Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn phòng GD&ĐT Giao Thủy năm 2015 - 2016

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn phòng GD&ĐT Giao Thủy năm 2015 - 2016 có đáp án được VnDoc.com sưu tầm và giới thiệu tới các bạn học sinh nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Văn hiệu quả. Mời các em cùng tham khảo.

Đề thi thử vào lớp 10 môn Toán thành phố Hà Nội năm học 2015-2016

Đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn lần 3 năm 2015 trường THCS Tân Trường, Hải Dương

PHÒNG GD&ĐT GIAO THỦY

ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 NĂM HỌC 2015 – 2016
MÔN NGỮ VĂN
(Thời gian: 120 phút không kể thời gian giao đề)

PHẦN I – TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN: (2,0 điểm)

Hãy chọn phương án trả lời đúng và viết chữ cái đứng trước phương án đó vào bài làm.

Câu 1. Thành ngữ nào sau đây liên quan đến phương châm hội thoại về chất?

A. Nói nhăng nói cuội. C. Ăn đơm nói đặt.

B. Khua môi múa mép. D. Ăn không nói có.

Câu 2. Trong câu "Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong, Hồ Chủ Tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết." (Đức tính giản dị của Bác Hồ - Phạm Văn Đồng), tác giả đã dùng phép tu từ nào?

A. So sánh. C. Ẩn dụ.

B. Liệt kê. D. Hoán dụ.

Câu 3. Câu văn nào sau đây chứa thành phần biệt lập cảm thán?

A. Chao ôi, bông hoa đẹp quá!

B. Ồ, ngày mai đã là chủ nhật rồi.

C. Có lẽ ngày mai mình sẽ đi dã ngoại.

D. Ô kìa, trời mưa.

Câu 4. Từ in đậm trong câu ca dao sau thuộc thành phần nào của câu?

Ăn thì ăn những miếng ngon
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.

A. Phụ chú. C. Khởi ngữ.

B. Chủ ngữ. D. Tình thái.

Câu 5. Từ "nhưng" trong đoạn văn: "Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ, muốn bảo anh ở lại vài hôm. Nhưng thật khó, chúng tôi chưa biết mình sẽ đi tập kết hay ở lại." (Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng) chỉ kiểu quan hệ nào giữa hai câu văn trên?

A. Quan hệ bổ sung. C. Quan hệ nhượng bộ.

B. Quan hệ tương phản. D. Quan hệ nguyên nhân.

Câu 6. Dựa vào từ ngữ in đậm, hãy cho biết câu ca dao sau sử dụng lối chơi chữ nào?

"Còn trời còn nước còn non
Còn cô báo rượu anh còn say sưa."

A. Dùng từ ngữ đồng nghĩa. C. Dùng từ nhiều nghĩa.

B. Dùng từ ngữ cùng trường từ vựng. D. Dùng từ đồng âm.

Câu 7. Câu văn "Bấy giờ chàng mới tỉnh ngộ, thấu nỗi oan của vợ, nhưng việc trót đã qua rồi!" là kiểu câu gì xét theo cấu tạo ngữ pháp?

A. Câu đặc biệt. C. Câu rút gọn.

B. Câu ghép. D. Câu đơn.

Câu 8. Trong các từ "xuân" sau đây (Truyện Kiều - Nguyễn Du), từ nào mang nghĩa chuyển?

A. Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân. C. Làn thu thủy nét xuân sơn.

B. Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân. D. Ngày xuân con én đưa thoi.

PHẦN II – TỰ LUẬN (8,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm).

a) (0,5 điểm). Hãy ghi lại tên 2 tác phẩm đã được học có cùng hoàn cảnh sáng tác với tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (Phạm Tiến Duật), ghi rõ tên tác giả?

b) (0,5 điểm). Hình ảnh "Bắt tay qua cửa kính vỡ" trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" gợi cho em nhớ đến câu thơ nào trong chương trình Ngữ văn lớp 9 cũng viết về đề tài người lính? Chép lại câu thơ đó và ghi rõ tác giả, tác phẩm?

c) (1,0 điểm). Hãy chỉ ra điểm giống và khác nhau trong cách miêu tả cảm xúc của người lính. Miêu tả 2 cử chỉ ấy, các tác giả muốn nói gì về tình đồng chí đồng đội?

Câu 2: (1,5 điểm). Trong học sinh chúng ta hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều hiện tượng "học vẹt","học tủ". Trình bày suy nghĩ của em về hiện tượng trên bằng một đoạn văn khoảng 15 đến 20 dòng giấy thi.

Câu 3: (4,5 điểm). Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm của bé Thu trong lần ông Sáu về thăm nhà trong đoạn trích "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng.

Đáp án đề thi thử vào lớp 10 môn Văn

Phần I. Trắc nghiệm (2.0 điểm)

Câu12345678
Đáp án A, C, DBA, B, DCBCDA

Mỗi đáp án đúng được 0.25 điểm. Nếu câu có nhiều phương án phải chọn đầy đủ mới cho 0.25 điểm.

Phần II. Tự luận (8.0 điểm)

Câu 1:

a. Hai bài thơ sáng tác trong thời kì chống Mĩ, ví dụ:

  • Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm. (0,25đ)
  • Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê (0,25đ)

b. Chép câu thơ:

"Thương nhau tay nắm lấy bàn tay." (0,25đ)

Tên tác phẩm, tác giả: Đồng chí của Chính Hữu (0,25đ)

* Sự giống nhau:

Dùng cử chỉ giản dị để thể hiện tình cảm sâu sắc.. (0,25đ)

* Khác nhau:

  • Chính Hữu miêu tả người lính nắm tay nhau để truyền cho nhau hơi ấm và lòng quyết tâm, động viên nhau vượt qua những trận sốt rét và sự thiếu thốn, gian nan ở chiến trường... (0,25đ)
  • Phạm Tiến Duật miêu tả cử chỉ người lính lái xe bắt tay nhau qua cửa kính vỡ để diễn tả sự yên tâm vì đồng đội vẫn an toàn, truyền thêm cho nhau lòng quyết tâm lái xe vượt lên phía trước... (0,25đ)

-> Miêu tả cử chỉ ấy, cả hai tác giả đều muốn ngợi ca tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn (0,25đ)

Cách cho điểm:

  • HS đảm bảo các ý trên: cho điểm tối đa.
  • HS làm thiếu hoặc sai ý nào trừ điểm ý đó.

Câu 2:

* Yêu cầu về hình thức và kỹ năng: (0,25đ)

  • Đúng hình thức: là 1 đoạn văn dài khoảng 20 dòng.
  • Biết vận dụng các thao tác lập luận, hành văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.

* Yêu cầu về nội dung: nghị luận về vấn đề học vẹt, học tủ, HS cần viết được các ý cơ bản sau: (0,25đ)

Giải thích: thế nào là học vẹt, học tủ.. (0,25đ)

  • học vẹt: học thuộc bài, đọc trôi chảy, nhưng không hiểu gì...
  • học tủ: là lối học đoán được vấn đề sẽ hỏi đến khi kiểm tra, thi cử nên tập trung học vào đó chuẩn bị..

-> Cả 2 lối học này đều mang tính chất đối phó, không thực sự coi trọng việc tiếp thu kiến thức..

Tác hại của việc học vẹt, học tủ: (0,25đ)

  • Kiến thức không nhớ lâu bền..
  • Không hiểu kiến thức nên không thể vận dụng vào cuộc sống, vào học tập...
  • Không nắm được kiến thức một cách đầy đủ toàn diện..
  • Nếu lệch tủ sẽ không đạt kết quả cao trong học tập, kiểm tra thi cử..

Nguyên nhân: (0,25đ)

  • Do nhiều bạn học sinh còn lười học, mải chơi bời, muốn đạt điểm cao..
  • Do chưa xác định được thái độ, động cơ học tập đúng đắn.

Đánh giá và bày tỏ thái độ: Đây là hiện tượng lệch lạc trong học tập của một bộ phận Hs cần được các bạn bè thầy cô, ngành giáo dục quan tâm nhắc nhở...

Biện pháp khắc phục, hành động của bản thân..: (0,25đ)

  • Xác định động cơ học tập đúng đắn, học là có kiến thức thật sự để vận dụng vào cuộc sống, lao động sản xuất, không phải để ứng phó với các bài kiểm tra, kì thi cử...
  • Cần cù chăm chỉ học tập, học toàn diện để hoàn thiện kiến thức..

Cách cho điểm:

  • HS đảm bảo các ý trên: cho điểm tối đa.
  • HS làm thiếu hoặc sai ý nào trừ điểm ý đó.

Câu 3:

Mở bài (0,25đ)

  • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
  • Nêu cảm nhận khái quát về diễn biến tâm lí và tình cảm của bé Thu trong lần ông Sáu về thăm nhà.

Thân bài (4,0đ)

* Học sinh dẫn dắt khái quát rồi phân tích được sự thay đổi trong hành động, tâm lí của nhân vật, qua đó cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà bé Thu dành cho cha.

1. Thái độ và hành động của bé Thu trước khi nhận ông Sáu là cha:

  • Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến, mãi đến khi con gái lên tám tuổi ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Gặp lại con, ông Sáu không kìm được nỗi vui mừng trong phút đầu nhìn thấy con. Nhưng thật trớ trêu, đáp lại sự vồ vập của cha, bé Thu lại tỏ ra ngờ vực, lảng tránh và ông Sáu càng muốn gần con thì đứa con lại càng tỏ ra lạnh nhạt, xa cách...
  • Tâm lí và thái độ ấy của bé Thu được biểu hiện qua hàng loạt các chi tiết mà người kể chuyện quan sát và thuật lại rất sinh động: hốt hoảng, mặt tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên khi mới gặp ông Sáu; chỉ gọi trống không với ông Sáu mà không chịu gọi cha; nhất định không chịu nhờ ông giúp chắt nước nồi cơm to đang sôi; hất cái trứng cá mà ông gắp cho; cuối cùng khi bị ông Sáu tức giận đánh cho một cái thì bỏ về nhà bà ngoại, khi xuống xuồng còn cố ý khua dây cột xuồng kêu rổn rang thật to... (HS lần lượt đưa ra dẫn chứng phân tích làm sáng rõ từng ý)
  • Trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, bé Thu không tin ông Sáu là cha chỉ vì trên mặt ông có thêm vết sẹo, khác với hình ba mà nó đã được biết. Sự ương ngạnh, phản ứng của bé Thu là không đáng trách mà hoàn toàn tự nhiên. Qua đây ta thấy bé Thu có cá tính mạnh mẽ, tình cảm của em sâu sắc, chân thật, em chỉ yêu ba khi tin chắc đó đúng là ba... Trong cái "cứng đầu" của em có ẩn chứa cả sự kiêu hãnh của trẻ thơ về một tình yêu dành cho người cha khác, người chụp chung trong tấm hình với má của em..

2. Thái độ và hành động của Thu khi nhận ra ông Sáu chính là cha.

Trong buổi sáng cuối cùng, trước phút ông Sáu phải lên đường, thái độ và hành động của bé Thu đã đột ngột thay đổi hoàn toàn.

Lúc chia tay, sau khi bắt tay hết mọi người, ông Sáu đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà; khi người cha nhìn nó với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu và tạm biệt thì đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

-> Đằng sau đôi mắt mênh mông ấy chắc đang xáo động biết bao ý nghĩ tình cảm.. Cách dẫn dắt khéo léo của nhà văn khiến người đọc bị lôi cuốn theo một cách rất tự nhiên..

Lần đầu tiên Thu cất tiếng gọi "ba": chi tiết bé Thu gọi cha được tác giả đặc biệt nhấn mạnh và miêu tả: bỗng nó kêu thét lên: Ba... a... a... ba! Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó.

-> Tiếng kêu ấy thể hiện khao khát mãnh liệt của Thu được gọi ba từ bao lâu nay, tiếng kêu chứa đựng bao yêu thương khiến người đọc xúc động...

Hành động: chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó, nói trong tiếng khóc... hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa, ôm chặt lấy ba... hai tay nó siết chặt lấy cổ,... dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba, đôi vai nhỏ bé của nó run run.

-> Tác giả sử dụng kết hợp các phép so sánh, tăng tiến, liệt kê, yếu tố miêu tả, nghị luận... thể hiện ấn tượng sinh động tâm lí, tình cảm cô bé trong phút chia tay cha

Trong đêm bỏ về nhà bà ngoại, Thu đã được bà giải thích về vết sẹo làm thay đổi khuôn mặt ba nó. Sự nghi ngờ bấy lâu đã được giải tỏa và ở Thu nảy sinh một trạng thái như sự ân hận, hối tiếc "nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn". Vì thế, trong giờ phút chia tay, tình yêu và nỗi mong nhớ với người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu, nay bùng ra thật mạnh mẽ và hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự hối hận vì trước đó đã trót đối xử không phải với ba...

3. Đánh giá: Đánh giá chung về nhân vật và nghệ thuật kể chuyện:

  • Nghệ thuật: Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, đặc biệt là nhân vật bé Thu; nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ mà tự nhiên của tác giả...
  • Nội dung: Tác phẩm đã diễn tả một cách cảm động tình cảm thắm thiết, sâu sắc của bé Thu dành cho cha (trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh). Qua đó khẳng định và ca ngợi tình cảm cha con thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc và càng cao dẹp hơn trong những cảnh ngộ khó khăn. Tác phẩm còn gợi cho người đọc nghĩ đến những đau thương mất mát, éo le mà chiến tranh gây ra cho bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình...

Kết bài: Khẳng định sự thành công của tác giả khi xây dựng nhân vật bé Thu và liên hệ bản thân...

Cách chấm điểm:

  • Điểm 4 - 4,5: Đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên, viết văn có cảm xúc, diễn đạt tốt, dẫn chứng chọn lọc, phong phú, đảm bảo phương pháp nghị luận về nhân vật.
  • Điểm 3 - 3,5: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu trên, diễn đạt lưu loát, bố cục rõ ràng, dẫn chứng hợp lý, đảm bảo phương pháp nghị luận về nhân vật. Có thể mắc một vài lỗi chính tả, dùng từ.
  • Điểm 2 - 2,5: Đáp ứng được khoảng nửa số ý, diễn đạt được, làm khá rõ trọng tâm. Có thể mắc một số lỗi.
  • Điểm 1- 1,5: Nắm chưa chắc tác phẩm, dẫn chứng nghèo nàn, bố cục lộn xộn, sa vào tình trạng thuật, kể.. mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu..
  • Điểm 0: bài viết sai hoàn toàn.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Luyện thi

    Xem thêm