Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Sự kiện nào trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn làm bạn tâm đắc nhất. Vì sao?

Sự kiện nào trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn làm bạn tâm đắc nhất. Vì sao? là câu hỏi có trong phần tự luận của Cuộc thi tìm hiểu Cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Mời các bạn tham khảo câu trả lời nhé.

Câu 1. Sự kiện nào trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn làm bạn tâm đắc nhất. Vì sao?

Trả lời:

1. Những sự kiện nổi bật trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 tại Cù lao Ông Hổ, thuộc làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sinh ra và lớn lên trong truyền thống yêu nước, nhân ái của gia đình, quê hương và dân tộc, từ thuở niên thiếu, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tận mắt chứng kiến những tội ác dã man của thực dân Pháp xâm lược đối với nhân dân ta. Các phong trào yêu nước do Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân… lãnh đạo nhân dân Nam Bộ vùng lên khởi nghĩa, chống áp bức, bóc lột đã khơi dậy lòng yêu nước, thương dân, nỗi đau của người dân mất nước trong tâm tư, tình cảm của đồng chí Tôn Đức Thắng. Đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước chống thực dân Pháp.

Những năm tháng tuổi trẻ bôn ba ở nước ngoài, hoạt động trong phong trào công nhân, công đoàn Pháp, Đồng chí đã tham gia cuộc nổi dậy của Hải quân Pháp ở Biển Đen, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, góp phần bảo vệ nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Trở về nước năm 1920, với lòng yêu nước nhiệt thành, đồng chí Tôn Đức Thắng đã kết hợp kinh nghiệm hoạt động của phong trào công nhân, công đoàn Pháp với phong trào yêu nước, phong trào công nhân Việt Nam, tập hợp anh em công nhân cùng chí hướng thành lập Công hội bí mật – tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Công hội do Đồng chí lãnh đạo đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình, bãi công, lãn công, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8/1925), đánh dấu bước phát triển mới về tinh thần đoàn kết và tính tổ chức của giai cấp công nhân nước ta.

Năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, bắt đầu hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin ở Nam Bộ. Đồng chí Tôn Đức Thắng gia nhập tổ chức này và giữ trọng trách Ủy viên Kỳ bộ Nam Bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn – Chợ Lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đồng chí, phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ.

Năm 1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt và kết án 20 năm tù khổ sai. Gần 17 năm bị giam cầm trong nhà tù thực dân ở Khám Lớn Sài Gòn và Côn Đảo, phải chịu cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, Đồng chí luôn giữ vững khí tiết kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, là một trong những người thành lập Hội những người tù đỏ và sáng lập chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, làm hạt nhân lãnh đạo, tạo sức mạnh chống chế độ lao tù tàn bạo, đấu tranh bảo vệ Đảng, biến lao tù thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản.

Cách mạng Tháng Tám thành công, từ lao tù trở về, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được phân công tham gia Xứ ủy Nam Bộ và sau đó được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao đảm nhiệm các trọng trách: Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội (tháng 3/1946), Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt, tháng 5/1946), Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tháng 11/1946), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 4/1947), Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc (tháng 1/1948), Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội (năm 1948), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1/1948), Chủ tịch Mặt trận Liên Việt (tháng 3/1951), Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tháng 9/1955), Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới (tháng 7/1955), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 9/1955), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 7/1960), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 9/1969)… Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, lòng trung thành, tận tụy, đạo đức cách mạng trong sáng, tích cực góp phần cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp các lực lượng yêu nước, khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Tôn Đức Thắng là “đại thụ” trong rừng cây đại đoàn kết toàn dân tộc, tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Như vậy, chúng ta có thể thấy, Bác Tôn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người”

2. Sự kiện tâm đắc nhất trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn

Với mình, sự kiện trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn khiến mình tâm đắc nhất là việc vừa từ lao tù trở về, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau 17 năm bị giam cầm với đủ trò tra tấn dã man của bọn thực dân, tình yêu nước, kiên trung của Bác Tôn vẫn không thay đổi. Đây là điều hết sức đáng quý mà không phải ai cũng có thể làm được. Để thực hiện được điều này, Bác Tôn phải có lòng yêu nước hết sức cháy bỏng cùng ý chí sắt đá.

Những trò tra tấn hèn hạ có thể khoét da khoét thịt người đồng chí cách mạng nhưng không thể làm lung lay ý chí của họ. Đây cũng là một trong những điều khiến bọn xâm lược phải e sợ Việt Nam, cũng là một trong những yếu tố quan trọng đưa cuộc kháng chiến của nước nhà từ thành công này đến thành công khác.

>> Xem thêm: Bạn cảm nhận như thế nào về những phẩm chất cao quý của Chủ tịch Tôn Đức Thắng? Phẩm chất đó được bạn áp dụng vào cuộc sống hiện nay như thế nào?

>> Tham khảo đầy đủ: Đáp án tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Bài thu hoạch

    Xem thêm