Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết

09 việc bắt buộc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết

Khái quát về cán bộ, công chức, viên chức? Những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết là gì? Đây là quy định được đề cập tại Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

1. Khái quát về cán bộ, công chức, viên chức?

Cán bộ, công chức, viên chức là các đối tượng đặc biệt, các chủ thể này đều có sự điều chỉnh bởi pháp luật cụ thể theo Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

2. Những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết?

Những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết là nội dung được quy định tại Mục 2, Chương 2 Nghị định 04/2015, và biểu hiện cụ thể tại điều 7 như sau:

– Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị. Đây là nội dung căn bản, quan trọng, quyết định đến định hướng phát triển của cơ quan, đơn vị và việc cán bộ, công chức, viên chức biết nhằm tổ chức thực hiện đúng đắn và hiệu quả.

– Kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng của cơ quan, đơn vị. Với tư cách là chủ thể hoạt động thường xuyên, nòng cốt trong cơ quan, đơn vị, việc biết và nắm rõ kế hoạch công tác là cách để các chủ thể hoàn thành tốt công việc đúng thời hạn, hiệu quả và tránh tình trạng chồng chéo trách nhiệm.

– Kinh phí hoạt động hàng năm, bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn tài chính khác; quyết toán kinh phí hàng năm của cơ quan, đơn vị; tài sản, trang thiết bị của cơ quan, đơn vị; kết quả kiểm toán. Hoạt động tài chính vốn dĩ chứa đựng những rủi ro nhất định, và việc công khai kinh phí hoạt động là việc phải thực hiện cả trong ngân sách nhà nước chứ không phải mỗi cơ quan, đơn vị nhỏ, bên cạnh công khai, mịch bạch cũng là yêu cầu bắt buộc.

– Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức; đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại công chức, viên chức; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; các đề án, dự án và việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị. Đây là nội dung về vấn đề về “nhân sự”, bên cạnh cá nhân là chủ thể bị điều chỉnh trực tiếp bởi văn bản pháp luật, thì các chủ thể khác cũng có quyền biết cơ quan, đơn vị có sự thay đổi và những chính sách được áp dụng đối với các chủ thể đó.

– Các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị đã được kết luận; bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật. Việc quy định công khai nội dung có chức năng giáo dục, tác động nhận thức của những cán bộ, công chức, viên chức từ đó điều chỉnh hành vi của họ, việc kê khai sẽ làm hạn chế tình trạng tham nhũng đang diễn ra rất nhiều trong bộ máy hành chính nhà nước.

– Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Nội dung này có ý nghĩa trong việc làm căn cứ để giải quyết các vụ việc sau, tiếp thu ý kiến từ cơ quan có thẩm quyền, từ người dân hoặc chủ thể khác có quyền khiếu nại, tố cáo, cải thiện hoạt động của bản thân và cơ quan, đơn vị.

– Các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị. Quy chế, nội quy được xem là “luật nhỏ” trong mối tương quan với hệ thống pháp luật hiện hành, sự tác động của nội quy, quy chế chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị này, công khai nội quy, quy chế là căn cứ để các chủ thể thực hiện đúng, đầy đủ và là cơ sở để xử lý khi có hành vi vi phạm.

– Kết quả tiếp thu ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đưa ra lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 9 của Nghị định 04/2015. Đây là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tiếp thu, đánh giá sơ bộ các ý kiến và có thể góp ý với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

– Văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị. Sự vận hành và phát triển của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập luôn tồn tại trong mối tương quan giữa cấp trên và cấp dưới, vì vậy mọi chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cáp trên đều phải được truyền đạt tới chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động là cán bộ, công chức, viên chức, chứ không phải là người đứng đầu, do vậy, việc công khai là hoàn toàn hợp lí và cần thiết.

Việc công khai được thực hiện bởi người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Thông thường, căn cứ vào đặc điểm, tính chất hoạt động và nội dung phải công khai, các cơ quan, đơn vị áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai như:

– Niêm yết tại cơ quan, đơn vị;

– Thông báo tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị;

– Thông báo bằng văn bản gửi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức;

– Thông báo cho người phụ trách các bộ phận của cơ quan, đơn vị và yêu cầu họ thông báo đến cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các bộ phận đó;

– Thông báo bằng văn bản đến cấp ủy trực tiếp, Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị;

– Đăng trên trang thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị.

Mỗi hình thức công khai đều có những hiệu quả riêng, trong đó niêm yết tại cơ quan, đơn vị hay đăng trên trang thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị là hình thức dễ để cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận thông tin nhất và có sự nhanh chóng.

Thời hạn công khai chậm nhất là 03 ngày làm việc, trường hợp đặc biệt không quá 05 ngày kể từ ngày văn bản được ban hành hoặc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan, đơn vị cấp trên, trừ những tài liệu mật theo quy định của pháp luật. Đối với văn bản niêm yết tại trụ sở của cơ quan, đơn vị thì phải thực hiện niêm yết ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết. Thời hạn công khai quy định như vậy là hợp lý, bởi lẽ những việc cần công khai trong trường hợp được nêu cần có sự tổ chức thực hiện nhanh chóng, việc công khai chậm sẽ dẫn đến những chậm trễ trong tiến độ làm việc và giảm hiệu quả công việc.

Trên đây là nội dung chi tiết của bài viết Những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết. Tất cả các tài liệu về Văn bản Giáo dục đào tạo được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên. Chi tiết nội dung của các Văn bản, Thông tư mời các bạn cùng theo dõi và tải về sử dụng.

Xem thêm các tài liệu Dành cho Giáo viên chi tiết:

Đánh giá bài viết
1 498
Sắp xếp theo

    Dành cho Giáo Viên

    Xem thêm