Giải bài tập SGK Địa lý lớp 6 bài 8: Sự chuyển động của Trái Đất quanh mặt trời
Địa lý lớp 6 bài 8: Sự chuyển động của Trái Đất quanh mặt trời
Giải bài tập SGK Địa lý lớp 6 bài 8: Sự chuyển động của Trái Đất quanh mặt trời. Đây là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm nhằm giúp quá trình ôn tập và củng cố kiến thức chuẩn bị cho kì thi học kì mới môn Địa lý của các bạn học sinh lớp 6 trở nên thuận lợi hơn. Mời các bạn tham khảo
Giải bài tập SGK Địa lý lớp 6 bài 7: Sự vận động tự quay quanh trục của Trái Đất và các hệ quả
Giải bài tập SGK Địa lý lớp 6 bài 5: Kí hiệu bản đồ. Các biểu hiện địa hình trên bản đồ
Giải bài tập SGK Địa lý lớp 6 bài 4: Phương hướng trên bản đồ. Kinh độ, vĩ độ và tọa độ địa lí
Bài 8: Sự chuyển động của Trái Đất quanh mặt trời
A. Kiến thức trọng tâm
1. Sự chuyển động của Trái Đất quanh Mặt trời
- Trái đất chuyển động quanh Mặt trời theo hướng từ Tây sang Đông trên quỹ đạo có hình Elip gần tròn.
- Khi chuyển động quanh Mặt trời, Trái đất cũng đồng thời tự quay quanh trục.
- Trái đất chuyển động một vòng quanh mặt trời trên quỹ đạo hết 365 ngày và 6 giờ.
2. Hiện tượng các mùa
- Nguyên nhân: Khi chuyển động trên quỹ đạo trục trái đất bao giờ cũng có độ nghiêng không đổi nên lúc nửa cầu Bắc, lúc nửa cầu Nam ngả về phía Mặt trời sẽ sinh ra các mùa trong năm.
- Cụ thể các mùa:
- Khi nửa cầu hướng về phía mặt trời nhận được nhiều ánh sáng là mùa nóng
- Khi nửa cầu chếch xa mặt trời nhận được lượng ánh sáng ít hơn sẽ là mùa lạnh.
- Trong một năm, ở hai nửa cầu có các mùa đối lập nhau.
- Người ta chia một năm có 4 mùa: Xuân, hạ, thu và đông.
B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
Câu 1: Trang 25 - sgk Địa lí 6: Quan sát hình 23 (trang 25 SGK Địa lý 6), hãy cho biết:
- Hướng chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời?
- Độ nghiêng và hướng của trục Trái Đất ở các vị trí: Xuân phân, hạ chí, thu phân và đông chí?
Trả lời:
- Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời theo hướng từ Tây sang Đông trên quỹ đạo có hình elíp gần tròn .
- Trong khi chuyển động trên quỹ đạo quanh mặt trời, trục Trái Đất lúc nào cũng giữ nguyên độ nghiêng 66°33’ trên mặt phẳng quỹ đạo và hướng nghiêng của trục không đổi.
Câu 2: Trang 25 - sgk Địa lí 6: Quan sát hình 23 (trang 25 SGK Địa lý 6), hãy cho biết:
- Trong ngày 22-6 (hạ chí), nửa cầu nào ngả về phía Mặt Trời?
- Trong ngày 22-12 (đông chí), nửa cầu nào ngả về phía Mặt Trời?
Trả lời:
- Ngày 22/6 (hạ chí): Nửa cầu Bắc ngả về phía Mặt Trời nhiều hơn.
- Ngày 22/12 (đông chí): Nửa cầu Nam ngả về phía Mặt Trời nhiều hơn
Câu 3: Trang 26 - sgk Địa lí 6: Quan sát hình 23 (trang 25 SGK Địa lý 6), hãy cho biết:
- Trái Đất hướng cả hai nửa cầu Bắc và Nam về Mặt Trời như nhau vào các ngày nào?
- Khi đó lúc 12 giờ trưa ánh sáng Mặt Trời chiếu thẳng góc vào nơi nào trên bề mặt Trái Đất?
Trả lời:
- Trái đất hướng cả hai nửa cầu Bắc và Nam về phía mặt trời như nhau vào các ngày 21/3 (xuân phân) và ngàu 23/9 (thu phân).
- Khi có ánh sáng Mặt trời chiếu thẳng góc vào đường xích đạo trên bề mặt Trái đất.
Câu 4: Trang 27 - sgk Địa lí 6: Tại sao Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời lại sinh ra hai thời kì nóng và lạnh luân phiên nhau ở hai nửa cầu trong một năm?
Trả lời:
Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời lại sinh ra hai thời kì nóng và lạnh luân phiên nhau ở hai nửa cầu trong một năm là bởi vì:
Do trục Trái đất nghiêng và không đổi phương trong khi chuyển động trên quỹ đạo nên Trái đất có lúc ngả nửa cầu Bắc, có lúc ngả nửa cầu Nam về phía Mặt trời. Nửa cầu nào ngả về phía Mặt trời thì sẽ có góc chiếu lớn hơn, nhận được nhiều ánh sáng và có nền nhiệt cao hơn. Do đó, vào thời điểm này, nửa cầu được chiếu sáng chính là mùa nóng. Nửa cầu còn lại không ngả về phía mặt trời thì góc chiếu nhỏ hơn, nhận được ánh sáng cũng như lượng nhiệt ít hơn nên lúc này nửa cầu ấy sẽ là mùa lạnh. Chính vì vậy, trong năm, thời kì nóng và lạnh ở hai nửa cầu thay đổi luân phiên nhau.
Câu 5: Trang 27 - sgk Địa lí 6: Vào những ngày nào trong năm, hai nửa cầu Bắc và Nam đều nhận được một lượng nhiệt và ánh sáng như nhau?
Trả lời:
Vào những ngày 21 – 3 và 23 – 9 trong năm, hai nửa cầu Bắc và Nam đều nhận được một lượng nhiệt và ánh sáng như nhau. Bởi khi đó lúc 12 giờ trưa ánh sáng Mặt Trời chiếu thẳng góc vào đường Xích đạo trên bề mặt Trái Đất.