Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10 tỉnh Thái Nguyên năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10 năm 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10 tỉnh Thái Nguyên năm học 2015 - 2016 là đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh hay giúp các em luyện đề và ôn tập kiến thức hiệu quả, giúp các thầy cô có thêm tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi. Mời quý thầy cô và các bạn tham khảo.

UBND TỈNH THÁI NGUYÊN

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ CHÍNH THỨC

KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 10 THPT

NĂM HỌC 2015 - 2016

MÔN LỊCH SỬ

Thời gian: 150 phút không kể thời gian phát đề

Câu I (3,0 điểm). Bằng các sự kiện lịch sử tiêu biểu, hãy chứng tỏ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta thời Bắc thuộc (từ thế kỉ II TCN đến đầu thế kỉ X) diễn ra liên tục và rộng lớn.

Câu II (6,0 điểm). Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), hãy:

  1. Trình bày tóm tắt diễn biến.
  2. Bình luận ngắn gọn về Hội thề ở Lũng Nhai (1416) và Hội thề Đông Quan (1427).
  3. Phân tích nguyên nhân thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Câu III (4,0 điểm). Thông qua việc trình bày tóm tắt nội dung các cuộc cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông (thế kỉ XV) và vua Minh Mạng (thế kỉ XIX), hãy rút ra những điểm giống nhau giữa hai cuộc cải cách này.

Câu IV (3,0 điểm). Trình bày nguyên nhân bùng nổ và ý nghĩa lịch sử của phong trào Văn hóa Phục hưng.

Câu V (4,0 điểm). Hãy làm rõ những điểm giống và khác nhau giữa cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII và cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10 năm 2016

Câu 1: Bằng các sự kiện lịch sử tiêu biểu, hãy chứng tỏ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta thời Bắc thuộc...

Trong suốt thời Bắc thuộc các cuộc đấu tranh của nhân dân ta liên tiếp nổ ra ở cả 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Tiêu biểu:

  • Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40)...
  • Khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248)...
  • Khởi nghĩa Lý Bí (năm 542)...
  • Khởi nghĩa Đinh Kiến, Lý Tự Tiên (năm 687)...
  • Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (đầu thế kỉ VIII)...
  • Khởi nghĩa Phùng Hưng (khoảng 776-791)...
  • Khởi nghĩa Dương Thanh (819-820)...
  • Khúc Thừa Dụ giành lại nền độc lập tự chủ (905)...

Câu 2: Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427)...

1. Khái quát diễn biến

  • Cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo nổ ra vào năm 1418. Mực dù nhiều lần bị quân Minh tiến đánh những nghĩa quân vẫn giữ vững được tinh thần chiến đấu, mở rộng được địa bàn hoạt động, sau đó làm chủ được cả vùng đất rộng lớn từ Thanh Hóa vào Nam...
  • Năm 1426, giữa lúc quân khởi nghĩa đang trên đà thắng lợi và tiếng tăm của Lê Lợi lên cao, nghĩa tiến đánh thành Đông Quan, và đánh tan quân Minh trong trận Tốt Động-Chúc Động...
  • Năm 1427, nghĩa quân đã đập tan tác 15 vạn viện binh của giặc trong trận Chi Lăng - Xương Giang, giết chết viên chỉ huy quân Minh là Liễu Thăng. Cuối cùng, người Minh phải giảng hòa chấp nhận mở Hội thề Đông Quan để được an toàn rút quân về nước...

2. Bình luận về Hội thề Lũng Nhai (1416), Hội thề Đông Quan (1427)

  • Đầu năm 1416, Lê Lợi cùng 18 người trong bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa đã tổ chức Hội thề ở Lũng Nhai. Thành phần tham dự Hội thề có đủ các thành phần điều đó tượng trưng cho khối đoàn kết dân tộc chung sức, chung lòng quyết tâm đánh giặc giữ nước. Bài văn thề là lời thề non nước, 19 người dự thề là những hạt nhân đầu tiên của bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn...
  • Hội thề Đông Quan thể hiện nghệ thuật kết thúc chiến tranh độc đáo của Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Nghĩa quân Lam Sơn đã giành thắng lợi quân sự quyết định chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang, tiêu diệt đạo quân tiếp viện của nhà Minh, quân Minh mất hết ý chí chiến đấu...Với thiện chí nhân nghĩa của dân tộc, đỡ nhọc tướng tá, bớt hao tổn xương máu, mở đường hiếu sinh hai dân tộc, giữ nền hòa bình muôn thuở, ngăn chặn âm mưu của một cuộc chiến tranh mới..., năm 1427 Lê Lợi, Nguyễn Trãi tổ chức Hội thề Đông Quan... Vương Thông đồng ý rút quân về nước, cuộc khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn.

3. Nguyên nhân thắng lợi

  • Với tinh thần "Quyết không đợi trời chung cùng quân giặc" nghĩa quân Lam Sơn đã chiến đấu kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hi sinh gian khổ để vượt qua khó khăn, lật đổ nền thống trị của nhà Minh...
  • Nghệ thuật quân sự độc đáo của cuộc khởi nghĩa: Với tư tưởng "Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, đem chí nhân mà thay cường bạo", nghệ thuật đánh lâu dài..., trận quyết chiến chiến lược...., kết thúc chiến tranh.
  • Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có một bộ chỉ huy nghĩa quân vừa kiên định vừa tài giỏi đứng đầu là Lê Lợi, Nguyễn Trãi....

Câu 3: Thông qua việc trình bày tóm tắt nội dung các cuộc cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông...

1. Tóm tắt nội dung hai cuộc cải cách

  • Cải cách hành chính của vua Lê Thánh Tông: Ở Trung ương, chức Tể tướng và các chức Đại hành khiển bị bãi bỏ. Vua trực tiếp quyết định mọi việc. Bên dưới là 6 bộ. Các cơ quan Ngự sử đài, Hàn lâm viện được duy trì với quyền hành cao hơn. Cả nước chia thành 13 đọa Thừa tuyên. Mỗi đạo đều có 3 ti trông nom các mặt dân sự, quân sự, an ninh. Dưới đạo là các phủ, huyện, châu như cũ. Người đứng đầu xã là xã trưởng do dân bầu.
  • Cải cách hành chính của vua Minh Mạng: Vua Minh Mạng quyết định bỏ Bắc thành và Gia Định thành, chia cả nước thành 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên. Mỗi tỉnh đều có Tổng đốc, Tuần phủ cai quản cùng hai ti, hoạt động theo sự điều hành của Triều đình. Các phủ, huyện, châu, tổng, xã đều được giữ như cũ.

2. Điểm giống nhau của hai cuộc cải cách

  • Đều diễn ra trong bối cảnh đất nước sau một thời gian dài bị chiến tranh, khủng hoảng, bộ máy hành chính yếu kém về mọi mặt. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính hai ông đã kiên quyết cải cách hành chính và coi đây là điều kiện tiên quyết để đưa đất nước phát triển và thực hiện các cuộc cải cách khác.
  • Hai cuộc cải cách đều chủ trương xây dựng chế độ quân chủ trung ương tập quyền mạnh, tăng cường quyền lực vào tay nhà vua. Nhà nước được tổ chức một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương. Trong bộ máy ấy vai trò của nhà nước trung ương rất lớn, chi phối mạnh mẽ chính quyền địa phương.
  • Chú trọng xây dựng bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, được tổ chức chặt chẽ và có tính thống nhất cao. Trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan được phân định cụ thể để tránh tình trạng chồng chéo về nhiệm vụ...

Câu 4. Trình bày nguyên nhân bùng nổ và ý nghĩa lịch sử của phong trào Văn hóa Phục hưng.

1. Nguyên nhân bùng nổ phong trào Văn hóa Phục hưng

  • Bước vào thời hậu kỳ trung đại, bộ mặt kinh tế của các nước Tây Âu có nhiều thay đổi. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành từ trong lòng chế độ phong kiến. Khoa học- kỹ thuật có những tiến bộ giúp con người thoát khỏi tình trạng lạc hậu, nhận thức được bản chất của thế giới.
  • Giai cấp tư sản ra đời song những thành tựu về văn hóa từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII không đáp ứng được nhu cầu của họ. Ngược lại, họ còn chịu sự ràng buộc bởi hệ tư tưởng khắt khe của giáo hội Thiên Chúa. Do vậy, giai cấp tư sản cần phải có hệ tư tưởng và nền văn hóa riêng để phục vụ cho đời sống tinh thần của mình, để đấu tranh với hệ tư tưởng lỗi thời của giáo hội và giai cấp quý tộc phong kiến đang cản trở sự phát triển của xã hội.
  • Giai cấp tư sản nhìn thấy trong tinh hoa của nền văn hóa Hi Lạp, Rôma có những điều phù hợp với mình, nên đã phục hồi tinh hoa văn hóa cổ đại, đấu tranh để xây dựng một xã hội dựa trên nhân bản và tự do, một nền văn hóa mới. Bắt đầu từ Italia, phong trào Văn hóa Phục hưng nhanh chóng lan rộng khắp các nước Tây Âu và trở thành trào lưu rộng lớn.

2. Ý nghĩa

  • Phong trào Văn hóa Phục hưng là cuộc đấu tranh công khai đầu tiên trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng của giai cấp tư sản chống lại giai cấp phong kiến suy tàn.
  • Phong trào Văn hóa Phục hưng đã đánh bại tư tưởng lỗi thời của chế độ phong kiến, góp phần quan trọng giải phóng tư tưởng, tình cảm của con người khỏi sự kìm hãm và trói buộc của Giáo hội; đề cao những giá trị tốt đẹp của con người; cổ vũ và mở đường cho sự phát triển cao hơn của văn hóa châu Âu và văn hóa của loài người.

Câu 5: Hãy làm rõ những điểm giống và khác nhau...

1. Giống nhau

  • Đều lật đổ chế độ phong kiến, xác lập quyền thống trị của giai cấp tư sản, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển...
  • Động lực cách mạng là quần chúng nhân dân.
  • Đều có ảnh hưởng sâu rộng và có ý nghĩa quốc tế to lớn...

2. Khác nhau

  • Hình thức cách mạng: Cách mạng tư sản Anh là nội chiến, cách mạng tư sản Pháp vừa nội chiến vừa chống ngoại xâm.
  • Lãnh đạo: Lãnh đạo cách mạng tư sản Anh là liên minh tư sản và quý tộc mới; cách mạng tư sản Pháp chỉ có giai cấp tư sản
  • Diễn biến: Trong cách mạng tư sản Anh không có bầu quốc hội, không ban hành hiến pháp. Cách mạng tư sản Pháp có tiến hành bầu cử, có Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền, có ban hành Hiến pháp 1791, 1793.
  • Tính chất: Cách mạng tư sản Anh chưa triệt để (còn tàn dư của chế độ phong kiến, vấn đề ruộng đất của nhân dân chưa được giải quyết...). Cách mạng tư sản Pháp là cuộc cách mạng dân chủ tư sản triệt để (vì đã xoá bỏ mọi tàn dư chế độ phong kiến, giải quyết vấn đề ruộng đất cho nhân dân...)
Chia sẻ, đánh giá bài viết
8
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi học sinh giỏi lớp 10

    Xem thêm