Đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ Văn lớp 9 năm 2014 - 2015
Đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ Văn lớp 9
Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2014 - 2015 là đề thi học kì I lớp 9 dành cho các bạn học sinh tham khảo nhằm củng cố kiến thức. Đề thi môn Văn có đáp án đi kèm, thuận tiện hơn khi luyện tập và kiểm tra kết quả. Chúc các bạn học tốt.
Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 9 năm học 2014 - 2015 huyện Bình Giang, Hải Dương
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2014 – 2015
MÔN: NGỮ VĂN – LỚP 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề bài gồm 01 trang)
Câu 1 (2,0 điểm)
Phát hiện và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ có trong đoạn thơ sau bằng một đoạn văn:
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá)
Câu 2 (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
"Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: "Má! Má!". Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy".
(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2009, tr.196)
a) Đoạn trích trên được rút ra từ tác phẩm nào, của ai? Kể tên hai nhân vật được người kể chuyện nhắc tới trong đoạn trích?
b) Nêu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm em vừa xác định?
c) Lẽ ra, cuộc gặp mặt sau tám năm xa cách sẽ ngập tràn niềm vui và hạnh phúc nhưng trong câu chuyện, cuộc gặp ấy lại khiến nhân vật "anh" "đau đớn". Vì sao vậy? Hãy lí giải bằng một đoạn văn ngắn (từ 3 đến 4 câu).
Câu 3 (5,0 điểm)
Suy nghĩ của em về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân.
ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I NĂM HỌC 2014 – 2015
Câu 1: (2đ)
Về kĩ năng: Học sinh biết viết thành đoạn văn. Diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, thuyết phục.
Về nội dung kiến thức: Học sinh cần trình bày các ý sau:
- Nghệ thuật liệt kê: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song để làm nổi bật sự đa dạng và giàu có của biển.
- Nghệ thuật so sánh: cá song lấp lánh đuốc đen hồng khiến biển đêm lung linh huyền ảo đầy sức sống.
- Nghệ thuật nhân hóa ở hai câu thơ cuối (cái đuôi em quẫy, đêm thở, sao lùa) không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp của biển đêm mà còn làm cho biển trở lên gần gũi, có hồn.
=> Các biện pháp nghệ thuật trên đã làm nổi bật sự giàu có và đẹp đẽ của biển, biển đêm hiện lên như một bức tranh lung linh, rực rỡ, đầy màu sắc. Nó được vẽ lên bằng trí tưởng tượng, sự lãng mạn bay bổng và tâm hồn yêu mến biển của Huy Cận
Biểu điểm:
- Điểm 2: Viết đúng đoạn văn, đủ ý, sáng tạo, diễn đạt lưu loát.
- Điểm 1: Đảm bảo 1/2 số ý, còn mắc lỗi diễn đạt.
- Điểm 0,5: Cảm nhận chưa đúng hướng, mắc nhiều lỗi diễn đạt,
- Điểm 0: Bài làm lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.
(HS có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng đủ ý vẫn cho điểm tối đa)
Câu 2:
a)
- Đoạn văn trên được rút từ tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng (Nêu đúng tên tác phẩm được 0,25; tên tác giả: 0,25 điểm)
- Hai nhân vật được người kể chuyện nhắc tới trong đoạn trích là anh Sáu và bé Thu (Nêu đúng tên mỗi nhân vật được 0,25 điểm)
b) Tác phẩm "Chiếc lược ngà" được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân ta đang diễn ra ác liệt. (1,0đ)
c) Nội dung: HS nêu được các lí do:
- Ông Sáu đi chiến đấu xa nhà đã lâu, nay ông được về thăm nhà, khao khát đốt cháy lòng ông là được gặp con, được nghe con gọi tiếng "ba" để được ôm con vào lòng và sống những giây phút hạnh phúc bấy lâu ông mong đợi.
- Nhưng thật éo le, con bé không những không nhận ông là ba mà còn tỏ thái độ rất sợ hãi. Chính điều đó đã khiến ông hụt hẫng và đau đớn tột cùng.
(Lí giải đúng mỗi ý được 0, 5 điểm. – HS có thể diễn giải theo nhiều cách nhưng đúng ý, hiểu đúng vấn đề vẫn cho điểm tối đa)
Câu 3:
Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết vận dụng các kĩ năng nghị luận để làm thành một bài tập làm văn nghị luận về một nhân vật văn học.
- Đối tượng nghị luận: Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng".
- Bố cục ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài
- Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, trau chuốt, văn viết có cảm xúc chân thành, biết phân tích, đánh giá để làm nổi bật các đặc điểm của nhân vật, triển khai các luận điểm phù hợp.
Yêu cầu về kiến thức:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu chung về nhân vật ông Hai
2. Thân bài:
a. Ông Hai là một người yêu làng sâu sắc:
- Ông Hai là một người nông dân ở làng chợ Dầu, ông lluôn tự hào và hay khoe về làng (khoe phong cảnh đẹp, tinh thần kháng chiến của làng...). Ông tình nguyện ở lại chiến đấu bảo vệ làng. Khi phải đi tản cư, ông luôn nhớ về làng, nhớ anh em đồng chí (dẫn chứng)
- Khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc: ông đau khổ, dằn vặt, tủi nhục đau đớn, xấu hổ không dám nhìn ai, lo sợ bị người ta bài trừ, không chứa; ruột gan cứ rối bời, không khí gia đình nặng nề, u ám... (dẫn chứng, phân tích)
- Khi nghe tin làng chợ Dần theo giặc được cải chính, ông vui sướng, hạnh phúc đi khoe khắp nơi, khoe khắp nơi nhà mình bị tây đốt, kể về làng Chợ Dầu quê hương ông một cách say sưa và náo nức lạ thường. (dẫn chứng, phân tích)
b. Tình yêu làng của ông Hai thống nhất với tình yêu đất nước, trung thành với CM và lãnh tụ
- Ở nơi tản cư, ông luôn tìm và nghe tin tức kháng chiến
- Ông căm thù bọn bán nước. Khi biết tin làng mình theo giặc, ông Hai đã đưa ra quyết định đầy khó khăn nhưng dứt khoát "làng thì yêu thật nhưng làng theo tây mất rồi thì phải thù"...
- Điều này cho thấy tình yêu làng quê đã gắn liền với tình yêu Tổ quốc. Tình yêu nước bao trùm tình yêu làng...
- Trung thành tuyệt đối với cách mạng, với lãnh tụ (qua lời tâm sự với đứa con)
Với mỗi đặc điểm của nhân vật, HS cần lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu và phân tích đánh giá.
c. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Tạo tình huống truyện hấp dẫn để nhân vật bộc lộ tính cách
- Miêu tả tinh tế diễn biến tâm lí nhân vật ông Hai
- Ngôn ngữ nhân vật đặc sắc, giàu tính khẩu ngữ...
d. Đánh giá:
- Ở nhân vật ông Hai, tình yêu làng gắn bó thống nhất với tình yêu nước, với tinh thần kháng chiến. Đây chính là nét chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân sau cách mạng tháng Tám
- Nhân vật ông Hai là hình tượng tiêu biểu cho tình cảm yêu làng, yêu nước của người người nông dân VN sau cách mạng tháng tám. Đây là một tình cảm cao đẹp, thiêng liêng, bền vững, có sức mạnh lớn để đất nước ta tạo nên sức mạnh đoàn kết, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
3. Kết bài
- Khái quát lại đặc điểm nhân vật
- Khẳng định thành công của tác phẩm; nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc của tác giả.
Biểu điểm:
- Điểm 5: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, trình bày sạch đẹp, có thể còn một vài sơ sót nhỏ về diễn đạt.
- Điểm 3- 4: Đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu trên, còn một vài lỗi về diễn đạt nhưng không làm sai lệch ý của người viết.
- Điểm 2-3: Đạt được một nửa các yêu cầu trên, trình bày thiếu ý hoặc đủ ý nhưng qúa sơ sài, mắc khá nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1: Viết được quá ít, hoặc lạc nhiều sang kể lại nhân vật.
- Điểm 0: Không làm được gì hoặc sai lạc hoàn toàn.
Lưu ý:
- HS có thể trình bày theo những cách khác nhưng nêu đúng và phù hợp vẫn cho điểm tối đa.
- Giám khảo chỉ cho điểm tối đa khi học sinh đạt được cả hai yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.
- Nếu HS làm đủ các ý nhưng không có phân tích, đánh giá về nhân vật thì chỉ cho một nửa số điểm.