Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phương pháp loại trừ

VnDoc xin giới thiệu bài Phương pháp loại trừ được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Khái niệm

Phương pháp loại trừ trong phân tích kinh doanh là đặt đối tượng nghiên cứu vào các trường hợp giả định khác nhau. Từ đó, lần lượt xác định và loại trừ mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự biến động giữa kỳ phân tích so với kỳ gốc của đối tượng nghiên cứu.

2. Mục đích

Như vậy, qua khái niệm đã nêu có thể xác định mục đích của phương pháp loại trừ là để tính mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến kết quả kinh tế trong khi loại trừ ảnh hưởng của các nhân tố khác.

3. Điều kiện của phương pháp

Được sử dụng khi giữa các nhân tố có mối quan hệ tích số, thương số hoặc kết hợp cả tích số, thương số đến chỉ tiêu phân tích.

4. Nội dung của phương pháp loại trừ

Phương pháp loại trừ được sử dụng phân tích dưới 2 dạng: Phương pháp thay thế liên hoàn, phương pháp số chênh lệch.

Qui trình vận dụng phương pháp bao gồm các công việc sau:

Bước 1: Xác định chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu:

Tùy theo từng mục đích và nội dung nghiên cứu của phân tích kinh doanh có thể được thể hiện qua các chỉ tiêu phản ánh khác nhau. Chẳng hạn, khi nghiên cứu kết quả tiêu thụ, các nhà phân tích có thể sử dụng các chỉ tiêu như sau: doanh thu thuần về tiêu thụ, tổng doanh thu tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ…

Bước 2: Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu:

Kết quả và hiệu quả kinh doanh cụ thể chịu ảnh hưởng của rất nhiều nguyên nhân và nhân tố khác nhau. Bởi vậy, chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu cũng chịu ảnh hưởng của các nhân tố tác động tương ứng. Số lượng nhân tố ảnh hưởng có thể mở rộng hay thu hẹp tùy thuộc vào mục đích phân tích và nguồn tài liệu phân tích.

Bước 3: Xây dựng phương trình kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng với chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu:

Giữa các nhân tố ảnh hưởng và chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ này thể hiện thông qua các phương trình kinh tế dưới dạng tích số, thương số hoặc kết hợp giữa tích số với thương số tùy thuộc vào nội dung chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu.

Trong mỗi phương trình kinh tế thể hiện mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu, các nhân tố được sắp xếp theo một trật tự nhất định: từ nhân tố số lượng đến nhân tố chất lượng hoặc từ nhân tố phản ánh đầu vào (yếu tố đầu vào hay chi phí đầu vào) đến nhân tố phản ánh đầu ra (đầu ra phản ánh kết quả sản xuất hay đầu ra phản ánh lợi nhuận). Trong trường hợp một phương trình kinh tế có 2 nhân tố phản ánh số lượng trở lên, cần xác định và phân loại các nhân tố theo từng loại (nhân tố phản ánh điều kiện kinh doanh hay nhân tố phản ánh yếu tố đầu vào, nhân tố phản ánh kết quả hay hiệu quả kinh doanh) rồi sắp xếp theo thứ tự từ nhân tố phản ánh điều kiện kinh doanh hay phản ánh yếu tố đầu vào trước rồi mới đến nhân tố phản ánh kết quả đầu ra. Trường hợp trong phương trình kinh tế có từ 2 nhân tố phản ánh chất lượng trở lên, phải xác định mức độ chất lượng của từng nhân tố (nhân tố có tính chất lượng cao hơn, nhân tố có tính chất lượng thấp hơn) để sắp xếp các nhân tố sao cho tiến dần từ nhân tố có tính chất lượng thấp đến nhân tố có tính chất lượng cao. Về thực chất, việc sắp xếp trật tự các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu trong phương trình kinh tế phải đảm bảo nguyên tắc: với nhân tố số lượng, sắp xếp theo mức độ số lượng giảm dần; còn với nhân tố chất lượng, sắp xếp theo mức độ chất lượng tăng dần.

Bước 4: Xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự biến động giữa kỳ phân tích so với kỳ gốc của chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu:

Để xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự biến động giữa kỳ phân tích so với kỳ gốc của chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu, các nhà phân tích phải lần lượt thay thế trị số từ kỳ gốc sang kỳ phân tích của từng nhân tố. Mỗi lần chỉ thay thế trị số của một nhân tố do vậy, có bao nhiêu nhân tố ảnh hưởng sẽ thay thế bấy nhiêu lần. Những nhân tố nào đã thay thế trị số từ kỳ gốc sang kỳ phân tích (nhân tố đã xác định mức độ ảnh hưởng) sẽ được giữ nguyên trị số đã thay thế (trị số kỳ phân tích) cho đến bước thay thế cuối cùng.

Thay thế một nhân tố nào thì tính kết quả của lần thay thế đó, lấy kết quả này so với kết quả trước nó thì khoản chênh lệch thu được chính là kết quả ảnh hưởng của nhân tố vừa được thay thế.

Bước 5: Tổng hợp kết quả tính toán, rút ra nhận xét, kiến nghị:

Sau khi đã xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố, các nhà phân tích tiến hành tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố tác động tăng, nhân tố tác động giảm và tổng cộng các nhân tố tác động tăng – giảm đến sự biến động giữa kỳ phân tích so với kỳ gốc của chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu. Tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố phải bằng đối tượng cụ thể của phân tích (chính là chênh lệch giữa kỳ phân tích và kỳ gốc).

Trên cơ sở đó sẽ nêu lên nhận xét, đánh giá về mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố; đồng thời chỉ rõ tiềm năng và đề xuất các giải pháp khai thác, cải tiến công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh trong kỳ tới.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Phương pháp loại trừ về khái niệm và mục đích, điều kiện của phương pháp, nội dung của phương pháp loại trừ...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Phương pháp loại trừ. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm