Phân tích chi tiết nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ

Phân tích chi tiết nhân vật Mị trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" - Tô Hoài

VnDoc gửi tới bạn đọc bài viết Phân tích chi tiết nhân vật Mị trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" - Tô Hoài. Bài viết đưa ra dàn ý và phân tích chi tiết nhân vật Mị, đây sẽ là tư liệu tham khảo bổ ích cho các bạn học sinh lớp 12. Mời các bạn tham khảo.

 Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại. 

Dưới đây là tài liệu đọc thử, để xem toàn bộ bài viết, mời các bạn tải tệp về máy.

PHÂN TÍCH CHI TIẾT NHÂN VẬT MỊ

I. DÀN Ý

A. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu nhân vật Mị.

=> Nhận xét khái quát về nhân vật.

B. Thân bài

1. Khái quát chung

- Về nhân vật trong tác phẩm văn học

+ Là sự sáng tạo nghệ thuật, sản phẩm của hoạt động có ý thức của nhà văn.

+ Nhân vật là đối tượng được miêu tả thể hiện trong tác phẩm văn học nghệ thuật, không chỉ là con người có tên hoặc không có tên, có thể là những sự vật, loài văn ít nhiều mang bóng dáng tính cách con người.

+ Vai trò của nhân vật: là linh hồn của tác phẩm, là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực, thể hiện nhận thức về con người, quy luật cuộc sống.

- Khái quát về nhân vật Mị.

2. Phân tích

2.1. Sự xuất hiện của nhân vật Mị.

- Bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa => vị trí của đồ vật, con vật; gợi sự trơ lì, vô tri, vô giác.

- Diện mạo: lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi => sự đau khổ, u uất, cam chịu.

- Bức tranh xa hoa, trụy lạc của nhà thống lý > < hình ảnh nhỏ bé, đáng thương của Mị

=> Phản ánh hiện thực đau đớn, phũ phàng của nông thôn miền núi trước năm 1945.

2.2. Cuộc sống làm dâu gạt nợ của Mị

a.Trước khi về làm dâu nhà thống lý

- Vẻ đẹp nhan sắc: khỏe khoắn, đầy sức sống.

- Vẻ đẹp tài năng: tài thổi sáo, thổi đàn môi.

- Tính cách, phẩm chất:

+ Chăm chỉ, cần cù, yêu lao động.

+ Tính cách mạnh mẽ, tự chủ.

+ Giàu lòng tự trọng, không tham giàu sang, phú quý.

+ Hiếu thảo, trái tim vị tha, nhân hậu.

b.Cuộc sống làm dâu gạt nợ

* Nguyên nhân:

- Trực tiếp: món nợ truyền kiếp của gia đình

- Sâu xa: bản chất dã man, vô nhân đạo của giai cấp thống trị miền núi trước 1945.

* Mị bị chà đạp về thể xác:

- Chịu cảnh áp bức, bóc lột nặng nề như người ở không công, phải làm việc liên miên.

- Bất cứ lúc nào cũng có thể bị tóm, bị đánh một cách dã man, vô lí.

* Mị bị chà đạp về tinh thần:

- Bị nô lệ hóa về tinh thần: đem cúng trình ma => hành động thâm độc nhất.

- Mị muốn tìm đến cái chết để giải thoát khỏi nghịch cảnh.

- Không còn sức phản kháng, buông xuôi, phó mặc, chai lì.

2.3. Mị trong đêm tình mùa xuân

* Khung cảnh mùa xuân:

- Bức tranh thiên nhiên mùa xuân đặc trưng, tiêu biểu cho vùng núi Tây Bắc:

+ Gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, rét rất dữ dội.

+ Màu sắc rực rỡ của nhưng chiếc váy hoa đem ra phơi trên mỏm đá.

+ Tiếng sáo rủ bạn đi chơi.

=> Khung cảnh làm nền cho tâm trạng Mị.

=> Sự chuyển giao của đất trời tác động mạnh mẽ đến tâm hồn Mị.

* Diễn biến tâm trạng nhân vật

- Sức sống bên trong Mị dần hồi sinh: nhẩm thầm lời bài hát.

- Ý thức về cuộc sống dần trở về: Mị uống rượu, men rượu vừa giúp Mị lãng quên thực tại, vừa nhớ về quá khứ.

- Mị có những đổi thay nhỏ bé nơi tâm hồn:

+ Niềm vui dần hiện hữu: Mị thấy phơi phới trở lại.

+ Có ý thức về tuổi trẻ: Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ.

+ Nhận ra sự phi lí, bất công của cuộc đời: so sánh cảnh ngộ với người làm dâu khác.

+ Mị lại muốn chết.

- Mị có những hành động khac thường:

+ Mị thắp sáng căn buồng tối kín mít.

+ Tự làm mới bản thân: quấn lại tóc, với lấy váy hoa

- A Sử trở về, trói đứng Mị vào cột nhà => chỉ trói được thân xác chứ không thể trói được tâm hồn, khát vọng của Mị.

2.4. Mị trong đêm đông cắt dây trói cứu A Phủ

- Khung cảnh, không gian:

+ Những đêm mùa đông dài và buồn: Mị đã cảm nhận được thời gian và buồn vui.

- Khi thấy A Phủ bị trói đứng:

+ Hành động: Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay.

+ Suy nghĩ: nếu A Phủ có là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi.

- Mị nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ:

+ Chạnh lòng, tự thương xót cho chính mình.

+ Bắt đầu xót thương, đồng cảm cho A Phủ.

+ Lòng căm phẫn bấy lâu bùng cháy.

+ Dũng cảm, rón rén bước lại cắt dây trói giải cứu A Phủ.

- Mị đứng lặng trong bóng tối => vụt chạy ra, đi theo A Phủ: khát vọng sống hoàn toàn hồi sinh.

3. Đánh giá

- Mị là hình tượng tiêu biểu, điển hình cho vẻ đẹp và số phận người dân lao động vùng cao Tây Bắc.

- Thể hiện niềm tin, sự trân trọng của nhà văn.

- Tố cáo tội ác giai cấp thống trị miền núi trước 1945.

C. Kết bài

- Đánh giá chung về nhân vật.

- Nhận xét về tài năng của nhà văn và sức sống của nhân vật, tác phẩm.

II. Phân tích chi tiết

Vợ chồng A Phủ là một trong ba tác phẩm được in trong tập Truyện Tây Bắc, là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội giải phóng Tây Bắc năm 1952. Đây là chuyến đi dài tám tháng sống với đồng bào các dân tộc thiểu số từ khu du kích trên núi cao đến những bản làng mới giải phóng của nhà văn. Trong những ngày tháng ấy, Tô Hoài đã cùng ăn, ở với những người dân Tây Bắc để thấu hiểu những cơ cực và vẻ đẹp tâm hồn của những người dân lao động nghèo nơi đây dưới ách áp bức của thực dân và phong kiến. Thành quả ấy được ông gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình, tập trung ở việc xây dựng, khắc họa nhân vật Mị.

  1. Khái quát chung

Nhân vật văn học là sản phẩm tinh thần của nhà văn, là nơi thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người. Nhân vật văn học thể hiện cách hiểu của nhà văn về con người theo một quan điểm nhất định, là nơi để nhà văn gửi gắm, kí thác những tâm tư, ước vọng, cùng những vấn đề triết lí nhân sinh. Qua hệ thống nhân vật, người đọc thấy được tư tưởng nghệ thuật và phong cách nghệ thuật của nhà văn.

Mị là nhân vật chính, nhân vật trung tâm của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, thông qua việc khắc họa chân thực chân dung, cuộc sống làm dâu gạt nợ của Mị, nhà văn đã thể hiện sâu sắc những giá trị nhân văn, nhân đạo của mình.

2.1. Sự xuất hiện của Mị

Tác giả đã dồn tâm huyết để cho Mị một màn xuất hiện độc đáo. Dung lượng đoạn văn ngắn nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc. Tô Hoài để cho Mị xuất hiện “bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Việc ấy xuất hiện thường xuyên, liên tục đến mức “ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý Pá Tra” đều nhận thấy sự việc này. Cái tưởng như bình thường đã dần trở nên bất thường. Hình ảnh ấy hé lộ cho người đọc biết trong gia đình thống lý, Mị không được ở vị trí bình thường của một con người mà bị đẩy xuống vị trí của đồ vật, con vật bởi tàu ngựa là nơi nuôi gia súc, còn tảng đá gợi sự trơ lì, vô tri, vô giác, âm thầm và câm lặng. Cùng với việc miêu tả không gian gắn liền với nhân vật Mị, nhà văn còn miêu tả một cách khái quát về diện mạo, thần thái của nhân vật này: “Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.”Với câu văn tràn dòng này, dường như mục đích của Tô Hoài không phải để miêu tả diện mạo mà để cho người đọc thấy được thế giới nội tâm đầy đau khổ, sầu não, u uất trong lòng, cũng là thái độ cam chịu, chấp nhận của nhân vật ấy trong mọi tình huống. Tô Hoài đã có dụng ý khi để hình ảnh nhỏ bé, đáng thương ấy xuất hiện ngay bên cạnh bức tranh xa hoa, trụy lạc của nhà thống lý Pá Tra: “nhà Pá Tra làm thống lý, ăn của dân nhiều”, “nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng.” Sự đối lập, tương phản gay gắt này đã phản ánh hiện thực đau đớn, phũ phàng của nông thôn miền núi trước năm 1945. Chính ở nơi giàu có nhất, xa hoa nhất lại là nơi con người bị rẻ rúng, chà đạp nặng nề nhất.

2.2. Cuộc sống làm dâu gạt nợ của Mị

  1. Trước khi về làm dâu nhà thống lý

Trước khi về làm dâu nhà thống lý, Mị là cô gái có đầy đủ điều kiện để được hưởng hạnh phúc: trẻ trung, xinh đẹp, tài năng, hiếu thảo. Vẻ đẹp nhan sắc của cô không mang cái yểu điệu, thướt tha của cô gái miền xuôi mà mang nét khỏe khoắn, đầy sức sống như những bông hoa đồng nội của núi rừng. Cô có tài thổi sáo, thổi đàn môi, Mị “uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”, trai làng vì mê tiếng sáo, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị, “đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”. Có lẽ Mị đã gửi biết bao tâm tình, tình cảm, biết bao khao khát và tiếng sáo ấy rung động, mê đắm lòng người. Mị chăm chỉ, cần cù, yêu lao động, còn là người con gái có tính cách mạnh mẽ, tự chủ. Cũng như nhiều người con gái khác, Mị khao khát yêu và đã có người yêu theo sự lựa chọn của trái tim mình. Trước món nợ của cha mẹ và ý định bắt Mịlàm dâu của nhà thống lý, Mị tha thiết xin được ở nhà: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô trả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.” Mị ý thức được sự trưởng thành và khả năng lao động của chính mình, thể hiện rõ ràng mong muốn đỡ đần cha mẹ - ý thức, trách nhiệm với gia đình. Cô muốn tự quyết định số phận mình mà không chấp nhận biến mình thành thứ hàng hóa gả bán cho nhà giàu. Mị là cô gái giàu lòng tự trọng, không tham giàu sang, phú quý, thậm chí với sự thông minh, sâu sắc của mình, cô còn ý thức được sự khác biệt của mình và “nhà giàu”, cô rất sợ, dứt khoát từ chối vì hiểu rõ bản chất nhà thống lý Pá Tra, nhìn thấy trước những bất hạnh của số phận mình nếu phải làm dâu nhà Pá Tra. Cô thà sống cuộc đời vất vả, khổ cực nhưng được tự do. Mị vốn là cô gái có trái tim vị tha, nhân hậu. Ở nhà với cha mẹ, Mị hiếu thảo, nết na, chăm chỉ. Mị tự nguyện làm lụng trả nợ thay gia đình. Khi bị bắt về nhà thống lí, không chịu nổi kiếp sống đớn đau, khổ cực, Mị muốn tự giải thoát cho mình bằng cái chết nhưng vì thương bố, sợ liên lụy đến bố lại gạt nước mắt, chấp nhận kiếp sống nô lệ còn đáng sợ hơn cái chết. Người ta vẫn thường hay nói: “Hồng nhan bạc phận”. Cô gái Mèo đáng yêu, đáng quý ấy có đầy đủ những điều kiện, cơ hội để được hạnh phúc và trên thực tế, tình yêu của Mị đã chớm nở bằng việc Mị có người yêu là một chàng trai cùng bản. Nhưng cánh cửa hạnh phúc chưa kịp mở ra thì nó đã khóa chặt lại, đẩy Mị vào cuộc sống tăm tối, đau khổ, tủi nhục.

Dưới đây là tài liệu đọc thử, để xem toàn bộ bài viết, mời các bạn tải tệp về máy.

------------------------------------------------------------------

Trên đây là bài viết Phân tích chi tiết nhân vật Mị trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" - Tô Hoài. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Các bạn có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu tại chuyên mục Văn mẫu lớp 12.

Đánh giá bài viết
2 499
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm