Câu hỏi trắc nghiệm và bài tập Địa lý 11 - Bài 10: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Tiết 1)

Câu hỏi trắc nghiệm và bài tập Địa lý 11 - Bài 10: Tiết 1

Câu hỏi trắc nghiệm và bài tập Địa lý 11 - Bài 10: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Tiết 1) tổng hợp câu hỏi tự luận và bài tập trắc nghiệm môn Địa 11. Các câu hỏi trắc nghiệm Địa lí 11 này sẽ giúp các em ôn tập kiến thức về tự nhiên, dân cư và xã hội của Trung Quốc. Hy vọng, tài liệu này sẽ là tư liệu hữu ích cho quá trình học tập và giảng dạy của các em và thầy cô giáo.

CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM VÀ BÀI TẬP ĐỊA LÍ 11
Bài 10. CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA (TRUNG QUỐC)
Tiết 1. TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI

I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

Câu 1. Trình bày đặc điểm vị trí địa lí và quy mô lãnh thổ của Trung Quốc. Đặc điểm này ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc?

Câu 2. Tại sao dân cư Trung Quốc lại phân bố tập trung ở khu vực miền Đông?

Câu 3. Dựa vào lược đồ địa hình và khoáng sản Trung Quốc, tìm những thông tin cần thiết ghi vào bảng sau (bảng 10.1)

Câu hỏi trắc nghiệm và bài tập Địa lý 11 - Bài 10: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Tiết 1)

Bảng 10.1. Một số vấn đề tự nhiên của Trung Quốc

Miền

Tự nhiên

Miền Tây

Miền Đông

1. Địa hình

2. Khí hậu

3. Sông ngòi

4. Khoáng sản

5. Ý nghĩa kinh tế

Câu 4. Hãy nối tên đồng bằng và hệ thống sông chính đã bồi tụ nên đồng bằng đó ở bảng dưới đây một cách phù hợp:

1. Đồng bằng Đông Bắc

a. Sông Hoàng Hà

2. Đồng bằng Hoa Bắc

b. Sông Trường Giang

3. Đồng bằng Hoa Trung

c. Sông Liêu Hà

4. Đồng bằng Hoa Nam

d. Sông Tây Giang

Câu 5. Trung Quốc có nhiều kiểu khí hậu là do:

a. Vị trí địa lí. c. Quy mô lãnh thổ.

b. Sự phân hóa địa hình. d. Tất cả các ý trên.

Câu 6. Vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với dân số Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay là:

a. Sự tăng trưởng nhanh của dân số.

b. Việc thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình.

c. Sự mất cân bằng trong cơ cấu giới tính.

d. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ".

Câu 7. Tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn nhất của Trung Quốc là:

a. Than đá. c. Quặng sắt.

b. Kim loại màu. d. Dầu mỏ.

Câu 8. Đặc điểm nổi bật của nguồn lao động Trung Quốc góp phần quyết định sự phát triển của nền kinh tế - xã hội là:

a. Quy mô nguồn lao động đông.

b. Nguồn lao động được đầu tư để nâng cao chất lượng.

c. Truyền thống lao động cần cù.

d. Nguồn lao động gồm nhiều thành phần dân tộc.

Câu 9. Dân cư Trung Quốc tập trung đông nhất ở vùng:

a. Ven biển và thượng lưu các con sông lớn.

b. Ven biển và hạ lưu các con sông lớn.

c. Ven biển và dọc theo con đường tơ lụa.

d. Phía Tây bắc của miền Đông.

II. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI

Câu 1.

a. Đặc điểm vị trí địa lí và quy mô lãnh thổ

  • Vị trí địa lí: Trung Quốc nằm ở tọa độ địa lí: từ 200 Bắc tới 530 Bắc, từ 730 Đông đến 1350 Đông. Nằm ở khu vực Đông Á và Trung Á
    • Phía bắc giáp: LB Nga, Mông Cổ.
    • Phía tây giáp: Các nước Tây Á.
    • Phía nam giáp các nước Nam Á và Đông Nam Á.
    • Phía đông giáp biển, mở rộng ra Thái Bình Dương.
  • Lãnh thổ.
    • Là đất nước có lãnh thổ rộng lớn: Diện tích 9,6 triệu km2, đứng thứ 4 thế giới sau LB Nga, Canađa và Hoa Kì.
    • Gồm 22 tỉnh, 5 khu tự trị và 4 thành phố trực thuộc trung ương.

b. Ảnh hưởng của vị trí địa lí và quy mô lãnh thổ đến việc phát triển kinh tế - xã hội

  • Trong giai đoạn hiện nay quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc đẩy mạnh trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa với các quốc gia khác là rất quan trọng. Lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn nhưng đường biên giới đất liền (giáp 14 quốc gia) nằm trong khu vực có địa hình chủ yếu là núi cao và hoang mạc nên khó khăn cho việc giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực bằng đường bộ.
  • Đường bờ biển dài, mở rộng ra Thái Bình Dương, bờ biển có nhiều cảng lớn rất thuận lợi cho Trung Quốc trao đổi hàng hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới bằng đường biển. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sự thành công của các đặc khu kinh tế của Trung Quốc.

Câu 2. Dân cư Trung Quốc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Đông vì:

  • Khu vực miền Đông của Trung Quốc tiếp giáp với biển, mở rộng ra Thái Bình Dương với nhiều cảng biển lớn thuận lợi để giao lưu phát triển kinh tế và nuôi trồng thủy hải sản.
  • Miền Đông có tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế: địa hình đồng bằng với đất đa phì nhiêu; khí hậu chịu ảnh hưởng của biển nên rất thuận lợi để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển nông nghiệp.
  • Miền Đông là nơi được khai phá sớm hơn nên có sự tập trung dân cư đông.
  • Các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị cũng phần lớn tập trung ở khu vực này nên thu hút sự tập trung của dân cư.

Câu 3.

Miền

Tự nhiên

Miền Tây

Miền Đông

1. Địa hình

Núi cao, sơn nguyên, bồn địa xen kẽ.

Nhiều đồng bằng lớn, màu mỡ: Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam.

2. Khí hậu

Khí hậu lục địa khắc nghiệt.

Khí hậu cận nhiệt gió mùa đến ôn đới gió mùa.

3. Sông ngòi

Là nơi bắt nguồn của các sông lớn, nhiều thác ghềnh

Hạ nguồn của các sông lớn: Hoàng Hà, Trường Giang, Liêu Hà,...sông nhiều nước, giàu phù sa

4. Khoáng sản

Nhiều dầu mỏ, khí đốt, đồng

Giàu có: than, dầu mỏ, khí đốt, thiếc,...

5. Ý nghĩa kinh tế

- Thuận lợi cho chăn nuôi vì có các đồng cỏ, xây dựng các cơ sở công nghiệp vì giàu khoáng sản, thủy năng.

- Khó khăn cho trồng trọt vì khí hậu khắc nghiệt, địa hình cao khó khăn cho giao thông,..

- Thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp trù phú nhờ các đồng bằng lớn, màu mỡ, nguồn nước tưới dồi dào,... phát triển công nghiệp vì giàu khoáng sản, thuận lợi cho giao thông vì địa hình chủ yếu là đồng bằng

Đáp án phần trắc nghiệm khách quan: 4(1-c, 2-a, 3-b, 4-d), 5d, 6c, 7a, 8b, 9b.

Đánh giá bài viết
14 29.359
Sắp xếp theo

    Trắc nghiệm Địa lý 11

    Xem thêm