Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cấu trúc và chức năng của gia đình

VnDoc xin giới thiệu bài Cấu trúc và chức năng của gia đình được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Khái niệm gia đình

Để đưa ra một khái niệm chuẩn xác về gia đình là một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp. Bởi mỗi một xã hội lại có một cách nhìn khác nhau về gia đình nên chúng ta chỉ có thể đưa ra khái niệm trong một hoàn cảnh cụ thể và trong một khung cảnh nhất định. Nếu như ở các nước Châu Âu coi gia đình đơn giản chỉ là một nhóm xã hội như bao nhóm xã hội khác thì ở các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam luôn xem gia đình như một tế bào xã hội có đầy đủ các yếu tố sinh thành.

Vì vậy, theo nghĩa truyền thống chúng ta có thể xem xét gia đình như là một thiết chế xã hội đặc thù, là một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên chung sống với nhau trong một không gian sinh tồn, có quan hệ hôn nhân, huyết thống, tình cảm, nuôi dưỡng. Các thành viên gắn bó mật thiết với nhau bởi nghĩa vụ quyền lợi được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của mỗi người cũng như thực hiện vai trò của gia đình trước toàn xã hội.

Trong nghiên cứu của xã hội học, gia đình cũng được nhìn nhận tương tự “Gia đình là một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở hôn nhân và quan hệ huyết thống, những thành viên trong gia đình có sự gắn bó và ràng buộc với nhau về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ có tính hợp pháp được nhà nước thừa nhận và bảo vệ”.

Gia đình được xác định trên hai phương diện, nó vừa là một nhóm sinh học vừa là một nhóm xã hội. Tuy nhiên, ở đây chúng ta hướng sự quan tâm đến mặt xã hội của nó, đó là những quan hệ hướng nội và hướng ngoại của gia đình.

2. Các kiểu gia đình

  • Gia đình mở rộng (gia đình kép): Kiểu gia đình này có từ ba thế hệ trở lên mà chúng ta thường gọi là “tam, tứ đại đồng đường”, các thành viên gồm ông bà, cha mẹ, con cháu, còn có thể là chú, bác, cô, dì... cùng sống chung với nhau dưới một mái nhà. Giữa họ thường có quan hệ huyết thống với nhau. Vì vậy giữa các thế hệ có sự gắn bó tình cảm sâu sắc nhờ đó bảo tồn được các giá trị truyền thống như hiếu thảo, kính trên nhường dưới và có sự phân công lao động rõ ràng trong gia đình như người chồng, người cha có nhiệm vụ lao động kiếm thu nhập... Việc giáo dục trẻ em và chăm lo cho người già vì thế được tốt hơn.

Tuy nhiên kiểu gia đình này cũng có nhược điểm, đó là sự xung đột giữa các thế hệ trong gia đình vì sự khác biệt về tuổi tác cũng như hoàn cảnh, điều kiện sống nên sự bất đồng về nhiều vấn đề là tất yếu không thể tránh khỏi, thường gặp đại loại như xung đột giữa ông bà - con cháu, mẹ chồng - nàng dâu... Bên cạnh đó là việc duy trì những hủ tục lạc hậu từ thời xưa như trọng nam khinh nữ, người phụ nữ không có quyền hành gì trong gia đình, phải phụ thuộc và đàn ông...

Kiểu gia đình này rất phổ biến trong xã hội nông thôn truyền thống, song nó đang giảm dần trong xã hội hiện đại.

  • Gia đình hạt nhân (gia đình đơn): Đây là kiểu gia đình cơ bản và đơn giản nhất nhưng chiếm đại đa số trong xã hội hiện nay. Gia đình này có cấu trúc đơn giản chỉ gồm hai thế hệ là cha mẹ và con cái, phổ biến ở phương Tây và những đô thị lớn của Việt Nam. Ba quan hệ cơ bản của kiểu gia đình này là: Vợ - chồng, cha mẹ - con cái, anh - chị - em. Gia đình đơn được hình thành khi con cái kết hôn, thoát ly khỏi cha mẹ, tách ra thành một đơn vị kinh tế độc lập và sinh con cái.

Kiểu gia đình này tạo điều kiện cho các cá nhân phát huy khả năng tự lập, tự giải quyết những vấn đề trong cuộc sống mà không còn phải phụ thuộc vào cha mẹ. Trong gia đình hạt nhân, chế độ gia trưởng đã phải nhường bước dần cho sự bình đẳng ngày càng phát triển hơn giữa nam và nữ, vợ và chồng. Công việc nội trợ không còn là bổn phận duy nhất của người phụ nữ, cũng như công việc kiếm tiền, nuôi sống gia đình không còn là nhiệm vụ duy nhất của nam giới. Các thành viên ít chịu sự giám sát lẫn nhau. Họ được tự do và ít nhiều được sống theo cách của mình chứ không bị áp đặt trong khuôn mẫu như trước kia. Thế hệ thanh niên thời đại mới tự do hơn, phóng khoáng, sáng tạo và mạnh mẽ hơn để thích nghi với đòi hỏi của môi trường xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, do vấn đề tự do được đề cao nên cha mẹ khó kiểm soát được con cái, sự bận rộn với công việc khiến trẻ thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ nên dễ sa vào hư hỏng; ông bà về già bị cô đơn, thiếu sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cháu; giảm khả năng bảo lưu các giá trị truyền thống của gia đình.

Trong tương lai, kiểu gia đình hạt nhân sẽ ngày càng chiếm ưu thế vì nó phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại và năng động. Ở Việt Nam hiện nay thì kiểu gia đình này tồn tại phần lớn ở các gia đình trí thức, viên chức nhà nước, công nhân công nghiệp, gia đình quân đội, gia đình công an.

  • Gia đình mẫu hệ mới: Là gia đình chỉ có mẹ và con cái, không có người đàn ông đóng vai chồng. Kiểu gia đình này xuất hiện do sự phát triển của xã hội làm thay đổi nhận thức của mỗi người về quan niệm hôn nhân, tình yêu và vấn đề tình dục trở nên cởi mở hơn, cũng như chất lượng cuộc sống không ngừng tăng lên, tự do cá nhân được đề cao làm xuất hiện kiểu gia đình mới này.
  • Gia đình phụ hệ: Là gia đình có huyết thống tính theo dòng cha, khác với mẫu hệ tính theo dòng mẹ. Biểu hiện của gia đình phụ hệ có thể nhận biết qua hình thức tổ chức gia đình, dòng họ do người đàn ông (người cha) đứng đầu, vai trò người cha, con trai trong gia đình được đề cao, cách thức đặt tên con theo họ hay tên của cha, kế thừa gia sản, hình thái hôn nhân, nơi cư trú trong hôn nhân là ở gia đình xuất thân của người cha (tức bên nội).
  • Gia đình thiếu: Là gia đình một vợ một chồng, không có con cái do vô sinh hoặc do họ không muốn có con. Đây là kiểu gia đình đang ngày một gia tăng ở các nước phát triển. Trong xã hội công nghiệp hiện đại, con người có xu hướng kết hôn muộn và không muốn sinh con đẻ cái. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là họ dành thời gian cho công việc và phát triển sự nghiệp của mình. Vì vậy việc xuất hiện của đứa trẻ trong gia đình sẽ khiến cho vợ chồng mất đi quỹ thời gian làm việc. Hệ quả là gia đình mất đi chức năng cơ bản của nó là tái sản xuất xã hội, thiếu tình cảm gắn bó giữa các thành viên và quan trọng là thiếu sợi dây liên kết giữa vợ và chồng là con cái, dễ dẫn đến sự rạn nứt tình cảm và đổ vỡ gia đình mà biểu hiện là ly hôn. Không những thế, kiểu gia đình này gia tăng sẽ gây ra tình trạng già hóa dân số, thiếu nguồn nhân lực cho tương lai, đặt ra vấn đề nan giải cần xã hội giải quyết.
  • Gia đình đa hôn: Gồm hai biến thể là:
    • Đa thê: Người đàn ông cùng một lúc có nhiều vợ. Điều này thể hiện rõ sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trong đó người phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc vào người đàn ông và không có bất cứ quyền hành gì trong gia đình, đồng thời giữa những người phụ nữ có sự áp bức lẫn nhau như giữa vợ lớn với vợ thứ, giữa những người vợ thứ với nhau, vô tình góp phần làm tăng quyền lực của người chồng, củng cố sự áp bức lên những người vợ. Đây là kiểu gia đình tồn tại phổ biến trong xã hội phong kiến khi địa vị của người đàn ông trong xã hội được đề cao. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, mô hình gia đình này đang dần mất đi vì phần lớn hệ thống pháp luật các nước trên thế giới quy định hôn nhân một vợ một chồng, bình đẳng với nhau.
    • Đa phu: Tức một người vợ đồng thời có nhiều chồng. Kiểu gia đình này hiếm hơn gia đình đa thê nhưng vẫn còn tồn tại ở một số dân tộc ít người ở những vùng hẻo lánh trên thế giới, nơi vẫn còn tồn tại chế độ mẫu hệ.
  • Gia đình đồng giới: Đây là gia đình của những người cùng giới tính chung sống với nhau như một gia đình bình thường. Luật pháp một số nước trên thế giới thừa nhận hôn nhân đồng tính như bằng California (Mỹ), Hungary, Anh, Đan Mạch... Nhưng ở Việt Nam hiện nay, kiểu gia đình này không được pháp luật và dư luận xã hội chấp nhận.

3. Chức năng của gia đình

* Chức năng tái sản sinh xã hội

F.Engels viết: "Nhân tố quyết định trong lịch sử qui cho đến cùng là sản xuất và tái sản xuất. Nhưng bản thân sự sản xuất đó có hai loại: Một là sản xuất ra tư liệu sản xuất, ra thức ăn, gạo, nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó, hai là sự tự sản xuất ra chính bản thân con người, là sự truyền nòi giống.

Một trong những chức năng cơ bản của gia đình là duy trì nòi giống, tạo ra những thế hệ con cháu tiếp nối. Đó không chỉ là nhu cầu sinh lý, thỏa mãn việc tái sản xuất ra con người cho xã hội mà còn thỏa mãn nhu cầu có con, tạo niềm vui, hạnh phúc vợ chồng.

Xã hội phát triển không ngừng và gia đình đóng một vai trò là tế bào trong xã hội đó. Chính vì thế, chức năng tái sinh sản của gia đình không còn đơn thuần chỉ là việc tái sinh sản ra những thế hệ tiếp nối theo quan niệm "trời sinh voi sinh cỏ" mà còn phải thỏa mãn nhu cầu tạo ra những thế hệ toàn diện, những công dân tốt, khỏe mạnh về thể chất, tinh thần. Để tiếp nối những thành tựu của con người từ những thế hệ đi trước và biết phát huy, sáng tạo ra những thành tựu sau này phục vụ cho nhu cầu sống và khám phá ngày càng cao của xã hội và nhân loại, chức năng tái sản xuất của gia đình có một vai trò quyết định.

* Chức năng giáo dục

Là một chức năng quan trọng của gia đình mà xã hội không thể thay thế được, là sự hình thành nên một con người mới. Giáo dục cho thế hệ mai sau trong từng gia đình những tri thức về cuộc sống, mong muốn thế hệ mai sau của mình có những phẩm chất phù hợp với những định hướng giá trị của xã hội ở từng giai đoạn phát triển nhất định bởi gia đình là môi trường giáo dục quan trọng và thuận lợi cho nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ, là trường học học đầu tiên hình thành nhân cách và năng lực cá nhân.

Để phát triển thành một con người trưởng thành, đứa trẻ đó phải trải qua những năm tháng phát triển nhất định theo quy luật tự nhiên như từ lúc trẻ sơ sinh đến khi 14-15 tuổi là giai đoạn quyết định sự hình thành về tố chất và phẩm chất cá nhân, 16-17 tuổi là giai đoạn tiếp tục hoàn thành các phẩm chất đã hình thành và định hướng nghề nghiệp. Trong các quá trình này, vai trò của những thành viên khác trong gia đình đặc biệt là cha mẹ, cần phải có sự quan tâm về mặt tâm lý, tình cảm, lối sống... điều này mang một ý nghĩa định hướng quan trọng trong việc phát triển toàn diện của con mình, bởi họ là người trực tiếp gần gũi và trong một giai đoạn nhất định còn là tấm gương, hình mẫu cho con mình trước khi bước vào môi trường giáo dục ngoài xã hội. Vì thế, gia đình phải là ngôi trường đầu tiên hướng dẫn cho thế hệ mai sau của mình những kỹ năng cần thiết để hòa nhập xã hội trong những bước chân đầu tiên tiến gần đến kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, việc giáo dục còn tùy thuộc vào từng gia đình, bởi các vấn đề như hoàn cảnh kinh tế, trình độ học vấn của bố mẹ, địa bàn cư trú của gia đình, sự định hướng giá trị - nghề nghiệp của mỗi gia đình là khác nhau.

* Chức năng kinh tế và văn hóa

Mỗi gia đình đều có những nhu cầu sinh hoạt khác nhau cũng như những nhu cầu thiết thực về ăn, uống... nhằm duy trì sự ổn định về đời sống vật chất cho các thành viên trong gia đình. Gia đình thể hiện kinh tế chung từ kinh tế của các thành viên trong gia đình, là một bên thành phần trong quan hệ kinh tế thông qua tiêu dùng, mua - bán, đảm bảo nhu cầu vật chất và tinh thần cho các thành viên trong gia đình.

Cuộc sống phát triển cao, nhu cầu của con người ngày càng nhiều. Gia đình không chỉ có chức năng kinh tế mà còn có chức năng văn hóa xuất phát từ nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao, du lịch... Đáp ứng như một món ăn tinh thần làm cho cuộc sống thêm phong phú thể hiện trình độ phát triển cao, sự tinh tế, hướng về khía cạnh của cuộc sống, phát triển tâm hồn con người, chú trọng đến cái nội tâm bên trong để đạt đến sự phát triển hoàn thiện nhất.

* Chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm, tâm lý.

Trong một gia đình tồn tại nhiều nhu cầu khác nhau, trong đó có nhu cầu về mặt tình cảm, tâm lý của các thành viên trong gia đình. Gia đình là nơi mỗi cá nhân có thể chia sẻ những cảm xúc riêng tư nhất mà thông qua quá trình giao tiếp trong xã hội họ không thể bày tỏ, đó là nơi nghỉ ngơi và tụ họp, mọi người cùng bộc bạch cảm xúc cho nhau bằng ngôn từ và cử chỉ, vì vậy mọi căng thẳng, áp lực từ cuộc sống, việc học tập như được giảm nhẹ. Gia đình là nơi mà họ có thể bình tâm suy nghĩ, tiếp nhận được những lời khuyên chân tình, sự động viên, khích lệ của các thành viên mà nhờ đó những vấn đề khó xử của một người có thể được đưa ra bàn bạc và cùng nhau giải quyết và do đó gia đình là nơi tạo ra nguồn động lực để một người có thể tiếp tục thực hiện tốt vai trò của một công dân trong xã hội. Hơn nữa, gia đình còn là nơi con người có thể sống thoải mái nhất trong những cử chỉ, hành vi, ngôn từ mà không cần rào trước đón sau hoặc tuân theo những quy tắc ứng xử trong xã hội, chính vì thế mà năng lượng được tái tạo. Có thể nói, gia đình là điểm tựa vững chắc cho mỗi con người trong mọi và chạm với xã hội.

* Chức năng chăm sóc người già và trẻ em

Xã hội phát triển đồng nghĩa với việc cải tiến của công nghệ máy móc hiện đại trong đó các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho con người ngày càng được nâng cao và quan tâm nhiều hơn, từ đó dẫn đến xu hướng các thành viên ít có sự quan tâm hơn trước về việc chăm sóc gia đình của mình vì cho rằng xã hội đã có đủ điều kiện đáp ứng. Nhưng thực chất chức năng này của gia đình cũng hết sức quan trọng bởi đây không phải chỉ là vấn đề chữa bệnh mà còn là việc chăm sóc, an ủi kịp thời về mặt tâm lý, tình cảm đối với người ốm đau bệnh tật.

4. Gia đình trong xã hội công nghiệp - đô thị hoá

Gia đình sẽ biến đổi cùng với sự phát triển của xã hội và nhất là trong xã hội công nghiệp hóa - đô thị hóa, những thay đổi chúng ta dễ dàng nhận thấy nhất đó là sự thay đổi về chức năng, cấu trúc và vai trò của nó.

4.1. Sự suy giảm chức năng của gia đình

* Mất đi dần chức năng xã hội hóa.

Trong xã hội nông nghiệp, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ nghề nghiệp, chuyển giao kiến thức, hình thành các kỹ năng, chỉ dẫn vai trò, giáo dục các khuôn mẫu xã hội.

Gia đình là môi trường giáo dục cơ bản và sớm nhất trong đời người gia đình luôn kết hợp toàn diện và bằng nhiều hình thức khác nhau cùng với xã hội thực hiện chức năng của mình.

Biểu hiện cho chức năng này của gia đình trong xã hội xưa là sự xuất hiện của các làng nghề gia truyền trong đó nghề nghiệp trong gia đình được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác một trong gia đình.

Tuy nhiên không phải lúc nào gia đình là môi trường đầy đủ đảm bảo xã hội hóa cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt trong xã hội công nghiệp hóa - đô thị hóa hiện nay chức năng này một phần chuyển sang cho nhà trường. Nhà trường là nơi cung cấp các kiến thức chuyên môn, tay nghề, học vấn qua hệ thống giáo dục đào tạo.

Trong khi các thiết chế giáo dục càng tỏ ra hoàn thiện thì chức năng xã hội hóa trẻ em ở gia đình càng thu hẹp lại. Đặc biệt là trong việc chuẩn bị các kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo tay nghề, kiến thức chuyên môn ở mức độ cao đủ đáp ứng các yêu cầu của xã hội công nghiệp thì chỉ có các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề mới có thể đáp ứng được.

* Giảm dần chức năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nuôi dưỡng người già và các thành viên khác trong gia đình.

Trong xã hội truyền thống nông nghiệp, gia đình có vai trò rất lớn giúp đỡ thân nhân trong những lúc khó khăn, chẳng hạn như khi ốm đau, bệnh tật, công việc, học hành... Đặc điểm này xuất phát từ kiểu gia đình kép trong xã hội nông nghiệp khi mà các thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái cùng sống chung trong một nhà. Chính đặc điểm này đã giúp cho các thế hệ trong gia đình gắn bó với nhau hơn, giữ gìn được truyền thống của các thế hệ trong nội bộ gia đình, dòng họ, bảo tồn các tập tục lễ nghi, có điều kiện chăm sóc người già và thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, trong xã hội công nghiệp thì vai trò này chuyển dần sang cho các tổ chức xã hội khác. Trẻ em thì giao phó cho nhà trẻ, mẫu giáo, người già thì phó mặc cho nhà dưỡng lão hoặc đau lòng hơn là để họ tự lo lấy.

Xã hội càng hiện đại con người càng có nhiều mối quan hệ, các thành viên trong gia đình còn nhiều vấn đề phải giải quyết nên sự can thiệp, hỗ trợ của các cơ quan tổ chức trong lúc này là cần thiết. Tuy nhiên sự thay đổi này dẫn tới một hiện tượng tiêu cực đó là mối quan hệ gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo, cha mẹ không kiểm soát hết được hành vi của con cái, người già luôn bị cô đơn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần.

* Mất đi chức năng đơn vị kinh tế độc lập.

Gia đình trong xã hội nông nghiệp vừa là đơn vị sản xuất vừa là đơn vị tiêu dùng. Trong xã hội đó gia đình kép là phổ biến, gồm nhiều thế hệ chung sống với nhau, họ cùng nhau trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất tiêu thủ công nghiệp, họ tạo ra các sản phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày của họ. Mặt khác, cũng đóng vai trò là đơn vị tiêu dùng, vì gia đình trong xã hội nông nghiệp vẫn phải tiêu thụ các sản phẩm của xã hội để phục vụ đầy đủ cuộc sống của họ, nhất là những mặt hàng họ không tự mình sản xuất ra được.

Trong xã hội công nghiệp hóa - đô thị hóa thì gia đình chỉ còn một chức năng duy nhất là đơn vị tiêu dùng, vì những điều kiện khách quan cho sản xuất không còn nữa.

* Giảm thiểu vai trò thỏa mãn các nhu cầu văn hóa, tinh thần.

Trong xã hội nông nghiệp các hoạt động vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, sinh hoạt văn hóa diễn ra ở gia đình, dòng họ, làng xóm. Các lễ hội, ngày hội của làng xóm thu hút đông đảo sự tham gia của các thế hệ đặc biệt là các thế hệ trẻ, họ cùng nhau chơi các trò chơi dân gian, hát đối, nam nữ tìm hiểu lẫn nhau và cũng chính đặc điểm này làm cho quan hệ hôn nhân trong xã hội nông nghiệp diễn ra trong một phạm vi hẹp thường chỉ trong làng xóm với nhau. Tuy nhiên, trong xã hội công nghiệp, đô thị thì các hoạt động vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, sinh hoạt văn hóa thường diễn ra trong nhà hát, câu lạc bộ, công viên, nhà thờ, chùa, quán ăn, bên ngoài gia đình.

4.2. Những thay đổi trong cấu trúc gia đình

* Sự sụt giảm về số lượng thế hệ trong gia đình, điều đó được thể hiện thông qua số lượng thành viên trong gia đình đã giảm xuống, các thế hệ ít đi. Khi mà xu hướng ngày càng nhiều con cái trưởng thành sau khi lấy vợ, lấy chồng tách riêng ra khỏi gia đình cha mẹ tạo thành những gia đình đơn và đại gia đình như trước kia giảm về thế hệ và số lượng thành viên.

Sự thay đổi này trong cấu trúc của gia đình là một điều kiện thuận lợi cho gia đình trong việc phát triển kinh tế, sản xuất, cha mẹ có điều kiện tốt hơn để chăm sóc, giáo dục con cái và đặc biệt là những tác động tích cực đến xã hội trong vấn đề dân số khi mà trong thời gian gần đây vấn đề gia tăng dân số đang là một vấn đề nan giải của các cơ quan chức trách.

Hiện nay, ngoài việc hạn chế số lượng con cái do nhà nước qui định và xu hướng ít con là phù hợp với thời đại mới, thì các tiến bộ y học cho phép người ta chủ động hơn trong việc thai nghén, sinh nở. Người ta có thể chủ động trong việc muốn có con hay không và có con vào thời điểm nào là thuận lợi nhất. Đó cũng là những nguyên nhân làm thay đổi cấu trúc gia đình.

* Sự thay đổi trong gia đình do ly hôn mang lại. Ở một số nước phương Tây cho ly hôn là biện pháp hữu hiệu nhất để chấm dứt cuộc hôn nhân. Nhưng ly hôn là một trong các yếu tố đưa đến thay đổi trong cấu trúc gia đình rất lớn. Khi mà người cha - người chồng, người mẹ - người vợ rời bỏ mái ấm gia đình thì những trách nhiệm mà người đó chối bỏ buộc lòng những người còn lại trong gia đình phải gánh vác, những người này phải sắp xếp để bù vào khoảng trống đó. Ở các gia đình pha trộn do kết hôn lại còn phức tạp hơn nhiều vì nó nảy sinh một số vấn đề mới gay cấn như con cái, tài chính, hậu quả còn lại về mặt tình cảm cũng như pháp lý từ cuộc hôn nhân đổ vỡ trước.

Những thay đổi trong vai trò. Trong xã hội công nghiệp hiện đại có sự thay đổi rõ rệt vai trò của người vợ và người chồng, sự thay đổi đáng kể nhất là người phụ nữ, người vợ ít lệ thuộc vào chồng hơn trước rất nhiều. Họ tự đi làm để đóng góp vào thu nhập chung của gia đình, họ tham gia các công việc xã hội và có những uy tín nhất định trong gia đình, nhất là hiện nay nhiều chị em có trình độ học vấn cao và có việc làm ổn định trước khi tiến tới hôn nhân và đó là yếu tố quan trọng làm thay đổi nhận thức, dẫn tới thay đổi vai trò trong gia đình.

5. Đặc điểm của gia đình hiện đại

  • Tuổi kết hôn và phương thức lấy vợ, lấy chồng của nam nữ thanh niên muộn hơn các thế hệ trước. Tuổi kết hôn ngày càng kéo dài, do các quan niệm về hôn nhân - gia đình, tình dục đã thay đổi, một số không ít phụ nữ là người trì hoãn kết hôn, vì đối với họ kết hôn không còn là vấn đề hàng đầu mà phụ nữ quan tâm, họ thường chọn phương thức sống thử trước hôn nhân, còn việc sau đó có tiến tới hôn nhân hay không thì không quan trọng.
  • Quan niệm về sinh con và các kiểu sinh con là mô hình gia đình ít con, thậm chí ngày càng nhiều thanh niên coi trọng việc thành công và hưởng thụ của cá nhân hơn con cái, thậm chí có người suốt đời không muốn có con. Hay, một bộ phận chọn sinh con ngoài giá thú, những người phụ nữ độc thân mà có con thường là những người có địa vị xã hội tương đối cao, họ tự lực về kinh tế, đồng thời có sự hỗ trợ của khoa học về di truyền đã giúp họ thỏa mãn nhu cầu làm mẹ mà không cần phải lấy chồng.
  • Vợ chồng bình đẳng hơn trong các quyết định quan trọng của gia đình, cùng chia sẻ công việc trên cơ sở giới tính, sức khỏe, nghề nghiệp... vậy nên mức độ gia trưởng giảm.
  • Việc giáo dục con cái có tính khoa học, chủ yếu bằng thuyết phục, nêu gương và tôn trọng ý kiến của con. Điều quan trọng nữa là cả hai vợ chồng cùng nhau giáo dưỡng con cái.
  • Gia đình giải thể và tổ chức lại: Tỷ lệ ly hôn tăng lên không ngừng, cùng với điều này là những lần tái hôn kế tiếp đã tạo nên sự giải thể và tổ chức lại gia đình.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Cấu trúc và chức năng của gia đình về khái niệm, đặc điểm của gia đình, một số kiểu gia đình, vai trò của gia đình trong xã hội công nghiệp hóa - hiện đại hóa...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Cấu trúc và chức năng của gia đình. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Xã hội học đại cương

    Xem thêm