Giải bài tập SGK Địa lý lớp 6 bài 2: Bản đồ, cách vẽ bản đồ
Địa lý lớp 6 bài 2: Bản đồ, cách vẽ bản đồ
Giải bài tập SGK Địa lý lớp 6 bài 2: Bản đồ, cách vẽ bản đồ. Đây là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm nhằm giúp quá trình ôn tập và củng cố kiến thức chuẩn bị cho kì thi học kì mới môn Địa lý của các bạn học sinh lớp 6 trở nên thuận lợi hơn. Mời các bạn tham khảo
Giải bài tập SGK Địa lý lớp 6 bài 1: Vị trí, hình dạng và kích thước của Trái Đất
A. Kiến thức trọng tâm
1. Bản đồ là gì?
- Bản đồ là hình vẽ tương đối chính xác về một vùng đất hay toàn bộ trái đất trên một mặt phẳng.
2. Vẽ bản đồ là gì?
- Vẽ bản đồ là biểu hiện mặt cong hình cầu của Trái Đất trên mặt phẳng của tờ giấy bằng các phương pháp chiếu đồ.
=> Muốn vẽ bản đồ cần phải chiếu mặt cong của trái đất để vẽ chúng trên mặt phẳng của giấy.
3. Cách vẽ bản đồ
- Thu thập thông tin về các đối tượng địa lí.
- Tính tỉ lệ, lựa chọn các kí hiệu để thể hiện chúng trên bản đồ
B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
Câu 1: Quan sát bản đồ hình 5 cho biết:
- Bản đồ này khác bản đồ hình 4 ở chỗ nào?
- Vì sao diện tích đảo Gron-len trên bản đồ lại to gần bằng diện tích lục địa Nam Mĩ? (Trên thực tế, diện tích đảo này có 2 triệu km2, diện tích lục địa Nam Mĩ là 18 triệu km2?
Trả lời:
- Quan sát bản đồ hình 5 và hình 4 ta thấy có sự khác nhau. Đó chính là bản đồ hình 4 chưa nối liền những chỗ bị đứt còn bản đồ hình 5 những chỗ bị đứt đã được nối liền.
- Diện tích đảo Gron-len trên bản đồ lại to gần bằng diện tích lục địa Nam Mĩ là bởi vì: Theo cách chiếu của Mec - ca - to (các đường kính, vĩ tuyến trên bản đồ bao giờ cũng là những đường thẳng song song) thì càng xa xích đạo về phía hai cực, sai số về diện tích càng lớn. Điều đó đã lí giải cho việc tại sao diện tích đảo Grơn – len trên thực tế chỉ bẳng 1/9 diện tích lục địa Nam Mĩ, nhưng trên bản đồ Mec - ca - to thì diện tích đảo Grơn - len trên bản đồ lại to bằng diện tích lục địa Nam Mĩ.
Câu 2: Hãy nhận xét sự khác nhau về hình dạng các đường kính, vĩ tuyến ở các bản đồ hình 5, 6, 7?
Trả lời:
Sự khác nhau về hình dạng các đường kính, vĩ tuyến ở các bản đồ hình 5, 6, 7:
- Ở hình 5: Các đường kinh tuyến, vĩ tuyến đều là các đường thẳng.
- Ở hình 6: Kinh tuyến giữa 0 độ là đường thẳng, các kinh tuyến còn lại là những đường cong chụm ở cực. Các đường vĩ tuyến là đường thẳng song song.
- Ở hình 7: Kinh tuyến là các đường cong chụm lại ở cực, xích đạo là đường thẳng, các đường vĩ tuyến Bắc là những đường cong hướng về cực Bắc, các đường vĩ tuyến Nam là những đường cong hướng về cực Nam.
Câu 3: Bản đồ là gì? Bản đồ có vai trò như thế nào trong việc giảng dạy và học tập Địa lí?
Trả lời:
Bản đồ là hình vẽ thu nhỏ một phần hoặc toàn bộ Trái Đất lên một mặt phẳng. Trong việc giảng dạy và học tập địa lí, bản đồ giúp xác định vị trí, sự phân bố các đối tượng địa lí (như sự phân bố các dãy núi và độ cao của chúng, sự phân bố hướng chạy và chiều dài, phạm vi lưu vực của con sông, hoặc sự phân bố dân cư, các trung tâm công nghiệp, các thành phố lớn...)
- Qua bản đồ người đọc còn biết được hình dạng, quy mô cùa các lục địa trên thế giới.
Câu 4: Tại sao các nhà hàng hải hay dùng bản đồ có kinh tuyến, vĩ tuyến là những đường thẳng?
Trả lời:
Bản đồ có kinh tuyến và vĩ tuyến đường thẳng là bản đồ sử dụng phép chiếu đồ hình trụ đứng. Theo phép chiếu đồ này thì vùng xích đạo có độ chính xác nhất, không có sai số độ dài; càng xa xích đạo càng kém chính xác; tỉ lệ theo lưới chiếu kinh tuyến vĩ tuyến thay đổi giống nhau, liên tục tăng dần từ xích đạo đến cực. Hơn nữa ở góc chiếu này góc trên bản đồ có độ lớn tương ứng bằng góc trên địa cầu. Đó là lí do các nhà hàng hải hay sử dụng bản đồ có lưới kinh tuyến vĩ tuyến là những đường thẳng.
Câu 5: Để vẽ được bản đồ, người ta phải lần lượt làm những công việc gì?
Trả lời:
Để vẽ được bản đồ, trước hết phải căn cứ vào mục đích, nhiệm vụ, nội dung và yêu cầu của bản đồ cần vẽ để chọn cách chiếu đồ thích hợp, sau đó lần lượt làm các công việc sau:
- Thu thập đầy đủ các thông tin về vùng đất cần vẽ bản đồ.
- Biết cách chuyển mặt cong của Trái Đất lên mặt phẳng của giấy.
- Thu nhỏ khoảng cách.
- Chọn các loại và dạng kí hiệu để thể hiện các đối tượng địa lí.