Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh năm học 2017 - 2018

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 11 môn Văn

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh năm học 2017 - 2018 có đáp án là tài liệu tham khảo môn Văn hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 10 lên lớp 11. Chúc các bạn học tốt.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 11 môn Ngữ văn năm 2015 - 2016 trường THPT Thuận Thành số 1, Bắc Ninh

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh năm học 2015 - 2016

TRƯỜNG THPT
THUẬN THÀNH SÔ 1

(Đề gồm 01 trang)
ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM
MÔN THI: NGỮ VĂN 11
NĂM HỌC 2017-2018
Thời gian làm bài: 120 phút

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điềm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Tôi nhìn lại, như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tôi. Chưa đẹp thế bao giờ!
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
Xanh trời xanh của những giấc mơ…
Tôi bay giữa màu xanh giải phóng
Tầng thấp, tầng cao, chiều dài, chiều rộng
Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời
Nay mới được ôm Người trọn vẹn Người ơi!
Hùng vĩ thay toàn thân đất nước
Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa
Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước.
Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa

(Trích Vui thế, hôm nay... - Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 1999)

Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn thơ?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ

Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
Xanh trời, xanh của những giấc mơ …

Câu 4. Đoạn thơ đã gợi cho anh chị tình cảm gì đối với đất nước?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ bài thơ Vui thế, hôm nay của nhà thơ Tố Hữu, anh/ chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ gì về việc bảo vệ hòa bình ngày nay?

Câu.(5.0 điểm)

“Sức cảm thông lạ lùng” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du với những khổ đau và khát vọng của con người qua đoạn trích “Trao duyên” (trích Truyện Kiều).

-----------Hết--------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu.Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:.................................................; Số báo danh:...............................
Chữ ký của cán bộ coi thi 1:...................; Chữ ký của cán bộ coi thi 2:....................

Đáp án đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 11 môn Văn

I. Đọc hiểu: (3.0 điểm)

1. Thể thơ: tự do (0.5 điểm)

2. Nội dung của đoạn thơ miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của tổ quốc đồng thời thể hiện niềm vui của nhà thơ đối với quê hương đất nước. (0.5 điểm)

3. Nghệ thuật: liệt kê (0.5 điểm)

Tác dụng: Ca ngợi vẻ đẹp muôn màu của quê hương với núi, đồng, sông, biển. (0.5 điểm)

4. Cần nói lên được cảm xúc đối với quê hương đất nước đất nước đẹp giản dị thanh bình và nên thơ (1.0 điểm)

II. Làm văn: (7.0 điểm)

1. Nghị luận xã hội: (2.0 điểm)

Suy nghĩ gì về việc bảo vệ Hòa Bình ngày nay?

a. Yêu cầu về kĩ năng: HS biết viết đoạn nghị luận xã hội, có dung lượng khoảng 200 chữ, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc.

b. Yêu cầu về nội dung: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật, đảm bảo các nội dung chính sau:

1.1 1. Khẳng định vấn đề (0,25 điểm)

Suy nghĩ gì về việc bảo vệ Hòa Bình ngày nay.

1.2. a. Giải thích: (0,25 điểm)

Bình an khát vọng chung của nhân loại. Dân tộc nào, cá nhân nào đã từng trải qua chiến tranh loạn lạc, mất mát đau thương càng cảm nhận được sự quý giá vô hạn của Hòa Bình. Nhưng trong lịch sử xưa và nay vẫn có những thế lực lấy chiến tranh làm phương tiện để đạt mục đích chính trị tranh quyền.

b. Phân tích chứng minh: (1,0 điểm)

  • Trong lịch sử loài người, chiến tranh đã hủy diệt nhiều nền văn minh, chiến tranh ở Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của cả trăm triệu người và để lại hậu quả rất nặng nề, kéo dài nhiều thế hệ. Việt Nam đã từng là một địa chỉ chiến tranh, nay là một địa chỉ hòa bình.
  • Dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài đã đúc kết nên truyền thống như chuộng hòa bình và chăm lo giữ gìn hòa hiếu với các nước láng giềng
  • Hòa Bình Việt Nam luôn gắn với độc lập tự do, Hòa Bình của Việt Nam liên kết với Hòa Bình của khu vực và thế giới.
  • Ngày nay Hòa Bình lại gắn liền với việc thực hiện mục tiêu dân giầu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.

-> Còn một biểu hiện dù mong manh của sự sống, người thầy thuốc cũng phải tận tâm cứu người. Còn một tín hiệu dù nhỏ nhoi của hòa bình chúng ta cũng phải tận sức để tránh chiến tranh. Bởi chiến tranh sẽ cướp đi sinh mạng không chỉ của một mà của rất nhiều người - trong đó chắc chắn sẽ có nhiều phụ nữ và trẻ em.

c. Bình luận: (0,25 điểm)

  • Trong tình hình thế giới diễn ra nhiều quá và biến động phức tạp khó lường chúng ta cần chú trọng xây dựng nền quốc phòng mạnh đủ mạnh làm nền tảng cho hòa bình và phát triển của nước ta,
  • Hòa Bình có quan hệ mật thiết với phát triển nền kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo và quá trình hợp tác quốc tế về an ninh an toàn hàng hải.
  • Khát vọng Hòa Bình luôn là lẽ sống của dân tộc Việt Nam. Hòa Bình mà dân tộc ta có được là bởi thế hệ các thế hệ cha amh không tiếc công sức và xương máu để đấu tranh giữ gìn.

1.3. Bài học hành động và liên hệ bản thân (0,25 điểm)

  • Muốn có Hòa Bình biết sống hòa hiếu, dân tộc nào cũng vậy.
  • Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cho thanh niên. Qua đó, giúp thanh niên nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ to lớn của mình trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
  • Tạo môi trường thuận lợi để thanh niên tự rèn luyện, tìm được lẽ sống cao đẹp cho mình. Các cấp bộ Đoàn cần tập hợp, tổ chức cho thanh niên tham gia vào các hoạt động thiết thực, bổ ích thông qua các phong trào: “Thanh niên với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”; “Tuổi trẻ giữ nước”; “Khi Tổ quốc cần”; “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”; “Vì Trường Sa thân yêu”; “Góp đá xây Trường Sa”; “Tuổi trẻ hướng về biển, đảo của Tổ quốc”…
  • Liên hệ: (thí sinh bày tỏ một cách chân thành, tích cực)

2 Nghị luận văn học: (5.0 điểm)

a. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Thí sinh biết kết hợp kiến thức, kĩ năng để viết một bài văn nghị luận văn học.
  • Bài viết có bố cục rõ ràng, chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, ngôn ngữ trong sáng, có cảm xúc.
  • Vận dụng tốt các thao tác lập luận.

b. Yêu cầu về kiến thức: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật, đảm bảo các nội dung chính sau:

2.1. Mở bài: (0.5 điểm)

  • Nguyễn Du - danh nhân văn hóa của thế giới, đại thi hào dân tộc đã để lại cho nền thi ca Việt Nam những tác phẩm sống mãi với thời gian, mà nổi bật nhất phải kể đến Truyện Kiều. Cảm thương cho những kiếp hồng nhan mà đa truân, tài tử mà đa cùng không phải là cảm hứng mới mẻ trong văn học, nhưng phải đến Nguyễn Du, người đọc mới thực sự đau lòng vì “những điều trông thấy” bởi Nguyễn Du viết về nỗi đau của người khác như nỗi đau của chính mình
  • Đoạn trích “Trao duyên” gồm 34 câu (từ câu 723 đến câu 756) là một trong những đoạn thơ mở đầu cuộc đời lưu lạc đau khổ của Thúy Kiều. Khi Vương Ông và Vương Quan bị bắt do có kẻ vu oan, Thúy Kiều phải bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy tiền cứu cha và em, qua đó thể hiện “Sức cảm thông lạ lùng” của tác giả với những khổ đau và khát vọng của con người.

2.2 Thân bài: (4. 0 điểm)

  • Giải thích vấn đề: (0.5 điểm)
    • Tác phẩm văn học gửi gắm tư tưởng, tình cảm của tác giả, vì vậy nó cho thấy quan điểm, cái nhìn của tác giả đối với con người và thời đại.
    • Sức cảm thông lạ lùng: Lời nhận xét rất đúng đắn thể hiện tập trung tư tưởng nhân văn sâu sắc, mới mẻ của tác giả. Nguyễn Du nhập thân vào Kiều, sống trong cảnh ngộ và tâm trạng của Kiều để rồi có niềm cảm thông đặc biệt, hơn người và hơn đời với nàng. Ông đã cảm thương trước bi kịch của Kiều, khẳng định nhân cách đẹp đẽ của nàng, khẳng định sự ý thức về nhân phẩm và sự ý thức cá nhân. Nói như Mộng Liên Đường chủ nhân là từng câu thơ ở đây như có máu rỏ trên đầu ngọn bút, có nước mắt của nhà thơ thấm qua trang giấy. Dẫu có bao lớp bụi thời gian phủ lên nhưng những giọt nước mắt nhân tình ấy không khi nào ráo được.
    • Sức cảm thông lạ lùng: xuất phát từ một trái tim lớn, giàu lòng yêu thương.
  • Phân tích và chứng minh qua hai đoạn trích “Trao duyên”: (3,0 điểm).
    • Nguyễn Du đã từng sống trong thời đại xã hội phong kiến có sự khủng hoảng, bế tắc và bản thân ông đã từng lưu lạc, sống khổ cực cùng nhân dân nên có điều kiện để tiếp xúc với nhiều cảnh đời bất hạnh và có những trải nghiệm sâu sắc (0,25 điểm).
    • Mặt khác, ông còn am hiểu tâm lí con người, hiểu chỗ mạnh, chỗ yếu và mọi uẩn khúc, trạng thái tâm lí của con người, vì vây nhân vật của ông thường có những trạng thái tâm lí phức tạp, tinh tế (0,25 điểm).
    • Chứng minh qua đoạn trích (2,25 điểm).
  • Trong Trao duyên: Bi kịch tình yêu tan vỡ và khát vọng hạnh phúc của Kiều:
    • Nặng lòng với lời thề, vì lo cho Kim Trọng, Thúy Kiều thuyết phục em để nối “tơ thừa”, cũng là để mong lòng được thanh thản, yên tâm, dù có phải chết. Nhưng khi trao kỉ vật tình yêu, trong nàng có sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm, mâu thuẫn giữa lời nói ban đầu và tâm trạng hiện tại, cõi lòng đầy nuối tiếc, xót xa. Nàng không quên được Kim Trọng, vẫn mang nặng lời thề và không nguôi khao khát tình yêu, hạnh phúc. (1,0 điểm).
    • Đối diện với hiện tại là đối diện với sự mất mát, đổ vỡ, lỡ làng với bao xót xa, đau đớn. Nhưng nàng vẫn không quên quá khứ ngày nào với bao hạnh phúc. Nàng oán thán số phận bac bẽo và luôn tự dằn vặt, thấy mình có lỗi, là người phụ bạc. (1,0 điểm).
    • Trao duyên xong, dường như trong nàng càng dằn vặt, đau khổ và tuyệt vọng hơn bởi nàng cảm nhận rõ hơn sự mất mát: mất Kim Trọng, mất hạnh phúc, mất tương lai. (0,5 điểm).

→ Nguyễn Du nhập rất sâu vào nội tâm nhân vật, thấu hiểu và cảm thông tâm trạng phức tạp mâu thuẫn của Kiều. Từ đó giúp người đọc cảm nhận được một nàng Kiều giàu đức hi sinh với nhân cách cao thượng. Qua đó cho ta hiểu rõ về thân phận của người phụ nữ, của những người “tài sắc bạc mệnh” trong xã hội xưa. (0,25 điểm).

  • Nghệ thuật: (0.25 điểm)
    • Đoạn trích đã thể hiện sự thành công ở việc sử dụng từ ngữ chọn lọc, biện pháp ẩn dụ, câu hỏi tu từ, ngắt nhịp, đối, sử dụng cách nói ước lệ…
    • Thề hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du trong việc miêu tả nội tâm nhân vật.
  • Đánh giá vấn đề: (0.25 điểm)
    • “Sức cảm thông lạ lùng” của tác giả với những khổ đau và khát vọng của con người không chỉ bộc lộ trong đoạn trích mà còn thể hiện trong toàn bộ “Truyện Kiều” cũng như sự nghiệp sáng tác của thi sĩ. Tiếng nói ấy chứng tỏ ông là một nghệ sĩ lớn, một trái tim lớn luôn đồng cảm, thương yêu sâu sắc và thấu hiểu mọi nỗi oan tình của con người.
    • “Sức cảm thông lạ lùng” đã làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc trong “Truyện Kiều”. Nó để lại bài học sáng tạo văn chương cho những người cầm bút hiện nay: Muốn có được tác phẩm văn học đích thực cần phải có vốn sống, từng trải và trái tim nhân ái bao la.

2.3. Kết bài: (0.5 điểm)

Khái quát vấn đề: sâu sắc, hấp dẫn, lắng đọng

*Lưu ý: Giám khảo chấm bài cần vận dụng linh hoạt đáp án, biểu điểm. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có nhiều ý tưởng sáng tạo, cảm thụ văn chương tốt.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 11

    Xem thêm