Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn - Đề 1

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 1 là đề thi thử mới, sát với chương trình học Ngữ văn lớp 9 do VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh củng cố kiến thức trong quá trình ôn thi. Mời các bạn tham khảo!

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 1

Phần I: (6 điểm)

Trong văn bản “Làng ”của Kim Lân có đoạn:

“Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được? Mà thằng Chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước… Lại còn bao nhiêu người làng, tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?...”

(SGK Ngữ văn 9, tập một, trang 166)

1. Tâm trạng của nhân vật được nói đến trong đoạn trích trên là ai? “Cái cơ sự này” trong đoạn trích là điều gì?

2. Việc sử dụng liên tiếp các câu nghi vấn trong đoạn văn trên có tác dụng gì trong khi diễn tả những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật?

3. Bằng sự hiểu biết về truyện ngắn “Làng”, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 12 – 15 câu theo theo phép lập luận tổng - phân - hợp, phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật khi biết “cái cơ sự này”. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần tình thái và khởi ngữ (Gạch chân và chú thích rõ).

4. Tại sao khi xây dựng hình tượng nhân vật chính luôn hướng về làng chợ Dầu, nhưng tác giả lại đặt tên tác phẩm của mình là “Làng” chứ không phải “Làng chợ Dầu”?

5. Trong chương trình Ngữ văn THCS cũng có một tác phẩm viết về người nông dân với nỗi đau sâu sắc bộc lộ qua cử chỉ, ngoại hình. Đó là tác phẩm nào? Tác giả là ai?

Phần II (4 điểm)

Trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy có câu: “Ngửa mặt lên nhìn mặt”

1. Chép tiếp câu thơ trên để hoàn thành khổ thứ năm của bài thơ.

2. Từ “mặt” thứ hai trong khổ thơ vừa chép được chuyển nghĩa theo phương thức nào? Phân tích cái hay của cách dùng từ nhiều nghĩa trong câu thơ đó?

3. Hãy viết một đoạn văn quy nạp (khoảng 10 câu) phân tích ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng và chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí trong khổ thơ kết của bài thơ. Trong đoạn có sử dụng một câu phủ định (Gạch chân câu phủ định).

Đáp án Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 1

Phần I (6 điểm)

Câu 1:

- Tâm trạng của nhân vật được nói đến trong đoạn trích là ông Hai.

- “Cái cơ sự này” chỉ việc làng Chợ Dầu theo Tây, phản lại kháng chiến.

Câu 2:

Việc sử dụng liên tiếp các câu nghi vấn có tác dụng diễn tả chân thực, sinh động cảm xúc rối bời, nghi hoặc, đau khổ, nhục nhã đến tận cùng của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc.

Câu 3:

Đoạn trích diễn tả cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt trong tâm trạng ông Hai khi biết “cái cơ sự” làng theo giặc đã thể hiện tình yêu làng, yêu nước, thủy chung với cách mạng của ông. Lần đầu tiên, ta thấy ông Hai chửi người làng. Một mặt, ông cố thuyết phục mình không tin vào tin dữ kia, kiểm điểm trong óc mình từng người một: “Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả.”. Thế rồi, chính ông lại hoang mang: “Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được?”. Ông còn tự mình khẳng định: “Mà thằng chánh Bệu thì đích là người làng ông rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì”. Có lẽ, ông Hai đã cố gắng hành động theo lí trí để suy xét tình hình nhưng càng ngẫm lại càng nhận ra sự thực cay đắng. Bẽ bàng, tủi hổ, ông suy sụp: “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!”.Các câu văn ngắn, được diễn đạt dưới hình thức cảm thán cho thấy nỗi chua xót đến cùng cực. Về việc tương lai, ông Hai còn thấy lo lắng cho cuộc sống của mình và những người làng đi tản cư: “Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao?”. Lần đầu tiên, ông Hai cảm thấy sợ hãi vì mình là người dân làng Chợ Dầu. Viễn cảnh sẽ phải sống trong sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của mọi người khiến tâm trạng ông rơi vào vực thẳm.Trong một đoạn văn ngắn, Kim Lân sử dụng nhiều câu hỏi tu từ, diễn tả một cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt, một nỗi day dứt, đau khổ khôn cùng, khôn tả trong lòng ông Hai. Như vậy, đoạn văn trên đã diễn tả chân thực cuộc đấu tranh nội tâm trong lòng ông Hai và từ đó thể hiện tình yêu làng, yêu nước của ông.

- Thành phần tình thái: Có lẽ.

- Khởi ngữ: Về việc tương lai

Câu 4:

Tác giả đặt tên nhan đề là “Làng” để tác phẩm mang tính phổ quát hơn cả về hình thức thể hiện lẫn nội dung ý nghĩa. Trong kháng chiến, có rất nhiều ngôi làng như làng Chợ Dầu với nhiều người nông dân yêu làng, yêu nước, yêu kháng chiến như ông Hai. Từ đó, nhan đề góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm, ca ngợi tình yêu quê hương của người nông dân nói chung trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Câu 5:

Tác phẩm viết về người nông dân với nỗi đau sâu sắc bộc lộ qua cử chỉ, ngoại hình là “Lão Hạc” của Nam Cao.

Phần II (4 điểm)

Câu 1: Chép tiếp câu thơ trên để hoàn thành khổ thứ năm của bài thơ

"Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng"

Câu 2:

- Từ “mặt” thứ hai trong câu được chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ.

- Cái hay của cách dùng từ nhiều nghĩa trong câu thơ nằm ở chỗ nó gợi được linh hồn, hơi thở của sự vật. “mặt” gợi hình ảnh mặt trăng vừa là thiên nhiên tươi mát, vừa là người bạn tri âm mà thi nhân đã lãng quên. Hai từ “mặt” xuất hiện trong cùng một câu thơ diễn tả tư thế mặt đối mặt như tâm sự, truy vấn, tìm lại chính mình, nhắc nhở về đạo lí ân nghĩa thủy chung.

Câu 3:

Trong khổ cuối của bài thơ, cụm từ “tròn vành vạnh” gợi lên hình ảnh vầng trăng tròn đầy, tỏa sáng giữa không gian bao la. Ngoài ra, nó còn biểu tượng cho sự thuỷ chung, trọn vẹn. Thiên nhiên, quá khứ không thay đổi dù con người có đi đến nơi đâu. Ánh trăng được nhân hoá “im phăng phắc”. Dường như trăng vưa nghiêm khắc mà vẫn rất bao dung, độ lượng với con người. Cái im lặng của trăng khiến nhà thơ “giật mình” thức tỉnh, tự truy vấn chính mình. Câu thơ cuối cùng gieo vào lòng người đọc nỗi ám ảnh, day dứt. Có lẽ, con người đã quá mải mê với sự bận rộn, quen với sự tiện nghi của ánh sáng đèn điện mà bỏ quên vầng trăng vẫn âm thầm chiếu sáng ngàn đời. Qua hình ảnh vầng trăng vừa là biểu tượng của thiên nhiên tươi đẹp vừa là người bạn thủy chung tình nghĩa, Nguyễn Duy đã gửi đến mọi người lời nhắc nhờ về đạo lí sống ân nghĩa. Khồ thơ tập trung thể hiện ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng và chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm.

---------------------------------------------------------

Ngoài bài viết trên, mời các bạn truy cập vào chuyên mục Thi vào lớp 10 trên VnDoc để tham khảo Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn - Đề 2 .Chúc các bạn học tập thật tốt và gặt hái được nhiều thành công!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi vào 10 môn Văn

    Xem thêm