Quản lý nhà nước đối với việc phát hành chứng khoán
Quản lý nhà nước đối với việc phát hành chứng khoán được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức trong chương trình Đại học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Quản lý nhà nước đối với việc phát hành chứng khoán
Về lý thuyết, khi thị trường hoạt động hoàn hảo thì sự can thiệp của chính phủ dù ở bất cứ cấp độ nào cũng có những ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả của thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó, nếu không nói là gần như không thể, có được một thị trường hoàn hảo. Thị trường luôn tồn tại với những khuyết tật của mình. Do vậy, sự tham gia của nhà nước vào công tác quản lý và điều chỉnh thị trường luôn là một việc cần thiết ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Thị trường sơ cấp cũng giống những thị trường khác luôn tồn tại với những khuyết tật. Khuyết tật cơ bản nhất của thị trường sơ cấp và dễ nhận thấy nhất là việc mất cân đối về thông tin giữa các chủ thể tham gia vào thị trường, trong đó người bị bất lợi về thông tin luôn là những cá nhân mua chứng khoán được phát hành.
Sự mất cân đối về thông tin trước hết tạo ra sự bất công cho các nhà đầu tư nhỏ, do không có đầy đủ thông tin nên các nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định sai lệch, không chính xác. Nghiêm trọng hơn là do sự mất cân đối về thông tin giữa người bán và người mua trên thị trường này mà giá mua bán không thể hiện đúng giá trị thực của các chứng khoán và dẫn đến việc nguồn vốn tiết kiệm trong dân không được phân bổ vào các cơ hội đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất. Do vậy, sự quản lý của nhà nước trên thị trường chứng khoán sơ cấp là nhằm đảm bảo sự công bằng cho mọi chủ thể tham gia vào thị trường (đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ) và nhằm đảm bảo các nguồn vốn huy động trên thị trường được sử dụng một cách có hiệu quả nhất cho việc phát triển kinh tế.
Hiện tại trên thế giới, có 2 chế độ quản lý trên thị trường chứng khoán sơ cấp được gọi là chế độ “quản lý theo chất lượng” và chế độ “công bố thông tin đầy đủ”. Thực chất có rất ít nước sử dụng thuần tuý một trong hai chế độ này mà thường là kết hợp giữa 2 chế độ này ở những mức độ khác nhau.
Theo chế độ quản lý theo chất lượng thì các cơ quan quản lý về chứng khoán đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn để đảm bảo các công ty tham gia vào thị trường là các công ty có chất lượng nhất định và có sự ổn định hợp lý. Theo chế độ công bố thông tin đầy đủ thì cơ quan quản lý về chứng khoán ít đưa ra các tiêu chuẩn cho các công ty tham gia vào thị trường mà chỉ chú trọng vào việc đảm bảo các thông tin liên quan tới mọi mặt hoạt động của các công ty nêu trên được công bố rộng rãi ra công chúng.
Tại các nước đã phát triển, các cơ quan quản lý về chứng khoán thường có xu hướng quản lý thị trường theo chế độ công bố thông tin đầy đủ. Còn tại các quốc gia đang phát triển, việc quản lý thị trường chứng khoán thường áp dụng chế độ quản lý theo chất lượng. Điều này rất dễ hiểu bởi tại các quốc gia đã phát triển, thị trường chứng khoán đã hoạt động có tính cạnh tranh cao, các định chế về kinh tế pháp luật gắn liền với thị trường đã phát triển ở mức tương đối đầy đủ và hoàn hảo.
Do vậy, sự tham gia quá sâu của các cơ quan quản lý có thể đem lại những kết quả bất lợi. Còn tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, kiến thức và kinh nghiệm của các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư cá thể, các nhà đầu tư nhỏ) còn chưa đầy đủ, các định chế đi kèm với thị trường như các cơ quan phân tích, định giá, hệ thống thông tin, các định chế về pháp luật, kiểm toán và kế toán phát triển chưa đầy đủ hay đang còn trong giai đoạn rất sơ khai. Do vậy, cho dù các cơ quan quản lý thị trường có muốn quản lý thị trường theo chế độ công bố thông tin đầy đủ cũng không thể thực hiện được do những cản trở về hệ thống thông tin và hệ thống kiểm toán, kế toán.
Hơn thế nữa ngay cả trong các cơ quan quản lý về chứng khoán có thể đảm bảo các thông tin về các công ty như theo chế độ quản lý công bố thông tin đầy đủ trên thị trường thì các nhà đầu tư cũng khó có thể lựa chọn được những cơ hội đầu tư tốt nhất cho mình do kinh nghiệm và kiến thức còn thiếu hụt, và do sự vắng mặt của các cơ quan phân tích, tư vấn và định giá trên thị trường. Vì những lý do nêu trên mà các cơ quan quản lý ở các nước đang phát triển áp dụng chế độ quản lý theo chất lượng để đảm bảo sự ổn định cho thị trường và để tạo niềm tin cho công chúng khi tham gia vào thị trường chứng khoán sơ cấp.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Quản lý nhà nước đối với việc phát hành chứng khoán về sự mất cân đối về thông tin trước hết tạo ra sự bất công cho các nhà đầu tư nhỏ, do không có đầy đủ thông tin nên các nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định sai lệch, không chính xác...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Quản lý nhà nước đối với việc phát hành chứng khoán. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.