Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 27: Bến quê

Giải bài tập Ngữ văn bài 27: Bến quê

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 27: Bến quê là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm, giúp bạn thuận tiện hơn trong quá trình học bài và chuẩn bị cho bài học mới trên lớp. Mời các bạn tham khảo.

Bến quê

Nguyễn Minh Châu

I. Kiến thức cơ bản.

• Tác giả: Nguyễn Minh Châu quê ở tỉnh Nghệ An, gia nhập quân đội trong kháng chiến chống Pháp và sau đó trở thành nhà văn. Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học thời kì kháng chiến chống Mĩ. Sáng tác của Nguyễn Minh Châu - đặc biệt là các truyện ngắn – đã thể hiện những tìm tòi quan trọng về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần đổi mới căn học nước nhà từ những năm 80 của thế kỉ XX cho đến nay. Ông được nhà nước truy tặng Giải thường Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

• Tác phẩm: Truyện ngắn Bến quê in trong tập truyện cùng tên của Nguyễn Minh Châu, xuất bản năm 1985. Văn bản đưa vào sách giáo khoa lược bỏ một đoạn ở phần đầu truyện:

• Truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu chứa đựng những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc của nhà văn về con người, cuộc đời, thức tỉnh ở mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, của quê hương. Nghệ thuật truyện nổi bật ở sự miêu tả tâm lí tinh tế, nhiều hình ảnh giàu tính biểu tượng, cách xây dựng tình huống, trần thuật theo dòng tâm trạng của nhân vật.

II. Hướng dẫn đọc hiểu văn bản

Câu 1. Nhân vật Nhĩ trong truyện ở vào hoàn cảnh như thế nào? Xây dựng tình huống ấy, tác giả nhằm thể hiện điều gì?

+ Hoàn cảnh của nhân vật Nhĩ: Ông đã từng đi khắp mọi nơi trên trái đất không thiếu một xó xỉnh nào thế nhưng lại chưa hề đặt chân đến mảnh đất ở phía bên kia bờ sông ngay cạnh nhà mình. Và vào thời điểm mà anh đang bị ốm liệt giường vì căn bệnh hiểm nghèo không thể tự mình di chuyển được dù chỉ là nửa mét anh đã khao khát được đến mảnh đất đó.

+ Ý nghĩa: Đặt nhân vật vào tình huống đó tác giả Nguyễn Minh Châu muốn nói với chúng ta rằng cuộc sống luôn đầy những sự nghịch lí, sự bất thường. Nó vượt qua những dự định và ước muốn của con người. “Con người ta thật khó tránh khỏi những điều vòng vèo hoặc chùng chình”, những vẻ đẹp gần gũi ngay cạnh ta bao lâu rồi mà ta không hề hay biết, đến khi gần từ giã cõi đời ta mới nhận ra nó thì đã quá muộn.

Câu 2. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, ở cảnh ngộ bị buộc chặt vào giường bệnh, Nhi đã nhìn thấy những gì qua khung cửa sổ và anh khao khát điều gì? Vì sao Nhi lại có niềm khao khát ấy là điều đó có ý nghĩa gì?

+ Những điều Nhĩ nhìn thấy qua khung cửa sổ:

- Những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt.

- Con sông Hồng một màu đỏ nhạt.

- Mặt sông Hồng như rộng ra, vòm trời như cao hơn.

- Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển trên mặt nước.

- Một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi phô ra trước cửa sổ một màu vàng thau xen với màu xanh non.

+ Niềm khao khát của Nhĩ: Ông muốn được sang bên kia sông, đặt chân lên cái bãi bồi ngày nào ông cũng nhìn thấy từ khung cửa nhà mình mà chưa bao giờ sáng để đặt chân lên đó một lần, mặc dù ông đã đi khắp mọi xó xỉnh trên trái đất.

+ Ý nghĩa: “Sự thức tỉnh về những giá trị bền vững bình thường và sâu xa cuộc sống. Những giá trị thường bị người ta bỏ qua hay lãng quên khi những ham muốn xa vời đang lôi kéo đang lấn át. Trong hoàn cảnh của Nhĩ, đó là sự thức tỉnh xen lẫn niềm ân hận xót xa”. (Nguyễn Trọng Trí )

Câu 3. Vì sao có thể nói ngòi bút miêu tả tâm lí của Nguyễn Minh Châu ở thiên truyện này rất tinh tế và thấm đượm tình nhân đạo? Phân tích sự miêu tả tâm lí của nhân vật Nhĩ để khẳng định nhận xét ấy?

“Trong truyện ngắn này, ngòi bút tâm lí của Ngyễn Minh Châu rất tinh tế và thấm đượm tinh thần nhân đạo. Điều đó được thể hiện ở ngay cách lựa chọn và xử lí tình huống. Trong văn học nhiều tác giả đã đặt nhân vật vào hoàn cảnh hiểm nghèo để làm nổi bật khát vọng sống và sức sống mạnh mẽ của con người hay về lòng nhân ái và sự hi sinh cao thượng... Nguyễn Minh Châu đã khai thác tình huống này theo một chiều hướng khác. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, nhân vật suy ngẫm tự trải nghiệm về cuộc đời với những suy nghĩ sâu sắc.

Những suy nghĩ của nhân vật Nhĩ về lẽ sống, về cuộc đời, về những con người hết sức cụ thể, như người vợ đứa con và chính cuộc đời của mình. Trong con mắt của một người sắp từ giã cõi đời, cảnh vật trước mắt bỗng đẹp và đáng yêu kì lạ. Hình ảnh người vợ gầy guộc với hai bàn tay chan chứa yêu thương đã trở thành nơi nương tựa trong những ngày này. Sự thức tỉnh của nhân vật Nhĩ về vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông đã được tô đậm thêm qua hình ảnh đứa con - trong hoàn cảnh bình thường - còn mải chơi và thấy bãi bồi bên kia sông chẳng có gì hấp dẫn. Đó chính là tình yêu đối với cuộc sống đã trải nghiệm qua cuộc đời nhiều thăng trầm, đang trải qua những giây phút hiểm nghèo.” (Đào Thi – Thảo Nguyên)

Câu 4. Ở đoạn kết truyện, tác giả đã tập trung miêu tả chân dung và cử chỉ của nhân vật Nhĩ với vẻ rất khác thường. Hãy giải thích ý nghĩa của các chi tiết ấy?

+ Chân dung của Nhĩ trong đoạn cuối truyện: “Mặt mũi đỏ rựng một cách khác thường, hai mắt long lanh chứa một nỗi say mê đầy đau khổ, cả muời đầu ngón tay đang bấu chặt vào bậu cửa sổ, những ngón tay vừa bấu chặt vừa run lẩy bẩy. Anh đang cố thu nhặt hết mọi sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát y như đang khẩn tiết ra hiệu cho một người nào đó.”

+ Ý nghĩa:

- Niềm mong chờ và khát khao đến tột độ muốn được đặt chân qua bên kia sông.

- Sự nôn nóng thúc giục cậu con trai đừng sa vào chơi cờ thế hãy nhanh chân lên kẻo lỡ mất chuyến đò trong ngày.

- Sự thức tỉnh đối với mọi người về sự chùng chình sự vòng vèo không đáng có trong cuộc đời của mỗi con người. Hãy biết khám phá những giá trị đích thực của cuộc sống gần gũi xung quanh ta, đừng để đến khi quá muộn.

Câu 5. Nhiều hình ảnh, chi tiết trong truyện này mang tính biểu tượng. Hãy tìm một số hình ảnh, chi tiết như vậy mà nêu ý nghĩa biểu tượng của chúng. (Gợi ý: Hình ảnh bãi bồi bên kia sông, bờ sông bên này bị sụt lở, chi tiết anh con trai sa vào đám chơi cờ thế...)

Trong câu chuyện có rất nhiều hình ảnh vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Hai ý nghĩa này gắn bó thống nhất tạo cho tác phẩm vừa có sức gợi cảm, vừa có tính tư tưởng sâu sắc:

+ Hình ảnh bãi bồi bên kia sông biểu tượng cho vẻ đẹp của đời sống gần gũi, bình dị thân thuộc, là hình ảnh của bến quê trong tâm hồn mỗi con người.

+ Những bông hoa cuối mùa sắc màu như đậm hơn, phải chăng đó là hình ảnh về sự sống của nhân vật Nhĩ trong những ngày cuối đời. Tất cả dồn lại để loé lên rồi tắt.

+ Chi tiết anh con trai sa vào đám cờ thế trên lề đường, đó là sự vòng vèo, sự chùng chình mà con người ta khó tránh khỏi. Phải là những người từng trải mới nhận ra vẻ đẹp đích thực của cuộc sống.

+ Hành động cuối cùng của Nhĩ ở cuối truyện (đã phân tích ở câu 4).

Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 27: Ôn tập phần Tiếng Việt

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 25: Nghĩa tường minh và hàm ý (tiếp theo)

Đánh giá bài viết
1 278
Sắp xếp theo

Soạn Văn 9 - Văn 9

Xem thêm