Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: Mùa xuân người cầm súng...Một nốt trầm xao xuyến

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: "Mùa xuân người cầm súng...Một nốt trầm xao xuyến" được VnDoc sưu tầm và biên soạn, bao gồm dàn ý và những bài văn mẫu lớp 9 hay, ngắn gọn cho các em tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng hoàn thành bài văn hay và hoàn chỉnh. Mời quý độc giả cùng tham khảo!

I. Dàn ý Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: "Mùa xuân người cầm súng...Một nốt trầm xao xuyến"

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Thanh Hải, bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và dẫn dắt vào khổ thơ 2, 3 và 4.

2. Thân bài

a. Khổ thơ thứ hai

“Lộc” ở đây có thể hiểu là sức mạnh dân tộc, “lộc trải dài nương mạ” là sự hối hả xôn xao cho một mùa màng mới, cho đồng ruộng vẫn mãi mãi bạt ngàn một màu xanh.

“Người cầm súng và “người ra đồng” là hai lực lượng chính dựng xây Tổ quốc. Đây là mùa xuân trách nhiệm gắn với ý thức bảo vệ dân tộc. Người ra trận phải đổ máu, người ra đồng phải đổ mồ hôi nước mắt. Máu, mồ hôi, nước mắt của nhân dân ta đã góp phần giữ lấy mùa xuân mãi mãi của dân tộc.

Từ “cứ” đặt đầu câu thơ như một sự khẳng định, thể hiện một chân lí đơn giản mà thiêng liêng. Có thể nói bao nỗi nhọc nhằn, đắng cay của dân tộc được đáp lại bằng những mùa xuân tiếp nối vô tần.

b. Khổ thơ thứ ba

Nhà thơ Thanh Hải đã nhắc lại chặng đường 4000 năm của đất nước thông qua hệ thống các tính từ "vất vả", "gian lao" từ đó có thể cho thấy chặng đường dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một chặng đường đầy những gian nan, khó khăn và thử thách, mất mát.

Hình ảnh so sánh "đất nước như vì sao" đã mở ra nhiều liên tưởng độc đáo và giàu ý nghĩa. Hình ảnh so sánh ấy vừa gợi đến nguồn sáng trường tồn mãi với không gian, thời gian, vừa gợi lên niềm tin của tác giả về một tương lai tươi sáng, rộng mở của đất nước với khí thế mạnh mẽ không gì cản nổi.

Cấu trúc song hành "đất nước bốn ngàn năm", "đất nước như vì sao" đã diễn tả sự vận động đi lên của lịch sử và là lời khẳng định về sự trường tồn vĩnh cửu của đất nước. Cụm từ "cứ đi lên phía trước" khép lại khổ thơ như một lời khẳng định, một sự thể hiện ý chí và lòng quyết tâm và niềm tin sắt đá của nhà thơ và của cả dân tộc về tương lai tươi sáng, tốt đẹp của quê hương, đất nước.

c. Khổ thơ thứ 4

Ước muốn của tác giả: trở thành con chim, làm cành hoa: những thứ giản dị mà đẹp đẽ tô điểm cho cuộc đời một cách thầm lặng mà ý nghĩa.

Điệp cấu trúc câu: “Ta làm…” nhấn mạnh khát vọng sống hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước

Muốn mang đến cho cuộc đời những giai điệu đẹp đẽ, ý nghĩa. Trong bản nhạc rộn rã của cuộc đời, tác giả chỉ muốn làm một nốt trầm nhưng cũng đủ làm xao xuyến lòng người. → Thể hiện sự khiêm tốn.

→ Một ước mơ nho nhỏ, chân tình, không cao siêu vĩ đại mà gần gũi quá, khiêm tốn và đáng yêu. Hình ảnh nhuần nhị, tự nhiên, chân thành, giọng thơ nhè nhẹ, êm ái, ngọt ngào.

3. Kết bài

Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của 3 khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung.

II. Văn mẫu Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: "Mùa xuân người cầm súng...Một nốt trầm xao xuyến"

1. Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: "Mùa xuân người cầm súng...Một nốt trầm xao xuyến" - Mẫu 1

“Đã thấy hơi xuân trong gió may

Vương trên mái lá tiễn đông gầy

Nhà ai vừa quét tường vôi trắng

Thỏ thẻ bên thềm hoa cúc lay”.

Từ xưa đến nay, trong bốn mùa của năm, mùa xuân có lẽ vẫn là mùa được thi ca nghệ thuật ưu ái hơn cả, trở thành nguồn đề tài bất tận cho những người nghệ sĩ ở mọi quốc gia, dân tộc. Chúng ta có thể bắt gặp “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính, “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, “Xuân Hồng” của Xuân Diệu,... và cùng góp mình vào sắc xuân ấy chúng ta phải nhắc tới “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải.

Bài thơ bắt đầu bằng những cảm xúc trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên đất trời . Từ đó, tác giả thể hiện niềm vui say trước sức sống của mùa xuân đất nước, mùa xuân cách mạng:

"Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ".

Nói về mùa xuân của đất nước,của con người tác giả lựa chọn hai hình ảnh. "Người cầm súng” và “người ra đồng” là hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cho hai lực lượng, hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động xây dựng đất nước. Những người cầm súng ra trận mang theo những cành lá ngụy trang như mang theo cả mùa xuân “Lộc giắt đầy trên lưng”. Cách miêu tả của nhà thơ khiến ta cảm giác những nhành lá ngụy trang như đang đâm chồi nảy lộc, tươi xanh suốt con đường ra trận. Hình ảnh này còn phản chiếu vẻ đẹp tâm hồn của người lính Cách mạng gợi liên tưởng tới những vần thơ của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ “Tây Tiến”:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá giữ oai hùng

Mắt trừng gửi mộng qua biên giớ

Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”

Họ cầm súng chiến đấu bảo vệ mùa xuân, bảo vệ màu xanh, sự sống trên quê hương, đất nước mình với tâm hồn hào hoa lãng mạng và tinh thần hiên ngang khí phách. Tương ứng với vẻ đẹp của những người lính trên con đường chiến đấu là hình ảnh những người dân đang hăng say lao động để xây dựng đất nước. Hình ảnh “người ra đồng” gợi liên tưởng đến không khí tấp nập, đông vui của những con người tay tạo dựng cuộc sống mới. Dường như bước chân họ đi tới đâu là màu xanh bát ngát trải theo tới đó. Đọc câu thơ ta có thể hình dung về những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu đang hứa hẹn những vụ mùa no ấm.

Hình ảnh “người cầm súng”,”người ra đồng” gắn liền với điệp từ "Lộc". “Lộc” là chồi non, nhành cây non. “Lộc” còn được hiểu là nhựa sống là sức trẻ, sự vươn dậy, phát triển. Mùa xuân của đất trời đọng lại trong hình ảnh lộc non đã theo người cầm súng người ra đồng,hay chính họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước. Ta thấy không phải chỉ có mùa xuân theo về, mà còn có cả mùa xuân sinh thành, mùa xuân nảy nở theo bước chân người cầm súng,người ra đồng, gợi thành quả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mùa xuân như bao trùm lên khắp muôn nơi.

Từ hình ảnh người cầm súng,người ra đồng, nhà thơ đã khái quát, ngợi ca sức sống kì diệu của nhân dân, của đất nước:

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao ..."

Điệp từ “Tất cả” với các từ láy hối hả”, “xôn xao”, nhịp thơ nhanh, dồn dập ,giọng điệu khỏe khoắn, mạnh mẽ, hào hùng diễn tả nhịp sống sôi động, hối hả, khẩn trương trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời từ láy “xôn xao” gợi tâm trạng reo vui, náo nức của tác giả .

Trước sức sống kì diệu của mùa xuân hiện tại nhà thơ đã gửi gắm suy ngẫm về quá khứ và tương lai của đất nước:

“Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao”

Hai dòng thơ đầu với những tính từ " vất vả", "gian lao",gợi lại hành trình của 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước đầy gian lao thử thách nhưng cũng thật hào hùng. Nghệ thuật nhân hóa. Đất nước vất vả và gian lao, cứ đi lên phía trước, gợi cho ta liên tưởng tới hình ảnh người mẹ, người chị tần tảo mà kiên cường và rộng ra là hình ảnh bà mẹ Tổ quốc vượt qua bao gian lao vất vả nhưng vẫn vững vàng đi lên.

Không chỉ bày tỏ niềm tự hào về quá khứ oai hùng nhà thơ đã gửi gắm vào đó niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước cho dù trước mắt còn vất vả khó khăn. Đất nước được hình dung bằng một hình ảnh so sánh thật đẹp mang ý nghĩa:

“Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”

Đất nước hiện lên cao cả sáng ngời như vì sao đang tỏa sáng vĩnh hằng trên bầu trời. “Sao” là nguồn sáng lấp lánh là vẻ đẹp vĩnh hằng. “Sao” cũng là hình ảnh rạng ngời trên lá cờ Tổ quốc. Nghệ thuật so sánh “Đất nước như vì sao” ngợi ca vẻ đẹp và sức sống dạt dào của đất nước đồng thời bộc lộ niềm tự hào, niềm tin vào sự trường tồn bất diệt của dân tộc. Phó từ "cứ" kết hợp cụm động từ "đi lên" đã khẳng định ý chí, lòng quyết tâm và niềm tin sắt đá của nhà thơ và cả dân tộc về tương lai tươi sáng của đất nước.

Từ những cảm xúc vui mừng, say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời xứ Huế vào xuân, vào tương lai tươi sáng của đất nước, Thanh Hải đã có những lời ước nguyện thật thiết tha, cảm động. Đó là khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống đất nước được cống hiến phần tốt đẹp dù là rất nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cống hiến một cách vô tư, chân thành, khiêm tốn nhưng vô cùng mãnh liệt bền bỉ:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”

Ước nguyện ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên,giản dị và đẹp. Nhà thơ xin được làm “con chim hót” giữa muôn ngàn tiếng chim vô tư cống hiến tiếng hót vui, làm “một cành hoa” giữa vườn hoa xuân rực rỡ vô tư cống hiến hương sắc cho đời và ông còn muốn làm “một nốt trầm” giữa bản hoà tấu muôn điệu, làm “một mùa xuân nho nhỏ” góp vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung.

Như trong bài "Còn gì cho quê hương" Viên Phương đã viết:

"Nửa mái đầu chớm bạc

Còn gì cho quê hương?

Thân xin làm chiếc lá...

Thân xin làm hạt sương..."

Đó chính là khát vọng được cống hiến, hóa thân cho quê hương, đất nước của nhà thơ Viễn Phương. Dù cho "mái đầu chớm bạc" thì nhà thơ vẫn luôn băn khoăn về quê hương. Đây quả thực là một lẽ sống lớn có sự tương đồng với nhà thơ Thanh Hải.

Hình ảnh "con chim, cành hoa, nốt trầm, mùa xuân" là hình ảnh ẩn dụ rất hay, đầy ý nghĩa. Đó là niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên. Như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa tỏa hương sắc cho đời, bản hòa ca tưng bừng, rộn rã xong không thể thiếu nốt trầm, gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và đất nước. Điệp từ “Ta làm” mở đầu các dòng thơ nhấn mạnh khát vọng cháy bỏng, mãnh liệt, muốn được hoà nhập, dâng hiến có ích cho đời, như một lời khẳng định đó không chỉ là lời tâm niệm thiết tha, chân thành của riêng nhà thơ mà là khát vọng chung của nhiều người.

Đoạn thơ trên đã tái hiện lại cảm xúc say sưa, ngây ngất của nhà thơ với vẻ đẹp và sức sống của đất nước qua mấy nghìn năm lịch sử. Khát vọng, mong ước được sống có ý nghĩa, được cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời của tác giả. Thanh Hải rất tài tình khi sử dụng thể thơ năm chữ nhẹ nhàng, tha thiết và kết hợp hài hòa giữa những hình ảnh thơ tự nhiên, giản dị với những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng khái quát.

Cuộc đời mỗi con người có thể được đón nhiều mùa xuân, nhưng mùa xuân đẹp nhất chính là mùa xuân ở trong tâm hồn người. Khi có niềm tin và tình yêu thì cũng có nghĩa là mùa xuân sẽ còn mãi mãi, mùa xuân luôn vẫy gọi ta phía trước như trong câu thơ mà thi sĩ Bùi Giáng đã viết cách đây hơn nửa thế kỷ:

“Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”

(Chào nguyên xuân).

2. Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: "Mùa xuân người cầm súng...Một nốt trầm xao xuyến" - Mẫu 2

“Mùa xuân nho nhỏ” được viết vào tháng 11 năm 1980 trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mới nhưng đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức và không đây một tháng trước khi nhà thơ Thanh Hải qua đời. Bài thơ như một lời tâm niệm, gửi gắm chân thành của nhà thơ để lại cho đời. Từ những xúc cảm về mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, nhà thơ đã chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước, con người:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ”

Tác giả đã hướng tình cảm của mình tới những con người cụ thể, những người đã làm nên mùa xuân, lịch sử của đất nước. Điệp từ “mùa xuân”, “lộc”, “người” được lặp lại như nhấn mạnh, trải dài không cảnh ngày xuân của dân tộc Việt Nam. Nhà thơ đã sáng tạo ra hình ảnh sóng đôi, đẹp như câu đối treo trong ngày Tết để nói về hai lớp người - hai nhiệm vụ chủ yếu, cơ bản của cách mạng, đó là người chiến sĩ và người nông dân lao động, là nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước. “Lộc” ở đây vừa là hình ảnh thực, vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là những nhành non trên cây lá xanh mướt độ xuân về, đó cũng là ẩn dụ cho sức sống, sự vươn lên, phát triển mạnh mẽ, là những giá tri, thành quả tốt đẹp,… Lộc trên cành lá ngụy trang theo bước chân người lính ra trận địa, lộc trải dài trên những nương mạ theo bàn tay người ra đồng, hay chính họ đã mang mùa xuân đến, gieo mùa xuân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Chính những người khiêm nhường, bình dị “không ai nhớ mặt đặt tên” ấy đã làm nên mùa xuân, làm nên đất nước. Họ đã tạo nên những giai điệu của mùa xuân, nhịp điệu hối hả, hào hùng:

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao”

Điệp ngữ “tất cả như” lặp lại diễn tả không khí lên đường khẩn trương, gấp gáp, rộn ràng và náo nức trong những năm tháng gian khổ mà hào hùng, vĩ đại của Tổ quốc.

Từ những con người cụ thể, nhà thơ nghĩ về đất nước trong cảm nhận khái quát cùng cái nhìn kéo dài suốt chiều dài lịch sử:

“Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”.

Phép nhân hóa được sử dụng sáng tạo khiến đất nước trở nên như những con người cụ thể. Đất nước vất vả, gian lao nhưng với sức sống bền bỉ, kiên định, vững vàng, vẫn cứ đi lên không thế lực nào có thể cản trở. Mỗi mùa xuân đến, đất nước lại càng được tiếp thêm những sức sống mới. Thời điểm tác giả viết bài thơ, đất nước ta vừa trải qua những cuộc chiến tranh trường kì, gian khổ, bước ra với muôn vàn khó khăn nhưng tâm thế vẫn khẩn trương, nhanh chóng gây dựng lại cơ đồ. Thông qua bài thơ, Thanh Hải cũng thể hiện sự lạc quan, niềm tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Đất nước “như vì sao”, dù thoạt nhìn nhỏ bé, khiêm nhường nhưng ánh sáng là vĩnh hằng, bất diệt. Ngôi sao ấy như định hướng cho mỗi cuộc đời, vẫy gọi, giục giã mọi người cống hiến.

Trước mùa xuân của đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân của riêng mình, riêng mỗi cuộc đời và thể hiện niềm khát khao hòa nhập, dâng hiến:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”

Đó là lời bộc bạch thật chân thành, tha thiết. Nhà thơ ước nguyện mình làm con chim hót để dâng cho đời tiếng ca vui, làm bông hoa để dâng cho đời muôn sắc thắm và làm một nốt trầm xao xuyến trong bàn hòa ca của dân tộc, đất nước.

Những mong ước ấy thật cao đẹp, ý nghĩa: mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời như một lẽ tự nhiên, như con chim cho tiếng hót, bông hoa dâng sắc hương, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Nếu là con chim, chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc là phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”

3. Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: "Mùa xuân người cầm súng...Một nốt trầm xao xuyến" - Mẫu 3

Mùa xuân trong thơ của Thanh Hải đem đến cho chúng ta nhiều xúc động. Từng vần thơ nhẹ nhàng trong sáng cứ ngân nga mãi trong lòng người nghe, lôi cuốn ta trước vẻ đẹp của đất nước vào xuân.

Bước đi của mùa xuân như đang hòa nhịp với bước “đi lên phía trước"của dân tộc trên hành trình “vất vả”, “gian lao” nhưng rất đỗi tự hào qua một đoạn thơ mà em yêu thích:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao.

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước...

Mùa xuân đến giữa hương sắc và âm thanh đất trời, lòng người vui "xôn xao”. Cả một dân tộc bừng bừng khí thế, một sức xuân dào dạt “hối hả” bước đi giữa mùa xuân. Mùa xuân mang đến cho nhân dân ta một sức sống mới, nhiệt tình cách mạng mới, hăng hái, khẩn trương lên đường. Cả một dân tộc ngập tràn niềm vui. Người người “xôn xao" đón chào một mùa xuân đẹp, một “mùa xuân hồng”'.

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao.

Cặp từ láy "hối hả", "xôn xao”, điệp ngữ “tất cả” như những nốt nhạc ngân nga trong ca khúc xuân hành, diễn tả niềm tự hào và khí thế cách mạng sôi nổi của nhân dân ta đang vững bước đi lên phía trước.

Sức xuân ấy của hàng triệu con người đang dồn vào hai nhiệm vụ chiến lược: Sản xuất và chiến đấu. Bốn câu thơ song hành từng đôi một, hô ứng nhịp nhàng, hài hòa như bước đi của dân tộc giữa mùa xuân:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

“Lộc"- chồi non, cành biếc, non tơ, đầy nhựa sống, tượng trưng cho vẻ đẹp và sức sống mùa xuân. Người chiến sĩ ra trận với cành lá ngụy trang "lộc giắt đầy quanh lưng” như mang cả một sức xuân căng tràn mà không một thế lực nào có thể ngăn cản được. Ở hậu phương, với bàn tay lao động cần cù, người nông dân đang phủ màu xanh lên đồng quê “lộc trải dài nương mạ”.

Mùa xuân nho nhỏCâu thơ có nhạc điệu dồn dập hân hoan; hình ảnh vừa cụ thể gợi cảm, vừa mang ý nghĩa khái quát sâu sắc. Mùa xuân gắn liền với nhịp sống nhân dân “vất vả và gian lao" nhưng cũng rất vinh quang, vì nhân dân đang mang lại mùa xuân, đang làm ra mùa xuân.

Khổ thơ tiếp theo, nhà thơ nói lên những suy cảm của mình về đất nước và dân tộc. Cảm hứng lịch sử tạo nên những ý thơ sâu lắng, chan chứa tự hào. Một dân tộc đau thương và anh dũng, “vất vả và gian lao”, bao nhiêu máu, nước mắt và mồ hôi đã đổ xuống trên hành trình "bốn ngàn năm” lịch sử. "Đất nước” được lấy lại hai lần trong khổ thơ diễn tả thật ý vị và cảm xúc sung sướng tự hào dâng lên dào dạt. Đất nước tuy “ vất vả và gian lao” nhưng đất nước đẹp vô cùng: “Đất nước như vì sao”. Một hình ảnh so sánh tuyệt đẹp diễn tả tình yêu đất nước và niềm tự hào dân tộc của nhân dân ta. Đất nước ta đẹp như “vì sao” vì dân tộc ta "chưa bao giờ khuất'' (Nguyễn Đình Thi); có một truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm chói ngời những trang sử oai hùng: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên... “Đất nước như vì sao” có một nền văn hiến lâu đời như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu...

Tự tin, tự hào khi nhà thơ nghĩ về hành trình “đi lên phía trước” của dân tộc để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng Tổ quốc Việt Nam "mười lần đẹp hơn” như Bác Hồ mong muốn. Ba chữ “cứ đi lên...” làm toát lên ý chí mạnh mẽ, sáng chói niềm tin. Hình ảnh đất nước được nhân hóa diễn tả tình yêu nước vô cùng sâu nặng của tác giả. Phép đối được nhà thơ vận dụng sáng tạo làm cho câu thơ giàu hình ảnh và gợi cảm:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

Đoạn thơ trên trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải để lại trong lòng chúng ta một ấn tượng sâu sắc.Thể thơ năm chữ được tác giả vận dụng nhuần nhuyễn thành công. Lời thơ trong sáng, truyền cảm và giàu hình tượng. Phép đối, điệp từ, so sánh và nhân hóa được sử dụng một cách điêu luyện diễn tả cảm hứng yêu nước, tự hào của nhà thơ, tạo nên những vần thơ có nhạc điệu tha thiết dạt dào. Có gì đẹp hơn mùa xuân? Có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu thiên nhiên, đất nước? Cảm ơn nhà thơ Thanh Hải để lại một đoạn thơ nói về mùa xuân rất hay. Chúng ta ước mong mỗi con người hãy trở thành “một mùa xuân nho nhỏ" để góp phần làm đẹp đất nước, quê hương hôm nay và ngày mai.

Trước mùa xuân của đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời và dạt dào một khát vọng hiến dâng:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Nếu ở đầu bài thơ tác giả miêu tả những hình ảnh làm đẹp thêm ,tô điểm thêm cho mùa xuân là âm thanh náo nức vang trời của tiếng chim chiền chiện và sắc màu tím biếc dịu dàng của cánh lục bình nhỏ trên sông thì ở đây tứ thơ được lặp lại, tạo ra sự đối ứng chặt chẽ. Tác giả mong muốn được làm bông hoa tỏa ngát hương ,con chim mang tiếng hót và nốt trầm xao xuyến để hiến dâng nhưng không làm mất đi nét riêng của mỗi người.

4. Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: "Mùa xuân người cầm súng...Một nốt trầm xao xuyến" - Mẫu 4

Thanh Hải sáng tác bài thơ Mùa xuân nho nhỏ giữa mùa đông rét buốt, lúc tác giả đang nằm trên giường bệnh không bao lâu trước khi qua đời. Cả bài thơ là niềm cảm xúc chân thành của nhà thơ trước những vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người khi vào xuân của những tâm niệm, ước vọng của nhà thơ trước vẻ đẹp ấy.

"Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng"

Hai câu đầu tác giả nhấn mạnh đến mùa xuân chiến đấu, mùa xuân của "người cầm súng" với "Lộc giắt đầy quanh lưng". "Lộc" có nghĩa đen là một chồi xanh, non tơ, biểu tượng sức sống khi mùa xuân đến. Ở đây, từ "lộc" biểu hiện cho một niềm tin, một thành quả đo cách mạng đem lại, là kết quả. Người chiến sĩ với "Lộc giắt đầy quanh lưng" khi ra chiến trường với một mong muốn cao nhất là phải chiến thắng quân thù.

"Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ".

Với mùa xuân của những người lao động sản xuất thì từ "lộc" tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc, tượng trưng cho sự "trúng mùa" của công việc sản xuất. Mọi người dân lao động đều mong muốn mình phải cống hiến sức lực, tài năng, để lao động xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.

Trong khổ thơ này, "mùa xuân chiến đấu" đối xứng với "mùa xuân sản xuất", "người chiến sĩ' đối xứng với "người lao động sản xuất", tác giả đã nêu bật nhiệm vụ hàng đầu của đất nước ta lúc bấy giờ là phải vừa chiến đấu bảo vệ đất nước, vừa phải ngày đêm lao động sản xuất, xây dựng quê hương sau chiến tranh, góp phần làm cho Tổ quốc giàu mạnh. Bởi vậy, mọi người đều tự giác, tự nguyện:

"Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao"

Câu thơ giản dị, điệp ngữ "tất cả như diễn tả sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động. Từ "xôn xao" vừa gợi tả vừa gợi thanh – âm thanh nhỏ mà có chiều sâu của cuộc sống đang phát triển, đang reo vui. Lời thơ nhỏ nhẹ, chứa chất suy tư tha thiết chân thành mà vẫn sâu lắng.

Khổ thơ trên thông qua thể thơ 5 chữ nhịp nhàng, gợi cảm thể hiện niềm tin tự hào của nhà thơ về truyền thống dựng nước, giữ nước oai hùng của cha ông cùng tâm tư khát vọng cống hiến cho quê hương đất nước của thi nhân. Niềm tự hào của thi nhân về truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc thể hiện sâu sắc qua những hình ảnh thơ đặc sắc:

“Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”

Khổ thơ ngắn gọn chỉ có 4 câu, mỗi câu 5 chữ. Ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu. Có cụm từ “bốn ngàn năm” đặt sau từ “đất nước” thể hiện niềm tự hào thật sâu sắc của nhà thơ về truyền thống dựng nước, giữ nước cùng truyền thống văn hóa thật lâu đời trên quê hương đất nước thân yêu này.

---------------------------------------------------------

Ngoài tài liệu trên, mời bạn đọc tham khảo thêm Soạn Văn 9, Nghị luận xã hội lớp 9 trên VnDoc để học tốt môn Văn hơn. Ngoài ra Đề thi giữa kì 2 lớp 9, Đề thi học kì 2 lớp 9 cũng là tài liệu hữu ích cho các em tham khảo luyện tập, chuẩn bị cho các kì thi quan trọng sắp tới đạt kết quả cao.

Đánh giá bài viết
13 25.147
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 9

    Xem thêm