Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi năng khiếu môn Lịch sử lớp 8 năm học 2014-2015 Phòng GD-ĐT Quỳnh Lưu, Nghệ An

Đề thi năng khiếu môn Lịch sử lớp 8

Đề thi năng khiếu môn Lịch sử lớp 8 năm học 2014-2015 Phòng GD-ĐT Quỳnh Lưu, Nghệ An là đề khảo sát chất lượng môn Lịch sử lớp 8 nhằm kiểm tra năng lực học sinh giỏi. Đề thi môn Sử có đáp án, giúp các em tự hệ thống và củng cố kiến thức cơ bản và nâng cao môn Lịch sử lớp 8. Mời các em tham khảo đề thi.

Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 8 môn Lịch sử huyện Đông Hải, Bạc Liêu năm 2013 - 2014

Đề thi chọn học sinh năng khiếu lớp 8 năm 2012 - 2013, Phòng GD-ĐT Sơn Dương

PHÒNG GD & ĐT QUỲNH LƯU

ĐỀ KIỂM TRA NĂNG LỰC HỌC SINH GIỎI LỚP 8

NĂM HỌC 2014 – 2015

Đề thi môn: Lịch sử

Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

Câu 1: (4 điểm):

Vì sao cuối thế kỉ XIX các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh chiến tranh xâm lược thuộc địa ở các nước Đông Nam Á? Trình bày kết quả của quá trình xâm lược đó.

Câu 2: (4 điểm):

Em có nhận xét gì về sự khác biệt của cuộc khởi nghĩa Yên Thế so với các cuộc khởi nghĩa cùng thời?

Câu 3: (6 điểm):

Trình bày những hiểu biết của em về trào lưu cải cách Duy Tân ở Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX.

Câu 4: (6 điểm):

Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp(1897-1914) ở Việt Nam đã làm cho xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX- đầu thế kỉ XX chuyển biến như thế nào? Từ sự chuyển biến đó hãy đánh giá thái độ chính trị của từng giai cấp, tầng lớp đối với phong trào giải phóng dân tộc.

Đáp án đề thi năng khiếu môn Lịch sử lớp 8

Câu 1: (4 điểm):

* Cuối thế kỉ XIX các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa đối với khu vực Đông Nam Á vì:

  • Khu vực Đông Nam Á có vị trí địa lý quan trọng, nằm trênnđường hàng hải từ Tây sang Đông, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. (0,25đ)
  • Giàu tài nguyên: lúa gạo, cây hương liệu, động vật , khoáng sản... (0,25đ)
  • Có nguồn nhân công rẻ và thị trường tiêu thụ rộng lớn. (0,25đ)
  • Có nền văn hóa từ lâu đời. (0,125đ)
  • Chế độ phong kiến đang suy yếu. (0,25đ)
  • Chủ nghĩa tư bản phát triển, cần thị trường và thuộc địa. (0,25đ)

* Kết quả của quá trình xâm lược:

  • Anh xâm chiếm Mã Lai, Miến Điện. (0,125đ)
  • Pháp chiếm Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào (0,125đ)
  • Tây Ban Nha rồi Mĩ chiếm Phi-lip-pin. (0,125đ)
  • Hà Lan và Bồ Đào Nha thôn tính In-đô-nê-xi-a. (0,125đ)
  • Anh, Pháp chia nhau ảnh hưởng ở Xiêm. (0,125đ)

Câu 2: (4 điểm):

Sự khác biệt của khởi nghĩa Yên Thế so với các cuộc khởi nghĩa cùng thời:

  • Thời gian: Đây là cuộc khởi nghĩa có thời gian kéo dài nhất gần 30 năm (1884-1913). (0,5đ)
  • Thành phần lãnh đạo: Khác với các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương, phong trào chống Pháp ở Yên Thế không phải do 1số người hay 1 cá nhân văn thân, sĩ phu yêu nước phát động, tập hợp mà do các thủ lĩnh địa phương cầm đầu. (0,5đ)
  • Tính chất: Khởi nghĩa Yên Thế không chịu sự chi phối của tư tưởng phong kiến, không có sự gắn bó chặt chẽ với khẩu hiệu "Cần Vương" mà là phong trào đấu tranh tự phát của nông dân để tự vệ, bảo vệ quyền lợi thiết thân, giữ đất, giữ làng. (0,5đ)
  • Mức độ: Nghĩa quân chiến đấu rất quyết liệt buộc kẻ thù hai lần phải giảng hòa và nhượng bộ một số quyền lợi cho ta. (0,5đ)

Câu 3: (6 điểm):

Những hiểu biết về trào lưu cải cách Duy Tân:

* Hoàn cảnh:

  • Nửa cuối thế kỉ XIX, kinh tế, xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. (0,125đ)
  • Nhà Nguyễn thi hành chính sách nội trị- ngoại giao lỗi thời lạc hậu. (0,125đ)
  • Bộ máy chính quyền từ Trung ương tới địa phương mục ruỗng. (0,125đ)
  • Khởi nghĩa nông dân nổ ra nhiều nơi. (0,125đ)
  • Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, muốn cho nước nhà giàu mạnh, có thể đương đầu với cuộc tấn công dồn dập của kẻ thù, một số quan lại sĩ phu yêu nước thức thời mạnh dạn đưa ra những đề nghị cải cách. (0,25đ)

* Nội dung:

  • Yêu cầu đổi mới đất nước về mọi mặt như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội (đẩy mạnh khai thác ruộng hoang, khai mỏ, buôn bán, chấn chỉnh quốc phòng, mở rộng ngoại giao, cải cách giáo dục...) (0,25đ)
  • Những sĩ phu tiêu biểu: Trần Đình Túc; Nguyễn Huy Tế; Nguyễn Trường Tộ; Nguyễn Lộ Trạch. (0,125đ)

* Kết cục:

  • Những đề nghị cải cách không được thực hiện. (0,25đ)
  • Triều đình phong kiến nhà Nguyễn bảo thủ, bất lực trong việc thích ứng với hoàn cảnh nên đã cự tuyệt, không chấp nhận các đề nghị cải cách. (0,125đ)

* Hạn chế:

  • Các đề nghị cải cách mang tính rời rạc. (0,25đ)
  • Chưa giải quyết được hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt nam lúc đó là mâu thuẫn dân tộc và giai cấp. (0,25đ)

* Ý nghĩa:

  • Đã tấn công vào những tư tưởng lỗi thời, bảo thủ, cản trở bước tiến hóa của dân tộc. (0,5đ)
  • Phản ánh trình độ nhận thức mới của những người Việt Nam tiến bộ hiểu biết thức thời. (0,5đ)

Câu 4: (6 điểm):

Những chuyển biến của xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX .Đánh giá thái độ chính trị của từng giai cấp, tầng lớp đối với phong trào giải phóng dân tộc.

  • Dưới tác động của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp (1897-1914) đã làm cho xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến. Bên cạnh những giai cấp cũ không ngừng biến động (giai cấp địa chủ phong kiến và nông dân) là sự ra đời của các giai tầng mới: tầng lớp tư sản, tiểu tư sản thành thị và giai cấp công nhân. (0,5đ)
  • Giai cấp địa chủ phong kiến: Đầu hàng, làm tay sai cho Pháp, số lượng ngày càng tăng, phân hóa thành hai bộ phận: Một bộ phận cấu kết chặt chẽ với đế quốc để áp bức, bóc lột nhân dân nên sẽ là đối tượng cách mạng cần đánh đổ. Một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ bị chèn ép nên có tinh thần yêu nước. (0,5đ)
  • Giai cấp nông dân: Chiếm số lượng đông đảo, bị tước đoạt ruộng đất, bị bần cùng hóa và có sự phân hóa: Một bộ phận làm tá điền cho địa chủ, một bộ phận ra thành thị kiếm ăn bằng các nghề phụ, một số bỏ đi phu cho các đồn điền Pháp. Dù ở lại nông thôn hay ra thành thị, cuộc sống của người nông dân đều lâm vào cảnh nghèo khổ, không lối thoát. Họ căm ghét chế độ bóc lột của thực dân Pháp nên có ý thức dân tộc sâu sắc, sẵn sàng hưởng ứng, tham gia vào cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. (0,5đ)
  • Tầng lớp tư sản: Cùng với sự phát triển của đô thị, tầng lớp tư sản xuất hiện. Họ là các nhà thầu khoán, chủ xí nghiệp, chủ xưởng... Họ bị chính quyền thực dân kìm hãm, tư bản chèn ép nhưng do bị lệ thuộc, yếu ớt về kinh tế nên họ mong muốn có những thay đổi nhỏ để dễ bề làm ăn sinh sống nên chưa dám tỏ thái độ hưởng ứng hay tham gia vào các cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX. (0,5đ)
  • Tầng lớp tiểu tư sản: Xuất thân từ các chủ xưởng thủ công nhỏ, những công chức cấp thấp như nhà giáo, học sinh, sinh viên... Cuộc sống của họ rất bấp bênh và do có ý thức dân tộc nên tích cực tham gia vào cuộc vận động cứu nước đầu thế kỉ XX. (0,5đ)
  • Giai cấp công nhân: Công, thương nghiệp thuộc địa phát triển dẫn đến sự hình thành đội ngũ công nhân, lúc đó khoảng 10 vạn người. Phần lớn họ xuất thân từ nông dân không có ruộng đất phải bỏ làng ra các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền làm thuê. Họ bị thực dân phong kiến và tư sản bóc lột sớm nên có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ chống lại địa chủ đòi cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương, giảm giờ làm. (0,5đ)
Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lịch sử lớp 8

    Xem thêm