, đại học trong cả nước.
- Các cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Phòng, Ban Giáo dục tại các địa phương trong cả nước.
- Các tổ chức, trung tâm trong và ngoài nước về giáo dục…
Đây là nghề thường đòi hỏi bạn phải được đào tạo chính quy trong trường sư phạm hoặc có chứng chỉ sư phạm. Với phái nữ, đây là một trong những sự lựa chọn được ưu ái nhất bởi có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, ít va chạm với những bon chen của xã hội. Cùng chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, số trường lớp ở nước ta không ngừng tăng trong những năm qua dẫn đến nhu cầu tuyển dụng giáo viên lớn. Hiện nay, bậc lương của nhà giáo là một trong những thang, bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, do số lượng người theo học ngành này thường đông nên cạnh tranh tuyển dụng khá gay gắt
3. Những thuận lợi, khó khăn khi dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh
3.1 Thuận lợi
Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh mang đến những thuận lợi sau đây:
- Linh hoạt cho tất cả các đối tượng học sinh, bất kể nền tảng kiến thức hoặc trình độ hiểu biết
- Loại bỏ sự bất bình đẳng trong quá trình học tập, học sinh nắm chắc “chất lượng kiến thức”
- Học sinh được chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để thành công khi trưởng thành
- Học sinh học các kĩ năng để học tập tốt hơn và chịu trách nhiệm về quá trình học tập của mình
- Học sinh được khuyến khích để phát triển mọi mặt, phát hiện và phát triển thế mạnh của bản thân
- Học sinh được thỏa sức sáng tạo, từ đó khai thác hết những tiềm lực của học sinh
- Kéo gần mối quan hệ cô - trò, thầy - trò
3.2 Khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh còn gặp phải những khó khăn sau:
- Khó khăn trong cách tiếp cận vấn đề:
Hiện nay ở nhiều trường thuộc nhiều cấp học, đội ngũ thầy, cô giáo lớn tuổi chiếm tỷ lệ tương đối cao. Ở họ, ý thức đổi mới chưa nhiều bởi vì xưa nay cách dạy truyền thống theo hướng truyền thụ kiến thức vẫn mang lại hiệu quả tích cực, học sinh vẫn hứng thú và làm bài đạt điểm cao. Việc nhận thức như vậy không chỉ ảnh hưởng đến các thầy, cô mà còn gián tiếp gây ra tác động đối với các thầy, cô khác mà còn đối với cả học sinh.
Ở nhiều thầy, cô giáo bậc phổ thông do ảnh hưởng cách đào tạo trước đây ở các trường đại học đó là phương pháp lấy người thầy làm trung tâm, học sinh là người nhận kiến thức thụ động, áp đặt. Vì thế, để nhanh chóng thay đổi họ theo chiều hướng mới cần có thời gian nhất định.
- Công tác đổi mới phương pháp ở nhiều trường học còn thiếu sự giám sát, nhắc nhở từ các cấp lãnh đạo
Nhiều giáo viên chỉ thực hiện đổi mới theo hình thức, mang tính chất đối phó. Ðiều này chỉ được khắc phục khi có giáo viên dự giờ, thao giảng hoặc tham gia các hội thi.
- Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên còn mơ hồ, lúng túng, không hiểu những phương pháp dạy học hiện đại, phát triển năng lực học sinh.
- Nhiều trường, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa thì cơ sở vật chất để đáp ứng cho việc đổi mới phương pháp dạy học cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Tuy việc đổi mới phương pháp là do con người, nhưng cũng cần có thêm những điều kiện để hỗ trợ thì việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực sẽ diễn ra suôn sẻ hơn.
- Hiện cả nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng đang chung tay vào cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn hồ sơ sổ sách. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều trường, nhiều cấp học thì việc hoàn thành hồ sơ sổ sách là gánh nặng đối với giáo viên. Ở đây còn chưa nói đến chất lượng của các loại hồ sơ, nhiều loại chỉ làm cho có hình thức và mang tính chất đối phó nên cũng gây áp lực đến giáo viên.
- Chương trình học ở các cấp tuy có giảm tải, nhưng vẫn còn "khá nặng" đối với nhiều giáo viên và học sinh
- Bên cạnh đó, trong nhiều môn học, việc phải "lồng ghép" quá nhiều nội dung như môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giáo dục pháp luật... trở thành gánh nặng và tác động không nhỏ đến việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học.
4. Nhược điểm, khó khăn của nghề giáo viên thường gặp phải
Áp lực xã hội
Khi xã hội ngày càng phát triển về kinh tế và công nghệ thì việc giảng dạy học sinh của thầy cô giáo cũng gặp không ít khó khăn của nghề giáo viên. Mọi lỗi sai, hay các phát biểu, ý kiến không đúng chuẩn mực đều có thể được phát tán lên trên các trang mạng xã hội.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và đời sống của giáo viên. Do đó, có thể nói nghề giáo viên hiện nay đang chịu áp lực xã hội rất lớn, thầy cô giáo vô tình rơi vào cái hố sợ làm sai và chưa cống hiến hết sức mình cho công việc.
Soạn giáo án vất vả
Có thể nói đây là khó khăn của nghề giáo viên từ trước tới nay vẫn còn tồn tại. Bên cạnh các khó khăn về mặt tinh thần, thì nghề nhà giáo còn có khó khăn trong việc soạn giáo án và các bài giảng trước khi lên lớp.
Để có thể giúp cho học sinh nắm bài nhanh và sâu thì các thầy cô thường chuẩn bị giáo án thật kỹ tối hôm trước để bài giảng được tốt nhất. Thông thường, công việc này thường được các thầy cô thực hiện sau giờ dạy. Do đó, có thể nói đây là một trong những nhược điểm, khó khăn của nghề giáo viên.
Trách nhiệm dạy học cao
Như đã phân tích ở trên, nghề nhà giáo là nghề giúp mang lại con chữ, con số và các kiến thức cần thiết cho học sinh. Vì vậy, thầy cô giáo luôn mang trên vai mình trọng trách của một người lái đò đầy trách nhiệm. Để làm sao có thể giúp các học sinh đều học những kiến thức sách vở hữu ích, bên cạnh cách học về đạo đức và làm người sâu sắc, trở thành người có ích cho xã hội.
Khắt khe về chuẩn mực
Nhắc đến những thuận lợi và khó khăn của nghề giáo viên thì không thể không nhắc tới khó khăn về mặt chuẩn mực của người làm nghề giáo. Mọi người luôn quá khắt khe về chuẩn mực đặt ra đối với nghề giáo. Các chuẩn mực có thể được kể đến ở đây như: cách ăn mặc, đi đứng, quan hệ xã hội, hôn nhân gia đình, tình cảm,…
Công tác xa nhà
Đối với các thầy cô giáo mầm non thì thuận lợi và khó khăn của nghề giáo viên mầm non còn là vấn đề công tác xa nhà. Đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi có nền kinh tế nghèo và kém phát triển.
Thầy cô giáo ở đây đa số đều phải công tác xa nhà, để có thể mang lại từng con chữ cho các em học sinh nhỏ xa xôi, vượt khó học tập. Bên cạnh đó, còn khó khăn rất nhiều trong việc thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc dạy học. Điều này càng làm cho việc dạy học trở nên khó khăn và thử thách hơn bao giờ hết.
5. Cách giúp cải thiện những khó khăn của nghề giáo viên
Bên cạnh những thuận lợi thì nghề giáo viên hiện tại cũng gặp không ít khó khăn trên con đường giảng dạy của mình. Dưới đây là cách giúp cải thiện khó khăn của nghề giáo viên.
Thay đổi tư duy, suy nghĩ
Nên có cái nhìn thoáng và rộng mở đối với những chuẩn mực của nghề giáo viên, không nên quá khắt khe và cứng nhắc đối với những cái sai không đáng có của nghề giáo. Mỗi người cần bao dung và rộng lượng hơn khi nhận được thông tin tiêu cực về nghề giáo viên.
Để chính bản thân người nhà giáo làm sai và những giáo viên khác không cảm thấy quá áp lực về nghề nghiệp và sự lựa chọn làm nghề giáo. Khi dùng các trang mạng xã hội nên cập nhật tin tức và không nên bình luận, đánh giá, soi mói và miệt thị cái sai của người khác quá mức.
Nhà nước quan tâm đến nghề giáo
Để giúp cải thiện nghề giáo viên thì chắc chắn cần sự quan tâm của Nhà nước đối với những ai làm nghề này. Các chính sách quan tâm dành cho nghề giáo sẽ là một trong những khuyến khích tinh thần to lớn cho những ai đang làm nghề.
Điều này sẽ giúp các thầy cô giáo có thêm nhiều động lực trong công tác dạy học. Từ đó vượt qua được những khó khăn, vất vả trong con đường dạy học của mình.
Sự giúp đỡ từ tổ chức, cá nhân
Đối với các ngôi trường thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thì để cải thiện được khó khăn này cần nhờ đến sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Những việc làm giúp sức của các đơn vị hảo tâm sẽ giúp các ngôi trường miền núi, vùng sâu vùng xa có thêm điều kiện để dạy học cho học sinh.
Điều này cũng giúp cho các thầy cô giáo công tác tại những nơi thiếu thốn này được đỡ vất vả, khó khăn trong quá trình đem lại kiến thức cho các bạn học sinh. Sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân là điều vô cùng cần thiết để giúp cho ngành giáo dục được phát triển và nghề giáo viên bớt được khó khăn.
Xem thêm: