Sự chuyển hóa của giá trị thặng dư thành tư bản tích lũy tư bản
Sự chuyển hóa của giá trị thặng dư thành tư bản tích lũy tư bản được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Sự chuyển hóa của giá trị thặng dư thành tư bản tích lũy tư bản
1. Thực chất và động cơ của tích lũy tư bản
Tái sản xuất nói chung được hiểu là quá trình sản xuất được lặp đi lặp lại và tiếp diễn một cách liên tục không ngừng.
Sản xuất hiểu theo nghĩa rộng cũng có nghĩa là tái sản xuất. Căn cứ vào quy mô, có thể chia tái sản xuất thành hai loại: tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng.
Tái sản xuất giản đơn là quá trình tái sản xuất được lặp lại với quy mô như cũ. Loại hình tái sản xuất này thường gắn với nền sản xuất nhỏ và là đặc trưng của nền sản xuất nhỏ.
Tái sản xuất mở rộng là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô lớn hơn trước. Loại hình tái sản xuất này thường gắn với nền sản xuất lớn và là đặc trưng của nền sản xuất lớn.
Tái sản xuất giản đơn không phải là hình thái điển hình của chủ nghĩa tư bản. Bởi vì, giả định nếu có tái sản xuất giản đơn thì cũng có nghĩa là các nhà tư bản sử dụng toàn bộ giá trị thặng dư cho tiêu dùng cá nhân. Song trên thực tế, khát vọng không có giới hạn về giá trị thặng dư đã buộc các nhà tư bản phải không ngừng mở rộng quy mô sản xuất để tăng quy mô giá trị thặng dư.
Vì vậy, nét điển hình của chủ nghĩa tư bản phải là tái sản xuất mở rộng. Tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa là sự lặp lại quá trình sản xuất với quy mô lớn hơn trước, với một lượng tư bản lớn hơn trước. Muốn vậy, phải biến một bộ phận giá trị thặng dư thành tư bản phụ thêm.
Sự chuyển hóa trở lại của giá trị thặng dư thành tư bản được gọi là tích lũy tư bản. Như vậy, thực chất của tích lũy tư bản là sự chuyên hóa một phần giá trị thặng dư thành tư bản, hay là quá trình tư bản hóa giá trị thặng dư.
Nói một cách cụ thể, tích lũy tư bản là tái sản xuất ra tư bản với quy mô ngày càng mở rộng, sở dĩ giá trị thặng dư có thể chuyển hóa thành tư bản được là vì giá trị thặng dư đã mang sẵn những yếu tố vật chất của tư bản mới.
Có thể minh họa tích lũy và tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa bằng ví dụ: năm thứ nhất quy mô sản xuất là 80c + 20v + 20m. Giả định 20m không bị nhà tư bản tiêu dùng tất cả cho cá nhân, mà được phân thành 10m dùng để tích lũy và 10m dành cho tiêu dùng cá nhân của nhà tư bản. Phần 10m dùng để tích lũy được phân thành 8c + 2v, khi đó quy mô sản xuất của năm sau sẽ là 88c + 22v + 22m (nếu m’ vẫn như cũ). Như vậy, vào năm thứ hai, quy mô tư bản bất biến và tư bản khả biến đều tăng lên, giá trị thặng dư cũng tăng lên tương ứng.
Nghiên cứu tích lũy và tái sản xuất mở rộng tư bản chủ nghĩa cho phép rút ra những kết luận vạch rõ hơn bản chất bóc lột của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa:
Thứ nhất, nguồn gốc duy nhất của tư bản tích lũy là giá trị thặng dư và tư bản tích lũy chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong toàn bộ tư bản. c. Mác nói rằng, tư bản ứng trước chỉ là một giọt nước trong dòng sông của tích lũy mà thôi. Trong quá trình tái sản xuất, lãi (m) cứ đập vào vốn, vốn càng lớn thì lãi càng lớn, do đó lao động của công nhân trong quá khứ lại trở thành phương tiện để bóc lột chính người công nhân.
Thứ hai, quá trình tích lũy đã làm cho quyền sở hữu trong nền kinh tế hàng hóa biến thành quyền chiếm đoạt tư bản chủ nghĩa. Trong sản xuất hàng hóa giản đơn, sự trao đổi giữa những người sản xuất hàng hóa theo nguyên tắc ngang giá về cơ bản không dẫn tới người này chiếm đoạt lao động không công của người kia. Trái lại, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa dẫn đến kết quả là nhà tư bản chẳng những chiếm đoạt một phần lao động của công nhân, mà còn là người sở hữu hợp pháp lao động không công đó. Nhưng điều đó không vi phạm quy luật giá trị.
Động cơ thúc đẩy tích lũy và tái sản xuất mở rộng là quy luật kinh tế tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản - quy luật giá trị thặng dư. Để thực hiện mục đích đó, các nhà tư bản không ngừng tích lũy để mở rộng sản xuất, xem đó là phương tiện căn bản để tăng cường bóc lột công nhân làm thuê.
Mặt khác, cạnh tranh buộc các nhà tư bản phải không ngừng làm cho tư bản của mình tăng lên bằng cách tăng nhanh tư bản tích lũy.
Cùng với quá trình tái sản xuất tư bản chủ nghĩa, quy mô tích lũy tư bản cũng không ngừng tăng lên. Việc xem xét những nhân tô' ảnh hưởng đến quy mồ tích lũy tư bản phải được chia làm hai trường hợp:
Một là, trường hợp khối lượng giá trị thặng dư không đổi thì quy mô của tích lũy tư bản phụ thuộc vào tỷ lệ phân chia khối lượng giá trị thặng dư đó thành hai quỹ: quỹ tích lũy và quỹ tiêu dùng của nhà tư bản. Đương nhiên, tỷ lệ quỹ này tăng lên thì tỷ lệ dành cho quỹ kia sẽ giảm đi.
Hai là, nếu tỷ lệ phân chia đó đã được xác định thì quy mô của tích lũy tư bản phụ thuộc vào khối lượng giá trị thặng dư. Trong trường hợp này, khối lượng giá trị thặng dư bị phụ thuộc vào những nhân tố sau đây:
- Trình độ bóc lột sức lao động bằng những biện pháp: tăng cường độ lao động, kéo dài ngày lao động, cắt giảm tiền lương của công nhân. Có nghĩa là thời gian công nhân sáng tạo ra giá trị thì càng được kéo dài ra nhưng chi phí càng được cắt giảm, do vậy khối lượng giá trị thặng dư càng lớn và quy mô của tích lũy tư bản càng lớn.
- Trình độ năng suất lao động xã hội: năng suất lao động xã hội tăng lên sẽ có thêm những yếu tố vật chất để biến giá trị thặng dư thành tư bản mới, nên làm tăng quy mô của tích lũy.
- Sự chênh lệch giữa tư bản được sử dụng và tư bản đã tiêu dùng
Trong quá trình sản xuất, tư liệu lao động (máy móc, thiết bị) tham gia toàn bộ vào quá trình sản xuất, nhưng giá trị của chúng lại chỉ bị khấu hao từng phần. Như vậy là mặc dù đã mất dần giá trị, nhưng trong suốt thời gian hoạt động, máy móc vẫn có tác dụng như khi còn đủ giá trị. Sự hoạt động này của máy móc được xem như là sự phục vụ không công. Máy móc, thiết bị càng hiện đại, thì sự chênh lệch giữa tư bản được sử dụng và tư bản đã tiêu dùng càng lớn, do đó sự phục vụ không công càng lớn, tư bản lợi dụng được những thành tựu của lao động quá khứ càng nhiều, nhờ vậy quy mô của tích lũy tư bản càng lớn.
* Quy mô của tư bản ứng trước
Với trình độ bóc lột không thay đổi thì khối lượng giá trị thặng dư do khối lượng tư bản khả biến quyết định. Do đó quy mô của tư bản ứng trước, nhất là bộ phận tư bản khả biến càng lớn, thì khối lượng giá trị thặng dư bóc lột được càng lớn, tạo điều kiện tăng thêm quy mô của tích lũy tư bản.
2. Tích tụ tư bản và tập trung tư bản
Trong quá trình tái sản xuất tư bản chủ nghĩa, quy mô của tư bản cá biệt tăng lên thông qua quá trình tích tụ và tập trung tư bản.
Tích tụ tư bản là sự tăng thêm quy mô của tư bản cá biệt bằng cách tư bản hóa giá trị thặng dư trong một xí nghiệp nào đó, nó là kết quả trực tiếp của tích lũy tư bản. Tích lũy tư bản xét về mặt làm tăng thêm quy mô của tư bản cá biệt là tích tụ tư bản.
Tích tụ tư bản, một mặt là yêu cầu của tái sản xuất mở rộng, của sự ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; mặt khác sự tăng lên của khối lượng giá trị thặng dư trong quá trình phát triển của sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo khả năng hiện thực cho tích tụ tư bản.
Tập trung tư bản là sự tăng thêm quy mô của tư bản cá biệt bằng cách hợp nhất những tư bản cá biệt có sẵn trong xã hội thành một tư bản cá biệt khác lớn hơn. Cạnh tranh và tín dụng là những đòn bẩy mạnh nhất thúc đẩy tập trung tư bản. Do cạnh tranh mà dẫn tới sự liên kết tự nguyện hay sáp nhập các tư bản cá biệt. Tín dụng tư bản chủ nghĩa là phương tiện để tập trung các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội vào tay các nhà tư bản.
Tích tụ và tập trung tư bản có điểm giống nhau là chúng đều làm tăng quy mô của tư bản cá biệt Nhưng giữa chúng lại có những điểm khác nhau:
Một là, nguồn để tích tụ tư bản là giá trị thặng dư, do đó tích tụ tư bản làm tăng quy mô của tư bản cá biệt, đồng thời làm tăng quy mô của tư bản xã hội. Còn nguồn để tập trung tư bản là những tư bản cá biệt có sẵn trong xã hội, do đó tập trung tư bản chỉ làm tăng quy mô của tư bản cá biệt, mà không làm tăng quy mô của tư bản xã hội.
Hai là, nguồn để tích tụ tư bản là giá trị thặng dư, xét về mặt đó, nó phản ánh trực tiếp mối quan hệ giữa tư bản và lao động: nhà tư bản tăng cường bóc lột lao động làm thuê để tăng quy mô của tích tụ tư bản. Còn nguồn để tập trung tư bản là những tư bản cá biệt có sẵn trong xã hội do cạnh tranh mà dẫn đến sự liên kết hay sát nhập, xét về mặt đó, nó phản ánh trực tiếp quan hệ cạnh tranh trong nội bộ giai cấp các nhà tư bản; đồng thời nó cũng tác động đến mối quan hệ giữa tư bản và lao động.
Tích tụ và tập trung tư bản quan hệ mật thiết với nhau. Tích tụ tư bản làm tăng thêm quy mô và sức mạnh của tư bản cá biệt, do đó cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, dẫn đến tập trung nhanh hơn. Ngược lại, tập trung tư bản tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường bóc lột giá trị thặng dư, nên đẩy nhanh tích tụ tư bản. Ảnh hưởng qua lại nói trên của tích tụ và tập trung tư bản làm cho tích lũy tư bản ngày càng mạnh. Tập trung tư bản có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhờ tập trung tư bản mà xây dựng được những xí nghiệp lớn, sử dụng được kỹ thuật và công nghệ hiện đại.
Như vậy, quá trình tích luỹ tư bản gắn với quá trình tích tụ và tập trung tư bản ngày càng tăng, do đó nền sản xuất tư bản chủ nghĩa trở thành nền sản xuất xã hội hóa cao độ, làm cho mâu thuẫn kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản càng sâu sắc thêm.
3. Cấu tạo hữu cơ của tư bản
Trong quá trình tích lũy tư bản, tư bản chăng những tăng lên về quy mô, mà còn không ngừng biến đổi trong cấu tạo của nó. C. Mác phân biệt cấu tạo kỹ thuật, cấu tạo giá trị và cấu tạo hữu cơ của tư bản.
Về mặt hình thái hiện vật, mỗi tư bản đều bao gồm tư liệu sản xuất và sức lao động để vận dụng những tư liệu sản xuất đó. Tỷ lệ giữa số lượng tư liệu sản xuất và số lượng sức lao động sử dụng những tư liệu sản xuất đó trong quá trình sản xuất gọi là câu tạo kỹ thuật của tư bản. Quan hệ này có tính tất yếu về mặt kỹ thuật, do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định.
Để biểu thị cấu tạo kỹ thuật của tư bản, người ta thường dùng các chỉ tiêu như số năng lượng hoặc số lượng máy móc do một công nhân sử dụng trong sản xuất, ví dụ 100kVV điện/1 công nhân, 10 máy dệt/1 công nhân.
Cấu tạo kỹ thuật của tư bản ngày càng tăng lên cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Điều đó biểu thị ở số lượng tư liệu sản xuất mà một công nhân sử dụng ngày càng tăng lên.
Về mặt giá trị, mỗi tư bản đều chia thành hai phần: tư bản bất biến (c) và tư bản khả biến (v). Tỷ lệ giữa số lượng giá trị của tư bản bất biến và số lượng giá trị của tư bản khả biến cần thiết để tiến hành sản xuất gọi là cấu tạo giá trị của tư bản. Ví dụ, một tư bản mà đại lượng của nó là 12.000$, trong đó giá trị tư liệu sản xuất là 10.000$, còn giá trị sức lao động là 2.000$, thì cấu tạo giá trị của tư bản đó là 10.000$ : 2.000$ = 5:1.
Cấu tạo kỹ thuật và cấu tạo giá trị của tư bản quan hệ chặt chẽ với nhau. Nói chung, những sự thay đổi trong cấu tạo kỹ thuật của tư bản sẽ dẫn đến những sự thay đổi trong cấu tạo giá trị của tư bản. Để biểu hiện mối quan hệ đó, C. Mác dùng phạm trù cấu tạo hữu cơ của tư bản.
Cấu tạo hữu cơ của tư bản là cấu tạo giá trị của tư bản do cấu tạo kỹ thuật của tư bản quyết định và phản ánh những sự biến đổi của cấu tạo kỹ thuật của tư bản.
Trong quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản, cấu tạo kỹ thuật của tư bản ngày càng tăng, kéo theo sự tăng lên của cấu tạo giá trị của tư bản, nên cấu tạo hữu cơ của tư bản cũng ngày càng tăng lên. Sự tăng lên của cấu tạo hữu cơ của tư bản biểu hiện ở chỗ tư bản bất biến tăng tuyệt đối và tương đối, còn tư bản khả biến có thể tăng tuyệt đối, nhưng lại giảm xuống một cách tương đối.
Sư giảm xuống một cách tương đối của tư bản khả biến cũng sẽ làm cho cầu về sức lao động giảm một cách tương đối. Vì vậy, một số công nhân lâm vào tình trạng bị thất nghiệp.
Thực tế thì trong quá trình tích lũy tư bản, cũng có khi quy mô sản xuất được mở rộng thu hút thêm công nhân, nhưng cũng có khi thì giãn thải bớt công nhân. Tuy nhiên, sự thu hút và giãn thải đó không khớp với nhau về thời gian, không gian và về quy mô, do đó, trên phạm vi toàn xã hội luôn luôn tồn tại một bộ phận công nhân bị thất nghiệp.
Như vậy, cấu tạo hữu cơ của tư bản tăng lên trong quá trình tích lũy chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra nạn thất nghiệp trong chủ nghĩa tư bản. Còn nguyên nhân sâu xa của nạn thất nghiệp lại chính là ở quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Sự chuyển hóa của giá trị thặng dư thành tư bản tích lũy tư bản về đặc điểm của thực chất và động cơ của tích lũy tư bản, tích tụ tư bản và tập trung tư bản...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Sự chuyển hóa của giá trị thặng dư thành tư bản tích lũy tư bản. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.