Trịnh Thị Ngọc Yến Văn học Lớp 9

Phân tích nhân vật Vũ Nương trong truyện người con gái Nam Xương

.

cho mình xin các ý chính để phân tích nhân vật Vũ Nương đi ạ

3
3 Câu trả lời
  • Thiên Bình
    Thiên Bình

    Dàn ý Phân tích nhân vật Vũ Nương

    1. Mở bài phân tích nhân vật Vũ Nương

    Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, “Chuyện người con gái Nam Xương” và vẻ đẹp, số phận bi kịch của Vũ Nương.

    2. Thân bài phân tích nhân vật Vũ Nương

    a. Vẻ đẹp của Vũ Nương

    Vũ Nương là cô gái xinh đẹp: tư dung tốt đẹp.

    Là cô gái có đức tính tốt đẹp: thùy mị, nết na.

    → Khiến chàng Trương đem lòng yêu mến và cưới về làm vợ.

    Ngày chồng tòng quân: nàng đau lòng, dặn dò và mong chồng bình an trở về.

    Khi chồng ra trận: ở nhà một lòng một dạ chăm sóc con trai và chăm sóc mẹ chồng những ngày cuối đời.

    → Là người vợ hiền lành, đảm đang, đầy đủ “công - dung - ngôn - hạnh” đáng ngưỡng mộ.

    → Là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ với những phẩm hạnh tốt đẹp.

    b. Số phận bi kịch của Vũ Nương

    Nguyên nhân: khi chồng bế con ra thăm mộ mẹ, đứa nhỏ đã tiết lộ bố nó đêm nào cũng đến thăm nó → Trương Sinh đem lòng nghi ngờ, ghen tuông.

    Khi Trương Sinh về nhà đã chửi mắng nàng và đuổi nàng đi mặc cho nàng van xin và thanh minh.

    → Người phụ nữ không được tự quyết định số phận của mình mà phải phụ thuộc vào người đàn ông tỏng gia đình. Tuy mình bị oan nhưng không được thanh minh.

    Để chứng minh tấm lòng chung thủy của mình Vũ Nương đã nhảy sông tự tử.

    → Đau khổ, xót thương trước số phận bất hạnh của nàng sau những điều tốt đẹp nàn dã làm cho nhà chồng.

    Sau này, khi Trương Sinh hiểu ra oan khuất của nàng đã vô cùng đau xót nhưng nàng không thể trở về nhân gian được nữa mà mãi ở lại nơi thủy cung.

    → Đây được coi là cái kết vừa có hậu vừa đoản hậu của Vũ Nương: có hậu vì cuối cùng nàng cũng được minh oan và khiến cho người làm nàng đau khổ là Trương Sinh nhận ra lỗi lầm, ân hận về lỗi lầm đó; đoản hậu vì nàng không được quay lại nhân gian để sống tiếp kiếp người, để nhận lại phúc đức sau những nghĩa cử cao đẹp nàng đã làm.

    3. Kết bài phân tích nhân vật Vũ Nương

    Khẳng định lại vẻ đẹp, số phận của Vũ Nương và giá trị của tác phẩm.

    Tham khảo thêm: Phân tích nhân vật Vũ Nương

    0 Trả lời 05/10/21
    • Người Sắt
      Người Sắt

      Những cuộc chiến tranh vô nghĩa giữa các phe phái phong kiến ở thế kỉ 16 đã đẩy bao số phận, bao con người, bao gia đình vào hoàn cảnh éo le, đau thương, tan nát. Thấu hiểu tận lòng nỗi khổ ấy, Nguyễn Dữ đã viết về họ, đặc biệt là người phụ nữ với tấm lòng yêu thương và sự cảm thông sâu sắc. Đọc Chuyện người con gái Nam Xương trích trong Truyền kì mạn lục ta bắt gặp những gửi gắm đầy nhân văn của tác giả và hình ảnh thân phận bị chà đạp của người phụ nữ thời phong kiến.

      Như chúng ta đã biết Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ đã làm xúc động bao thế hệ bạn đọc bởi những phẩm chất cao quý nhưng cuộc đời lại đầy oan trái của người con gái. Vũ Nương chính là nhân vật trung tâm của câu chuyện, nàng nổi bật với những nét phẩm chất tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam đảm đang, tháo vát, chung thuỷ và khát khao hạnh phúc gia đình. Những cái xã hội nam quyền khắt khe đã đẩy cuộc đời nàng đến cảnh trái ngang, oan uất đầy bất hạnh.

      Mặc dù sống trong xã hội phong kiến nhưng Vũ Nương luôn biết hi sinh cái của riêng mình để đạt được cái lớn lao hơn đó chính là một gia đình êm ấm, hoà thuận. Sau khi tiễn chồng đi bằng những lời mặn nồng, tha thiết, Vũ Nương ở nhà sinh con và nuôi con một mình. Nàng cũng hết mình chăm sóc và phụng dưỡng mẹ chồng, thuốc thang lễ bái và chôn cất mẹ chồng chu đáo khi mẹ chồng qua đời như đứa con đẻ không so bì, phân tính thiệt hơn.

      Trong mối quan hệ gia đình Vũ Nương luôn giữ gìn khuôn phép, ăn nói có chừng mực, cho dù năm tháng xa cách, nàng vẫn luôn giữ mình, giá sạch tiết trong. Bởi thế, khi bị Chương Sinh nghi ngờ Vũ Nương phụ bạc mình, Vũ Nương chỉ biết một mực kêu oan, cuối cùng nàng đã đến bến Hoàng Giang tự vẫn. Nhưng trước đó, Chương Sinh đâu biết “người đàn ông” mà cậu bé Đản nói thật ra chính là cái bóng của chính Vũ Nương. Nguyễn Dữ đã thật tài tình khi xây dựng tình huống đầy éo le, kịch tính, tạo sự hồi hộp cho độc giả. Liệu Vũ Nương có được cứu thoát khỏi cuộc sống đau khổ như hiện tại hay không? Liệu nàng có giải oan được cho mình hay không?

      Chúng ta biết khi Vũ Nương tự vẫn thì đã được Linh Phi cứu và hứa sẽ giúp cho nàng giải oan. Để giúp cho Vũ Nương giải oan, tác giả Nguyễn Dữ đã xây dựng nên một thế giới huyền ảo, một cây cầu nối hai bờ hư thực để nhân vật Phan Lang gặp lại và trò chuyện với Vũ Nương nơi chốn thuỷ cung. Vì còn lòng yêu thương Chương Sinh nên nàng đã nhờ Phan Lang nói cho Chương Sinh biết nếu muốn gặp lại nàng thì hãy lập đàn giải oan bên sông và kêu Phan Lang đưa kỉ vật của nàng cho Chương Sinh. Khi trở về nhân gian, Phan Lang đã làm đúng theo những gì Vũ Nương đã nói. Chương Sinh vốn đa nghi nên đã không tin nhưng khi thấy kỉ vật là cây châm của Vũ Nương thì Chương Sinh đã làm theo lời Phan Lang nói. Chương Sinh lập đàn giải oan bên bờ sông thì ngay lập tức Vũ Nương hiện lên trên bờ sông ngồi trên chiếc kiệu hoa và theo sau có hơn 50 chiếc xe cơ tán, võng lọng và rực rỡ lúc ẩn lúc hiện. Vũ Nương chỉ nói một câu duy nhất: “Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng thiếp chẳng thể trở về trần gian được nữa”. Biết bao ý tình nhà văn Nguyễn Dữ đã gửi gắm và sự trở về chốc lát của Vũ Nương. Đó là sự trở về để khẳng định sự chung thuỷ, tình yêu thương, là món quà dành cho người biết hối lỗi như Chương Sinh. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, chốc lát vì con người đã ra đi mãi mãi không thể trở về, cũng như hạnh phúc một khi đã để tuột mất thật khó có thể lấy lại. Chương Sinh vì ghen tuông mù quáng nên đã đánh mất người vợ của mình.

      Từ những phân tích trên, chúng ta thấy cuộc đời của Vũ Nương chẳng khác nào cánh bèo trôi nổi giữa dòng đời. Nàng đã bị đẩy vào tình huống dù giải thích thế nào chàng cũng không tin, nàng chỉ còn biết than khóc với trời xanh, sông rộng: “kẻ bạc này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài hãy chứng giám”.

      Nói tóm lại, sự ra đi của Vũ Nương đáng thương biết bao để lại trong lòng người đọc bao niềm cảm thương, ngậm ngùi. Nhưng có lẽ đây là cách tốt nhất của tác giả để giải thoát cho số phận đau thương để cho Vũ Nương sống dưới thuỷ cung mới có thể tìm được hạnh phúc chính đáng và chốn nương thân che chở cho mình. Ngòi bút của Nguyễn Dữ đã mạnh dạn nêu ra và phê phán xã hội và nêu lên những nét đẹp từ phẩm chất cho người đương thời và mãi mãi về sau khâm phục, nâng niu và trân trọng.

      0 Trả lời 05/10/21
      • Song Ngư
        Song Ngư

        Nguyễn Dữ là cây bút văn xuôi xuất sắc sống ở thời kì chế độ phong kiến bắt đầu bước vào giai đoạn suy vong, các cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến kéo dài liên miên gây đau khổ cho nhân dân. Vốn không đồng tình với chế độ phong kiến bất công, thối nát, ông đã thể hiện kín đáo tình cảm ấy của mình qua tác phẩm Truyền kì mạn lục gồm hai mươi truyện ngắn, trong đó tiêu biểu là Chuyện người con gái Nam Xương và nhân vật Vũ Nương.

        Theo lời kể của tác giả ngay từ đầu tác phẩm thì Vũ Nương là một người con gái thuỳ mị, nết na lại có tư dung tốt đẹp. Và những phẩm hạnh ấy đã được bộc lộ trong những hoàn cảnh khác nhau. Trong cuộc sống gia đình, Vũ Nương là người vợ hiền thục. Nàng lấy chồng là Trương Sinh, vốn là một người ít học, lại có tính đa nghi, phòng ngừa quá mức. Vì thế, nàng đã biết lựa tính chồng, giữ cho khỏi bất hòa, gia đình luôn được trong ấm, ngoài êm. Thế rồi đất nước xảy ra nạn binh đao, Trương Sinh phải đi lính, nàng lại càng bộc lộ rõ hơn phẩm chất tốt đẹp của mình. Lời nói, lời dặn dò trong cảnh tiễn chồng của nàng đã khiến mọi người cảm động: chỉ xin ngày về mang theo hai chữ bình yên.

        Khi xa chồng, Vũ Nương luôn làm tròn bổn phận của người vợ hiền, dâu thảo. Nàng sinh con, quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc mẹ già đau ốm. Đặc biệt khi người mẹ mất, nàng dã lo ma chay chu đáo như với cha mẹ của mình. Qua lời trăng trối của bà mẹ trước lúc lâm nguy khẳng định công lao, nhân cách của Vũ Nương đối với gia đình: “Trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con không phụ mẹ”.

        Thực tế oan nghiệt đã đẩy nàng vào cảnh ngộ bất hạnh, éo le, oan khuất. Nàng vốn dĩ là một người phụ nữ rất mực thuỷ chung, vậy mà bây giờ đây lại bị nghi oan thất tiết. Chỉ vì lời nói vô tình ngây thơ của con trẻ mà Vũ Nương bị chồng ruồng rẫy, hắt hủi, đánh đập đuổi đi, bị gán cho tội nhục nhã nhất đối với đức hạnh của người phụ nữ. Những lời bênh vực của bà con hàng xóm cùng những lời phân trần giãi bày hết sức thê thảm không cứu được nàng thoát khỏi nỗi nhục nhã, Vũ Nương đã quyết liệt tìm đến cái chết để bảo toàn danh dự của mình. Nàng đã gieo mình xuống sông, kết thúc cuộc đời người phụ nữ bất hạnh.

        Qua việc xây dựng bi kịch của Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã bày tỏ thái độ xót xa thương cảm cùng niềm trân trọng đối với người phụ nữ, phản ánh bi kịch chung về số phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Truyện đã in sâu đậm vào trái tim người đọc, khiến ta mãi day dứt, xót xa, trào dâng niềm thương cảm nghẹn ngào.

        0 Trả lời 05/10/21

        Văn học

        Xem thêm