Số phận và vẻ đẹp tâm hồn của người lao động qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt”

Số phận và vẻ đẹp tâm hồn của người lao động qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt” vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc để bạn đọc cùng tham khảo. Bài phân tích cho thấy được số phận cũng như những vẻ đẹp tâm hồn của người lao động thông qua hai tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Vợ Nhặt. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây.

Đề bài: “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài và “Vợ nhặt” của Kim Lân là hai truyện ngắn đều viết về số phận và vẻ đẹp tâm hồn của người lao động. Em hãy phân tích hai truyện ngắn trên trong mối quan hệ đối sánh để nêu bật đặc sắc riêng của từng tác phẩm.

Khái quát chung về tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt

1. Đôi nét về tác phẩm Vợ chồng A Phủ

a. Hoàn cảnh ra đời

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc, được tặng giải Nhất - Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955.

b. Bố cục

Phần 1 (từ đầu đến “bị đánh vỡ đầu”): Cuộc sống và diễn biến tâm trạng của Mị khi ở nhà thống lí Pá Tra.

Phần 2 (tiếp đó đến “đánh nhau ở Hồng Ngài”): Hoàn cảnh của A Phủ và cuộc xử kiện ở nhà thống lí Pá Tra.

Phần 3 (còn lại): Mị cởi trói cho A Phủ và hai người chạy trốn khỏi Hồng Ngài.

c. Giá trị nội dung

“Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện về những người dân lao động vùng núi cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tối tăm đã vùng lên phản kháng đi tìm cuộc sống tự do.

Truyện cũng nói lên ước mơ về một cuộc sống tự do, hạnh phúc của người dân.

d. Giá trị nghệ thuật

Nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả tâm lí: nhân vật sinh động, có cá tính đậm nét.

Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sinh động, hấp dẫn.

Ngôn ngữ tinh tế, mang đậm màu sắc miền núi.

2. Khái quát chung về truyện ngắn Vợ nhặt

a. Hoàn cảnh sáng tác

Truyện "Vợ nhặt" có tiền thân từ tiểu thuyết "Xóm ngụ cư". Tác phẩm được viết ngay sau cách mạng tháng Tám nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau hoà bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào phần cốt truyện cũ và viết lại thành truyện "Vợ nhặt". Tác phẩm được in trong tập truyện "Con chó xấu xí". Truyện tái hiện lại bức tranh nạn đói năm 1945. Qua đó, thể hiện tấm lòng cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với con người trong nạn đói.

b. Bố cục

Phần 1 (từ đầu đến “hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”): cảnh Tràng dẫn vợ về nhà.

Phần 2 (tiếp đó đến “cùng đẩy xe bò về”): Lí giải việc Tràng nhặt được vợ.

Phần 3 (tiếp đó đến “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”): Cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Tứ và nàng dâu mới.

Phần 4 (còn lại): Cảnh buổi sáng hôm sau ở nhà Tràng.

c. Giá trị nội dung

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau

c. Giá trị nghệ thuật

Xây dựng tình huống truyện độc đáo, tự nhiên, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố hiện thực và nhân đạo.

Bút pháp phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.

Nghệ thuật đối thoại, độc thoại nội tâm làm nổi rõ tâm lí của từng nhân vật.

Ngôn ngữ kể chuyện phong phú, cách kể chuyện gần gũi, tự nhiên.

Kết cấu truyện đặc sắc.

Dàn ý Số phận và vẻ đẹp tâm hồn của người lao động qua truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt

1. GIỚI THIỆU CHUNG:

- Giới thiệu tác giả Tô Hoài với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Kim Lân với truyện ngắn “Vợ nhặt”.

+ Tô Hoài là cây đại thụ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đạt kỉ lục về số lượng tác phẩm; phong phú, hấp dẫn về nội dung; đặc sắc về nghệ thuật. "Vợ chồng A Phủ" là một truyện ngắn xuất sắc trong đời văn Tô Hoài nói riêng và văn học hiện đại của ta nói chung.

+ Kim Lân - người "một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy nông thôn". Có ý kiến cho rằng nếu chọn ra 10 cây bút tiêu biểu nhất của văn học hiện đại Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám thì không có ông nhưng nếu chọn ra 10 truyện ngắn hay nhất thì Kim Lân có đến 2 tác phẩm là "Làng" và "Vợ nhặt". Trong đó, "Vợ nhặt" là một câu chuyện đầy ám ảnh.

- Hai tác phẩm trên là những sáng tác tiêu biểu của hai nhà văn, đều viết về số phận và vẻ đẹp tâm hồn của người lao động. Bên cạnh những nét tương đồng, ở hai truyện ngắn vẫn có những nét riêng độc đáo.

2. PHÂN TÍCH: (5,0 điểm):

2.1. Số phận của người lao động trong 2 tác phẩm: (2,5 điểm)

a. Truyện "Vợ chồng A Phủ" phản ánh số phận đau khổ, tủi nhục của những người dân lao động dưới ách thống trị của cường quyền và thần quyền ở vùng miền núi Tây Bắc. Chứng minh qua cuộc đời nhân vật Mị và A Phủ:

- Nhân vật Mị:

+ Thân phận con dâu gạt nợ nhưng thực chất, Mị chỉ như kẻ ở cho nhà thống lí Pá Tra.

+ Bị bóc lột tàn tệ: làm việc quần quật, con trâu con ngựa làm còn có lúc nghỉ ngơi nhưng Mị thì không, trong đêm tình mùa xuân khi sức sống trỗi dậy ngay lập tức bị A Sử dập tắt, bắt trói vào cột…

+ Mị từ một cô gái trẻ trung, yêu đời trở thành "con rùa lùi lũi trong xó cửa", tê liệt cả khả năng phán kháng...

- Nhân vật A Phủ:

+ Chịu đau khổ, bất hạnh: mồ côi cha mẹ, bị đem bán đổi thóc, lưu lạc ở Hồng Ngài rồi vì dám đứng lên bảo vệ công bằng, lẽ phải mà bị đánh đập, phạt vạ, trở thành kẻ ở cho nhà thống lí.

+ Kiếp nô lệ bị bóc lột, chà đạp: bị phạt vạ vô lí, làm việc quần quật mấy năm không hết nợ, đánh mất bò nên bị trói đến chết (tính mạng rẻ mạt)…

b. Truyện "Vợ nhặt" phản ánh số phận khốn khổ, rẻ mạt của con người giữa thời đói:

- Cảnh người chết đói tràn ngập khắp xóm ngụ cư: Người chết như ngả rạ, người sống thì "vật vờ như những bóng ma",...

- Số phận con người được tô đậm qua nhiều nhân vật cụ thể:

+ Tràng: xấu, nghèo, dân ngụ cư, ế vợ.

+ Người vợ nhặt: quần áo rách tả tơi, mặt xám ngoét, nghèo đói nên cong cớn, chỏng lỏn, chấp nhận theo không Tràng về làm vợ cốt để có miếng ăn.

+ Bà cụ Tứ: cái nghèo khổ in dấu trong dáng hình "lọng khọng" đầy ám ảnh

2.2. Vẻ đẹp tâm hồn của con người qua 2 tác phẩm:

a. Trong "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài đã tập trung miêu tả sức sống mãnh liệt, khát vọng tự do cháy bỏng và khả năng cách mạng ở những con người nghè khổ:

Nhân vật Mị:

- Là một người con gái xinh đẹp, có tài thổi sáo, tâm hồn trong sáng, yêu đời. Mị rất hiếu thảo: vì thương bố Mị chấp nhận làm con dâu gạt nợ, sống cuộc đời tăm tối, tủi nhục.

- Có sức sống tiềm tàng mãnh liệt [phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân]: Không khí ngày xuân ở Hồng Ngài, tiếng sao gọi bạn tình và nhất là hơi rượu đã làm thức dậy tâm hồn Mị. Từ một kẻ lầm lũi, tê liệt khả năng phản kháng, Mị bỗng sống dậy ý thức về thân phận, thấy đau khổ và nghĩ đến cái chết. Rồi Mị lại muốn làm đẹp, muốn đi chơi, muốn được sống như ngày còn trẻ, còn được tự do...

- Là một cô gái giàu tình thương, có khát vọng sống mãnh liệt và có khả năng cách mạng:

+ Mị cắt dây trói cứu A Phủ chính là tự giải thoát bản thân mình.

+ Vùng chạy theo A Phủ rồi sau hau người đã đến với cách mạng.

Nhân vật A Phủ:

- Là một chàng trai khỏe khoắn, chăm lao động, tính tình cương trực: Ai lấy được A Phủ "như có một con trâu tốt trong nhà", dám chống lại những bất công ngang trái,...

- Là người tình nghĩa và có tình yêu tự do và tinh thần cách mạng:

+ Khi Mị cởi trói, A Phủ khuỵu xuống, không bước được rồi ngay sau đó đã "quật sức vùng lên chạy" thoát khỏi gông cùm, xiềng xích.

+ Khi Mị nói "A Phủ cho tôi đi", A Phủ đã không bỏ lại người đàn bà khốn khổ ấy.

+ Tìm đến cách mạng, trở thành cán bộ giỏi

b. Trong "Vợ nhặt", Kim Lân đã cho thấy:

- Dù hoàn cảnh nghèo đói khốn cùng, con người vẫn yêu thương, đùm bọc nhau:

+ Tràng nhặt vợ về cưu mang.

+ Bà cụ Tứ sẵn sàng chấp nhận người con dâu với tất cả tình thương của một người mẹ đã trải đời.

+ Người vợ nhặt sẵn sàng theo không Tràng mong qua cảnh đói nghèo nhưng khi ăn miếng cháo cám "nghẹn bứ trong cổ họng" vẫn điềm nhiên, tỏ ra vui vẻ nghĩa là đã cảm thông, thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ sự nghèo khó với mẹ con Tràng.

- Khao khát hạnh phúc, niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng:

+ Người dân ngụ cư vui khi Tràng có vợ.

+ Tràng tủm tỉm cười, hôm sau xúc động trước cảnh nhà cửa sân vườn được quét dọn sạch sẽ...

+ Người vợ nhặt trở thành người phụ nữ dịu dàng, nữ tính, chu đáo.

+ Bà cụ Tứ dặn dò, chỉ bảo các con, toàn nghĩ đến chuyện tương lai "ai giàu ba họ, ai khó ba đời"...

+ Hình ảnh đoàn người đói đi trên đê sộp và lá cờ Việt Minh dự báo về một cuộc đổi đời

2.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Trong "Vợ chồng A Phủ":

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tài tình, sâu sắc.

+ Giọng kể trầm lắng.

+ Sáng tạo nhiều chi tiết đặc sắc: căn buồng của Mị, tiếng sáo, giọt nước mắt A Phủ,...

- Trong "Vợ nhặt":

+ Giọng điệu đôn hậu, hóm hỉnh

+ Tình huống truyện vừa éo le vừa độc đáo, bất ngờ.

+ Miêu tả tâm trạng nhân vật tài tình.

2.4. So sánh: (2,0 điểm):

a. Giống nhau:

- Lấy bối cảnh những năm 1945 – 1954

- Phản ánh số phận bi thảm đồng thời cũng khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người lao động

- Tố cáo xã hội thực dân phong kiến chà đạp, đẩy con người vào đau khổ.

- Thể hiện tinh thần nhân đạp sâu sắc: trân trọng vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng chính đáng của con người, có niềm tin vào sự đổi đời của con người.

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật rất tài tình, tinh tế.

b. Khác nhau:

- “Vợ chồng A Phủ” tập trung phản ánh:

+ Số phận: người lao động bị áo bức, bóc lột

+ Vẻ đẹp: sức sống mãnh liệt, khát vọng tự do.

- “Vợ nhặt” tập trung phản ánh:

+ Số phận: rẻ rúng vì đói nghèo.

+ Vẻ đẹp: khát vọng sống, ước mơ hạnh phúc.

3. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

- Nhấn mạnh: hai tác phẩm bên cạnh những nét tương đồng vẫn có những nét riêng biệt, thể hiện phong cách nghệ thuật của tác giả.

- Khẳng định giá trị hiện thực và nhân đạo to lớn của hai tác phẩm cũng như tài năng của hai tác giả.

Số phận và vẻ đẹp của người lao động qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt”

Số phận và vẻ đẹp của người lao động qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt” mẫu 1

Kim Lân và Tô Hoài đều là những cây bút nổi tiếng trong nền văn xuôi hiện đại. Tô Hoài là nhà văn lớn có số lượng tác phẩm kỷ lục trong nền văn học Việt Nam. Ông viết về nhiều chủ đề, với số lượng tác phẩm phong phú, đa dạng, để lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm có giá trị lớn. Viết về chủ đề người nông dân tiêu biểu nhất của Tô Hoài phải kể đến tác phẩm Vợ chồng A Phủ, truyện ngắn xoay quanh cuộc đời nhân vật Mị và A Phủ. Riêng về Kim Lân, ông được mệnh danh là một trong số những bút viết về người nông dân Việt Nam sau cách mạng xuất sắc nhất, mà tiêu biểu nhất là hai tác phẩm Làng và Vợ nhặt, trong đó Vợ nhặt là tác phẩm ấn tượng với số phận và vẻ đẹp của người nông dân thông qua một cốt truyện độc đáo và kỳ lạ hơn cả. Tuy đều viết về người nông dân, nhưng hai tác giả có lối viết, cách xây dựng cốt truyện với điểm nhấn khác nhau, mà cốt chung nhất vẫn là vẻ đẹp và số phận của người nông dân với nhiều điểm tương đồng lẫn những nét rất riêng của hai ngòi bút, làm nên cái hay của hai tác phẩm nổi tiếng.

Trước hết nói về số phận của các nhân vật trong hai câu chuyện. Điểm chung nhất là họ đều là những người nông dân cùng khổ. Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ hai nhân vật tiêu biểu cho số phận cùng khổ ấy là Mị và A Phủ, hai con người không quyền không thế phải chịu vô số bất công trong cuộc đời, dưới sự chèn ép của chế độ độc tài thần quyền và cường quyền phong kiến tại vùng đất Tây Bắc xa xôi. Mị là cô con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Tra, cái nợ mà bố Mị nợ từ thuở xưa này đã đổ hết lên đều Mị, Mị thương cha nên chẳng thể làm khác được. Cuộc sống của Mị tại nhà chồng những tưởng sẽ giàu có, sung sướng lắm, nhưng không chao ôi cái kiếp đàn bà làm dâu, lại còn là con dâu gạt nợ thì có khác chi con ở là mấy. Mị làm việc quần quật suốt ngày đêm, suốt năm tháng, Mị làm không hết việc, đôi lúc khổ quá "Mị thổn thức nghĩ mình còn không bằng con trâu con ngựa", "Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm nó con được đứng gãi chân, nhai cỏ". Cuộc đời của Mị bị tước hết tự do, Mị cứ "lùi lũi như con rùa trong xó cửa", với hình ảnh căn phòng tối tựa nhà tù với ô cửa bé bằng bàn tay. Tết đến Mị muốn đi chơi, Mị nhớ về thời còn chưa làm dâu nhà này, nhưng A Sử không cho Mị đi chơi, thậm chí còn trói Mị ở cột nhà rồi bỏ mặc ở đó. Cuộc đời đau khổ đã thôi thúc Mị nhiều lần tìm đến cái chết bằng nắm lá ngón, nhưng rồi Mị cũng không chết được, có lẽ đó là số phận của Mị, sẽ theo Mị cho đến khi Mị chết già.

Còn A Phủ, cũng có cuộc đời bất hạnh chẳng kém gì Mị, sớm mồ côi cha mẹ, rồi bị người ta đem đi đổi thóc, lớn lên lại lưu lạc suốt ở Hồng Ngài để kiếm miếng cơm manh áo, tuy tuổi trẻ, sung sức nhưng A Phủ không thể lấy được vợ, vì quá nghèo. Thế rồi chỉ vì bênh vực lẽ phải, công bằng mà đánh nhau với đám con quan là A Sử để bị bắt vạ, bị đánh dã man. A Phủ không quyền không thế, dĩ nhiên chẳng thể chống lại cái cường quyền khốn kiếp của nhà thống lý Pá Tra, anh buộc phải trở thành kẻ ở, làm lụng quanh năm suốt tháng, không ngơi nghỉ để bù lại số tiền phạt vạ, làm mãi làm mãi nhưng A Phủ vẫn chẳng thể trả hết nợ nần, trong một lần sơ sẩy mà anh đánh mất một con bò, thế rồi bị trói gô cho đến chết ở trước sân nhà A Sử. Cái chế độ tàn ác ấy, chẳng coi mạng sống của những con người là Mị và A Phủ là gì, chẳng hơn cọng cỏ, cọng rơm, thiết nghĩ nếu A Phủ không đánh vỡ đầu A Sử, liệu Mị có được cởi trói không, hay là bị trói đến chết như một người phụ nữ khác trong chính ngôi nhà độc ác này? Tương tự nếu Mị không liều mình cởi trói cho A Phủ thì sẽ như thế nào? Đó là những câu hỏi khiến người ta phải xót xa, phải cảm thán khôn nguôi.

Tác phẩm Vợ nhặt lại khai thác số phận người nông dân ở một hoàn cảnh khác, đó là vào nạn đói khủng khiếp năm 1945, đói kém khiến con người ta khốn khổ, giá trị con người còn chẳng bằng cọng rơm, cọng rác, rẻ mạt vô cùng. Cái đói hành hạ, hoành hành, ngày nào cũng có người chết, chết nhiều đến mức những người còn sống cũng chẳng còn sức mà chôn, xác chất đầy đường, thậm chí đói quá, người ta đã làm một cái việc man rợ là ăn thịt người chết để được sống,... Và trong Vợ nhặt số phận của các nhân vật được khai thác rõ ràng hơn, phản ánh cái nạn đói ghê gớm khiến hơn 2 triệu đồng bào ta phải chết. Trong truyện có cả thảy 3 nhân vật chính, mỗi người đều có một số phận khác nhau, nhân vật Tràng là người xấu xí, nghèo, dân ngụ cư, sống với 1 người mẹ già, làm nghề đẩy xe kiếm sống qua ngày. Thị là người phụ nữ bơ vơ, nạn đói đã cướp đi của thị tất cả tên tuổi, gia đình người thân, vì miếng ăn mà sưng sỉa, cong cớn, rồi cũng vì miếng ăn mà theo không Tràng về làm vợ, được nhặt như cọng rơm cọng rác ở ngoài đường. Còn bà cụ Tứ là người mẹ hết mực thương con, gia cảnh nghèo khó, ấy thế mà con trai lại lấy vợ, bà quẩn quanh trong lo lắng vì con lấy vợ giữa cảnh nghèo đói. Cái đói cái nghèo nó đã hành hạ thể xác, lại còn hành hạ tinh thần con người đến khốn khổ vô cùng.

Tuy số phận của mỗi nhân vật đều có những đớn đau và bất hạnh nhưng sâu thẳm trong tâm hồn của họ vẫn ánh lên những ánh sáng đẹp đẽ. Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài tập trung hướng tới miêu tả vẻ đẹp tâm hồn của con người thông qua những khát vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt, bất chấp những khổ đau liên tục vùi dập cuộc đời hai nhân vật chính, cùng với đó là vẻ đẹp chân chính trong tâm hồn với ý thức giác ngộ cách mạng, tự tìm đường cứu thoát bản thân khỏi những khốn khổ, bất hạnh đang bủa vây, tưởng chừng không có lối thoát. Mị vốn là một cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo, được nhiều người con trai theo đuổi và Mị cũng có một tình yêu đẹp, thế nhưng vì món nợ truyền kiếp của cha Mị phải cắn răng về làm dâu cho nhà thống lý Pá Tra, cuộc sống khổ cực khiến Mị nhiều lần muốn chết, nhưng vì lòng hiếu thảo Mị vẫn phải cắn răng chịu đựng, bởi Mị chết rồi ai sẽ trả nợ cho cha.

Những tưởng con người Mị, tâm hồn Mị đã chết hẳn với sự nhẫn nhục, chịu đựng khôn cùng suốt quãng thời gian ở nhà thống lý Pá Tra, thế nhưng không, sâu thẳm trong tâm hồn cô vẫn tiềm tàng một sức sống mạnh mẽ. Mùa xuân đến, Mị muốn uống rượu, "Mị lén lấy hũ rượu, uống ừng ực từng bát", Mị mơ màng nghĩ về những hồi ức tốt đẹp, tiếng sáo gọi bạn tình, hơi men đã đánh thức tâm hồn vốn tưởng đã tê liệt, vẫn lầm lũi, không còn thiết tha tới việc phản kháng nữa. Thì nay một lần nữa ý thức về thân phận về những đớn đau, bất hạnh của cuộc đời, Mị lại muốn chết lần nữa, Mị ứa nước mắt. Nhưng rồi chợt Mị thấy phơi phới trong tâm hồn, Mị vẫn còn trẻ lắm, Mị muốn đi chơi, bao người có chồng rồi vẫn đi chơi tết đấy thôi, Mị vào buồng "Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách". Mị dường như đã sống lại, Mị ý thức được vẻ đẹp của mình, Mị bắt đầu có ý thức phản kháng. A Sử không cho Mị đi chơi, hắn trói gô Mị vào cột, Mị bất động, nhưng dường như sợi dây trói ấy chẳng buộc được tâm hồn Mị, cô vẫn đang phiêu lãng với tiếng sáo, vẫn nghĩ về những cuộc chơi, những đám chơi.

Mị tỉnh lại từ men rượu tiếp tục ý thức được sâu sắc thân phận của mình "Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa". Đặc biệt Mị là một con người giàu tình thương, có lòng trắc ẩn, giọt nước mắt của A Phủ chính là giọt nước tràn ly, giọt nước mắt ấy thôi thúc Mị cứu A Phủ, Mị không thể để một con người vô tội chết trong bàn tay độc ác của những con người mất hết nhân tính ấy. Mị không còn sợ hãi, Mị vùng dậy, Mị phản kháng, Mị cắt dây trói cho A Phủ, rồi bỏ chạy theo anh. Mị muốn được sống, Mị khao khát tự do, Mị không thể để cuộc đời chôn vùi trong cái nơi ma quỷ này được, Mị xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn. Mị dũng cảm giải thoát cho A Phủ cũng chính là tự giải thoát cho cuộc đời mình, tinh thần ham sống trong người phụ nữ ấy bùng cháy một cách mãnh liệt, là điều kiện tất yếu hướng Mị giác ngộ và bước vào vòng tay của Cách mạng để giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân.

Về nhân vật A Phủ, anh là người có sức mạnh, khỏe khoắn lại chăm chỉ làm lụng, tính tình chất phác thật thà, dám đứng lên chống lại cường quyền, để bảo vệ công bằng lẽ phải. Cũng như Mị, A Phủ có khao khát tự do, khao khát sống mãnh liệt, điều ấy được chứng minh qua chi tiết "A Phủ bỗng khuỵu xuống, không bước nổi. Những trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên và chạy". A Phủ còn là người có tình nghĩa, có tấm lòng cảm thông, không chạy một mình mà còn mang theo cả Mị, người phụ nữ khốn khổ đã cứu sống mình. Đồng thời ấn tượng vẻ đẹp của nhân vật này còn ở tinh thần giác ngộ cách mạng sâu sắc, hăng hái tham gia chiến đấu trở thành người chiến sĩ cách mạng tài giỏi, cùng với vợ và đồng đội ra sức bảo vệ quê hương, tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời, chiến đấu vì đất nước vì nhân dân.

Trong tác phẩm Vợ nhặt, vẻ đẹp của các nhân vật hiện ra từ sự ấm áp của tình cảm gia đình, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau trước hoàn cảnh nghèo đói, khó khăn. Trước sự thay đổi hoàn cảnh, mỗi một nhân vật đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình để vun đắp cho mái ấm. Tràng vốn là chàng trai có tính tình trẻ con, vô tư, phóng khoáng, việc đại sự trong cuộc đời là lấy vợ cũng chẳng suy nghĩ nhiều, quyết định một cách rất nhanh chóng. Thế nhưng, sâu thẳm trong tâm hồn Tràng là một người có lòng thương cảm sâu sắc, kể từ khi nhận thị làm vợ, Tràng đã thay đổi, biết cách quan tâm người khác. Đãi thị một bữa no nê, lại mua cho thị cái thúng con để thị đỡ mặc cảm về thân phận người vợ theo không, trên đường về Tràng bỗng để tâm đến cảm xúc của thị hơn, điều mà trước đây chẳng có bao giờ.

Sau đêm tân hôn, Tràng thấy nhà cửa thay đổi, thấy thị trở nên dịu dàng, Tràng thấy cảm động, có điều gì đó thôi thúc anh phải sống có trách nhiệm với gia đình hơn, lại nghĩ đến tương lai cùng vợ sinh con đẻ cái, có một gia đình hạnh phúc điền viên. Đặc biệt là ý thức giác ngộ cách mạng đã nhen nhóm trong tâm hồn người trai xóm ngụ cư. Với nhân vật thị, sau khi theo về làm vợ Tràng, thị đã bỏ đi cái vẻ ngoài cong cớn sưng sỉa, hết lòng muốn làm một người vợ hiền thảo, muốn vun đắp một gia đình hạnh phúc, thứ mà trước đây thị đã đánh mất. Còn với bà cụ Tứ, vốn ban đầu còn có nhiều ái ngại về cô con dâu mà con mình dẫn về, nhưng sau đó bà nhanh chóng nhận ra tình hình, bằng tấm lòng thương của một người phụ nữ trải đời bà đã chấp nhận, yêu thương và thông cảm cho thị. Bởi trên tất cả bà là một người mẹ rất mực thương con, tất cả những nỗi lo của bà đều xuất phát từ lẽ ấy. Ngoài ra vẻ đẹp của người lao động trong tác phẩm còn thể hiện niềm tin về một tương lai tươi sáng trong cảnh khốn cùng của nạn đói năm 1945, tựa như một mầm cây non giữa mảnh đất khô cằn lạnh lẽo. Biểu hiện ở niềm vui của người dân xóm ngụ khi thấy Tràng dẫn thị về, là hình ảnh là cờ đỏ của Việt Minh, báo trước một tương lai Cách mạng về, đất nước được giải phóng, nhân dân được tự do.

Điểm chung của hai tác phẩm là đều lấy bối cảnh những năm 1945-1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai của nhân dân dân diễn ra quyết liệt. Phản ánh số phận bi thảm, bất hạnh đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn của con người lao động trong nghịch cảnh. Lên án chế độ phong kiến, sự xâm lược tàn ác của thực dân Pháp đã đẩy nhân dân ta vào hoàn cảnh đau thương, bị chèn ép, bị đối xử bất công. Qua đó cũng nổi bật lên giá trị nhân đạo xuyên suốt tác phẩm đó là sự trân trọng những vẻ đẹp trong tâm hồn của con người, niềm tin vào một tương lai tươi sáng, niềm tin vào cách mạng, đề cao những khát vọng chính đáng về hạnh phúc, về tự do, về công bằng của người dân lao động. Điểm sáng về nghệ thuật của cả hai tác phẩm đó là khả năng miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật một cách xuất sắc, tinh tế và hấp dẫn độc giả, khiến người đọc thấu hiểu kỹ càng số phận và vẻ đẹp của từng nhân vật. Tuy có nhiều điểm chung, nhưng mỗi tác phẩm cũng có những nét riêng độc đáo, làm nên vẻ đẹp khác biệt trong mỗi tác phẩm. Nếu như Vợ chồng A Phủ tập trung vào khát vọng được sống, khát vọng tự do, sức sống mãnh liệt của con người, thì Vợ nhặt lại tập trung vào phản ánh khát vọng hạnh phúc, ước mơ về cuộc sống gia đình hạnh phúc, niềm hy vọng vào cuộc sống no đủ.

Cả Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt đều là những tác phẩm xuất sắc của nền văn học Việt Nam, với những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc, phản ánh số phận và vẻ đẹp của con người Việt Nam đặc biệt là tầng lớp nhân dân lao động trong những năm tháng cũ. Đồng thời cũng thể hiện được tài năng và phong cách văn học của hai cây bút tài năng trong nền văn học hiện đại Việt Nam là Tô Hoài và Kim Lân.

Số phận và vẻ đẹp của người lao động qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt” mẫu 2

Tô Hoài và Kim Lân đều là những nhà văn nổi tiếng, tài giỏi của nền văn học hiện đại Việt Nam.Các ông đã để lại cho người đọc và nền văn học nước nhà một kho tàng đồ sộ các tác phẩm quý giá. Trong đó nổi bật nhất vẫn là "Vợ chồng A Phủ" và "Vợ nhặt". Tác phẩm đã thể hiện thành công số phận và vẻ đẹp của người lao động.

Nhân vật trung tâm trong tác phẩm là Mị, cô gái trẻ trung, xinh đẹp nhưng số phận lại vô cùng bất hạnh. Vẻ đẹp của Mị được minh chứng qua việc “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị” Mị mang nhan sắc rực rỡ của người con gái tuổi mới lớn, độ tuổi đẹp đẽ, căng tràn sức sống nhất. Không chỉ xinh đẹp, mà Mị còn rất tài năng, tài thổi sáo của Mị nức tiếng gần xa, biết bao người mê đắm, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Dù gia cảnh nghèo nàn, vẫn luôn nợ tiền nhà thống lí Pá Tra, nhưng khi biết nhà thống lí muốn bắt mình về làm con dâu để gạt nợ, cô đã lập tức cầu xin cha cho mình được đi làm để trả nợ dần: “Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”, vì cô tự tin vào khả năng, sức khỏe của mình: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô” và hơn hết cô gái trẻ ấy con mang trong mình cái khát vọng được sống cuộc đời tự do: “Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Dù Mị hội tụ đầy đủ những phẩm chất để được hưởng một cuộc sống tự do, hạnh phúc nhưng số phận lại vô cùng bất hạnh, bị các thế lực, thần quyền và cường quyền chà đạp, áp bức.

Vì món nợ truyền kiếp, cuối cùng Mị bị A Sử con trai thống lí Pá Tra bắt về làm con dâu gạt nợ. Cũng chính từ giờ phút đó cuộc sống bi kịch đổ ập xuống đời cô. Ban đầu khi mới về nhà thống lí, trong Mị vẫn mong manh xuất hiện ý thức phản kháng: đêm nào cô cũng khóc, và đến cuối cùng cô đã đi đến quyết định ăn lá ngón tự tử. Người ta chỉ muốn chết khi ý thức được nỗi khổ của mình, khi sự chịu đựng đã đạt đến giới hạn. Nhưng tình yêu thương gia đình đã khiến Mị từ bỏ ý định đó, vì nếu cô chết đi, món nợ vẫn còn, cha cô lại phải gánh chịu. Mị chấp nhận quay trở lại với cuộc sống lầm lũi, bất hạnh.

Khi người ta sống trong đau đớn và khổ cực trong một thời gian quá dài, tự nhiên sẽ mất đi cảm giác về cái khổ, cái bất công. Khi Mị làm dâu đã quen, cô quên đi nỗi đau khổ về thể xác. Thời gian của Mị không tính bằng thời gian đơn thuần mà bằng lượng công việc cô làm, việc này nối tiếp việc kia, dường như không có lúc nào người con gái ấy được nghỉ ngơi. Từ một người con gái trẻ trung, đầy sức sống, Mị biến thành công cụ lao động, mất đi ý niềm về thời gian, về tuổi trẻ. Không chỉ vậy Mị còn phải gánh chịu nỗi đau khổ về tinh thần: “Ai có việc ở xa về, có việc vào nhà thống Lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”, “lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Và chính Mị cũng tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa trong nhà này. Bằng biện pháp so sánh, đã cho thấy nỗi khổ bị đẩy lên đến tận cùng của Mị. Đặc biệt là hình ảnh ẩn dụ về căn buồng mà Mị ở : “kín mít, chỉ có một cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào nhìn ra cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng”. Đây thực chất không phải là nơi để con người sinh sống mà nó như một địa ngục trần gian, dùng để giam hãm cuộc đời Mị. Và nó cũng chẳng khác gì một nấm mồ chôn vùi thanh xuân, tuổi trẻ và hạnh phúc của một người con gái lương thiện, giàu sức sống. Đoạn văn cho thấy hiện thực xã hội thối nát đương thời, đã chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc của con người. Đồng thời cũng là lời nói cảm thương cho những số phận bất hạnh dưới ách thống trị của bọn phong kiến miền núi.

Nhưng ẩn sâu trong tâm hồn tưởng chừng như đã héo úa, không còn niềm tin ấy nữa lại là sức sống tiềm tàng vô cùng mãnh liệt. Sức sống ấy được thể hiện rõ nhất trong đêm tình mùa xuân. Không phải ngẫu nhiên mà sức sống đó được khơi nguồn, trước hết do Mị nhận sự tác động từ không khí mùa xuân ấm áp, đầy tình tứ, những đồi cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy phơi trên mỏm đá xòe rộng ra như những cánh bướm sặc sỡ. Cùng với đó là âm thanh náo nhiệt, rộn rã của đám trẻ con và đặc biệt là sự xuất hiện của tiếng sáo. Tiếng sáo xuất hiện từ xa đến gần, ban đầu là ở bên ngoài, sau đó gần như hòa làm một trong Mị: “Rập rờn trong đầu Mị”. Trong hồn Mị sống lại những khát khao được yêu đương, khát vọng được sống hạnh phúc của ngày xưa, từ cõi vô cảm, quên lãng, Mị trở về cõi nhớ. Đồng thời cũng không thể thiếu đi chất xúc tác của hơi men, Mị uống cả hũ rượu, uống ừng ực từng bát, Mị say rồi ngồi lịm đi, mơ màng nhớ về quá khứ tự do.

Những chất xúc tác đó đã tạo nên hành trình vượt thoát, để Mị tìm lại chính bản thân mình. Trong lòng Mị thấy phơi phới trở lại, cái cảm giác mà tưởng rằng bấy lâu nay đã mất. Mị ý thức được rằng: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Nhưng sự thật phũ phàng, Mị muốn đi chơi nhưng lại không được đi, nên Mị quay về buồng. Trong hơi men của rượu lại một lần nữa sức sống trỗi dậy. Mị lấy ống mỡ, sắn một miếng thắp lên cho sáng, đây không chỉ là hành động thắp sáng vật lí đơn thuần mà nó còn biểu tượng cho khát vọng, niềm tin được giải thoát, thắp sáng chính cuộc đời Mị. Cô quấn lại tóc, lấy cái váy chuẩn bị đi chơi thì bị A Sử chặn đứng lại bằng hành động vô cùng thô bạo. Mị bị trói đứng ở cột, nhưng A Sử chỉ trói được thân xác Mị, chứ không thể trói được khát vọng, sức sống trong Mị. Trong tâm tưởng cô vẫn thả hồn theo tiếng sáo và những cuộc chơi. Sáng hôm sau Mị tỉnh lại và tiếp diễn chuỗi ngày sống mòn, sống mỏi.

Và để cho cuộc vượt thoát của Mị được thành công, Tô Hoài đã tạo ra tình huống gặp gỡ bất ngờ giữa Mị và A Phủ. A Phủ là người ở của thống lí, do làm mất bò nên bị trói đứng. Sau đêm tình mùa xuân Mị rơi vào trạng thái tê liệt, nhưng gặp A Phủ đã thức dậy trong cô khát vọng sống. Giọt nước mắt “mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” đã có tác động mạnh mẽ đế Mị, khiến Mị ý thức được nỗi đau khổ của mình, tự thương thân và thương người. Điều đó đã dẫn đến hành động cởi dây trói và bỏ đi theo A Phủ, hướng đến cuộc đời tự do, hạnh phúc phía trước.

Xây dựng nhân vật Mị, Tô Hoài đã phơi bày một cách chân thực số phận cực khổ của người dân lao động Tây Bắc dưới ách áp bức của giai cấp thống trị miền núi. Đồng thời thể hiện niềm cảm thương với số phận khổ đau của nhân vật Mị. Và phát hiện, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của tâm hồn của Mị với sức sống tiềm tang, mãnh liệt.

Ngoài nhân vật Mị, ta cũng không thể không nhắc đến nhân vật A Phủ. A Phủ là người có số phận bất hạnh, cha mẹ mất, cậu trở thành món hàng trao đổi, mất tự do ngay từ khi còn bé. Khi lớn lên do không có nhà cửa, tiền bạc, ruộng nên không thể lập gia đình. Nhưng dù vậy A Phủ lại mang trong mình những phẩm chất hết sức đẹp đẽ, A Phủ mang trong lối sống phóng khoáng, mạnh mẽ, tự lực kiếm sống, vươn lên hoàn cảnh khắc nghiệt để sống là một con người dũng cảm, tự tin, yêu đời. Nhưng số phận bất hạnh, A Phủ bị biến thành người ở gạt nợ một cách hết sức phi lí. Cậu bị đày đọa về thể xác, bị lợi dụng sức khỏe triệt để, sức khỏe bị rẻ rúng khôn cùng. Nhưng trong con người ấy vẫn luôn tồn tại khao khát tự do, hạnh phúc mãnh liệt. Ngay khi được Mị giải cứu, A Phủ và Mị đã cùng nhau bỏ trốn nơi địa ngục đó để tìm đến một cuộc sống đẹp đẽ, tự do hơn.

Nét nghệ thuật đắc sắc nhất trong tác phẩm là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Mị được xây dựng theo kiểu nhân vật tâm trạng, còn A Phủ là kiểu nhân vật hành động. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, cũng như phong tục tập quán tài tình. Ngôn từ giản dị, linh hoạt, giàu cảm xúc, mang đâm chất dân tộc. Các yếu tố nghệ thuật đó đã góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

Tác phẩm "Vợ nhặtt" có một nhan đề thật lạ nhưng cũng hết sức hấp dẫn, gây sự chú ý cho bạn đọc. Theo Kim Lân, “nhặt” có nghĩa là nhặt nhạnh, lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Vợ nhặt là vợ theo không, không cưới xin, lễ nghi đàng hoàng, tử tế. Thông thường, người ta chỉ nhặt cọng rơm, cọng rác chứ không ai nhặt được vợ. Trong hoàn cảnh này, thân phận con người rẻ rúng hơn bao giờ hết. Kim Lân đã xây dựng một tình huống truyện bất ngờ nhưng cũng đầy nghịch cảnh, bi hài. Giữa nạn đói, giữa lúc thân mình còn chưa biết có lo nổi hay không thì anh cu Tràng lại nhặt được vợ. Chỉ bằng vài câu nói đùa, bốn bát bánh đúc mà một anh chàng xấu trai, nghèo khổ lấy được vợ. Và cũng có thể do hoàn cảnh đói khát đến cùng quẫn mà thị chịu theo không Tràng. Đây quả là một sự éo le khi đèo bòng thêm một người giữa nạn đói. Cô dâu đã xuất hiện cùng Tràng vào buổi chiều “xác xơ”, “heo hút” trước ánh mắt ngạc nhiên của biết bao nhiêu người dân xóm ngụ cư. Thậm chí có người còn lo lắng thay cho anh: “Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không”?

Nổi bật giữa ranh giới của sự sống và cái chết là hình ảnh anh cu Tràng, bà cụ Tứ và người vợ theo không Tràng. Họ đã cưu mang, đùm bọc nhau cùng vượt qua sự khắc nghiệt của hoàn cảnh. Nhân vật anh cu Tràng xuất hiện giữa một không gian u ám, đầy tử khí vì “người chết như ngả rạ”, “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Anh được miêu tả là một người ngộc nghệch nên thường bị đám trẻ con xóm ngụ cư trêu ghẹo. Gia cảnh của Tràng có nhiều sự bất hạnh bởi anh là dân xóm ngụ cư, sống cùng với người mẹ già. Vì cái nghèo đeo đuổi nên dù đã nhiều tuổi nhưng anh chưa lấy được vợ. Oái oăm thay, anh cu Tràng lại có vợ ngay trong nạn đói. Đây là một niềm vui lớn đối với anh khiến mặt anh “có một vẻ gì phớn phở khác thường” và “tủm tỉm cười nụ một mình”, “hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Lấy vợ là việc hệ trọng của đời người, cần có sự chuẩn bị từ trước và hai người đến với nhau bằng tình yêu của hai trái tim đồng điệu. Nhưng anh cu Tràng và người vợ nhặt không có cưới xin đường hoàng, lễ nghi tử tế. Họ gặp nhau rất tình cờ và đến với nhau cũng không phải vì tình yêu đôi lứa. Họ gặp nhau và gắn bó với nhau bởi phận nghèo.

Sự xuất hiện của người vợ nhặt trong cuộc đời anh cu Tràng đã khiến tính nết của anh thay đổi. Từ một con người ngộc nghệch, anh trở thành một người có trách nhiệm, biết chăm lo cho gia đình. Tràng rất ga lăng trong việc sửa soạn cho người vợ nhặt trước khi đưa nàng về làm dâu. Anh đưa thị vào chợ tỉnh rồi “bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về”. Không những thế, anh còn mua hai hào dầu thắp. Tràng đã chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần cho cuộc sống mới khá đầy đủ. Khi những ánh mắt của người dân xóm ngụ cư đổ dồn về phía anh và người vợ nhặt thì anh “lấy vậy làm thích ý lắm”. Anh đã không kìm nén được niềm hạnh phúc khi có vợ nên đã bộc lộ nó qua “cái mặt cứ vênh lên tự đắc”.

Mấy ai có đủ dũng cảm để đón nhận hạnh phúc của mình ngay giữa nạn đói giống anh cu Tràng? Anh đã giới thiệu với bà cụ Tứ một cách đầy đủ về cái duyên, cái số của mình với người vợ nhặt: “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải kiếp với nhau…Chẳng qua nó cũng là cái số cả”. Sự kiện thị theo không Tràng về khiến anh “ngỡ ngàng như không phải”. Nhưng chính sự kiện hệ trọng ấy lại khiến lòng anh tràn ngập một nguồn vui sướng, phấn chấn. Anh cu Tràng thấy mình “nên người” và “có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Hạnh phúc đến với anh hết sức éo le, bất ngờ nhưng cũng vô cùng thiêng liêng. Tràng đã vượt lên trên hiện thực đói khát để đón lấy thứ hạnh phúc bình dị, trần thế. Anh đã trở nên chín chắn, trưởng thành hơn từ trong suy nghĩ đến hành động để có thể chăm sóc tốt cho gia đình của mình.

Việc Tràng có vợ không chỉ gây bất ngờ cho những người dân xóm ngụ cư mà còn gây bất ngờ cho cả bà cụ Tứ - mẹ của anh. Bà rất ngạc nhiên khi có người đàn bà “đứng ngay đầu giường thằng con mình” và “chào mình bằng u”. Đó cũng là tâm lí chung của các bà mẹ khi rơi vào hoàn cảnh như vậy. Sau khi nghe Tràng giới thiệu người vợ nhặt thì “lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán xót thương cho số kiếp đứa con mình” rồi “trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt”. Bà lo lắng không biết “chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”. Bà hiểu và thương cảm cho thân phận của nàng dâu mới, cũng nhờ vậy mà con bà mới có được vợ. Chỉ cần hai vợ chồng hòa thuận, bảo ban nhau làm ăn bà cũng mừng lòng. Bà xót thương cho tình cảnh của người vợ nhặt. Đó là lòng cưu mang, là sự đùm bọc lẫn nhau của những người cùng cảnh ngộ. Bà cụ Tứ thực sự là một người mẹ có tấm lòng bao dung và vị tha cao cả.

Bà có niềm tin vào tương lai và có nghị lực sống mãnh liệt. Điều ấy được thể hiện trong những suy nghĩ, lời nói, hành động của bà. Bà đã an ủi các con rằng: “Rồi ra may mà ông giời cho khá”, “ai giàu ba họ, ai khó ba đời” để động viên các con cố gắng làm ăn, lo cho tương lai. Sáng hôm sau, bà cảm thấy “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác hẳn ngày thường, cái mặt bủng beo ú ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Trong bữa cơm sáng, bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này. Bà nói với anh cu Tràng khi nào có tiền thì mua lấy đôi gà và khen món chè khoán ngon. Thực chất đây là món cháo cám đắng chát, bà khen ngon như để an ủi chính bản thân mình cũng như để an ủi các con và giấu đi

Tô Hoài và Kim Lân đều là những nhà văn nổi tiếng, tài giỏi của nền văn học hiện đại Việt Nam.Các ông đã để lại cho người đọc và nền văn học nước nhà một kho tàng đồ sộ các tác phẩm quý giá. Trong đó nổi bật nhất vẫn là "Vợ chồng A Phủ" và "Vợ nhặt". Tác phẩm đã thể hiện thành công số phận và vẻ đẹp của người lao động.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Số phận và vẻ đẹp tâm hồn của người lao động qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt”. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Giải bài tập Lịch Sử 12, Giải bài tập Địa Lí 12, Học tốt Ngữ văn 12, Tài liệu học tập lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Đánh giá bài viết
1 22.111
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 12

    Xem thêm