Địa lí 11 Cánh Diều bài 23
Giải SGK Địa lý 11 Cánh Diều bài 23: Kinh tế Nhật Bản
Nhằm giúp các em học sinh làm quen với chương trình sách mới, VnDoc.com xin giới thiệu Địa lí 11 Cánh Diều bài 23: Kinh tế Nhật Bản. Hi vọng qua đây bạn đọc có thể dễ dàng giải sgk Địa 11 sách Cánh diều mới. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Mở đầu trang 108 Địa Lí 11
Nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh qua nhiều giai đoạn với tốc độ tăng trưởng khác nhau; là nền kinh tế có kĩ thuật, công nghệ và mức độ công nghiệp hóa cao. Vậy nguyên nhân nào đã tác động đến nền kinh tế Nhật Bản? Các ngành kinh tế ở Nhật Bản phát triển và phân bố như thế nào?
Lời giải:
- Nguyên nhân tác động đến nền kinh tế Nhật Bản:
+ Chú trọng đầu tư hiện đại hóa công nghiệp, tập trung phát triển có trọng điểm các ngành then chốt ở mỗi giai đoạn.
+ Đầu tư phát triển khoa học kĩ thuật và công nghệ, xây dựng các ngành công nghiệp có trình độ kĩ thuật cao, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.
+ Hiện đại hóa và hợp lí hóa các xí nghiệp nhỏ và trung bình.
+ Từ 2001 Nhật Bản xúc tiến các chương trình cải cách lớn trong đó có cải cách cơ cấu kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, cải cách khu vực tài chính.
+ Ngoài ra, con người và các truyền thống văn hóa của Nhật cũng là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế.
- Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế Nhật Bản:
+ Công nghiệp là ngành mũi nhọn của nền kinh tế, chiếm 29% GDP và giữ vị trí cao trong nền kinh tế thế giới. Cơ cấu ngành đa dạng, nhiều lĩnh vực công nghiệp có trình độ kĩ thuật và công nghệ cao hàng đầu thế giới.
+ Dịch vụ là ngành kinh tế quan trọng của Nhật Bản, chiếm 69,6% GDP, cơ cấu đa dạng, nhiều lĩnh vực có trình độ phát triển cao.
+ Nông nghiệp: thu hút 3% lao động, chiếm khoảng 1% GDP, diện tích đất canh tác chiếm 13% diện tích lãnh thổ.
I. Tình hình phát triển kinh tế
Câu hỏi trang 109 Địa Lí 11
Đọc thông tin và dựa vào các bảng 23.1, 23.2, hãy: Trình bày tình hình phát triển kinh tế của Nhật Bản.
Lời giải:
- Tình hình phát triển kinh tế của Nhật Bản:
+ Nền kinh tế có sự phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. Từ năm 1955 kinh tế phát triển với tốc độ cao, đến năm 1968 kinh tế Nhật Bản vươn lên đứng thứ 2 thế giới.
+ Kinh tế chịu nhiều tác động của các cuộc khủng hoảng: khủng hoảng dầu mỏ, “bong bóng kinh tế”, khủng hoảng tài chính toàn cầu.
+ Kinh tế chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh và sự cạnh tranh của nhiều nền kinh tế phát triển nhanh, lực lượng lao động bị thiếu hụt, thu hút đầu tư nước ngoài thấp.
+ Hiện nay là một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới. GDP đạt 5040,1 tỉ USD, chiếm 6% GDP thế giới.
+ Dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế và chiếm tỉ trọng cao nhất.
Câu hỏi trang 109 Địa Lí 11
Đọc thông tin và dựa vào các bảng 23.1, 23.2, hãy: Giải thích tình hình phát triển kinh tế của Nhật Bản.
Lời giải:
- Giải thích: Đạt được các thành tựu trên là do Nhật Bản đã có những chiến lược để phát triển kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, cụ thể:
+ Chú trọng đầu tư hiện đại hóa công nghiệp, tập trung phát triển có trọng điểm các ngành then chốt ở mỗi giai đoạn.
+ Đầu tư phát triển khoa học kĩ thuật và công nghệ, xây dựng các ngành công nghiệp có trình độ kĩ thuật cao, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.
+ Hiện đại hóa và hợp lí hóa các xí nghiệp nhỏ và trung bình.
+ Từ 2001 Nhật Bản xúc tiến các chương trình cải cách lớn trong đó có cải cách cơ cấu kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, cải cách khu vực tài chính.
+ Ngoài ra, con người và các truyền thống văn hóa của Nhật cũng là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế.
II. Các ngành kinh tế
Câu hỏi trang 111 Địa Lí 11
Đọc thông tin và quan sát hình 23.1, hãy: Xác định sự phân bố các ngành công nghiệp trên bản đồ.
Lời giải:
- Sự phân bố các ngành công nghiệp
+ Công nghiệp chế tạo, phân bố chủ yếu ở: Tô-ky-ô, Na-gôi-a, Ô-xa-ca,…
+ Công nghiệp luyện kim, phân bố chủ yếu ở: Tô-ky-ô, I-ô-cô-ha-ma, Na-gôi-a,…
+ Công nghiệp điện tử - tin học, phân bố chủ yếu ở: Tô-ky-ô, Na-ga-xa-ki, Phu-cu-ô-ca,…
+ Công nghiệp hóa chất, phân bố chủ yếu ở: Tô-ky-ô, Na-gôi-a, Cô-chi,…
+ Công nghiệp thực phẩm, phân bố chủ yếu ở: I-ô-cô-ha-ma, Ky-ô-tô, Mu-rô-ran,…
Câu hỏi trang 111 Địa Lí 11
Đọc thông tin và quan sát hình 23.1, hãy: Trình bày sự phát triển của ngành công nghiệp Nhật Bản.
Lời giải:
- Sự phát triển của ngành công nghiệp Nhật Bản:Công nghiệp là ngành mũi nhọn của nền kinh tế, chiếm 29% GDP và giữ vị trí cao trong nền kinh tế thế giới. Cơ cấu ngành đa dạng, nhiều lĩnh vực công nghiệp có trình độ kĩ thuật và công nghệ cao hàng đầu thế giới.
+ Công nghiệp chế tạo: phát triển mạnh, chiếm 40% giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu, nổi bật với sản xuất ô tô, đóng tàu đứng hàng đầu thế giới. Ngành có khối lượng sản phẩm lớn và đa dạng, áp dụng tối đa các công nghệ tiên tiến và đạt hiệu quả cao.
+ Công nghiệp luyện kim: chủ yếu dựa vào nguyên liệu nhập từ nước ngoài, tốc độ phát triển nhanh, ứng dụng phổ biến kĩ thuật và công nghệ hiện đại. Là nước xuất khẩu thép đứng thứ 2 thế giới.
+ Công nghiệp điện tử - tin học: phát triển với tốc độ nhanh, dẫn đầu thế giới, sản phẩm nổi bật là máy tính và rô bốt.
+ Công nghiệp hóa chất: là một trong những ngành công nghệ cao, các sản phẩm như: nhựa, vật liệu cách nhiệt, cao su tổng hợp,… xuất khẩu sang nhiều nước.
+ Công nghiệp thực phẩm: có sản phẩm đa dạng, trình độ phát triển cao, đầu tư ra nước ngoài lớn.
Câu hỏi trang 112 Địa Lí 11
Đọc thông tin và dựa vào bảng 23.3, hãy trình bày sự phát triển và phân bố của ngành dịch vụ Nhật Bản.
Lời giải:
♦ Dịch vụ là ngành kinh tế quan trọng của Nhật Bản, chiếm 69,6% GDP, cơ cấu đa dạng, nhiều lĩnh vực có trình độ phát triển cao.
- Giao thông vận tải: phát triển hiện đại, đặc biệt là đường biển và đường hàng không, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
+ Vận tải biển có vị trí quan trọng với đội tàu biển trọng tải lớn. Các cảng biển lớn và hiện đại Tô-ky-ô, I-ô-cô-ha-ma,…
+ Giao thông hàng không phát triển mạnh với 176 sân bay, các sân bay quan trọng: Ha-nê-đa, Na-ri-đa, Ô-xa-ca,…
+ Hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, tập trung ở các thành phố lớn.
- Ngành bưu chính viễn thông phát triển mạnh, đứng thứ 5 thế giới về số lượng vệ tinh ngoài không gian (2020), đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và cung cấp dịch vụ viễn thông cho một số nước trên thế giới.
- Du lịch:
+ Có nhiều phong cảnh đẹp và di tích lịch sử - văn hóa độc đáo,… là điều kiện phát triển du lịch.
+ Khách du lịch quốc tế tăng nhanh, đạt 31,8 triệu lượt người năm 2019, du lịch trong nước phát triển mạnh.
+ Hoạt động du lịch đóng góp hơn 7% vào GDP.
- Thương mại:
+ Ngoại thương có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 1500 tỉ USD. Xuất khẩu trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, là nước xuất siêu.
+ Nội thương phát triển từ lâu đời và có hệ thống rộng khắp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Thương mại điện tử phát triển mạnh, thị trường tiêu dùng nội địa có nhu cầu lớn, là động lực của sự phát triển kinh tế.
- Tài chính ngân hàng:
+ Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển. Là một trong những nước có tài trợ vốn ODA lớn nhất thế giới.
+ Các ngân hàng lớn như: Mít-su-bi-shi, Mi-du-hô, Su-mo-tô-mô,…
+ Tô-ky-ô là trung tâm tài chính ngân hàng lớn của Nhật Bản.
Câu hỏi trang 114 Địa Lí 11
Đọc thông tin, quan sát hình 23.3 và dựa vào bảng 23.4, hãy: Xác định sự phân bố một số nông sản của Nhật Bản trên bản đồ.
Lời giải:
- Sự phân bố một số nông sản của Nhật Bản
+ Lúa gạo, phân bố chủ yếu ở: đồng bằng ven biển đảo Hôn-su, ven bờ phía tây các đảo Xi-cô-cư và đảo Kiu-xiu.
+ Củ cải đường, phân bố chủ yếu ở: đảo Hô-cai-đô
+ Cây ăn quả, phân bố chủ yếu ở: phía nam và tây nam các đảo Kiu-xiu, Xi-cô-cư, phía đông bắc đảo Hôn-su, đảo Hô-cai-đô.
+ Chè, phân bố chủ yếu ở: đông nam đảo Hôn-su, đảo Kiu-xiu, đảo Xi-cô-cư.
+ Thuốc lá, phân bố chủ yếu ở: đảo Kiu-xiu.
+ Lúa mì, phân bố chủ yếu ở: phía bắc đảo Hô-cai-đô
+ Dâu tằm, phân bố chủ yếu ở: trung tâm đảo Hôn-su, phần nhỏ ở đảo Kiu-xiu.
+ Bò được nuôi ở hầu khắp cả nước, nhiều nhất là đảo Xi-cô-cư, đảo Hô-cai-đô, đảo Kiu-xiu, đảo Hôn-su.
+ Lợn và gà được nuôi tập trung nhiều nhất ở: đảo Hôn-su.
Câu hỏi trang 114 Địa Lí 11
Đọc thông tin, quan sát hình 23.3 và dựa vào bảng 23.4, hãy: Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành nông nghiệp Nhật Bản.
Lời giải:
- Nông nghiệp:
+ Thu hút 3% lao động, chiếm khoảng 1% GDP, diện tích đất canh tác chiếm 13% diện tích lãnh thổ.
+ Nền nông nghiệp hiện đại hướng vào sản xuất thâm canh, sử dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa ở các khâu của quá trình sản xuất, tạo ra năng xuất và chất lượng sản phẩm cao.
+ Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là các trang trại quy mô vừa và nhỏ.
+ Trồng trọt chiếm hơn 63% giá trị sản xuất nông nghiệp và được hiện đại hóa (chủ yếu là lúa gạo, rau và hoa quả).
+ Chăn nuôi khá phát triển (chủ yếu là: gà, bò, lợn,…), chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh, áp dụng công nghệ hiện đại và có sản lượng cao, chất lượng tốt.
- Lâm nghiệp:
+ Diện tích rừng lớn, chiếm 66% diện tích lãnh thổ. Chú trọng bảo vệ rừng, tăng diện tích rừng, rừng trồng chiếm 40% tổng diện tích rừng.
+ Ngành khai thác và chế biến gỗ có sự tăng trưởng nhanh. Sản lượng khai thác gỗ tròn năm 2020 là 30,2 triệu m3.
- Thủy sản:
+ Đánh bắt thủy sản được hiện đại hõa, áp dụng công nghệ kĩ thuật số, trí tuệ nhân tạo. Là một trong những nước có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới, sản lượng đánh bắt hàng năm cao. Đánh bắt xa bờ được chú trọng và chiếm phần lớn sản lượng, là nguồn cung cấp hàng xuất khẩu quan trọng.
+ Nuôi trồng thủy sản được chú trọng phát triển, phân bố rộng rãi.
III. Các vùng kinh tế
Câu hỏi trang 116 Địa Lí 11
Đọc thông tin, hãy so sánh đặc điểm nổi bật của các vùng kinh tế Nhật Bản.
Lời giải:
- Vùng kinh tế Hô-cai-đô
+ Chiếm khoảng 22 % diện tích và khoảng 4,4 % dân số Nhật Bản, mật độ dân số rất thấp. Rừng chiếm diện tích lớn, khoáng sản chủ yếu là than.
+ Phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, luyện kim đen, sản xuất giấy; sản xuất lúa mì, khoai tây, nuôi bò sữa; du lịch.
+ Các trung tâm công nghiệp lớn: Xap-pô-rô, Mu-rô-man,...
- Vùng kinh tế Hôn-su
+ Chiếm 61,2 % diện tích và khoảng 83,2 % dân số Nhật Bản. Hoạt động núi lửa và động đất xảy ra thường xuyên.
+ Công nghiệp phát triển mạnh, phân bố chủ yếu ở bờ biển Thái Bình Dương. Nông nghiệp trồng lúa gạo, chè, dâu tằm, hoa quả; nuôi trồng và đánh bắt cá.
+ Các trung tâm công nghiệp lớn: Tô-ky-ô, I-ô-cô-ha-ma, Ca-oa-xa-ki, Na-gôi-a, Ky-ô-tô, Ô-xa-ca, Cô-bê, Phu-cu-a-ma,...
+ Vùng Hôn-su được chia thành 5 vùng kinh tế trọng điểm: Tô-hu-cô, Can-tô, Chu-bu, Can-sai, Chu-gô-cu; trong đó Can-tô và Can-sai là hai vùng quan trọng nhất.
- Vùng kinh tế Xi-cô-cư
+ Chiếm khoảng 5 % diện tích và 3,2 % dân số Nhật Bản. Núi chiếm diện tích lớn.
+ Nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu, sản xuất gạo, lúa mạch, cam, quýt; nuôi trồng thuỷ sản. Các sản phẩm công nghiệp là dầu mỏ, kim loại màu, hàng dệt, bột giấy và giấy. Du lịch phát triển.
+ Trung tâm công nghiệp lớn: Cô-chi, Tô-ku-shi-ma.
- Vùng kinh tế Kiu-xiu
+ Chiếm khoảng 11,7 % diện tích và 4,3 % dân số Nhật Bản, có đồng bằng khá rộng.
+ Công nghiệp chủ yếu là luyện kim đen, hóa chất, đóng tàu. Từ những năm 1970, công nghiệp điện tử đã phát triển nhanh chóng, được mệnh danh là “Đảo si-li-côn”.
+ Nông nghiệp phát triển, nổi tiếng về: lúa gạo, rau, cây ăn quả; chăn nuôi bò, lợn.
+ Trung tâm công nghiệp lớn: Phu-cu-ô-ca, Na-ga-xa-ki, Ô-y-ta,...
Luyện tập & Vận dụng (trang 116)
Luyện tập 1 trang 116 Địa Lí 11
Bằng kiến thức đã học, hãy hoàn thành bảng nội dung về một số ngành công nghiệp của Nhật Bản vào vở ghi theo mẫu sau:
Lời giải:
Luyện tập 2 trang 116 Địa Lí 11
Dựa vào bảng 23.1, hãy vẽ biểu đồ kết hợp cột và đường thể hiện GDP và tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản giai đoạn 1961 - 2020. Rút ra nhận xét.
Lời giải:
- Vẽ biểu đồ:
- Nhận xét: Nhìn chung quy mô GDP và tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản giai đoạn 1961 - 2020 có nhiều biến động. Cụ thể:
- Giá trị GDP tăng nhanh qua các năm nhưng đang có sự suy giảm.
+ Năm 1961 giá trị GDP chỉ đạt 53,5 tỉ USD, năm 1970 đạt 212,6%, sau đó 20 năm đến năm 1990 đã tăng đến mức hàng ngàn tỉ USD (3132 tỉ USD).
+ GDP cao nhất là năm 2010 với 5759,1 tỉ USD, kể từ đây đánh dấu sự suy giảm giá trị GDP khi lần lượt GDP năm 2019 và 2020 là 5123,3 tỉ USD và 5040,1 tỉ USD.
- Tốc độ tăng trưởng GDP các giai đoạn trước có sự biến động, từ năm 2010 có sự suy giảm nghiêm trọng.
+ Ở thời kì đỉnh cao nhất với 12 % năm 1961, năm 1970 do khủng hoảng dầu mỏ nên tốc độ tăng giảm xuống chỉ còn 2,5%.
+ Đến năm 1990 dần phục hồi, tốc độ tăng GDP đạt 4,8%, tuy nhiên lại ảnh hưởng “bong bóng kinh tế” nên đến 2000 tốc độ tăng GDP giảm xuống còn 2,7%.
+ Đến năm 2010 tốc độ tăng GDP có sự khởi sắc với 4,1% thì dịch bệnh Covid-19 đã kéo con số này về mức 0,3% năm 2019 và liên tục giảm sút xuống mức -4,5% năm 2020.
Vận dụng 3 trang 116 Địa Lí 11
Tìm hiểu về mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Lời giải:
(*) Tham khảo: Nhật Bản - đối tác kinh tế chủ chốt của Việt Nam
- “Vương quốc Mặt Trời mọc” là nhà tài trợ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ ba, đối tác du lịch lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
- Đại sứ Nhật Bản khẳng định sẽ làm hết sức mình để góp phần thúc đẩy và củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản; nhấn mạnh, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đều hết sức coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác chiến lược về kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam, góp phần đưa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước đi vào chiều sâu, bền vững.
- Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 42,7 tỷ USD, đạt mức tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 20,1 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 22,6 tỷ USD, lần lượt tăng 4,4% và 11,3% so với năm trước đó.
- Trong ba tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản đã đạt 11,2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy mối quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
- Quan hệ đầu tư giữa hai nước cũng đang phát triển mạnh mẽ. Tính đến ngày 20/3, Nhật Bản có 4.828 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 64,4 tỷ USD.
- Trong khi đó, xét riêng năm 2021, số vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư và tăng 64,6% so với năm 2020. Con số này chỉ đứng sau Singapore và Hàn Quốc.
- Theo khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tháng 1/2022, có đến 55,3% doanh nghiệp được hỏi mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp hoạt động và rút khỏi Việt Nam chỉ lần lượt là 1,9% và 0,3%.
- Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA lớn nhất của Việt Nam kể từ khi viện trợ ODA được nối lại năm 1992. Tính đến hết năm 2019, số vốn mà Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam đạt 2.578 tỷ yên - tương đương khoảng 23,76 tỷ USD - chiếm gần một phần tư tổng số ODA mà quốc tế dành cho Việt Nam.
- Nguồn vốn này đã giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình quan trọng với đất nước như nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, Phả Lại, cầu Nhật Tân, hầm đường bộ Hải Vân…
--------------------------------
Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Địa lí 11 Cánh Diều bài 23: Kinh tế Nhật Bản. Mong rằng qua đây bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Địa lí 11 Cánh diều. Mời các bạn xem thêm các bài giải SGK Địa Lí lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài trước: Địa lí 11 Cánh Diều bài 22: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Nhật Bản
Bài tiếp theo: Địa lí 11 Cánh Diều bài 24: Thực hành: Viết báo cáo về hoạt động kinh tế đối ngoại của Nhật Bản