Quản lý niêm yết
Quản lý niêm yết được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Thị trường chứng khoán để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Quản lý niêm yết
Việc quản lý các chứng khoán niêm yết là công việc của hệ thống quản lý tại sở giao dịch chứng khoán với mục đích duy trì một thị trường hoạt động công bằng và trật tự. Giống như một tổ chức tự quản, sở giao dịch chứng khoán cần thiết phải đề ra các nghĩa vụ cho các công ty niêm yết và các biện pháp trừng phạt đối với các công ty niêm yết không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình.
1. Quy định báo cáo dành cho việc quản lý các cổ phiếu niêm yết
Công ty niêm yết có nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ (năm, 6 tháng, quý); thông tin tức và thông tin theo yêu cầu của sở giao dịch chứng khoán trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên sở giao dịch chứng khoán, các thiết bị đầu cuối và tại trụ sở của tổ chức niêm yết.
Công ty niêm yết phải nộp báo cáo cho sở giao dịch chứng khoán theo đúng thời hạn, nội dung bản báo cáo nộp cho sở giao dịch chứng khoán phải bao gồm một số hoạt động hay sự kiện nhất định trong việc quản lý và điều hành kinh doanh. Báo cáo phải thoả mãn các yêu cầu quy định của sở giao dịch chứng khoán trong việc thực hiện chức năng tự quản. Chức năng đó, bao gồm việc đảm bảo cung cấp các chứng khoán của công ty để thị trường hoạt động một cách công bằng và hiệu quả.
Công ty niêm yết phải đệ trình cho sở giao dịch chứng khoán bản báo cáo về các vấn đề: (1) Các vấn đề gây tác động nghiêm trọng đến giá cả chứng khoán; (2) Các vấn đề gây tác động gián tiếp đến giá cả chứng khoán; (3) Các vấn đề gây tác động không đáng kể đến giá cả chứng khoán nhưng lại ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc quyết định đầu tư.
Hai nhóm đầu liên quan đến quy định về nghĩa vụ công bố thông tin, còn nhóm thứ ba liên quan đến quy định về nghĩa vụ báo cáo trong quy định về niêm yết. Các vấn đề phải báo cáo lên sở giao dịch chứng khoán có liên quan đến việc quản lý các cổ phiếu niêm yết bao gồm: (a) cuộc họp đại hội đồng cổ đông, gồm ngày họp, ngày đóng sổ chuyển nhượng, các kết quả của hội đồng quản trị; (b) thay đổi về cơ cấu sở hữu cổ phần của các cổ đông chính; (c) thay đổi chủ tịch điều hành, văn phòng chính hoặc tên công ty; (d) thay đổi hợp đồng với cơ quan chuyển nhượng hoặc công ty kiểm toán; (e) sở giao dịch chứng khoán sẽ sắp xếp kế hoạch cần thiết cho việc tăng vốn, như ngày đóng sổ cổ đông, ngày ghi chép dữ liệu và giá phát hành của các cổ phiếu mới.
2. Tiêu chuẩn thuyên chuyển, chứng khoán bị kiểm soát, hủy bỏ niêm yết
a) Tiêu chuẩn thuyên chuyển
Một công ty niêm yết sẽ bị thuyên chuyển từ thị trường niêm yết sang thị trường giao dịch cổ phiếu (đối với mô hình thị trường tổ chức thành 2 khu vực: tiêu chuẩn niêm yết cao và tiêu chuẩn niêm yết thấp (thị trường giao dịch)) hoặc khu vực second board, nếu công ty không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện niêm yết, như:
- Việc chi trả cổ tức thấp hơn tiêu chuẩn quy định.
- Tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần cao hơn mức tiêu chuẩn quy định.
- Phân bổ cổ đông không hợp lý, khi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các cổ đông sáng lập, hoặc cổ đông ngoài công chúng thấp hơn mức quy định.
- Báo cáo thường niên: khi công ty niêm yết không nộp đầy đủ các báo cáo theo hạn định.
- Ý kiến của kiểm toán viên: khi ý kiến của kiểm toán viên đối với các báo cáo tài chính là "phản đối" hoặc "từ chối cho ý kiến".
Giá trị thực: khi giá trị thực (tài sản thuần) của công ty là con số âm.
Đình chỉ hoạt động kinh doanh: khi sở giao dịch chứng khoán nhận ra rằng công ty niêm yết đã bị đình chỉ các hoạt động kinh doanh theo giấy phép chính.
Khi một công ty niêm yết bị thuyên chuyển sang thị trường giao dịch cổ phiếu, hoặc sang khu vực second board (bảng II), các giao dịch cổ phiếu của công ty cần phải ngừng lại trong một thời gian nhất định để thông báo cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, thời gian ngừng giao dịch càng ngắn càng tốt cho việc tạo ra tính thanh khoản cho các cổ phiếu.
b) Chứng khoán bị kiểm soát
Khi các chứng khoán không duy trì được các tiêu chuẩn về duy trì niêm yết, nhưng chưa đến mức độ phải huỷ bỏ niêm yết, thì sẽ được liệt vào nhóm chứng khoán bị kiềm soát. Chứng khoán thuộc diện bị kiểm soát được tách riêng và quản lý chặt chẽ theo các quy định riêng của sở giao dịch chứng khoán về: biên độ dao động giá, giao dịch ký quỹ, tỷ lệ nắm giữ…
Sở giao dịch chứng khoán phải đưa ra lời cảnh báo (chứng khoán thuộc diện bị cảnh báo) trước cho công ty niêm yết là chứng khoán của họ có thể bị trục xuất khỏi thị trường giao dịch, trừ khi các nguyên nhân chứng khoán bị liệt vào dạng chứng khoán bị kiểm soát này được khắc phục trước thời hạn trục xuất.
Trong thời gian đó, sở giao dịch chứng khoán thông báo các vấn đề liên quan đến thời hạn trục xuất và lý do quyết định coi chứng khoán này là chứng khoán thuộc diện bị kiểm soát.
c) Hủy bỏ niêm yết
Tiêu chuẩn hủy bỏ niêm yết thường được áp dụng cho các công ty phát hành là công ty không thể tiếp tục đáp ứng được các quy định về niêm yết. Do đó, tiêu chuẩn hủy bỏ niêm yết chỉ rõ các trường hợp chứng khoán của các đợt phát hành giao dịch trên thị trường niêm yết bị hủy bỏ niêm yết.
3. Niêm yết cổ phiếu của các công ty sáp nhập
Công ty sáp nhập xuất hiện khi một công ty hợp nhất với một công ty khác nhằm củng cố hoạt động kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh. Thông thường việc sáp nhập sẽ cải thiện được tình hình tài chính, tăng lợi nhuận và tiềm lực của công ty. Đặc biệt, do sáp nhập của công ty niêm yết nên công ty có thể gây ảnh hưởng tới lợi ích của các nhà đầu tư nên công ty sáp nhập phải có một giải pháp tốt nhằm đảm bảo sự cân đối về quyền lợi cho các bên liên quan.
Trong trường hợp một công ty niêm yết và một công ty không được niêm yết thực hiện sáp nhập thành một công ty niêm yết khác, các điều kiện sáp nhập phải được quyết định thật chuẩn xác sao cho không gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Trường hợp một công ty niêm yết sáp nhập vào một công ty không được niêm yết rất ít xảy ra. Kiểu sáp nhập này có thể gây ra một số tác hại đến việc bảo hộ các nhà đầu tư do công ty niêm yết phải thực hiện huỷ bỏ niêm yết. Khi một công ty không niêm yết tiếp tục tồn tại sau khi sáp nhập và vẫn sử dụng tên của công ty niêm yết thì việc niêm yết của công ty được gọi là “niêm yết cửa sau” (Back door listing).
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Quản lý niêm yết về quy định báo cáo dành cho việc quản lý các cổ phiếu niêm yết, tiêu chuẩn thuyên chuyển, chứng khoán bị kiểm soát, hủy bỏ niêm yết và niêm yết cổ phiếu của các công ty sáp nhập...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Quản lý niêm yết. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.