Thanh toán đối với thương mại điện tử tại Việt Nam
Thanh toán đối với thương mại điện tử tại Việt Nam được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Thanh toán đối với thương mại điện tử tại Việt Nam
1. Yêu cầu của thương mại điện tử đối với hệ thống thanh toán
Luật Giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực từ ngày 01/3/2006, cùng với các nghị định hướng dẫn dưới Luật đã tạo hành lang pháp lý cơ bản để thương mại điện tử đi vào cuộc sống. Trong đó, các nghị định hướng dẫn về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng và hoạt động tài chính đã góp phần định hình một hướng phát triển mới cho các lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp
Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam, hệ thống thanh toán điện tử yếu kém luôn được doanh nghiệp đánh giá là trở ngại lớn thứ hai đối với phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam. Các doanh nghiệp tỏ ra khá lúng túng khi muốn triển khai một quy trình ứng dụng thương mại điện tử trọn vẹn trong bối cảnh hệ thống thanh toán điện tử còn yếu. Đồng thời, người tiêu dùng cũng chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về các dịch vụ thanh toán điện tử. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian qua
2. Thực trạng của hoạt động thanh toán
* Lượng tiền mặt lưu thông còn cao
Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước về thực trạng thanh toán năm 2003 tại 750 doanh nghiệp trên cả nước (trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 80%), đối với những doanh nghiệp lớn có trên 500 công nhân, khoảng 63% số giao dịch của doanh nghiệp được tiến hành qua hệ thống ngân hàng; doanh nghiệp có ít hơn 25 công nhân thì tỷ lệ này chỉ còn 47%. Đối với hộ kinh doanh, 86,2% hộ chi trả hàng hoá bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, khoảng vài năm trở lại đây, hoạt động thanh toán trong ngân hàng đã có những dấu hiệu khả quan với sự ra đời của nhiều phương thức thanh toán mới Theo Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt so với tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần. Ở Việt Nam, từ năm 2008 đến nay, các dịch vụ, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã được phát triển mạnh mẽ và đa dạng dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, như: internet banking, mobile banking, ví điện tử… đang dần đi vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ sử dụng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đang có xu hướng giảm dần từ 20,3% năm 2004, xuống 14% năm 2010 và hiện còn khoảng 12%. Có hơn 65% đơn vị thực hiện chi trả lương qua tài khoản cho đến năm 2013. Khi thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Nó sẽ tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch của Chính phủ, các đơn vị kinh doanh và cá nhân, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn.
* Số tài khoản cá nhân ngày càng tăng
Từ năm 2000 đến nay, số tài khoản cá nhân trong toàn hệ thống ngân hàng đã có bước phát triển nhảy vọt. Các NHTM cũng quan tâm hơn đến phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, khách hàng cá nhân, tình hình mở và sử dụng tài khoản cá nhân tăng lên đáng kể, đặc biệt từ khi dịch vụ trả lương qua tài khoản được triển khai, cụ thể: năm 2000 mới chỉ có trên 100.000 tài khoản cá nhân thì đến nay đã đạt trên 39 triệu tài khoản. Một số NHTM bước đầu triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm và một số khoản thu khác như học phí, phí giao thông không dừng. Từ năm 2006, thẻ ngân hàng đã được đông đảo người dân đón nhận và có tốc độ phát triển nhanh chóng. Cụ thể tính đến cuối tháng 9/2012 đã tăng hơn 1.600% về số lượng thẻ phát hành; tăng khoảng 470% về giá trị giao dịch thẻ và tăng khoảng 600% về số lượng giao dịch thẻ so với cuối năm 2006; tỷ lệ sử dụng thẻ ngân hàng so với các phương tiện TTKDTM khác đang có xu hướng tăng lên (đến cuối năm 2011, thanh toán bằng thẻ ngân hàng đã chiếm khoảng 8,57% về số lượng giao dịch TTKDTM). Tính đến cuối tháng 9/2012, lượng thẻ phát hành đạt 60 triệu thẻ, với 47 tổ chức phát hành và khoảng 339 thương hiệu thẻ.
3. Tiền đề của hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam
Thị trường dịch vụ thanh toán đang trở nên cạnh tranh hơn khi đối tượng tham gia cung ứng dịch vụ không chỉ giới hạn ở ngân hàng mà được mở rộng sang các tổ chức khác như Công ty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện, các công ty cung cấp giải pháp thanh toán, v.v... Vì vậy, cạnh tranh không chỉ diễn ra trong ngành ngân hàng mà còn giữa ngân hàng với các tổ chức làm thanh toán khác. Mức độ cạnh tranh ngày một tăng khiến các đơn vị phải nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như giới thiệu thêm nhiều dịch vụ mới, nhờ đó nhu cầu đa dạng của khách hàng sẽ ngày càng được đáp ứng tốt hơn.
Xu hướng liên doanh, liên kết giữa các ngân hàng đã bắt đầu hình thành. Lợi ích của xu hướng này là giúp các ngân hàng thương mại nhỏ vượt qua được những hạn chế về vốn đầu tư cho trang thiết bị công nghệ phục vụ việc hiện đại hoá hệ thống thanh toán, đặc biệt là hình thức thanh toán thẻ. Chính nhờ mối liên kết giữa các ngân hàng riêng lẻ mà tính tiện ích trong thanh toán được cải thiện, tạo đà cho thanh toán điện tử phát triển tại Việt Nam.
Như vậy, hoạt động thanh toán thời gian qua đã có những bước tiến khá rõ nét. Việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch vẫn cao nhưng đã có xu hướng giảm dần. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán buộc phải tự cải tiến dưới sức ép của môi trường cạnh tranh cũng như yêu cầu của khách hàng ngày càng cao cả về chất và lượng. Thanh toán điện tử được coi là chìa khoá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại công nghệ và hội nhập như hiện nay.
* Sự phát triển của thị trường thanh toán thẻ
Thanh toán thẻ được coi là giải pháp bước đầu cho hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam. Ứng dụng công nghệ và đầu tư trang thiết bị hạ tầng cơ sở phục vụ cho thanh toán ngân hàng phát triển mạnh kể từ năm 2002. Trong đó, công nghệ cho thanh toán thẻ là hoạt động được ưu tiên triển khai. Số liệu thống kê cho thấy, số thẻ đã có sự tăng trưởng khá nhanh. Nếu như năm 2007, toàn thị trường mới có khoảng gần 9,34 triệu thẻ thì đến hết năm 2012, con số đó đã lên tới hơn 54,9 triệu thẻ tăng gần 5,6 lần. Số thương hiệu thẻ cũng tăng từ 95 thương hiệu lên khoảng 350 thương hiệu thẻ các loại. Trong tổng số 54,9 triệu thẻ (tính đến cuối năm 2012) hơn 90% là thẻ ghi nợ nội địa (49,4 triệu thẻ), 1,88 triệu thẻ ghi nợ quốc tế chiếm 3,6%, 1,52 triệu thẻ tín dụng quốc tế chiếm 28%…
Song song với hoạt động phát hành thẻ, hoạt động phát triển mạng lưới chấp nhận và thanh toán thẻ cũng có sự phát triển khá ấn tượng. Hệ thống ATM và Đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ - POS đã có sự tăng trưởng đáng kể, nhất là giai đoạn 2007 - 2012. Nếu năm 2007, cả thị trường mới có hơn 11.000 POS thì đến 2012 đã lên tới hơn 104.427 POS, tăng gần 11 lần. Bên cạnh đó là 14.442 thiết bị ATM phục vụ hoạt động rút tiền thanh toán của chủ thẻ.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Thanh toán đối với thương mại điện tử tại Việt Nam về tiền đề của hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam, thực trạng của hoạt động thanh toán, yêu cầu của thương mại điện tử đối với hệ thống thanh toán...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Thanh toán đối với thương mại điện tử tại Việt Nam. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.