Công cha như núi ngất trời Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Câu thơ lục bát trên đã sử dụng hai hình ảnh so sánh rất gần gũi và sinh động. Những tình cảm trừu tượng như công cha và nghĩa mẹ, nay được ví von với núi cao và biển Đông - hình ảnh cụ thể, trực diện. Nhờ thế, người nghe có thể dễ dàng cảm nhận và thấu hiểu được sự vĩ đại, vô tận đến khó mà tưởng được của công cha nghĩa mẹ. Càng hiểu được sự hi sinh lớn lao của bậc sinh thành, những người làm con lại càng phải thêm yêu thương, kính trọng và hiếu thảo với cha mẹ của mình. Bởi có như thế mới xứng đang với công lao trời bể của phụ mẫu. Đó là bài học quý giá mà cho ông ta gửi gắm trong câu ca dao trên.
Nói về công lao sinh thành dưỡng dục lớn lao của cha mẹ, dân gian ta vẫn thường ca ngợi:
Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Hình ảnh núi Thái Sơn cao lớn, hùng vĩ được dùng để so sánh với công cha vĩ đại. Còn biểu tượng suối nguồn luôn đong đầy bất tận được dùng để ví với tình mẹ thiết tha. Công cha, nghĩa mẹ vốn là những thứ không có hình dáng cụ thể, nay được tác giả dân gian so sánh với các sự vật cụ thể. Nhờ thế, giúp người đọc dễ dàng liên tưởng và cảm nhận được sự to lớn, vĩ đại và vô tận của tình cảm cha mẹ dành cho con cái. Qua đó, nhắn nhủ đến những người con cần phải quý trọng và biết ơn cha mẹ của mình. Chớ phụ những công lao lớn như trời bể ấy. Đó là bài học quý giá mà cha ông ta gửi gắm đến con cháu qua câu ca dao Công cha như núi Thái Sơn.