Giải đáp các thắc mắc về xếp lương, lên hạng, chứng chỉ mới từng trường hợp
Quy định mới nhất về lương của giáo viên cần biết
Nhiều giáo viên thắc mắc về những thay đổi về xếp lương, thăng hạng giáo viên khi các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực. Để trả lời những thắc mắc về xếp lương, lên hạng, chứng chỉ mới, mời các bạn tham khảo bài viết.
- Cách tính lương giáo viên khi chuyển hạng từ 20/3/2021
- Công thức tính lương giáo viên theo quy định mới từ 20/3/2021
- Cách xếp hạng và chuyển, xếp lương giáo viên Tiểu Học công lập theo Thông tư 02
Giải đáp những câu hỏi về xếp lương, lên hạng, chứng chỉ theo Thông tư mới
Căn cứ:
- Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non công lập
- Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học công lập
- Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học cơ sở (THCS - cấp 02) công lập
- Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học phổ thông (THPT - cấp 03) công lập
Câu hỏi 1. "Tôi xin hỏi tôi là giáo viên tiểu học công tác được hơn 21 năm. Tôi đã có bằng đại học năm 2014, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II.
Hiện tôi đang hưởng lương cao đẳng bậc 8, hệ số 4,27. Và có đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định của giáo viên tiểu học hạng 2.
Vậy tới đây tôi có được chuyển sang giáo viên tiểu học hạng 2 không. Hay là chuyển sang giáo viên tiểu học hạng 3, nếu tôi chuyển sang giáo viên tiểu học hạng 3 thì tôi có phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng 3 không? Tôi xin trân trọng cảm ơn.”
Trả lời: Bạn đang là giáo viên tiểu học hạng III, thì theo Điều 7 giáo viên tiểu học hạng III (cũ) sẽ được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III mới có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98. Bạn sẽ được chuyển xếp hệ số lương mới có hệ số lương 4,32.
Do bạn đang là giáo viên tiểu học hạng III (cũ) nên để được bổ nhiệm sang hạng III mới bạn phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III tại mục 7 điều 10 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT.
Câu hỏi 2: Tôi vào ngành giáo dục từ năm 1997 đến nay 24 năm.
"Tôi đã học có bằng đại học, giấy chức danh nghề nghiệp hạng 2, và ăn lương hạng 2 cũ. Nhưng theo thông tư 01 thì căn cứ nhiệm vụ của giáo viên mầm non hạng 2 mới thì chúng tôi không ai đạt được may ra cả huyện chỉ có vài hiệu trưởng và hiệu phó đạt được.
Vậy có phải chúng tôi lại trở về ăn lương hạng 3 dành cho trình độ cao đẳng thì lương bị thụt lùi phải không. Tôi nghe nói trừ cả thâm niên giáo viên. Vậy mỗi tháng chúng tôi mất vài triệu.
Thông tư 01 về vị trí việc làm công bố sẽ không thấp hơn mức lương cũ. Nếu mất mấy triệu 1 tháng thì giáo viên cũ như chúng tôi sống sao.”
Trả lời: Rất chia sẻ với bạn, tại mục 3. Điều 7 Thông tư 21 đã quy định: Giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.04) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26).
Bạn cố gắng phấn đấu đạt các tiêu chuẩn của giáo viên hạng II, tham khảo quy chế xét thăng hạng viên chức.
Câu hỏi 3: “Em là giáo viên mầm non, em trước đây em ăn lương trung cấp, năm 2008 em chuyển sang ăn lương đại học, em có chứng chỉ thăng hạng II. Vậy em có phải thi hạng III không ạ”.
Trả lời: Theo nội dung câu hỏi của bạn, bạn đang hưởng lương giáo viên mầm non hạng II (cũ) có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98, theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT bạn nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn giáo viên mầm non hạng II sẽ được bổ nhiệm giáo viên mầm non hạng II có hệ số lương tương đương, nếu chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, bạn có thể tạm thời xếp lương giáo viên mầm non hạng III, hệ số lương 2,1 đến 4,89, bạn không cần có chứng chỉ chức danh giáo viên mầm non hạng III, sau khi hoàn thiện các tiêu chuẩn bạn sẽ được xét sang giáo viên hạng II.
Câu hỏi 4: “Cho tôi hỏi: Tôi là giáo viên tiểu học hạng IV, tôi đã hưởng lương vượt khung, nay tôi đã có bằng đại học vậy tôi có được chuyển sang hạng II, III không? Và cần có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không? Xin cám ơn!”
Trả lời: Bạn đang là giáo viên tiểu học hạng IV, nếu đủ tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng III sẽ được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng III (hệ số lương 2,34 đến 4,98), bạn không cần có chứng chỉ chức danh giáo viên tiểu học hạng III, nếu sau này đủ điều kiện, tiêu chuẩn bạn có thể thi/ xét thăng hạng lên hạng II, khi đó mới cần chứng chỉ chức danh giáo viên tiểu học hạng II.
Câu hỏi 5: “Tôi giáo viên trung học cơ sở hạng II hệ số lương 3,66, khu vực 0,5%, có 12 năm công tác, khi xếp lương theo Thông tư 03/2021/TT-BGDDT thì có bị thấp hơn mức lương hiện hưởng không."
Trả lời: Nếu đủ tiêu chuẩn giáo viên hạng II mới bạn sẽ được xếp giáo viên trung học cơ sở hạng II mới có hệ số lương 4,0 đến 6,38, nếu bạn chưa đủ tiêu chuẩn giáo viên hạng II, thì bạn tạm thời xếp giáo viên hạng III với hệ số lương tương ứng 3,66 như hiện hành, không có chuyện giảm lương. Phụ cấp thâm niên chỉ bỏ khi thực hiện lương mới theo vị trí việc làm trong thời gian tới.
Câu hỏi 6: “Tôi tốt nghiệp đại học và được tuyển dụng là giáo viên hạng 2 từ năm 2005, tôi có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng 1, tôi có phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng 2 không, hệ số lương hiện tại của tôi là 3.99. Tôi xin cảm ơn”.
Trả lời: Nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn giáo viên hạng II, bạn sẽ được chuyển xếp lương giáo viên hạng II mới, tiêu chuẩn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc, chứng chỉ hạng I không thay thế chứng chỉ hạng II. Tuy nhiên, chứng chỉ hạng I sẽ được bảo lưu cho lần thăng hạng từ hạng II lên hạng I.
Câu hỏi 7: “Tôi là giáo viên trung học cơ sở vào ngành từ năm 2015 với mã chức danh nghề nghiệp V07.04.11. Hiện công tác được hơn 5 năm. Tôi đang hưởng hệ số lương 2.67. Bậc 2. Vừa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II.
Xin hỏi sắp tới 20/3 tôi sẽ được chuyển luôn sang hạng II Trung học cơ sở hay phải đủ điều kiện đến năm nào mới được chuyển, nghe nói là với cao đẳng thì 9 năm và với đại học thì 6 năm.
Như vậy có phải khi đủ 6 năm giữ hạng gồm năm tập sự thì có nghĩa tới năm 2021 khi đủ 6 năm tôi đc chuyển sang hạng II mới không?”
Trả lời: Thời gian giữ hạng III hoặc tương đương phải đủ 09 năm mới được chuyển sang hạng II mới, do đó bạn sẽ được chuyển xếp lương giáo viên trung học cơ sở hạng III với hệ số lương như hiện hưởng của bạn, khi đủ thời gian giữ hạng và các tiêu chuẩn của giáo viên hạng II, bạn sẽ được xét chuyển sang hạng II mà không phải thi hay xét chuyển.
Câu hỏi 8: “Hiện nay tôi là giáo viên hạng 3 hệ số 2.72. Theo thông tư mới tháng 03/2021 chuyển sang hạng 3 mới thì bậc lương của tôi ăn hệ số nào?”
Trả lời: Bạn sẽ được chuyển xếp lương sang giáo viên hạng III có hệ số 3,0 từ 20/3 tới.
Câu hỏi 9: “Xin hỏi tôi là giáo viên dạy ngoại ngữ cấp Tiểu học đang ở hạng 4, có bằng cao đẳng, hưởng lương bậc 8 là 3,26. Bây giờ học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp ở hạng mấy mà tôi thấy huyện tôi có công văn hướng dẫn có cả lớp bồi dưỡng lấy chức danh nghề nghiệp hạng 4."
Trả lời: Bạn có trình độ cao đẳng, chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới, giáo viên tiểu học phải có trình độ đại học trở lên, nên bạn chưa được bổ nhiệm giáo viên tiểu học theo Thông tư 02 mới, bạn tiếp tục hưởng lương ở ngạch đang hưởng, bạn không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Theo các thông tư mới giáo viên chỉ được xếp từ hạng I đến hạng III, giáo viên hạng IV đã không còn.
Câu hỏi 10: “Tôi là giáo viên tiểu học giảng dạy từ 9/2009, có bằng đại học. Hiện lương của tôi là bậc 5 - 3.66- V070307 (được nâng lương trước hạn 2 lần). Như vậy tôi có phải học chức danh nghề nghiệp để giữ hạng II không? Xin cảm ơn!"
Trả lời: Để được bổ nhiệm là giáo viên tiểu học hạng II theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT bạn bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II.
Câu hỏi 11: “Em đang là giáo viên tiểu học hạng 4 đã có bằng đại học và có chứng chỉ hạng 2. Vậy em có được xếp lên hạng 2 không?
Trả lời: Theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, bạn đang là giáo viên tiểu học hạng IV, nên sắp tới bạn sẽ được bỏ nhiệm và xếp lương giáo viên tiểu học hạng III mới, có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98.
Câu hỏi 12: “Cho em hỏi: Em vào ngành ngày 1/4/2020 tiểu học, có bằng cao đẳng hiện em đã có bằng đại học vậy giờ em phải học chức danh nghề nghiệp hạng 2 hay 3 ạ?”
Trả lời: Bạn được tuyển dụng vào ngày 01/04/2020 ở bậc tiểu học thì theo Thông tư 21/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, bạn đang xếp giáo viên tiểu học hạng IV có hệ số lương từ 1,86 dến 4,06, nên khi thực hiện chuyển xếp lương mới bạn sẽ được bổ nhiệm giáo viên tiểu học hạng III mới có hệ số lương 2,34 đến 4,98.
Giáo viên tiểu học hạng IV, chuyển sang giáo viên tiểu học hạng III mới không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III.
Bạn có học chứng chỉ hạng II hay không tùy thuộc vào bạn có đủ tiêu chuẩn của giáo viên hạng II hay không.
Câu hỏi 13: “Em là giáo viên hạng lV tiểu học. Nếu chuyển qua hạng 3 mới này có cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng 3 không ạ.”
Trả lời: Giáo viên tiểu học hạng IV chuyển sang hạng III không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III.
Câu hỏi 14: “Tôi xin hỏi: Hiện nay tôi là giáo viên Tiểu học hạng III công tác 24 năm và đang hưởng lương bậc 8, hệ số 4,27. Tôi đã có bằng đại học và Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tiểu học hạng II. Nếu chuyển sang hạng III mới tôi có cần thêm chứng chỉ gì nữa không ạ?"
Trả lời: Giáo viên hạng III cũ chuyển sang giáo viên tiểu học hạng III mới bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III.
Câu hỏi 15: "Tôi là giáo viên trung học cơ sở hạng 1, chưa có bằng thạc sĩ, vậy theo Thông tư mới tôi sẽ được bổ nhiệm hạng nào? Nếu xuống hạng tôi có phải học chứng chỉ bồi dưỡng hạng II không ạ? Xin cảm ơn!”
Trả lời: Bạn sẽ được xếp lương giáo viên trung học cơ sở hạng II có hệ số lương tương đương lương hiện nay của bạn. Chứng chỉ hạng II là bắt buộc trong điều kiện để bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở hạng II.
Câu hỏi 16: “Tôi vào ngành 8 năm rồi. Trong 8 năm tôi có quyết định giáo viên trung học cơ sở hạng 2, ăn lương hạng 2. (V.07.04.11), Tôi đã có bằng thạc sĩ, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng 2, vậy giờ theo thông tư 03 mới tôi xếp hạng 2 hay 3. Rất mong nhận được giải đáp. Xin cảm ơn.”
Trả lời: Nếu đủ tiêu chuẩn của giáo viên trung học cơ sở hạng II, bạn sẽ được bổ nhiệm giáo viên hạng II mới.
Câu hỏi 17: “Tôi xin hỏi: Tôi là giáo viên tiểu học hiện đang hưởng lương hạng III và chưa có bằng đại học. Vậy tôi có phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III không? Những giáo viên từ hạng 4 sang hạng III mới có phải học hạng III không? (Nếu không phải học thì vì sao)"
Trả lời: Do bạn chưa có bằng đại học nên bạn chưa được bổ nhiệm vào giáo viên tiểu học hạng III, nên tạm thời bạn chưa cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III. Bạn tiếp tục nhận lương như hiện tại. Sau này bạn đã chuẩn hóa đại học, để chuyển sang hạng III mới bạn cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III.
Chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng III áp dụng với giáo viên tuyển dụng sau ngày 20/3 và giáo viên hạng III cũ sang hạng III mới.
Câu hỏi 18: Em là giáo viên trung học cơ sở hiện đã công tác được 29 năm và đã có bằng đại học từ năm 2012 nhưng vẫn đang hưởng lương cao đẳng bậc 8. Vậy em có phải học lớp bồi dưỡng nâng hạng chức danh nghề nghiệp đợt này không ạ?”
Trả lời: Theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT bạn sẽ được bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở hạng III mới có hệ số lương tương ứng 2,34 đến 4,98, không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III, nếu sau này đủ tiêu chuẩn giáo viên hạng II để được bổ nhiệm hạng II bạn phải có chứng chỉ chức danh hạng II.
Câu hỏi 19: “Tôi là giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ có bằng cao đẳng sư phạm văn sử, bằng Đại học Quản lí giáo dục, thạc sĩ lịch sử hiện đang giảng dạy bộ môn Lịch sử. Xin hỏi tôi có được chuyển sang Hạng III mới không?"
Trả lời: Bạn sẽ được chuyển sang hạng III mới.
Câu hỏi 20: “Tôi là giáo viên Tiểu học có 29 năm công tác. Tôi có bằng đại học từ năm 2012. Năm 2019 được xếp vào hạng giáo viên tiểu học hạng III. Vậy nay xếp lương theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tôi được xếp vào hạng mấy và sau mấy năm được xét thăng hạng mới.”
Trả lời: Bạn sẽ được xếp lương giáo viên tiểu học hạng III mới, tính từ năm 2019 nếu đủ 09 năm giữ hạng III bạn mới có thể thi/xét thăng hạng lên hạng II.
Câu hỏi 21: “Tôi là giáo viên trung học cơ sở đang ở hạng 2, lương bậc 7, nhưng tôi chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Hỏi tới đây tôi có bị xuống hạng không?"
Trả lời: Nếu không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II, bạn sẽ được bổ nhiệm giáo viên trung học cơ sở hạng III với hệ số lương như hiện hưởng.
Câu hỏi 22: "Những giáo viên mầm non, tiểu học, THCS hạng I (theo các thông tư cũ) bây giờ chuyển sang hạng I mới thì cần thực hiện như thế nào? Việc xác định đủ điều kiện do ai đảm nhận?"
Trả lời: Theo quy định trước đây tại các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT- BNV ban hành năm 2015, giáo viên mầm non, tiểu học không có hạng I; chỉ cấp THCS, THPT mới có giáo viên hạng I.
Do đó, theo quy định của các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT (mới ban hành), để được bổ nhiệm và xếp lương vào hạng I, giáo viên mầm non, tiểu học phải có thời gian tích lũy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và tham gia kỳ thi/xét thăng hạng chứ không được chuyển ngay vào hạng I khi các thông tư có hiệu lực (khoản 2 Điều 7 Thông tư 01 đối với giáo viên mầm non; khoản 2 Điều 7 Thông tư 02 đối với giáo viên tiểu học).
Đối với cấp THCS, nếu giáo viên hạng I hiện nay đã đáp ứng đủ tất cả các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng I mới thì được bổ nhiệm và xếp lương vào hạng I theo quy định tại Thông tư 03; nếu không đủ điều kiện, tiêu chuẩn của hạng I thì được xếp vào hạng II, khi nào tích lũy đủ điều kiện thì mới được bổ nhiệm, xếp lương vào hạng I mà không phải thông qua kỳ thi/xét thăng hạng (khoản 3 Điều 9 Thông tư 03).
Việc xác định giáo viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn trong quá trình bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp quy định tại các thông tư mới do cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức được phân cấp tại địa phương thực hiện.
Câu hỏi 23: "Những giáo viên hạng I cũ không được chuyển sang hạng I mới thì khi chuyển sang hạng II mới có phải có Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng II (bản thân họ đã có chứng chỉ hạng I cũ)?"
Trả lời:
Trong các thông tư mới được ban hành có quy định các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở từng hạng mà giáo viên đã có trước đây được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các thông tư mới (khoản 3 Điều 10 Thông tư 01; khoản 5 Điều 10 Thông tư 02,03; khoản 3 Điều 9 Thông tư 04).
Hiện, Bộ GD-ĐT đang triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện các thông tư này và sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về trường hợp như trên để bảo đảm quyền lợi của giáo viên theo quy định.
Câu hỏi 24: "Những giáo viên trung học cao cấp (mã số 15.112) tương đương với giáo viên THPT hạng II mới, chỉ khác họ chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II thì khi bổ nhiệm sang hạng II mới có cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II hay không?"
Trả lời:
Đến thời điểm hiện nay thì không còn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cao cấp (mã số ngạch 15.112), vì từ năm 2015 khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT thì các giáo viên ở chức danh này đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng II.
Nếu giáo viên THPT đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng II, các địa phương phải hướng dẫn và tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thiện các tiêu chuẩn của hạng, trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên (chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là yêu cầu chung của viên chức ở tất cả các ngành/lĩnh vực được quy định trong Luật Viên chức, không phải là quy định của riêng ngành giáo dục).
Trên đây là một số giải đáp các thắc mắc. Phần tư vấn có tính chất tham khảo. Tùy từng trường hợp sẽ có cách giải quyết khác nhau.
Trên đây là nội dung chi tiết của bài viết Giải đáp thắc mắc về xếp lương, lên hạng, chứng chỉ mới. Tất cả các tài liệu về Văn bản Giáo dục đào tạo được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên. Chi tiết nội dung của các Văn bản, Thông tư mời các bạn cùng theo dõi và tải về sử dụng.
Xem thêm các tài liệu Dành cho Giáo viên chi tiết:
- Bảng lương mới của giáo viên Tiểu học 2021
- Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dành cho giáo viên Tiểu học
- Giáo viên bao lâu thì được đăng ký dự thi/xét thăng hạng?
- Nhà giáo vẫn cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp?
- Bộ GD-ĐT trả lời việc bổ nhiệm và thăng hạng giáo viên
- Khi nào giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp?
- Hướng dẫn mới về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên Tiểu Học từ 20/3/2021
- Bảng lương giáo viên các cấp theo hạng chức danh nghề nghiệp mới từ 20/3/2021
- Cách xếp lương và bảng lương giáo viên Tiểu Học từ ngày 20/3/2021
- Thay đổi về lương và tiêu chuẩn xếp hạng giáo viên tiểu học từ 20/3/2021
- Tiêu chuẩn mới về trình độ của giáo viên các cấp từ 20/3/2021
- Từ 20/3/2021, giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn hưởng lương như thế nào?
- Chính thức: Giáo viên Tiểu Học đạt chuẩn có hệ số lương thấp nhất là 2,34
- Bảng lương giáo viên Mầm non và cách tính lương giáo viên 2021