Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Các phương pháp lãnh đạo (tiếp)

VnDoc xin giới thiệu bài Các phương pháp lãnh đạo (tiếp) được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Các phương pháp lãnh đạo (tiếp)

3. Phương pháp kinh tế

Phương pháp kinh tế là cách thức tác động vào đối tượng của chủ thể quản lý thông qua lợi ích kinh tế. Đặc trưng của phương pháp này là thông qua lợi ích kinh tế mà kích thích đối tượng quản lý hăng hái lao động một cách sáng tạo. Cơ sở khách quan của phương pháp quản lý kinh tế là các quy luật kinh tế. Phương pháp kinh tế là sản phẩm của sự vận dụng các quy luật kinh tế trong quản lý bằng việc thỏa mãn lợi ích kinh tế cho đối tượng quản lý. Thực chất của phương pháp kinh tế là cho phép đối tượng quản lý được tự lựa chọn phương án kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích của nhà nước.

Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của con người đều tuân theo các quy luật kinh tế. Để quản lý một cách khoa học, điều quan trọng là chủ thể quản lý phải tìm tòi và sử dụng đầy đủ một cách hữu hiệu những hình thức và công cụ thích hợp nhất để thực hiện những quy luật khách quan. Những lợi ích được coi là cơ sở để kích thích tính tích cực xã hội của con người. Các phương pháp kinh tế chính là các phương pháp tác động vào con người thông qua các lợi ích kinh tế bằng các công cụ kinh tế như tiền lương, tiền thưởng, các định mức kinh tế - kỹ thuật… tức là về thực chất các phương pháp kinh tế là một biện pháp để sử dụng các quy luật kinh tế.

Tác động thông qua lợi ích kinh tế chính là tạo ra động lực thúc đẩy con người tích cực lao động. Lợi ích vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quản lý. Động lực đó càng lớn, nhận thức đầy đủ và kết hợp đúng đắn các loại lợi ích tồn tại khách quan trong hệ thống, mục tiêu đạt được sẽ càng cao. Mặt mạnh của phương pháp kinh tế chính là ở chỗ nó tác động vào lợi ích của đối tượng quản lý (là cá nhân hoặc tập thể lao động), nó đặt người lao động vào những điều kiện kinh tế cụ thể để họ có khả năng kết hợp đúng đắn lợi ích của mình với lợi ích chung của hệ thống. Điều đó cho phép người lao động lựa chọn con đường có hiệu quả nhất để thực hiện.nhiệm vụ của mình.

Vì vậy, phương pháp kinh tế giữ vai trò trung tâm trong các phương pháp quản lý và nó là phương pháp năng động, nhạy bén nhất, là phương pháp quản lý tốt nhất để thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả kinh tế. Thực tế quản lý chỉ rõ là phương pháp tốt nhất để giảm chi phí, nâng cao năng suất.

Đặc điểm của phương pháp kinh tế là nó tác động lên đối tượng quản lý không bằng cưỡng bức hành chính mà bằng lợi ích, tức là chỉ đề ra mục tiêu nhiệm vụ phải đạt, đưa ra những điều kiện khuyến khích về kinh tế, những phương tiện vật chất có thể sử dụng để họ tự tổ chức việc thực hiện nhiệm vụ. Chính các tập thể, cá nhân (với tư cách là đối tượng quản lý) vì lợi ích thiết thân, phải tự xác định và chọn phương án giải quyết vấn đề. Các phương pháp kinh tế chấp nhận có thể có những giải pháp kinh tế khác nhau cho cùng một vấn đề. Đồng thời, khi sử dụng phương pháp kinh tế, chủ thể quản lý phải biết tạo ra những tình huống, những điều kiện để lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể phù hợp với lợi ích chung của hệ thống.

Các phương pháp kinh tế mở rộng quyền chủ động cho các cá nhân và cấp dưới, đồng thời tăng trách nhiệm kinh tế của họ. Điều đó giúp cho chủ thể quản lý giảm được việc điều hành, kiểm tra, đôn đốc chi ly, vụn vặt mang tính chất sự vụ hành chính, nâng cao ý thức tự giác của người lao động. Việc sử dụng các phương pháp kinh tế luôn được các chủ thể quản lý định hướng nhằm thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch, các mục tiêu kinh tế của từng thời kỳ. Những nhiệm vụ kế hoạch, các mục tiêu đó không phải gò ép áp đặt mà phải có căn cứ khoa học. Chủ thể quản lý tác động lên đối tượng quản lý bằng phương pháp kinh tế theo những hướng sau:

+ Định hướng phát triển chung cho tổ chức bằng các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế của hệ thống, bằng những chỉ tiêu cụ thể cho từng thời gian, cho từng phân hệ, từng cá nhân của hệ thống.

+ Sử dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật, các biện pháp đòn bẩy kích thích kinh tế để lôi cuốn, thu hút, khuyến khích các cá nhân phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

+ Bằng chế độ thưởng phạt vật chất, trách nhiệm kinh tế chặt chẽ để điều chỉnh hoạt động của các bộ phận, các cá nhân, xác lập trật tự kỷ cương, xác lập chế độ trách nhiệm cho mọi bộ phận, mọi phân hệ cho đến từng người lao động trong hệ thống.

Ngày nay phương pháp kinh tế đang được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực quản lý. Để áp dụng tốt phương pháp này cần phải chú ý đến một số vấn đề quan trọng sau đây:

Một là, việc áp dụng các phương pháp kinh tế luôn luôn gắn với việc sử dụng đúng các đòn bẩy kinh tế như giá cả, lợi nhuận, lãi suất, tín dụng, tiền lương, tiền thưởng… Nói cách khác, việc sử dụng các phương pháp kinh tế gắn với việc sử dụng các phạm trù kinh tế, nhất là các quan hệ hàng hóa - tiền tệ. Để nâng cao hiệu quả sử dụng các phương pháp kinh tế phải hoàn thiện hệ thống các đòn bẩy kinh tế trên cơ sở nâng cao nhận thức và năng lực vận dụng các quan hệ hàng hóa - tiền tệ, quan hệ thị trường.

Hai là, để áp dụng phương pháp kinh tế phải thực hiện sự phân cấp đúng đắn giữa các cấp quản lý. Bởi vì, khi quá trình phân công lao động được mở rộng và ngày càng trở nên sâu sắc thì mối quan hệ trong đời sống kinh tế càng trở nên phức tạp hơn, việc quản lý sẽ phức tạp và kết quả sẽ đạt tốt nhất ở nơi nào việc áp dụng các phương pháp kinh tế được mở rộng. Khi sử dụng rộng rãi các phương pháp kinh tế, các cơ quan cấp dưới không chỉ là người thực hiện mà họ còn có trách nhiệm với công việc của mình. Có những vấn đề trước đây do cơ quan cấp trên giải quyết, bây giờ do chính cơ quan cấp dưới tự giải quyết. Như vậy việc mở rộng quyền hạn cho cấp dưới không chỉ còn là hình thức mà còn trở thành hiện thực có hiệu quả.

Ba là, sử dụng phương pháp kinh tế đòi hỏi cán bộ quản lý kinh tế phải có trình độ và năng lực về nhiều mặt. Bởi vì sử dụng các phương pháp kinh tế đòi hỏi cán bộ quản lý phải hiểu biết và thông thạo nhiều loại kiến thức và kinh nghiệm quản lý, đồng thời phải có bản lĩnh và tính tự chủ cao.

4. Phương pháp giáo dục, tâm lý

Phương pháp thuyết phục giáo dục là cách thức tác động vào trí tuệ, tình cảm, nhận thức của con người. Phương pháp này có ý nghĩa rất quan trọng trong quản lý vì đối tượng quản lý là con người - một thực thể năng động và tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Cơ sở khách quan của phương pháp này là quy luật và quan hệ tâm lý xã hội

Các phương pháp tuyên truyền giáo dục là cách tác động vào nhận thức và tình cảm của người lao động nhằm nâng cao tính tự giác và nhiệt tình lao động của họ trong thực hiện nhiệm vụ.

Các phương pháp tuyên truyền giáo dục có ý nghĩa to lớn trong quản lý, vì đối tượng của quản lý là con người - một thực thể năng động, sáng tạo và là tổng hòa của nhiều mối quan hệ xã hội, do đó để tác động lên con người không chỉ có phương pháp hành chính, kinh tế mà còn phải tác động tinh thần, tâm lý xã hội…

Các phương pháp tuyên truyền giáo dục dựa trên cơ sở vận dụng các quy luật tâm lý. Đặc trưng của phương pháp này là tính thuyết phục và kích thích tinh thần. Tính thuyết phục làm cho người lao động phân biệt phải - trái, đúng - sai, lợi - hại, đẹp - xấu, thiện - ác. Sự kích thích tinh thần tạo nên lòng tin vào sự chính nghĩa, tạo nên nguyện vọng cải tạo cuộc sống theo quy luật của cái đẹp về nghệ thuật. Hành động của con người không chỉ được thúc đẩy bằng những mệnh lệnh hành chính và những nhân tố kích thích vật chất thuần tuý, mà trong quá trình hoạt động để đảm bảo những lợi ích vật chất của mình con người không thể đối lập với xã hội. Nghĩa là, tính cộng đồng của con người chỉ được phát huy khi có những kích thích về tinh thần.

Cần lưu ý rằng, phương pháp tuyên truyền giáo dục có tác dụng và ý nghĩa to lớn nhưng nếu tuyệt đối hóa nó sẽ rơi vào chủ nghĩa duy tâm. Vì vậy các phương pháp tuyên truyền giáo dục phải được sử dụng kết hợp với các phương pháp khác một cách uyển chuyển, linh hoạt.

- Nội dung tuyên truyền giáo dục gồm:

+ Giáo dục đường lối, chủ trương của hệ thống quản lý để mọi người đều hiểu, đều ủng hộ và đều quyết tâm xây dựng hệ thống, có ý thức làm giàu.

+ Giáo dục ý thức lao động tự giác, sáng tạo, có năng suất và hiệu quả cao, có tổ chức.

+ Xóa bỏ tâm lý và phong cách của người sản xuất nhỏ mà biểu hiện là: chủ nghĩa cá nhân, thu vén nhỏ mọn, tâm lý ích kỷ gia đình, đầu óc thiển cận, hẹp hòi, tư tưởng cục bộ, bản vị, địa phương, phường hội, bình quân chủ nghĩa, tự ti, ghen ghét, đố kỵ, tác phong làm việc luộm thuộm, tuỳ tiện, cửa quyền, thích hội họp…

+ Xóa bỏ tàn dư tư tưởng phong kiến, thói đạo đức giả, nói một đằng làm một nẻo, thích lãnh đạo (thà làm đầu gà còn hơn đuôi trâu), thích đặc quyền đặc lợi , thích hưởng thụ, kìm hãm lớp trẻ, coi thường phụ nữ…

+ Xóa bỏ tàn dư tư tưởng tư sản, với các biểu hiện xấu như chủ nghĩa thực dụng vô đạo đức, cái gì cũng chỉ cốt có lợi cho bản thân, gia đình, dòng họ bất kể đạo đức, tình người, chủ nghĩa tự do vô chính phủ, cá lớn nuốt cá bé.

+ Xây dựng tác phong đại công nghiệp (tính hiệu quả, tính hiện thực, tính tổ chức, tính kỷ luật, tính tự giác, tính cộng đồng, tính trách nhiệm, tính khẩn trương…).

+ Các hình thức giáo dục: sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo, đài phát thanh, truyền hình), thông qua các đoàn thể, các hoạt động có tính chất xã hội; tiến hành giáo dục cá biệt; thông qua các hội nghị tổng kết, hội thi tay nghề, thi sáng tạo, hội chợ triển lãm, các phong trào thi đua…

Trên đây là các phương pháp chủ yếu tác động lên những động cơ hoạt động khác nhau của người lao động. Trong thực tế còn có các phương pháp khác như: phương pháp sử dụng đối thủ cạnh tranh, phương pháp né tránh, phương pháp sử dụng đối với bạn hàng, phương pháp sử dụng đối với các cơ quan quản lý và các viên chức của các cơ quan quản lý vĩ mô…

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các phương pháp lãnh đạo (tiếp) về đặc điểm của phương pháp giáo dục, tâm lý và phương pháp kinh tế..

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Các phương pháp lãnh đạo (tiếp). Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm