Anh chị hãy bình giảng bài thơ Mưa xuân- Nguyễn Bính

Văn mẫu: Anh chị hãy bình giảng bài thơ Mưa xuân - Nguyễn Bính được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 12 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 12 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Bình giảng bài thơ Mưa xuân- Nguyễn Bính

“Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng- khôn hay dại- chúng ta ngày một cố lìa xa nề nếp cũ để hòng đi tới chỗ mà ta gọi là văn minh….. Nguyễn bính thì không thế. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường.” (theo Thi nhân Việt Nam). Nói thế để thấy chất thơ của Nguyễn Bính, giản dị trong từng câu chữ nhưng chính cái giản dị ấy đã tạo nên sự sâu sắc trong câu chuyện mà vần thơ của Nguyễn Bính truyền tài, đặc biệt thể hiện rõ trong bài thơ Mưa xuân của ông

Mưa xuân được xem như một sáng tác đầu tiên trong quá trình sáng tác của ông. Bài thơ là tâm tư, là nỗi lòng thầm lặng của cô gái quê khi phải lòng một chàng trai quê. Một câu chuyện tình nơi thôn quê, chân thành và sâu sắc.Ngay từ đầu,tác giả đã khắc họa hình ảnh người con gái ấy:

“Em là cô gái trong khung cửi

Dệt lụa quanh năm với mẹ già

Lòng trẻ con như cây lụa trắng

Mẹ già chưa bán chợ làng xa.”

Người con gái ấy sống bên mẹ mình bằng nghề dệt vải, hình ảnh một người con gái dịu dàng tóc rủ bên thềm ngồi miệt mài trước khung cửi, cô gái ấy như “cây lụa trắng” tức là vẫn rất thơ mộng,chớm tuổi xuân đến. “Chưa bán chợ làng xa” tức là cô vẫn chưa được gả đi. Ngay câu đầu vẻ đẹp của người con gái đã được hiện lên một cách tự nhiên với câu thơ của tác giả.

Rồi người con gái ấy, thì ra cũng đang mang trong mình một mối tình thầm kín với chàng trai làng bên. Mùa xuân đến, hội hè bắt đầu, cũng là cơ hội tốt để hai người được gặp nhau…

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ

Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình

Em ngừng thoi lại giữa tay xinh

Hình như hai má em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh”.

Mưa xuân bay đầy trời, hoa xoan lớp lớp rụng đầy trên ngõ, xuân về. Hội chèo làng Đặng qua ngõ, mẹ nói “Thôn Đoài hát tối nay.” Thôn Đoài có hội, thôn Đoài chính là nơi có chàng trai mà cô vẫn thương nhớ. Thế nên nghe tin ấy, lòng cô gái thấy xao xuyến, một mối tình đang giăng tơ trong lòng. Cô dừng đưa thoi, nghĩ ngợi thẹn thùng “hai má ửng đỏ”… cô đang nghĩ tới người mình yêu.

Chắc hẳn là cô sẽ đi xem hội, để mong gặp được chàng trai. Hai khổ thơ tiếp theo là tâm trạng ngổn ngang suy nghĩ của cô gái khi chuẩn bị đi.

“Bốn bên hàng xóm đã lên đèn

Em ngửa bàn tay trước mái hiên

Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh

Thế nào anh ấy chẳng sang xem!

Em xin phép mẹ vội vàng đi

Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe

Mưa bụi nên em không ướt áo

Thôn Đoài cách có một thôi đê.”

Khi nhà nhà lên đèn, màn đêm đến, đêm xuân chắc hẳn lạnh lắm “Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh”, cái lạnh ấy không là gì bởi lòng cô đang bừng lên ngọn lửa ấm áp của tình yêu, của sự chờ mong, khát khao yêu thương. Cô thầm nghĩ rằng chắc hẳn anh cũng sang xem. Vội vàng đi, mưa bụi không làm áo cô ướt. Quãng đường một thôi để sao thấy ngắn thế, vì thôn Đoài bên kia là tình yêu của cô. Đường ngắn cũng là vì đến với tình yêu thôi.

Hội hè nhộn nhịp. liệu cô có thấy chàng trai, liệu mong mỏi của cô có được đáp lại?

“Thôn Đoài vào hội hát thâu đêm

Em mải tìm anh chả thiết xem

Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh

Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

Chờ mãi anh sang anh chả sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng.”

Cô gái đến hội cũng chỉ là để tìm chàng trai, cô mải miết tìm không thiết xem gì cả. Rồi không thấy bóng chàng, một mình cô lại thoáng nhớ giường cửi, thôi ngà của mình. Nhớ những gì thân thuộc nhất, có lẽ đó cũng là cảm xúc bình thường của người con gái mỗi khi thấy bơ vơ, họ thường hay nghĩ về những gì thân thuộc nhất. Rồi thì, chàng trai ấy cũng không sang, sự chờ đợi của cô là vô ích. Ở câu thơ sau cô thoáng trách móc “Thế mà hôm nọ hát bên làng. Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn”. Hai người gặp nhau vào hội bên làng cô gái, họ chắc đã có một lời hứa sẽ gặp lại nhau. Chàng trai đã chắc chắn “năm tao bảy tuyết” hẹn thề nhưng nay hẳn đã quên rồi, chỉ còn lại cô gái với lời hò hẹn. Lời hò hẹn kia với chàng trai chắc hẳn chỉ là một lời hứa nơi hội hè nhưng cô gái lại rất xem trọng, vậy nên cô mới than lên “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng”, mùa xuân hay chính là tuổi trả của cô gái, tình yêu sự trông mong của cô hay không vì lời hò hẹn của chàng trai thì giờ cô đã là người con gái của một người khác chứ không nhỡ nhàng thế này.

Sự chờ mong không được đáp lại, tình yêu khi đi giờ đã tàn vì thế mà cảnh vật và tâm trạng ở những khổ thơ còn lại mang nặng tâm trạng buồn, cảnh vật cũng nhuốm màu u ám, như đối lập hẳn với đoạn đầu.

“Mình em lầm lũi trên đường về

Có ngắn gì đâu một dải đê!

Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt

Lạnh lùng them tủi với canh khuya.

Em giận hờn anh cho đến sáng

Hôm sau mẹ hỏi em hát trò gì

“Thưa u họ hát…”Rồi em thấy

Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi.

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

Hoa xoan đã nát dưới chân giày

Hồi chèo làng Đặng về ngang ngõ

Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày.”

Cô gái không gặp được chàng trai. Bước chân lầm lũi quay về. Lầm lũi, cái dáng gợi nên sao đàng thương đến thế, đáng thương và cô độc. Một thời để giờ đây “có ngắn gì đâu”, bước chân nặng trĩu như kéo dài cả đoạn đường. Mưa nặng hạt áo mỏng che sao hết, lạnh lẽo vây quanh khiến cô càng thêm đau buồn và tủi thân. Cô giận hờn chàng trai suốt cả quãng đường về, đến tận sáng hơn sau. Mẹ hỏi hát trò gì, khiến cảm xúc cô như vỡ òa. Hình ảnh người con gái quay mặt đi với hàng nước mắt mặn chát sao mà xót xa thế. Người đã hứa rồi sao còn nỡ quên. Đã biết hay quên sao còn nỡ hứa! Cảnh vật thay đổi, không còn là mưa bay, là hoa xoan lớp lớp vui đầy nữa mà là cảnh vật khi mưa đã ngừng, hoa xoan rụng tàn dưới bước chân người qua lại. Phải chăng rằng đây cũng chính là tình yêu của cô gái, giờ đây đã vụn nát rồi. Hội chèo lại một lần nữa đi qua ngõ, báo hiệu kết thúc ngày hội. Dễ dàng nhận ra khổ này và khổ thứ hai của bài có sự tương ứng với nhau, mở đầu và kết thúc.

Ngày xuân, hội hè đã kết thúc rồi, chàng trai vẫn bặt vô âm tín khiến cô không thể bình yên. Cô thốt ra câu hỏi, chất vấn chàng trai, câu hỏi mà chính cô cũng không đoán được câu trả lời. “Bao giờ em mới gặp anh đây?” Bao giờ hay mãi mãi là không bao giờ. Mùa xuân cũng đã cạn ngày rồi, niềm tin của cô vẫn còn nhưng nghe sao thật mỏng manh… Lời hứa hẹn với chàng trai vẫn luôn là nỗi trăn trở trong trái tim cô gái không thể giải đáp!

Ngòi bút đậm chất quê của Nguyễn Bính đã viết lên một câu chuyện về tâm tư, cảm xúc rung động của cô gái nơi thôn quê. Những diễn biến tâm lí đặc biệt được chú trọng, sự thay đổi của cảnh vật tương ứng với tâm trạng con người đã khiến bài thơ đem lại cho người đọc những cảm xúc và rung động sâu sắc. Từ hình ảnh “mưa xuân” tác giả bắt đầu khai triển mạch cảm xúc một cách đầy tự nhiên. Chính điều ấy đã tạo nên cái hay đặc biệt và sức sống của bài thơ. Lời thơ điêu luyện chưa chắc đã hay và lời thơ bình dị chưa chắc đã đơn giản.

Mưa xuân của Nguyễn Bính thực sự là bài thơ gây được ấn tượng với người đọc, ấn tượng bởi ngòi bút của nhà thơ, bởi câu chuyện mà ông xây dựng, cô gái bên khung cửi với tình yêu chân thành với chàng trai làng bên. Đặc biệt việc miêu tả cụ thể những cảm xúc của cô trong từng chặng đường tới gặp chàng trai. Đây quả thực là một bài thơ hay, tạo nên sự khác biệt của hồn thơ Nguyễn Bính.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Anh chị hãy bình giảng bài thơ Mưa xuân- Nguyễn Bính. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 và các Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 12 trong sách Văn tập 1 và tập 2, mời các bạn tham khảo.

Đánh giá bài viết
1 719
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 12

Xem thêm