Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn - Đề 4

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9 - Đề 4

Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn - Đề 4. Tài liệu giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng giải đề thi, biết cách phân bổ thời gian làm bài sao cho hợp lý. Mời các bạn cùng tham khảo

Đề bài

Câu 1: (2 điểm) Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 10 dòng giấy thi, phân tích khổ thơ cuối bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh. Trong đoạn văn có sử dụng phép liên kết câu (Gạch chân dưới những từ ngữ sử dụng phương tiện liên kết câu đó).

Câu 2: (5 điểm) Cảm nhận của em về hình tượng con cò trong văn học và đậm nét trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.

Câu 3: (3 điểm) Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.

Đáp án đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn

Câu 1: (2 điểm)

* Yêu cầu cần đạt:

1. Hình thức

- Viết đúng hình thức đoạn văn. Các câu có sự liên kết chặt chẽ.

- Đoạn văn ngắn khoảng 10 dòng giấy thi.

- Đoạn văn có sử dụng phép liên kết câu. Gạch chân dưới những từ ngữ sử dụng phương tiện liên kết câu.

2. Nội dung

- Nghệ thuật: ẩn dụ.

- Nội dung:

+ Lớp nghĩa thực: Khi mùa thu đến, sấm đã ít hơn, cây không còn bị bất ngờ vì sấm sét.

+ Lớp nghĩa hàm ẩn: Giống như hàng cây đứng tuổi, khi con người đã từng trải, từng chịu nhiều giông gió trong đời thì tác động của ngoại cảnh (sấm) không làm người ta bị bất ngờ, bị động nữa.

⟶ Ý nghĩa triết lí: Những con người từng trải đã vượt qua những khó khăn của cuộc đời càng trở nên vững vàng hơn trước mọi thử thách.

Câu 2: (5 điểm)

Cảm nhận của em về hình tượng con cò trong văn học và đậm nét trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên.

* Yêu cầu cần đạt:

1. Biểu tượng con cò trong ca dao:

Con cò là người bạn gần gũi nhất của người nông dân. Có lẽ chính bởi cái vóc dáng thanh thoát, nhẹ nhàng và cuộc sống bay nhảy hồn nhiên của loài chim ấy khiến cho tâm hồn người dân muốn vươn tới, muốn được hưởng một cuộc đời như thế!

a. Con cò - biểu tượng cuộc sống thanh bình

- Con cò - chính là biểu tượng một cuộc sống yên bình ấm no, một cuộc sống sum họp quây quần, là biểu tượng của những con người Việt Nam mang đầy đủ phẩm chất tốt đẹp song phải chịu cuộc đời khổ cực, nhọc nhằn.

- Nhắc đến cánh cò, người ta thường nghĩ ngay đến những làng quê với sự sống tràn đầy ăm ắp, với những khung cảnh yên vui, chất chứa linh hồn của sự sống và niềm tin:

Con cò bay bổng bay cao

Bay qua cửa phủ, bay vào Đồng Đăng.

Cánh cò chao nghiêng như nhịp lên trong lòng người nốt nhạc của một tình yêu đời tha thiết, một khung cảnh thanh bình ấm no:

Con cò bay lả bay la

Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng.

Hình ảnh cánh cò chắp cánh nối liền Nam Bắc, hai bờ cuộc sống thanh bình:

Đồng Tháp mười cò bay thẳng cánh

Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm.

b. Con cò - biểu tượng của sự sum họp

- Cánh cò còn đi liền với biểu tượng một cuộc sống sum họp để động viên, để nhen nhóm trong tâm hồn người Việt Nam niềm say mê, hăng say lao động cày cấy.

- Cánh cò không chỉ đi vào đời sống vật chất mà len lỏi vào cả đời sống tinh thần, tâm hồn con người. Biểu tượng con cò đem lại hơi ấm của tình yêu và lòng hăng say lao động cho con người.

- Cánh cò chở không gian thoáng đãng, chở nặng không khí lao động vui tươi, chở nặng ước mơ cháy bỏng đến những tháng ngày mai sau. Con sò, biểu tượng cho ước mơ đó mang trong mình một cuộc sống thật đẹp đẽ, đáng quý biết bao!

c. Con cò biểu tượng cho người nông dân

- Hình ảnh con cò đã ăn sâu vào đời sống của người nông dân, con cò hay chính người nông dân đang vật lộn trong vòng quay khắc nghiệt của cuộc sống. Sự liên tưởng độc đáo đó đã biến hình ảnh con cò trở thành một biểu tượng rất quen thuộc, biểu tượng cho người nông dân với những phẩm chất tốt đẹp song luôn phải đối mặt với những gian khổ, khó khăn.

Trời mưa

Quả dưa vẹo vọ

Con ốc nằm co

Con tôm đánh đáo

- Hình ảnh:

Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao

Ông ơi! Ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Đã làm sáng ngời phẩm giá của người nông dân: phẩm giá trong sạch, chết trong còn hơn sống đục. Phải đặt biểu tượng nhân vật vào đúng tình huống thực tại mới thấy được cái cao quý trong tâm hồn con người Việt Nam.

d. Con cò - biểu tượng của người phụ nữ

- Hình tượng người phụ nữ chiếm số lượng không nhỏ trong ca dao, đặc biệt khi hình tượng ấy được tái hiện bằng hình ảnh cánh cò. Người phụ nữ hiện lên thấp thoáng đằng sau những thân cò lam lũ, vất vả:

Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

- Dù ở bất cứ nơi đâu, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, người phụ nữ vẫn mang một số phận hẩm hiu, long đong. Tiếng khóc nỉ non ấy vang lên giữa không gian vắng lặng, liệu có ai thấu hiểu cho chăng? Tiếng khóc ấy than vãn về một kiếp người hay mọi kiếp người?

- Tác giả dân gian đã diễn tả thân phận, cảnh đời đáng thương ấy bằng biểu tượng “con cò lặn lội bờ sông”. Người phụ nữ như thấm thía được cái nhỏ nhoi của lòng người. Những giây phút như thế, ta mới thấy rõ cái bèo bọt của một kiếp người, kiếp đời trong xã hội cũ.

e. Biểu tượng con cò với văn học viết:

- Hình ảnh cánh cò được chắp cánh thời gian tìm đến với mọi tâm hồn say mê cái đẹp, say mê nghệ thuật. Dường như rất nhiều trái tim cùng một nhịp chung khi để lòng mình gắn với cánh cò mang nặng tình quê hương, hồn dân tộc. Cánh cò ấy vẫn tiếp nối truyền thống thơ ca dân gian để đậu vào trang sách của Tú Xương trở thành những lời tâm huyết của thi nhân

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

(Thương vợ - Trần Tế Xương)

Cánh cò tượng trưng cho hình tượng người vợ tần tảo, lam lũ nuôi chồng, nuôi con. Người phụ nữ ấy vẫn mang trong mình phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa. Biểu tượng cánh cò giờ đây lại càng láng quý, đáng trân trọng hơn bao giờ hết.

- Cánh cò cất cánh, bay không ngừng nghỉ, bay vào những vần thơ lãng mạn đầy ưu tư của nhà thơ Xuân Diệu:

Mây biếc về đâu bay gấp gấp

Con cò trên ruộng cánh phân vân

(Thơ duyên - Xuân Diệu)

- Từ cánh cò trong thơ Vương Bột xưa (nhà thơ Trung Quốc): “Cánh cò với ráng chiều cùng sa xuống” đến cánh cò trong thơ Xuân Diệu cách nhau bao thế kỉ, dường như cánh cò ấy đang trở mình để bay đến thơ ca hiện đại. Những vần thơ cháy bỏng tình yêu, nỗi nhớ day dứt của thi sĩ Hoàng Cầm về quê hương Kinh Bắc cũng ẩn chứa trong đó một cánh cò, cánh cò của đất nước:

Có con cò trắng bay vùn vụt

Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu.

(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

Cánh cò ấy như chở cả quá khứ, hiện tại và tương lai đang hoảng hốt bay nhanh trong không gian chiến tranh khốc liệt. Cánh cò được khoác lên chiếc áo của một sinh thể có hồn, biết chở nặng tâm trạng lo âu, khắc khoải của nhà thơ về quê hương yêu dấu.

2. Hình ảnh con cò trong bài thơ cùng tên của Chế Lan Viên:

Đây là hình ảnh thơ sáng tạo trong thơ của Chế Lan Viên:

- Từ hình ảnh ẩn dụ “con cò” trong ca dao, bài thơ đã làm phong phú, sinh động cho hình ảnh đó. Hình ảnh con cò trong thơ Chế Lan Viên mang giá trị biểu tượng, giàu ý nghĩa biểu đạt và biểu cảm; vừa quen thuộc, cụ thể nhưng lại vừa hàm ý sâu xa và khái quát.

- Hình ảnh con cò trong bài thơ vừa hiện thực, vừa kì ảo nhưng lại rất gần gũi và thân thương.

- Đoạn thơ 1: “Con còn bế trên tay... con ngủ chẳng phân vân”.

⟶ Hình ảnh con cò qua những lời ru của mẹ khi còn ấu thơ. Con cò tượng trưng cho người mẹ, người phụ nữ nhọc nhằn, vất vả, lặn lội kiếm sống.

- Đoạn thơ 2: “Ngủ yên!... Và trong hơi mát câu văn”.

Hình ảnh con cò gần gũi, thân thiết và gắn bó, theo cùng con người suốt cuộc đời. Hình ảnh ấy mang ý nghĩa biểu tượng về tình yêu, về sự dìu dắt, nâng đỡ dịu dàng và bền bỉ của người mẹ.

- Đoạn thơ 3: “Dù ở gần con... quanh nôi”.

⟶ Con cò biểu tượng cho tấm lòng người mẹ, lúc nào cũng ở bên con.

* Hình tượng biểu tượng: con cò, cánh cò trắng làm nổi bật hình tượng trung tâm của bài thơ: Mẹ và Lời hát ru.

* Nhà thơ Chế Lan Viên đã chọn lọc cái tinh thần của ca dao làm thành chủ đề mang tính quy luật, triết lí. Đây cũng chính là biểu hiện rõ nét nhất phong cách thơ Chế Lan Viên: Chất suy tưởng, triết lí; chất trí tuệ và hiện đại.

Câu 3: (3 điểm)

* Yêu cầu cần đạt:

1. Tìm hiểu đề

- Đề yêu cầu làm nổi bật những phẩm chất tính cách của Phương Định.

- Khắc hoạ thành công hình ảnh chiến trường gian khổ, khó khăn, khốc liệt (rất hiện thực, chân thực, xúc động).

- Phẩm chất anh hùng của thời chống Mĩ: dũng cảm, can trường, lạc quan, tràn đầy khát vọng.

- Nền cảnh: máy bay, bom, bom nổ chậm, bom rơi...

- Công việc: nguy hiểm: phá bom, lấp hố bom, tháo gỡ bom mìn.

⟶ thần kinh căng thẳng, tim đập loạn xạ, thời tiết nóng bức.

- Phẩm chất, tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, mơ mộng và rất nhạy cảm, tự tin, có tinh thần trách nhiệm, gắn bó trong tình đồng đội, dũng cảm, giàu yêu thương.

2. Ngoại hình

- Cô gái Hà Nội xung phong vào chiến trường, có một thời học sinh hồn nhiên, sống vô tư bên mẹ.

- Cô gái Hà Nội xinh đẹp: “Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ: ao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn...” Những nét bút phác hoạ, điểm xuyết...

- Hình ảnh người con gái hiện lên sao mà gần gũi, bình dị, gợi lên bao niềm thương mến trong ta, vừa gợi lên nét cao quý: đẹp thanh thoát, kiêu hãnh.

3. Hành động

- Tôi thích nhiều bài... Tôi thích dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng... thích nhiều....

- Đón mưa đá: Vui thích cuống cuồng: “Mưa đá! Cha mẹ ơi! Mưa đá!”. Niềm vui thơ trẻ, trong sáng, hồn nhiên.

- Sự xót xa về tuổi thơ ⟶ ánh lên sự hi sinh.

- Nỗi nhớ từ mơ hồ đến nhẹ nhàng, đến đầy đủ, cụ thể, rõ nét và mãnh liệt.

⟶ Tâm hồn cô gái đầy yêu thương, nhân hậu.

....................................

Ngoài Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn - Đề 4. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Văn

    Xem thêm