Giải SBT Ngữ văn 7 Cánh diều bài 45
Giải SBT Ngữ văn 7 bài 45: Cây tre Việt Nam sách Cánh diều chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Ngữ văn 7.
Bài: Cây tre Việt Nam
Câu 1 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trong Bài 9, văn bản Cây tre Việt Nam cùng thể loại với văn bản nào?
A. Người ngồi đợi trước hiên nhà
B. Trưa tha hương
C. Tiếng chim trong thành phố
D. Trưa tha hương và Tiếng chim trong thành phố
Trả lời:
Chọn đáp án: B. Trưa tha hương.
Câu 2 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Dựa vào phần Kiến thức ngữ văn trong Bài 9 để trả lời câu hỏi: Điểm giống nhau giữa thể loại tùy bút và tản văn là gì?
A. Chi chép lại những cảm xúc của người viết về con người và sự việc cụ thể
B. Là bài văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật.
C. Là các thể loại của kí, đều là văn xuôi đậm chất trữ tình
D. Nêu lên các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội và bộc lộ ý nghĩ của người viết
Trả lời:
Chọn đáp án: C. Là các thể loại của kí, đều là văn xuôi đậm chất trữ tình
Câu 3 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Phương án nào nêu đúng nội dung chất trữ tình của tùy bút và tản văn?
A. Là sự thể hiện trực tiếp những suy nghĩ, tâm hồn, tình cảm, cảm xúc chủ quan của người viết trước con người và sự việc được nói tới.
B. Là việc kể lại trực tiếp câu chuyện về những sự việc và con người mà tác giả đã được chứng kiến, trải nghiệm trong cuộc sống.
C. Là việc giới thiệu, mô tả trực tiếp những cảnh vật thiên nhiên và con người mà người viết đã được chứng kiến, trải nghiệm trong cuộc sống.
D. Là việc nêu lên và bàn luận, nhận xét, đánh giá về những sự việc và con người mà người viết đã được chứng kiến, trải nghiệm trong cuộc sống.
Trả lời:
Chọn đáp án: A. Là sự thể hiện trực tiếp những suy nghĩ, tâm hồn, tình cảm, cảm xúc chủ quan của người viết trước con người và sự việc được nói tới.
Câu 4 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Nhận biết và chỉ ra tác dụng của một biện pháp tu từ nổi bật trong bài tùy bút Cây tre Việt Nam.
Trả lời:
- Biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng gần như toàn bài, nhất là đoạn: “Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động. Tre, anh dùng chiến đấu!”.
Tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa chủ yếu nhằm biểu đạt sự thân thiết, tre với người như một; tre là người và người như tre, cùng chung những hành động và phẩm chất cao đẹp như nhau.
Câu 5 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Dẫn ra một hoặc hai câu văn mà em cho là đã thể hiện rõ đặc điểm: Ngôn ngữ của tuỳ bút rất giàu hình ảnh và cảm xúc.
Trả lời:
Một hoặc hai câu văn đã thể hiện rõ đặc điểm: Ngôn ngữ của tuỳ bút rất giàu hình ảnh và cảm xúc là:
“Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nia, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi, … Đâu đâu ta cũng có nứa, tre làm bạn. Tre, nứa, trúc, mai, vầu, mấy chục loại khác nhau, nhưng cũng một mầm non măng mọc thẳng. Vào đâu, tre cũng sống. Ở đâu, tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, mầm tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre ấy trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.”.
Câu 6 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Hình ảnh cây tre trong bài tùy bút tiêu biểu cho những phẩm chất nào của con người Việt Nam? Nội dung của bài tùy bút có ý nghĩa sâu sắc như thế nào?
Trả lời:
Tác giả mượn hình ảnh “Cây tre Việt Nam” để nói lên những suy nghĩ, cảm xúc của mình về con người Việt Nam; ca ngợi những phẩm chất cao đẹp: anh dũng, cần cù, bền bỉ, thủy chung, sống có nghĩa, có tình, …
Như thế có thể thấy, nội dung của bài tùy bút có ý nghĩa rất sâu sắc; vì chỉ qua hình ảnh cây tre mà nói lên được chính xác và sinh động về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Câu 7 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Em hãy dẫn ra một số bằng chứng để thấy tre, nứa vẫn gắn bó thân thiết với đời sống con người Việt Nam.
Trả lời:
- Trong cuộc sống ngày nay tre, nứa vẫn gắn bó thân thiết với đời sống của nhân dân Việt Nam: Tre để làm ra những đồ thủ công mỹ nghệ, để làm những vị thuộc dân gian quý, tạo ra những sản phẩm điêu khắc đẹp,…
Câu 8 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Mùi tuổi thơ
Sáng sớm, đi bộ trên con đường nhỏ đầy hoa, mùi hương của tuổi thơ bất chợt ùa về. Tuổi thơ trong tôi là cùng lũ bạn gái với những mái tóc cũn cỡn đuôi hà hue vàng khét nắng, ngồi dưới gốc tre với nắm que chuyền và một trái bưởi non. Là bọn con trai với túi quần đầy những viên sỏi, viên bi ve và khẩu súng cao su đeo toòng teng trước ngực. Là những trưa hè trải nắm guột nằm dài dưới bóng mát của rặng bạch đàn, nghêu ngao những bài đồng dao dài vô tận. Khán giả trung thành là đàn bò thủng thẳng nghe mà chẳng biết tán dương.
Tuổi thơ của chúng tôi chỉ có những trái sim, trái ổi cùng tiếng sáo diều vi vu trong những ngày gió đẹp; những chiếc ống bơ than quay tít trong những buổi đông lạnh tê người; những cánh đồng hè sau mùa gặt còn trơ gốc rạ, mỗi đứa một cái giỏ buộc ngang hông và một chiếc rổ con, mặt mũi lem nhem bùn đất. Tuổi thơ ấy, là những đụn khói trên đồng và những củ khoai nhọ nhem, gầy guộc. Biết bao buổi trưa hè trốn mẹ ra đồng tát cá, thả diều; tối tối cùng nhau tụ tập chơi đùa cạnh đống rơm. Đêm hè nằm trên triền đê ngắm trăng, ngắm ông Thần Nông câu cá, …
Ngày ấy, nhắm mắt lại tôi cũng phân biệt được đâu là mùi lúa thì con gái, đâu là mùi lúa chín, đâu là mùi cánh đồng vừa mới gặt xong. Tôi có thể phân biệt được mùi rơm nếp, rơm tẻ, … Người ta thường yêu mùi lúa chín, nhưng tôi lại yêu mùi rơm thơm, yêu cái mùi ngai ngái của chúng trên cánh đồng khi đã được cày lật. Yêu rơm rạ, đơn giản vì trong tôi thường nhật một nỗi lo. Mùa lúa chín thơm, đẹp và đầy hi vọng, nhưng cũng thật chông chênh. Nhỡ chẳng may … mưa bão, lụt lội ấp tới. Mùi rơm thơm chính là mùi báo hiệu mùa vàng đã yên ổn, thóc lúa đã khô nỏ trong thùng của mỗi gia đình. Đó là mùi của sự ấm no.
Còn biết bao mùi hương của tuổi thơ vẫn tỏa ngát trong tâm trí tôi. Mùi vị chát xít ở đầu lưỡi khi vặt trộm quả khế non chưa rụng cánh tai; mùi thơm nồng của trái thị khi mẹ đi chợ về; … Khứu giác nhạy bén đến nỗi, đứng ở vườn là tôi có thể biết cây ổi nào có trái chín, không cần nhìn cũng biết được đâu là trái ổi đào, đâu là trái ổi mỡ, …
Rồi mùi tanh của ao làng khi tháo cạn. Bọn trẻ chúng tôi được một bữa thoải mái vầy bùn mà không phải sợ bố mẹ cho ăn roi, thích thú reo hò khi vớ được con cua, con cá.
Với tôi, mùi tuổi thơ cũng có mùa riêng của nó. Mùa xuân bắt đầu bằng mùi hương thơm của nồi lá mùi già chiều ba mươi Tết. Rồi đến mùi pháo Giao thừa. Mùi hồ trên những bộ quần áo mới tinh. Khi mùi hoa chanh, hoa bưởi tàn, cũng là lúc vội vã chia tay với mùa xuân để đón chờ mùa hạ.
Những ngày hè của tuổi thơ là cả một thiên đường. Người ta thường nói về mùa hè bằng tiếng ve và những chùm phượng vũ. Nhưng với tôi, mùa hè luôn bắt đầu bằng mùi khét trên túm tóc đuôi gà, mùi của những trái mít chín, mùi chua giòn của những trái sấu non, mùi thanh ngọt của trái sấu chín khi chúng tôi chui lủi vụng trộm trong những vườn cây. Nhưng hấp dẫn nhất, có lẽ là mùi của món cào cào, muồm muỗm béo ngậy nướng vội trong đùm rạ. Mùi mùa hè còn in đậm trên con sông quê ngai ngái bùn và phù sa …
Hương thu nhẹ nhàng đến khi đầm sen nở rộ. Mùi thơm thị vàng treo lủng lẳng trong chiếc rọ len, những trái hồng, trái bưởi, rồi mùi bánh nướng, bánh dẻo trong tết Trung thu, … Đó là những mùi tuổi thơ thật ngọt ngào. Đáng tiếc là, mùa thu thường là mùa ngắn ngủi nhất trong năm. Chẳng mấy chốc mà lại thấy mùi khoai nướng báo hiệu đông về! Trên đồng khô, lũ trẻ chúng tôi sẽ reo vui ầm lên khi bất chợt bắt gặp một mầm khoai trồi lên. Có khi chẳng kịp nướng, chỉ chùi vội lớp vỏ vào búi cỏ may, thế là no bụng … Rồi từng đợt gió bấc như rét lạnh khi những tấm mía được vùi thơm nức giữa đống lửa gom từ những đụm rạ còn sót trên đồng.
Những ai đã từng gắn bó với đồng quê, hẳn sẽ không bao giờ quên được những mùi vị ấy của tuổi thơ. Những mùi hương dân đã dưỡng nuôi chúng tôi lớn lên, mộc mạc, bình dị như mảnh đất quê hương.
(Võ Hằng, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, số 17, ra ngày 10-09-2021)
a. Nhan đề bài viết có gì đặc sắc? Em hiểu nghĩa của nhan đề Mùi tuổi thơ là gì?
b. Nội dung chính của văn bản là gì?
c. Chỉ ra các biểu hiện của thể tùy bút trong văn bản Mùi tuổi thơ.
d. Viết một đoạn văn để làm rõ câu chủ đề: Em cũng có mùi tuổi thơ.
Trả lời:
a. Nhan đề “Mùi tuổi thơ” là một cụm danh từ, sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. “Mùi” là hơi tỏa ra được nhận biết bằng mũi, “tuổi thơ” là lứa tuổi còn nhỏ, còn nôn dại. Nhan đề “Mùi tuổi thơ” đã làm nổi bật chủ đề của tác phẩm, nói về những kỉ niệm ngày thơ ấu của tác giả.
b. Nội dung chính: tác giả kể về, nhớ lại những kỉ niệm tuổi thơ của tác giả thông qua “mùi tuổi thơ”.
c. Những biểu hiện của thể tùy bút trong văn bản Mùi tuổi thơ là: Văn bản là bài ghi chép một cách tự do những suy nghĩ, cảm xúc cá nhân của tác giả về thời thơ ấu của chính mình. Ngôn ngữ trong văn bản giàu chất thơ, được thể hiện qua một số hình ảnh so sánh như: Những ngày hè của tuổi thơ là cả một thiên đường; Tuổi thơ trong tôi là cùng lũ bạn gái với những mái tóc cũn cỡn đuôi hà hue vàng khét nắng, ngồi dưới gốc tre với nắm que chuyền và một trái bưởi non. Là bọn con trai với túi quần đầy những viên sỏi, viên bi ve và khẩu súng cao su đeo toòng teng trước ngực. Là những trưa hè trải nắm guột nằm dài dưới bóng mát của rặng bạch đàn, nghêu ngao những bài đồng dao dài vô tận. Khán giả trung thành là đàn bò thủng thẳng nghe mà chẳng biết tán dương;… Từ ngữ giàu nhạc điệu.
d. Em cũng có mùi tuổi thơ. Tuổi thơ của em được nuôi dưỡng bằng những lời ru của bà của mẹ. Lời ra đưa em vào giấc ngủ, hơn thế lời ru ấy còn chắp cánh ước mơ cho em bay cao, bay xa. Tuổi thơ của em còn là những buổi trưa hè trốn đi chơi với những đứa bạn cùng làng. Những đứa trẻ con tìm những bãi đất trống thả diều, chơi ô ăn quan,… Rồi mùi tuổi thơ ấy là những lần được nếm trải trận đòn roi của mẹ bỏi sự ngây dại của trẻ thơ… Tuy giờ đã lớn khôn, nhưng những kỉ kiệm tuổi thơ ấy vẫn luôn in hằn sâu trong tâm trí của em và chẳng thể nào quên được.
>>>> Bài tiếp theo: Giải SBT Ngữ văn 7 Cánh diều bài 46
Trên đây là toàn bộ lời giải Giải SBT Ngữ văn lớp 7 bài 45: Cây tre Việt Nam sách Cánh diều. Các em học sinh tham khảo thêm Ngữ văn 7 Kết nối tri thức và Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.